.

Chuyện một người gần 30 năm sưu tầm tư liệu về Bác Hồ

Thứ Năm, 12/11/2015, 08:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Đến thôn Tân An, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch, khi hỏi đến ông Nguyễn Đình Phong cả làng ai cũng biết, bởi gần 30 năm nay, ông đã cần mẫn sưu tầm tranh, ảnh, tư liệu quý giá về Bác Hồ. Để có được gia tài vô giá là hàng trăm cuốn sách và hơn 1.000 tấm ảnh về Bác trong nhiều thời điểm khác nhau, ông đã dành thời gian gần nửa tuổi đời của mình để cất công tìm kiếm.

Từ một tấm lòng kính yêu Bác Hồ vô hạn...

Trong con ngõ nhỏ của thôn Tân An, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch, ông Nguyễn Đình Phong (72 tuổi) đã dành nguyên căn phòng trang trọng trong ngôi nhà nhỏ bé của mình đang ở để trưng bày, giới thiệu các tài liệu, ảnh, hiện vật về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ông đã dày công sưu tầm, lưu giữ suốt gần 30 năm qua.

Trở về quê hương sau thời gian phục vụ tại Ban Cơ giới 67-N31, Binh trạm 12,  Đoàn 559-Đường Trường Sơn trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Nguyễn Đình Phong luôn nhận thức sâu sắc việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, từ đó, nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu, tham gia tích cực vào các phong trào ở địa phương.

Đặc biệt, với tấm lòng thành kính đối với Bác Hồ, ông đã dành nhiều thời gian để sưu tầm các bài viết, tư liệu, tranh ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ, con cháu mai sau.

Khi được hỏi về lý do sưu tầm tư liệu về Bác Hồ, ông xúc động kể: “Năm 1967, khi tham gia Đoàn 559-Đường Trường Sơn, tôi thường nghe radio kể chuyện và được xem nhiều bức ảnh về hoạt động của Bác Hồ, nhất là những hình ảnh Bác Hồ xắn quần tát nước, cày ruộng cùng bà con nông dân... Hình ảnh của Bác thật giản dị, gần gũi, đã để lại trong tôi một ấn tượng khó phai và lòng kính yêu vô bờ. Từ đó, tôi nung nấu trong lòng một công việc là sưu tầm tất cả những tài liệu về Bác Hồ kính yêu”.

...đến hành trình đi tìm tài liệu, tranh ảnh về Người

Việc sưu tầm tư liệu về Bác Hồ được ông Nguyễn Đình Phong tiến hành từ năm 1987. Trong những năm cuối thập niên 1980, tình trạng thiếu đói diễn ra khắp nơi, mọi người ai nấy đều lo tìm kiếm cái ăn, cái mặc cho gia đình chứ nói gì đến chuyện nghiên cứu tài liệu, sách báo. Nhà sách trên địa bàn huyện Quảng Trạch chỉ được một vài chỗ và đầu sách thì rất ít nên không dễ để kiếm tìm tài liệu về Bác Hồ.

Ông Nguyễn Đình Phong trưng bày các tư liệu về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Đình Phong trưng bày các tư liệu về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nói như thế để thấy được hành trình đi sưu tầm tư liệu về Bác Hồ của ông Nguyễn Đình Phong gần 30 năm qua không đơn giản chút nào. Chỉ những ai có cái tâm, kiên trì và lòng thành kính đối với Bác Hồ mới làm được.

Ban đầu, ông chỉ lưu giữ những tư liệu, hình ảnh về Bác như một “kỷ niệm” cho con cháu sau này. Đến khoảng năm 1992, ông mới bắt đầu việc sưu tầm một cách có hệ thống và khoa học. Những tư liệu, hình ảnh được ông sắp xếp lại, ép platic và đóng thành từng tập, với từng chủ đề, thời kỳ rõ ràng. Khi cần tài liệu nào ông chỉ cần mở bảng mục lục ra tra cứu là thấy ngay.

Hiện nay “bộ sưu tập” của ông Nguyễn Đình Phong đã có hơn 100 quyển sách viết về Bác, trong đó có những tư liệu quý như: những bài báo và bút danh Bác đã sử dụng qua các thời kỳ, nhất là giai đoạn Bác Hồ hoạt động ở Quảng Châu (Trung Quốc) và hơn 1.000 bức ảnh về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Bác Hồ.

Đó là những hình ảnh lúc Bác học ở Huế (1906-1909); khi Bác ra đi tìm đường cứu nước (1911); những hoạt động của Bác ở nước ngoài (1911-1940); Bác Hồ với bộ đội; Bác Hồ với các cháu thiếu nhi... Ngoài ra, ông còn sưu tầm chân dung các vị lãnh tụ của Đảng qua các thời kỳ, đặc biệt, bộ sưu tập của ông còn có bức ảnh về bản đồ cổ phương Tây khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ông Nguyễn Đình Phong tâm sự: Ở miền quê xa xôi này, tìm sách báo rất khó. Nói thật là phải kiên nhẫn lắm mới có được. Mỗi lần đi công tác hay thăm con cháu, tôi đều mua sách và tìm kiếm tranh ảnh. Khi thì đạp xe ra huyện, tìm đến ngành văn hóa thông tin, thư viện, các trường học, đến trụ sở xã, bưu điện... nơi nào có sách, báo, tôi thường đến để xin báo cũ, trong quá trình đọc nếu có tư liệu về Bác Hồ tôi đều cắt ra và ép lại từng tấm một. Hễ thấy ở đâu có ảnh, có tài liệu về Bác Hồ là tôi tìm đến, xin cho bằng được...

Một sự trùng hợp không hề hẹn trước, khi chúng tôi về xã Quảng Thanh cũng là lúc ông Nguyễn Đình Phong tổ chức trưng bày các tư liệu mà ông đã sưu tầm được về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh để giới thiệu cho các em học sinh địa phương đến xem và tìm hiểu, qua đó, giáo dục con em về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, biết trân trọng lịch sử và không ngừng trau dồi, rèn luyện phẩm chất theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Chính vì thế, mỗi khi có cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, các em học sinh của xã lại chạy đến ông Phong để mượn tài liệu hoặc nhờ ông giải thích về các sự kiện lịch sử và vô tình ông trở thành "giáo viên" dạy lịch sử cho các cháu trong làng.

"Còn sống là còn sưu tầm tư liệu về Bác Hồ"

Chuyện về ông Nguyễn Đình Phong bỏ ra gần 30 năm sưu tầm tài liệu, hình ảnh về Bác Hồ đã là một kỳ công. Nhưng việc bảo quản, giữ gìn kho tài liệu vô giá ấy lại càng đáng nể hơn. Trong căn nhà nhỏ 3 gian từ những năm tháng chiến tranh để lại, ông đã dành riêng 1 gian như một thư viện thu nhỏ để làm nơi trưng bày, lưu giữ những tư liệu quý giá về Bác Hồ.

Căn nhà nhỏ của ông nằm cạnh bờ sông Gianh, đến mùa mưa lũ, gió ùa về, nước lũ dâng cao, điều ông nghĩ đến đầu tiên là làm sao để bảo quản được kho tài liệu vô giá mà ông đã dày công tìm kiếm. Vì thế, cứ đến mùa mưa lũ, ông lại nhờ con cháu chuyển hết tài liệu sang gửi ở nhà hàng xóm, hết mùa mưa lũ lại chuyển về căn phòng nhỏ để bảo đảm lưu mãi về sau. “Nếu có được một căn phòng rộng lớn và kiên cố làm nơi trưng bày và lưu giữ tài liệu về Bác Hồ thì sẽ hạnh phúc biết bao”-ông trăn trở.

Sau thời gian phục vụ tại Đoàn 559-Đường Trường sơn đến lúc bị thương cho đến nay, mặc dù chưa được hưởng một chính sách hỗ trợ nào của Nhà nước nhưng ông vẫn luôn vui vẻ, không hề than phiền. Hiện nay, tuy đã ngoài tuổi “thất thập”, ông Nguyễn Đình Phong vẫn miệt mài với công việc sưu tầm tư liệu về Bác Hồ. Với những gì đã làm, đang làm và sẽ làm, ông Nguyễn Đình Phong xứng đáng là tấm gương mẫu mực, tiêu biểu trong phong trào “tuổi cao, gương sáng”.

Chia tay, ông nói với chúng tôi: "Còn sống thêm ngày nào là tôi còn sưu tầm thêm tư liệu về Bác Hồ ngày đó".

Hoàng Thanh Hiến