.

Khi giảm nghèo gắn với bảo vệ môi trường

.
10:55, Thứ Tư, 11/04/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện, mô hình “Khu dân cư (KDC) thực hiện hài hoà xoá đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường” ở thôn Văn La, xã Lương Ninh (Quảng Ninh) đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Diện mạo của địa phương cũng nhờ đó đổi thay từng ngày.

Thôn Văn La, xã Lương Ninh hiện có 535 hộ với khoảng 2.000 nhân khẩu. Trước đây, bên cạnh việc đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, thực trạng môi trường của Văn La cũng tồn tại không ít bất cập. Khái niệm bảo vệ môi trường của người dân còn rất xa vời, thể hiện qua việc họ “vô tư” vứt bừa bãi các loại rác thải, xác súc vật chết… Chính điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn.

Xuất phát từ thực tế đó, năm 2012, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh quyết định chọn Văn La làm điểm để xây dựng mô hình “KDC thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường”. Đến nay, nhờ hiệu quả từ mô hình, diện mạo KDC đã thực sự thay da đổi thịt từng ngày. Văn La hôm nay như được khoác áo mới với hơn 90% hệ thống đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa hoàn toàn. Phong trào xóa nhà tranh tre dột nát đã biến “ngói hóa”  vùng đất này và những ngôi nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động ý thức bảo vệ môi trường của người dân thôn Văn La ngày càng được nâng lên rõ rệt.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động ý thức bảo vệ môi trường của người dân thôn Văn La ngày càng được nâng lên rõ rệt.

Để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, cùng với chính quyền địa phương, Ban công tác Mặt trận thôn tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, các đoàn thể mở lớp tập huấn về kiến thức trồng trọt, chăn nuôi; vận động bà con phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn; chia sẻ kinh nghiệm, vốn để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi…

Đặc biệt, trong sản xuất nông nghiệp, bên cạnh việc đẩy mạnh xây dựng, mở rộng các trang trại chăn nuôi tổng hợp, các cán bộ Mặt trận còn tích cực vận động bà con tận dụng đất đai sẵn có trồng các loại rau màu đưa lại hiệu quả kinh tế đáng kể. Việc áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ… đã biến Văn La thành “phố trong làng”. Hiện tại, toàn thôn chỉ còn 23 hộ nghèo; mức thu nhập bình quân đạt 37 triệu đồng/người/năm.

Không chỉ vậy, vấn đề môi trường của Văn La còn được cải thiện đáng kể. Những con đường rợp bóng cây xanh, những đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, thoáng mát, vườn tược chỉnh trang… Ý thức được việc bảo vệ môi trường là cần thiết, hữu ích nên mỗi người dân Văn La đều ra sức thực hiện.

Ngay khi bắt tay vào thực hiện, dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo sát sao của Mặt trận cấp trên, Ban công tác Mặt trận thôn thường xuyên đến các gia đình tuyên truyền, vận động bà con nhân dân thực hiện tốt việc phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt, xử lý chất thải, nước thải trong sinh hoạt chăn nuôi cũng như khắc phục các thói quen sinh hoạt, sản xuất và tiêu dùng ảnh hưởng đến môi trường; lồng ghép nội dung xây dựng khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường trong các buổi họp dân, sinh hoạt của các chi hội, đoàn thể nhằm vận động người dân, hội viên tích cực thực hiện.

Nhờ đó đến nay, 100% các hộ gia đình trong thôn đều tự nguyện ký cam kết bảo vệ môi trường; người dân bỏ được những tập quán sinh hoạt mất vệ sinh, nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường. Mỗi gia đình đều có ý thức xây dựng khuôn viên gia đình sạch sẽ, khu chuồng trại chăn nuôi được vệ sinh thường xuyên.

Trong chăn nuôi, để giảm thiểu mức độ gây ô nhiễm môi trường do chất thải gây ra, Ban công tác Mặt trận thôn đã tích cực vận động các hộ chăn nuôi quy mô lớn chuyển ra khu quy hoạch tập trung của địa phương với khoảng 0,5 ha/hộ. Hiện tại, toàn thôn đã có 6 hộ thực hiện, góp phần giải quyết hiệu quả bài toán bảo vệ môi trường do chăn nuôi trong khu dân cư.

Chị Nguyễn Thị Tình, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Văn La chia sẻ: “Ngay từ khi bắt đầu triển khai đến bây giờ, mô hình này đã được thực hiện một cách nghiêm túc, được đầu tư nhiều công sức, mất nhiều thời gian và tâm huyết của cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn, bởi vậy mới đạt được thành quả như ngày hôm nay. Để thay đổi được nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường là điều rất khó, đòi hỏi phải kiên trì, quyết liệt mới mong đạt được kết quả. Bây giờ mọi việc đã đi vào nền nếp nên việc duy trì mọi hoạt động cũng dễ dàng hơn.

Có thể nói, mô hình khu dân cư hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường đã đem lại hiệu quả thiết thực trong đời sống cộng đồng dân cư, góp phần phát huy tinh thần dân chủ, đoàn kết, tự giám sát lẫn nhau trong việc bảo vệ môi trường, tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực, có sức lan tỏa trên địa bàn khu dân cư nói riêng và toàn xã, toàn huyện nói chung”.

Đ.V


                                                                                     
                                                         


 

,