.
Chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020:

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, quyết tâm đưa Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững

Thứ Hai, 19/10/2015, 17:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ quân và dân tỉnh nhà đã phát huy truyền thống quê hương "Hai giỏi", chủ động, sáng tạo, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đạt những thành tựu hết sức quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Kinh tế-xã hội phát triển, chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng-an ninh được tăng cường, trật tự an toàn được giữ vững; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, quản lý, điều hành của chính quyền và vai trò của Mặt trận, đoàn thể ngày càng được phát huy.

>> Xã luận: Đoàn kết, phấn đấu đưa Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững

>> Dấu ấn nhiệm kỳ Đại hội XV

>> Những ý kiến tâm huyết

Thành tựu nổi bật nhất đó là các chỉ tiêu định hướng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đề ra đã cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh bình quân 5 năm đạt 6,5%, đây là sự cố gắng lớn trong điều kiện có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai và suy thoái kinh tế toàn cầu. Quy mô, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế có bước cải thiện đáng kể.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; đến năm 2015, cơ cấu kinh tế: nông, lâm nghiệp và thủy sản 24,6%, công nghiệp, xây dựng 24,9% và dịch vụ 50,5% (kế hoạch 16,5%, 43%, 40,5%). Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 4,2%/năm. Sản lượng lương thực đạt bình quân 28 vạn tấn/năm. Kinh tế biển ngày càng phát triển. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc; số tiêu chí nông thôn mới bình quân/xã của toàn tỉnh đạt 11,2 tiêu chí; đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 28/136 xã đạt nông thôn mới.

Công nghiệp từng bước phát triển, giữ vai trò là ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh. Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn tăng bình quân 9,1%/năm. Các loại hình dịch vụ phát triển khá nhanh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng bình quân 15,6%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 1,4%/năm. Du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận đạt tiêu chí lần thứ hai về Di sản thiên nhiên thế giới.

Đã bước đầu hình thành “tam giác” du lịch: Phong Nha - Kẻ Bàng, Vũng Chùa - Đảo Yến và Nhật Lệ - Bảo Ninh. Công tác quy hoạch được chú trọng, tầm nhìn quy hoạch được nâng lên. Tỉnh đã tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch, thương mại, dịch vụ và một số vùng động lực, như: Khu kinh tế Hòn La, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, Khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng... Đã hoàn thành việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Quảng Trạch, thành lập thị xã Ba Đồn và nâng cấp thành phố Đồng Hới lên đô thị loại 2.

Hoạt động tài chính - tín dụng có nhiều tiến bộ, thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 10,5%/năm. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn thời kỳ 2011-2015 đạt 30.200 tỷ đồng, tăng 120% so với thời kỳ 2006-2010. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được chú trọng, môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục cải thiện đáng kể; tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư và ký thỏa thuận hợp tác đầu tư 352 dự án, với tổng mức đầu tư 107.000 tỷ đồng. Kinh tế tập thể ngày càng được củng cố; doanh nghiệp nhà nước được sắp xếp, cổ phần hóa theo kế hoạch; kinh tế trang trại, kinh tế tư nhân, hộ gia đình phát triển.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; giáo dục - đào tạo đã có những chuyển biến tích cực, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn hoàn thành phổ cập trung học cơ sở; 32% trường mầm non, 72% trường tiểu học, 45% trường trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Khoa học, công nghệ đã có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật được chú trọng. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. Nhiều hoạt động văn hóa có quy mô lớn được tổ chức khá tốt, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, con người Quảng Bình và thu hút khách du lịch. Đào tạo nghề, giải quyết việc làm và thực hiện chính sách xã hội được chăm lo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến cuối năm 2015 còn 5,17%.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được đẩy mạnh, tỷ lệ giải quyết đơn, thư đạt 95%. Công tác phòng, chống tham nhũng được coi trọng. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Mặt trận, đoàn thể các cấp đã phát huy ngày càng tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; các phong trào thi đua, cuộc vận động ngày càng đi vào thực chất; nội dung, phương thức hoạt động tiếp tục được đổi mới theo hướng tích cực, chủ động, sáng tạo, hướng về cơ sở.

Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; cải cách hành chính, cải cách tư pháp có nhiều tiến bộ; hoạt động đối ngoại ngày càng sâu rộng, có hiệu quả. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Việc tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết Trung ương, của tỉnh ngày càng có sự đổi mới về nội dung, phương pháp và cụ thể hoá việc thực hiện; tăng cường định hướng dư luận, góp phần củng cố sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả bước đầu quan trọng, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Công tác xây dựng tổ chức đảng ngày càng được chú trọng, công tác cán bộ có nhiều đổi mới. Hệ thống tổ chức đảng các cấp được sắp xếp phù hợp. Đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở được xây dựng đồng bộ và phát huy được hiệu quả trong công tác; tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ có trình độ chuyên môn, chuyên sâu tăng. Công tác điều động, luân chuyển cán bộ được quan tâm thực hiện. Tình hình chính trị nội bộ ổn định. Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát ngày càng được nâng cao.

Công tác nội chính, công tác dân vận của Đảng bộ được đẩy mạnh, nhất là công tác dân vận của các cơ quan nhà nước; vai trò của Mặt trận, đoàn thể và quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy. Phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc của các cấp ủy đảng tiếp tục được đổi mới, bảo đảm tính toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát cơ sở, tập trung giải quyết những việc khó, những mặt yếu, những vấn đề mới phức tạp nảy sinh. Tự phê bình và phê bình trong Đảng có nhiều đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng nói trên, nhưng tỉnh ta vẫn đang là một tỉnh nghèo, sự phát triển của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và yêu cầu phát triển của giai đoạn mới. Vẫn còn 3 chỉ tiêu định hướng chưa đạt kế hoạch Đại hội đề ra. Kinh tế tăng trưởng còn chậm, sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Nguồn lực huy động chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; kết cấu hạ tầng ở một số khu vực còn thiếu đồng bộ. Chưa có các dự án đầu tư lớn vào địa bàn tỉnh nhằm tạo động lực và đòn bẩy cho sự phát triển nhanh và bền vững.

Đời sống nhân dân một số vùng còn khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo và nguy cơ tái nghèo còn cao; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Một số hạn chế trên lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, y tế, văn hóa, xã hội chậm được khắc phục. Công tác quản lý tài nguyên, môi trường có mặt còn bất cập. Một số mặt của công tác xây dựng chính quyền, cải cách hành chính, cải cách tư pháp còn hạn chế. Kỷ cương pháp luật chưa nghiêm; tội phạm và tệ nạn xã hội còn phức tạp; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn có hiệu quả.

Trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định. Việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, nhất là việc ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa đạt được kết quả như mong muốn. Một số cấp uỷ đảng tổ chức học tập, quán triệt và triển khai nghị quyết của Đảng còn chậm, thiếu sáng tạo. Công tác tuyên truyền có nơi chưa được chú trọng, chất lượng có mặt chưa cao.

Một số cấp ủy đảng chưa nắm bắt kịp thời diễn biến tư tưởng và dư luận xã hội để có định hướng đúng. Chưa có biện pháp tích cực để khắc phục tư tưởng trông chờ, bảo thủ, thiếu năng động, sáng tạo, thiếu ý chí vươn lên thoát nghèo ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, nói chưa đi đôi với làm, chưa thực sự tiên phong, gương mẫu. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng chưa đáp ứng yêu cầu. Tính chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ ở một số nơi chưa cao, tự phê bình và phê bình còn yếu.

Bước vào thời kỳ mới, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, tỉnh ta phải đương đầu với không ít những khó khăn, thách thức đòi hỏi Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh phải phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, đổi mới, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, nỗ lực phấn đấu quyết liệt hơn nữa, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả 14 nhóm nhiệm vụ trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, 3 nhóm nhiệm vụ trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, đối ngoại, xây dựng chính quyền, cải cách hành chính, tư pháp, phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, 6 nhóm nhiệm vụ trên lĩnh vực công tác xây dựng Đảng và 5 nhóm giải pháp chủ yếu. Trong đó, trọng tâm là:

Thứ nhất, phải khai thác tốt những tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đồng thời, tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình, dự án để phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, công nghiệp, tăng tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp; nâng cao giá trị gia tăng, năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Chú trọng phát triển kinh tế biển và kinh tế hướng biển. Phát triển công nghiệp trở thành ngành trọng điểm mang tính động lực phát triển nền kinh tế, trong đó tập trung phát triển các ngành công nghiệp mà tỉnh có lợi thế. Xây dựng Khu kinh tế Hòn La thành khu kinh tế tổng hợp; phát triển du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước. Khai thác có hiệu quả các khu công nghiệp, khu du lịch, thương mại, các vùng chuyên canh cây công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi...

Thứ hai, phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Từng bước hình thành 4 trung tâm du lịch: Phong Nha - Kẻ Bàng, Nhật Lệ - Bảo Ninh, Vũng Chùa - Đảo Yến, nghỉ dưỡng Bang và du lịch văn hóa, tâm linh phía Nam của tỉnh. Xây dựng Quảng Bình trở thành điểm đến du lịch của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Thứ ba, quan tâm phát triển văn hóa - xã hội tương xứng với phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Làm tốt công tác chăm lo các đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế trong xã hội. Đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Thứ tư, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện tốt nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, tạo môi trường ổn định để phát triển. Kết hợp phát triển kinh tế với quốc phòng-an ninh. Chủ động dự báo tình hình, xử lý kịp thời các vụ việc nổi lên ngay tại cơ sở, không để bị động, bất ngờ.

Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Xây dựng tốt mối quan hệ hợp tác hữu nghị với tỉnh Khăm Muộn, SavanNakhet và các tỉnh của nước bạn Lào; mở rộng quan hệ hợp tác với các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan. Tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào Quảng Bình ở nước ngoài hướng về xây dựng quê hương.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, sinh hoạt của nhân dân. Phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân. Tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân; lấy đoàn kết trong Đảng là cơ sở, là hạt nhân để phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Tăng cường đoàn kết các dân tộc, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng dân tộc thiểu số. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào có đạo, bảo đảm cho các tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể; thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội; đại diện và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho đoàn viên, hội viên, nhân dân; tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước.

Thứ sáu, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tổ chức đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp. Làm tốt công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Đẩy mạnh công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

Tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ đối với hệ thống chính trị tỉnh, nhất là đối với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân. Xây dựng hệ thống chính trị hoạt động năng động, có hiệu lực và hiệu quả, vừa bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng bộ vừa phát huy mạnh mẽ vai trò, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Với bản lĩnh chính trị và truyền thống cách mạng kiên cường, Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh tăng cường đoàn kết, chung sức, chung lòng, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, quyết tâm xây dựng Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững. 

Lương Ngọc Bính
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh