.
Chào mừng Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình lần thứ X, nhiệm kỳ 2018-2023:

Phát huy vai trò nòng cốt của nông dân, góp phần xây dựng Quảng Bình phát triển nhanh, bền vững

.
09:39, Thứ Năm, 20/09/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - L.T.S: Nhân dịp Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2013-2018, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Lê Công Toán, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Đăng Quang kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp tại huyện Lệ Thuỷ.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Đăng Quang kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp tại huyện Lệ Thuỷ.

P/V: Thưa đồng chí, thời gian qua, nông nghiệp, nông dân và nông thôn Quảng Bình đã có nhiều khởi sắc quan trọng. Đồng chí có thể khái quát những thành tựu nổi bật của nông dân tỉnh ta trong nhiệm kỳ qua?

Đ/c Lê Công Toán: Năm năm qua, trong bối cảnh tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng các cấp hội, hội viên (HV) nông dân trong tỉnh đã đoàn kết, tích cực, chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, triển khai hiệu quả hoạt động hội, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2013-2018.

Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng, củng cố tổ chức hội, phát triển và nâng cao chất lượng hội viên được chú trọng. Trong 5 năm, hội đã phát triển mới 30.548 hội viên, nâng số hội viên toàn tỉnh đạt 168.925 người, chiếm 55,8% so với lao động nông thôn trong độ tuổi, tăng 5,6% so với đầu nhiệm kỳ; có 23.728 hội viên là đảng viên, tăng 4% so với đầu nhiệm kỳ.

Phương thức hoạt động hội có nhiều đổi mới, phát huy được vai trò trung tâm, nòng cốt trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân Quảng Bình ngày càng vững mạnh.

Một trong những thành tựu nổi bật là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Hàng năm, có trên 125.000 hộ đăng ký thi đua đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG) các cấp, chiếm trên 87% so với số hộ có HV.

Đến nay, toàn tỉnh có trên 71.100 hộ đạt danh hiệu Nông dân SXKDG các cấp, tăng 34% so với nhiệm kỳ trước, có hàng ngàn hộ thu nhập từ 500 triệu đến hàng tỷ đồng/năm. Các cấp hội đã trực tiếp giúp đỡ 4.186 hộ, phối hợp giúp đỡ 15.483 hộ thoát nghèo, tăng 7,6% so với nhiệm kỳ 2008-2013; số tiền giúp đỡ 17.459 triệu đồng, số ngày công giúp đỡ 57.153 công. Những đóng góp của đội ngũ nông dân SXKDG đã tạo bước đột phá về cơ cấu nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Các hoạt động dịch vụ, tư vấn và hỗ trợ nông dân cũng được các cấp hội chú trọng, đẩy mạnh thực hiện. Đến nay, tổng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh có gần 38 tỷ đồng, tăng 14,6 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ, cho trên 3.200 lượt hộ vay, đầu tư 385 mô hình sản xuất, kinh doanh.

Hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng 917 tổ tiết kiệm cho gần 33.000 lượt hộ vay với dư nợ 1.155 tỷ đồng; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Liên Việt xây dựng 256 tổ vay vốn cho hơn 14.000 lượt hộ vay, dư nợ trên 1.300 tỷ đồng.  

Các cấp hội đã vận động HV, nông dân tham gia liên kết trong sản xuất, xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã để hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Đến nay, toàn tỉnh có 263 hợp tác xã, 798 tổ hợp tác, 722 trang trại đạt tiêu chí. Kinh tế hợp tác phát triển góp phần rất lớn vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông thôn.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), trong nhiệm kỳ, các cấp hội đã vận động nông dân đóng góp 116,6 tỷ đồng, hiến 724.395 m2 đất, 13.862m hàng rào, 235.580 cây xanh, 64.505 ngày công, tổng trị giá ước tính hơn 53,4 tỷ đồng, góp phần hoàn thành kế hoạch XDNTM của tỉnh, đưa số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong tỉnh lên 53 xã. HV nông dân các cấp cũng đồng thời làm tốt công tác giữ vững chính trị, bảo đảm quốc phòng-an ninh, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Trong nhiệm kỳ, công tác dạy nghề được quan tâm đẩy mạnh. Các cấp hội phối hợp tổ chức 350 lớp dạy nghề cho 10.563 lượt lao động; phối hợp tư vấn, giới thiệu việc làm cho hàng chục ngàn lao động, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người dân.

Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh đã tổ chức 53 lớp dạy nghề và cấp chứng chỉ cho 1.671 lao động; giới thiệu 326 lao động làm việc trong và ngoài nước, tư vấn việc làm cho 2.033 lượt người. HV nông dân đã phát huy vốn kiến thức, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, mang lại thu nhập cao.

P/v: Thưa đồng chí, bên cạnh những thành tựu nêu trên, nhiệm kỳ qua, hoạt động hội và phong trào nông dân còn những tồn tại, hạn chế gì cần khắc phục trong nhiệm kỳ mới?

Đ/c Lê Công Toán:  Một số hạn chế có thể kể đến là công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng của một số cơ sở hội chưa thực sự đổi mới; việc nắm tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị, đề xuất chính đáng của hội viên, nông dân ở một số nơi thiếu kịp thời.

Công tác phát triển hội viên ở vùng đồng bào có đạo, vùng dân tộc thiểu số, bãi ngang ven biển còn khó khăn. Một số cơ sở hội chưa chủ động phát hiện điển hình, mô hình để động viên, nhân rộng. Phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc của ban chấp hành, ban thường vụ, thường trực và cán bộ hội các cấp ở một số địa phương chưa thực sự chủ động, sáng tạo.

Bên cạnh đó, phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ở một số nơi chưa được triển khai mạnh mẽ. Việc tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa mạnh. Vai trò của tổ chức hội, sự tham gia của HV nông dân trong phong trào nông dân XDNTM ở một số địa bàn còn thiếu tích cực.

Công tác giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng nguồn vốn, dịch vụ kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu cho HV, nông dân. Đời sống nông dân một số nơi còn khó khăn, một bộ phận HV, nông dân còn trông chờ, ỷ lại. Hoạt động kinh tế tập thể chuyển biến còn chậm, tính hợp tác, liên kết giữa các hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã còn thiếu chặt chẽ. Nông dân một số nơi vẫn chưa tuân thủ quy trình sản xuất nông sản sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm...

P/v: Từ những hạn chế nêu trên, đã có những bài học kinh nghiệm gì được rút ra để nâng cao chất lượng hoạt động hội và phong trào nông dân trong nhiệm kỳ mới, thưa đồng chí?

Đ/c Lê Công Toán:  Từ thực tiễn hoạt động công tác hội, phong trào nông dân nhiệm kỳ qua, một số bài học được rút ra là: Luôn quán triệt sâu sắc và nắm vững chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của hội.

Sáng tạo, chủ động trong xây dựng các chương trình hành động để đưa đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của hội thực sự đi vào đời sống của HV, nông dân là điều kiện, nhân tố quyết định cho sự thành công của hoạt động hội và phong trào nông dân.

Hội tích cực tham mưu, tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp chính quyền, tăng cường phối hợp với các ban, ngành, các tổ chức để tạo cơ chế, chính sách và nguồn lực cho HV, nông dân, từ đó vận động, hỗ trợ HV phát triển sản xuất.

Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của tập thể ban chấp hành, ban thường vụ hội các cấp, xây dựng hội vững mạnh, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ hội các cấp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bám sát cơ sở để vận động, hướng dẫn, tổ chức hoạt động hội.

Hội cũng sẽ thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào nông dân thi đua yêu nước; phát huy dân chủ, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của HV, nông dân; phát huy tối đa tiềm năng, trí tuệ, năng lực sáng tạo, tinh thần lao động, ý thức vươn lên của HV, nông dân trong phát triển kinh tế và tham gia xây dựng hội, xây dựng Đảng, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh.

P/v:  Cùng với những bài học kinh nghiệm đã được rút ra, Hội Nông dân các cấp và HV, nông dân trong tỉnh cần phải làm gì để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, thưa đồng chí?

Đ/c Lê Công Toán: Phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với chế biến và thị trường, tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là xu thế phát triển mới. Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp ngày càng quan tâm, coi trọng vai trò nòng cốt của tổ chức hội. Đối với HV, nông dân, trong nhiệm kỳ mới sẽ tiếp tục nâng cao vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, XDNTM.

Cùng với việc phát huy tinh thần “Dân chủ-Đoàn kết-Đổi mới-Phát triển”, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hội các cấp và chất lượng hội viên, xây dựng tổ chức hội vững mạnh; tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước của nông dân gắn với thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và đột phá của hội.

Hội tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, quyết định, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, Ban Bí thư về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; trực tiếp và phối hợp thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội ở nông thôn; tăng cường tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh, góp phần đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững.

P/V: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp!

Ngọc Mai (thực hiện)

 

,