.

Tìm hiểu nội dung các văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng (tiếp theo)

Thứ Ba, 19/07/2016, 14:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Hỏi: Nhiệm vụ chính trong quản lý tài nguyên của nước ta trong 5 năm 2016-2020?

- Trả lời:

- Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

- Đẩy mạnh điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, giá trị kinh tế, thực trạng và xu hướng diễn biến của các nguồn tài nguyên quốc gia. Hạn chế tối đa và tiến tới chấm dứt xuất khẩu khoáng sản thô và chỉ qua chế biến sơ, thúc đẩy chế biến sâu.

- Đổi mới công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai; thúc đẩy sử dụng đất tiết kiệm, hợp lý và có hiệu quả; kết hợp bảo vệ diện tích, độ phì nhiêu của đất canh tác nông nghiệp.

- Quy hoạch khai thác, bảo vệ nguồn nước, tăng cường quản lý nguồn nước theo lưu vực sông; chủ động hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế trong việc bảo vệ nguồn nước xuyên quốc gia.

- Thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới thay thế.

- Hỏi: Nhiệm vụ bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu của nước ta trong 5 năm 2016-2020?

- Trả lời:

Về bảo vệ môi trường:

- Hoàn thiện hệ thống pháp luật, ban hành các chế tài đủ mạnh để bảo vệ môi trường, tăng cường phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý theo pháp luật nhằm chấm dứt tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Ngăn chặn và từng bước khắc phục sự xuống cấp của môi trường tự nhiên.

- Hạn chế, tiến tới khắc phục căn bản tình trạng ô nhiễm môi trường, không để phát sinh thêm những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

- Đẩy mạnh xã hội hóa cùng với việc bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước đầu tư cho các công trình trọng điểm phục hồi môi trường dân sinh.

Về phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu:

- Chủ động xây dựng, triển khai và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai cho từng giai đoạn.

- Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và ứng phó với thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu và tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ.

- Đầu tư thích đáng và sử dụng có hiệu quả sự giúp đỡ quốc tế cho các công trình trọng điểm quốc gia, các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm chủ động phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn... Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm mức phát thải khí nhà kính.

Theo Tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương

(Còn nữa)