Phấn đấu đưa huyện Quảng Ninh phát triển lên một tầm cao mới
(QBĐT) - Qua 5 năm triển khai thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ và nhân dân huyện Quảng Ninh đoàn kết thống nhất cao, chung sức chung lòng, cùng nhau phấn đấu đưa huyện nhà phát triển lên một tầm cao mới. Nhiều kết quả quan trọng trên lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh mà Đảng bộ và nhân dân huyện đạt được trong nhiệm kỳ thực sự là tiền đề vững chắc để Quảng Ninh phát triển nhanh và bền vững trong công cuộc CNH, HĐH quê hương, đất nước.
Xuyên suốt nhiệm kỳ qua, nền kinh tế huyện Quảng Ninh có bước phát triển mạnh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng CN, TTCN và dịch vụ. Huyện đã huy động được nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, nông nghiệp, nông thôn; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.
Trong nông nghiệp, diện tích các loại cây trồng không ngừng được mở rộng, trong đó cây lương thực đạt 9.400ha, tăng 1.070ha sau khi đưa hồ chứa nước Rào Đá vào sử dụng. Sản lượng lương thực bình quân hàng năm đạt 50.000 tấn (năm 2014 đạt 51.000 tấn), tăng 7.200 tấn so với năm 2010, bằng 103,4% mục tiêu đề ra. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, nên bước đầu đã hình thành vùng chuyên canh lúa, ngô, cây rau màu và cây thực phẩm.
Toàn huyện hiện có 3.565ha thu nhập từ 70 triệu đồng trở lên, trong đó 380ha cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Chăn nuôi trên địa bàn phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, trang trại, gia trại gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và an toàn dịch bệnh. Tổng đàn trâu, bò hiện có 10.000 con; đàn lợn trên 43.000 con; gia cầm 320.000 con. Chất lượng gia súc, gia cầm được nâng lên, tỷ lệ lợn ngoại chiếm 90%, đàn bò lai chiếm 61,3% tổng đàn, tăng 25% so với năm 2010. Công tác phòng chống dịch bệnh thường xuyên được quan tâm, hạn chế thấp nhất dịch bệnh xảy ra.
Phong trào trồng và chăm sóc bảo vệ rừng tiếp tục được duy trì, phát triển. Trong 5 năm qua, toàn huyện đã trồng mới 1.183ha rừng; bàn giao 2.836ha đất rừng cho 728 hộ và 4 cộng đồng thôn, bản; giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 525 hộ dân xã Trường Sơn, Trường Xuân để khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng kinh tế. Diện tích rừng trồng khai thác đạt 1.566ha, sản lượng 87.662m3, giá trị khai thác gần 96 tỷ đồng. Các dự án Phong Nha- Kẻ Bàng, Jica, trồng rừng bền vững triển khai có hiệu quả, góp phần chuyển đổi mạnh diện tích đất rừng nghèo kiệt sang trồng rừng kinh tế, trồng cây cao su; diện tích cây cao su trồng mới 460ha, tăng 369ha so với năm 2010.
Trong lĩnh vực thủy sản, huyện Quảng Ninh đã tạo cơ chế thông thoáng, khuyến khích ngư dân đầu tư 22 tàu đánh bắt xa bờ, trong đó có 8 tàu công suất từ 90CV trở lên. Diện tích nuôi trồng mở rộng qua hàng năm, hiện đạt 1.130ha, tăng 380ha so với năm 2010. Một số mô hình nuôi tôm trên cát, nuôi cá lồng trên sông được nhân rộng... Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thuỷ sản đạt 3.750 tấn/năm, tăng 650 tấn so với năm 2010.
Đặc biệt, Chương trình xây dựng nông thôn mới triển khai trên địa bàn đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, đạt nhiều kết quả quan trọng. Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đạt trên 2.144 tỷ đồng; trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 1.091 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 1.053 tỷ đồng. Xã Lương Ninh đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014, các địa phương còn lại bình quân hoàn thành 13-19 tiêu chí, phấn đấu năm 2015 thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đồng chí Nguyễn Viết Ánh, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện đối thoại với người dân về giải quyết các thủ tục hành chính. Ảnh: Duy Hiền |
Trong nhiệm kỳ, cấp ủy, chính quyền huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển mạnh CN, TTCN, thu hút đầu tư, khôi phục, mở rộng các ngành nghề như: sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, chế biến nông sản. Các nhà máy CN hoạt động có hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho 1.000 lao động. TTCN, ngành nghề nông thôn có bước phát triển, khu làng nghề thị trấn Quán Hàu đã được định hình; một số thương hiệu sản phẩm hàng hóa đứng vững trên thị trường như: khoai deo Hải Ninh, bún bánh Gia Ninh, rượu Võ Xá, dưa hấu Hàm Ninh, gạo Vĩnh Tuy...
Các ngành nghề truyền thống như mộc mỹ nghệ, chổi đót, cơ khí nhỏ được khôi phục, phát triển. Tổng giá trị sản xuất CN, TTCN đạt 893.101 triệu đồng, tăng 228,5% và chiếm tỷ trọng 28,8% trong cơ cấu kinh tế. Các thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp duy trì ổn định. Kinh tế tập thể từng bước được củng cố; nhiều loại hình trang trại phát huy có hiệu quả. Kinh tế tư nhân, hộ gia đình từng bước mở rộng về quy mô. Toàn huyện hiện có có 105 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực xây dựng, dịch vụ, thương mại; 47 HTX và 4 quỹ tín dụng nhân dân.
Kinh tế tăng trưởng đã tạo tiền đề cho văn hóa- xã hội ổn định; an sinh xã hội bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân huyện nhà từng bước được cải thiện. Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm, giảm nghèo được các cấp, các ngành triển khai hiệu quả thông qua các hoạt động hướng nghiệp, tư vấn việc làm, đào tạo nghề, đổi mới nâng cao trình độ công nghệ, khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công, cho vay vốn hỗ trợ sản xuất...
Trong 5 năm qua đã đào tạo nghề cho 4.820 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 36% (tăng 11% so với đầu nhiệm kỳ). Hàng năm giải quyết việc làm trên 3.000 lao động. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 24,1% năm 2010 xuống còn 4,6%; đã hỗ trợ xây nhà mới, tu sửa nhà ở cho trên 1.500 hộ nghèo, hộ khó khăn, gia đình chính sách.
Giáo dục- Đào tạo phát triển toàn diện cả về mạng lưới trường lớp, số lượng và chất lượng; toàn huyện hiện có 57 trường học và cơ sở giáo dục. Các nguồn lực đầu tư cho giáo dục được ưu tiên, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 67%; có 37 trường đạt chuẩn quốc gia chiếm tỷ lệ 66%. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được chuẩn hóa về trình độ và nâng cao năng lực. Công tác quản lý giáo dục được đổi mới, đi vào nền nếp...
Đáng chú ý là, tỷ lệ huy động các lớp đầu cấp duy trì ở mức cao, 100% xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; phổ cập giáo dục TH mức độ III; phổ cập giáo dục THCS mức độ II. Chất lượng giáo dục toàn diện chuyển biến tích cực, tỷ lệ tốt nghiệp các cấp đạt cao, tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh năng khiếu, học sinh thi đỗ vào cao đẳng, đại học được nâng lên, có học sinh đạt giải quốc gia. Công tác xã hội hóa giáo dục, xây dựng xã hội học tập được quan tâm; hoạt động khuyến học, khuyến tài phát triển đều khắp.
Bên cạnh đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tiếp tục được phát huy, tỷ lệ gia đình văn hoá đạt 79%; có 56% thôn, bản, tiểu khu đạt danh hiệu văn hóa, tăng 22% so với đầu nhiệm kỳ. Toàn huyện hiện có 116 nhà văn hóa, trong đó có 37 nhà văn hóa được xây mới và 60% nhà văn hóa đạt chuẩn. Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có nhiều tiến bộ. Mạng lưới y tế cơ sở từng bước hoàn thiện, 15/15 xã, thị trấn có bác sĩ, 100% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động. Các chương trình y tế quốc gia triển khai trên địa bàn có hiệu quả cao, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 23,2% năm 2010 xuống còn 13% năm 2015, tỷ lệ tham gia BHYT đạt 68%.
Công tác quốc phòng- an ninh luôn được cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể quan tâm đúng mức, góp phần xây dựng, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có chuyển biến tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững; công tác tuần tra bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới được đẩy mạnh.
Việc tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng-an ninh cho cán bộ, nhân dân được chú trọng, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác cách mạng; phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân, chủ động phòng chống âm mưu “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, cụm an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu; xây dựng lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ vững mạnh.
Từ những kết quả đạt được của giai đoạn 2010- 2015, trong nhiệm kỳ mới, Đảng bộ và nhân dân huyện Quảng Ninh sẽ tiếp tục phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, huy động mọi nguồn lực tập trung phát triển kinh tế- xã hội. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo sự đột phá trong CN, TTCN, dịch vụ, tạo động lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, mở rộng ngành nghề mới ở nông thôn. Phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội; giữ vững ổn định chính trị; củng cố quốc phòng- an ninh và trật tự an toàn xã hội, quyết tâm đưa huyện Quảng Ninh phát triển toàn diện, bền vững.
Theo đó, các mục tiêu cơ bản đặt ra cho nhiệm kỳ mới là: Giá trị sản xuất CN, xây dựng tăng bình quân hàng năm 20%; giá trị dịch vụ tăng 13%; sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp tăng 4- 4,5%; phấn đấu có 1.500- 1.600ha cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Đến năm 2020, giữ ổn định sản lượng lương thực đạt 50.000 tấn; thu ngân sách trên địa bàn 94 tỷ đồng, tăng bình quân 10%/năm; thu nhập bình quân đầu người 40- 45 triệu đồng/năm; hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới. Giải quyết việc làm hàng năm cho 3.200 lao động; phấn đấu 60% lao động qua đào tạo; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 1,5- 2%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 1%.
Đến năm 2020, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ III; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia 90%; có 100% xã, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế; trên 99% hộ dân được dùng điện lưới và nguồn năng lượng mặt trời; 90% người dân sử dụng nước hợp vệ sinh...
Bằng tinh thần tự lực, tự cường, tranh thủ sự giúp đỡ có hiệu quả của tỉnh và Trung ương, huy động tốt các nguồn lực, tin tưởng rằng những mục tiêu kinh tế-xã hội đặt ra trong 5 năm tới sẽ được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Quảng Ninh thực hiện thắng lợi; đưa huyện Quảng Ninh phát triển lên một tầm cao mới.
Những kết quả nổi bật thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quảng Ninh lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2010-2015 - Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 13% (nghị quyết 13 - 14%). |
Nguyễn Viết Ánh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh