.

Nông dân Quảng Bình thi đua yêu nước

Thứ Hai, 12/10/2015, 10:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, nông dân tỉnh ta đã đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Chất lượng của phong trào ngày càng được nâng cao, đã xuất hiện nhiều mô hình tiên tiến, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của địa phương, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân từng bước được nâng lên.

>> Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới

Hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, Hội Nông dân tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp Hội tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng. Đồng thời, xây dựng các tiêu chí, chỉ tiêu thi đua và tổ chức cho các huyện, thị, thành hội ký kết, cam kết thi đua hàng năm và tổ chức sơ kết, tổng kết phong trào nhằm biểu dương, khen thưởng và nhân rộng những điển hình tiên tiến kịp thời.

Qua 5 năm, phong trào đã làm cho các tổ chức Hội Nông dân các cấp ngày càng lớn mạnh, số lượng hội viên tăng lên hàng năm, chất lượng các phong trào ngày càng hiệu quả. Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" tiếp tục phát triển mạnh cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Bình quân hàng năm có 80-90 nghìn hộ nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Đến nay, toàn tỉnh có 60.771 hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi 4 cấp, chiếm 37,5% so với tổng số hội viên, tăng 12,6% so với giai đoạn 2005-2010.

Trong đó, cấp Trung ương là 184 hộ, cấp tỉnh là 1.375 hộ, cấp huyện và cơ sở là 35.287 hộ. Phong trào đã góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế đúng hướng, thực hiện vượt mức các chỉ tiêu về sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nông dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Trong phong trào thi đua đã nổi lên nhiều điển hình như hộ anh Võ Đại Nghĩa ở Hải Ninh (Quảng Ninh) với mô hình trang trại tổng hợp nuôi trồng thủy hải sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm với doanh thu hàng năm đạt 35-40 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 120 lao động; ngoài ra các trang trại chăn nuôi tổng hợp của anh Đinh Đăng Tuân, Nguyễn Xuân Hải (Lệ Thủy), Phạm Văn Tam, Trần Văn Hồng (Quảng Ninh), Đặng Ngọc Anh, Nguyễn Bình San (Đồng Hới), Võ Thanh Nhuận, Nguyễn Ngọc Hiền (Bố Trạch), Hà Văn Thú (Tuyên Hóa) cũng cho thu nhập cao và giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Về trồng rừng kết hợp chăn nuôi có hộ của chị Nguyễn Thị Gái (Lệ Thủy), Hồ Thu (Quảng Ninh), Lê Phú Đức (Quảng Trạch), Cao Xuân Vinh (Minh Hóa)...

Những kết quả đạt được của phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã góp phần giải quyết việc làm cho 3,2 vạn người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của tỉnh từ 3,5 - 4%; đưa giá trị sản xuất nông, lâm ngư nghiệp của tỉnh tăng bình quân 4,2%/năm.

Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới gắn với cuộc vận động “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã trở thành phong trào quần chúng sôi nổi và rộng khắp. Hiện nay, tổng số tiêu chí toàn tỉnh đạt được 1.523 tiêu chí, bình quân 11,2 tiêu chí xã, phấn đấu đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 28 xã đạt chuẩn NTM. Những kết đạt được có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, hội viên, nông dân. Trong đó, các cấp Hội đã phát huy vai trò tuyên truyền, vận động hội viên ủng hộ chủ trương của Đảng và Nhà nước, tự nguyện đóng góp công sức, tài sản để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.

Từ năm 2010 đến nay, bình quân mỗi năm hội viên nông dân đã đóng góp trên 395 tỷ đồng, hiến hàng trăm mét hàng rào, hàng nghìn mét vuông đất, hàng chục nghìn ngày công để tu sửa, nâng cấp trên 700 km đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, nhà văn hóa, trường học... Có 100% chi hội nông dân có công trình tự quản, công trình mang tên “Hội Nông dân”.

Trong phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng - an ninh, các cấp hội đã tích cực phối hợp với chính quyền, mặt trận, ban, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nhiệm vụ an ninh, quốc phòng trong tình hình mới; ý thức chấp hành pháp luậtcho hội viên, nông dân. Ký kết với Bộ đội Biên phòng thực hiện công tác vận động nông dân phát triển kinh tế-xã hội, “xây dựng điểm sáng biên giới”, xây dựng các tổ đoàn kết trên biển giúp nhau trong sản xuất, bảo vệ ngư trường, bảo vệ an ninh biển đảo quốc gia.

Từ năm 2010 đến nay, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức 3.968 buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho gần 290.000 lượt người, tăng 39,1 % so với giai đoạn 2005-2010. Toàn tỉnh có 669 tủ sách pháp luật ở chi hội, 1.014 câu lạc bộ nông dân. Hội viên, nông dân đã tích cực tham gia lực lượng dân quân tự vệ, xây dựng khu vực phòng thủ, cơ sở an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu...

Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục đa dạng hóa nhiều hình thức tuyên truyền. Trong đó tập trung vào trọng tâm là ba phong trào thi đua của hội gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và cuộc vận động "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới".

Đồng thời, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua theo hướng tập trung về cơ sở. Gắn các phong trào thi đua của Hội với việc củng cố, xây dựng tổ chức hội vững mạnh. Tăng cường bám sát cơ sở để chỉ đạo tổ chức thực hiện, bảo đảm đồng bộ từ việc phát động, bồi dưỡng, kiểm tra đến việc sơ kết, tổng kết, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Tạo điều kiện hơn nữa cho các cấp Hội Nông dân trực tiếp tham gia một số chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn ở địa phương.

P.V