.

Những nẻo đường đi tìm đồng đội...

Thứ Năm, 04/06/2015, 07:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Trải qua những năm tháng chiến tranh, tình đồng đội, nghĩa đồng chí luôn là một tình cảm gắn bó, keo sơn. Ngay cả trong thời bình, những người lính một thời hoa lửa vẫn luôn đau đáu tìm về bên nhau, cùng ôn lại kỷ niệm ngày cũ, cùng hỗ trợ nhau trong bộn bề gian khó và vượt lên tất cả, họ cùng về lại chiến trường xưa, tìm lại những đồng đội đã ngã xuống vì quê hương và đưa họ trở về với gia đình, đất mẹ. Hơn chục năm qua, những người cựu chiến binh của Đoàn Ba Gia đã âm thầm, nhẫn nại thực hiện nghĩa vụ cao cả đó.

Ông Đoàn Công Kê, Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Đoàn Ba Gia Quân khu V tại Quảng Bình tâm sự, cách đây 44 năm, vào ngày 19 tháng 8 năm 1971, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hơn 700 thanh niên Quảng Bình đã lên đường nhập ngũ. Sau ba tháng huấn luyện gian khổ trên thao trường, phần lớn chiến sĩ được bổ sung về E270 vào chiến trường Quảng Nam.

Tiếp đó, những người lính Quảng Bình lại được chia tách đến nhiều trung đoàn, trong đó có trung đoàn 1, sau đổi tên thành trung đoàn Ba Gia. Để lại bút nghiên, giảng đường, ruộng đồng, hậu phương, những người lính trẻ chiến đấu ngoan cường trên mặt trận, đẩy lùi mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù hùng mạnh.

Quá nửa chiến sĩ Quảng Bình nhập ngũ trong những ngày tháng 8 đó đã mãi mãi nằm lại chiến trường, nhiều đồng chí mang trong mình những vết thương nhức nhối về cả thể chất và tinh thần. Hòa bình lặp lại, họ trở về quê hương, tiếp tục mang nhiệt huyết, quyết tâm của mình xây dựng cuộc sống mới trên chính ruộng đồng, ao cá. Vượt qua mọi khó khăn nhọc nhằn mưu sinh, những người lính năm nào lại tìm về với nhau, thành lập ban liên lạc kỷ niệm ngày cùng nhau nhập ngũ (sau đổi tên thành ban liên lạc cựu chiến binh Đoàn Ba Gia) và cùng thực hiện một nhiệm vụ thiêng liêng: đưa đồng đội năm xưa về với mẹ.

Những người lính Đoàn Ba Gia trên hành trình đưa đồng đội về với đất mẹ.
Những người lính Đoàn Ba Gia trên hành trình đưa đồng đội về với đất mẹ.

Từ năm 1995 đến nay, ban liên lạc cựu chiến binh Đoàn Ba Gia đã tìm kiếm, quy tập nhiều hài cốt liệt sĩ nằm lại ở chiến trường xưa. Đây là nỗ lực, quyết tâm, mong muốn lớn lao của các cựu chiến binh Đoàn Ba Gia. Với nguồn quỹ được đóng góp tự nguyện, hàng năm, các cựu chiến binh đều tổ chức các hoạt động động viên, thăm hỏi nhau khi ốm đau, gặp mặt đồng đội để nắm thông tin, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.

Ông Đoàn Công Kê cho biết, theo quy trình tìm kiếm, đầu tiên, các cựu chiến binh sẽ tìm hiểu thông tin về liệt sĩ, nắm chắc địa điểm chôn cất liệt sĩ, sau đó liên lạc với gia đình liệt sĩ và tiến hành tìm kiếm. Trên mọi khâu của quy trình, ban liên lạc cựu chiến binh Đoàn Ba Giai đều được sự hỗ trợ tích cực, gắn kết chặt chẽ của chính quyền địa phương các nơi và nhất là sự tin tưởng của thân nhân liệt sĩ.

Trong chặng đường hơn mười năm tìm kiếm mộ liệt sĩ đó, có những câu chuyện khiến người lính năm xưa không khỏi bùi ngùi, xúc động. Chiến tranh đã qua hơn 40 năm, nhưng vẫn còn nhiều đồng đội ngã xuống chưa tìm được đường về nhà và những người cựu chiến binh biết rằng, con đường đưa đồng đội về đất mẹ của họ sẽ vẫn còn tiếp diễn mãi.

Đồng chí Hồ Quý Thuận (quê quán Sơn Mỹ, Hương Sơn, Hà Tĩnh) là Đại đội phó Đại đội 11, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 9, Sư đoàn 711 Quân khu V nhận nhiệm vụ cùng 3 đồng chí khác tổ chức đánh chiếm đồi Ba Chín (thuộc xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam). Đồi Ba Chín do một trung đội lính ngụy chốt giữ. Đêm ngày 6-2-1973, cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, đồng chí Hồ Quý Thuận đã hy sinh anh dũng và được chôn cất ngay tại sườn đồi Ba Chín.

Năm 2011, ban liên lạc cựu chiến binh Đoàn Ba Gia đã gửi thông tin về liệt sỹ cho UBND huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh nhờ tìm thân nhân liệt sĩ Hồ Quý Thuận và phải qua không ít lần thông tin qua lại, ban liên lạc mới tìm được gia đình liệt sĩ. Từ đó, ban liên lạc đã tổ chức 4 chuyến đi đến địa điểm đồi Ba Chín để tìm hài cốt liệt sĩ Hồ Quý Thuận. Nhưng, do địa điểm chôn cất ở sườn đồi, dễ bị xói mòn, sụt lở, thời gian chôn cất đã lâu và sự đổi thay cảnh quan của chiến trường xưa, dù ban liên lạc và gia đình tích cực tìm kiếm, nhưng vẫn chưa thực hiện được ý nguyện.

Dù vậy, các cựu chiến binh và gia đình liệt sĩ đã phần nào nguôi ngoai được sự day dứt về liệt sĩ và sẽ không hề dừng bước với những cuộc tìm kiếm mới. Một trường hợp mang tính tâm linh khác trên nẻo đường đi tìm đồng đội của những người cựu chiến binh Ba Gia chính là trường hợp của liệt sĩ Dương Bá Văn. Liệt sĩ là người con xã Tân Thủy, Lệ Thủy, hy sinh năm 1973 tại xã Bình Lâm, Hiệp Đức, Quảng Nam.

Năm 2008, các đồng đội của anh bắt đầu hành trình tìm kiếm đưa anh về với đất mẹ Quảng Bình. Dù đã có được địa chỉ rõ ràng, nhưng, vì nhiều nguyên nhân, khi anh em bắt tay vào đào lại không tìm thấy hài cốt. Các cựu chiến binh cũng đã nhờ đến sự giúp sức của nhà ngoại cảm, nhưng rồi vẫn thất bại. Những người lính già bằng tình cảm chân thành của mình đã thắp hương cầu khấn, xin anh linh của liệt sĩ Dương Bá Văn giúp đỡ để đưa anh về với mẹ.

Thật bất ngờ là ngay sau đó, dù đã có ý định bỏ cuộc khi trời chập choạng tối, họ đã đào thấy một hầm chữ A, đào sâu tiếp thì phát hiện thắt lưng và bi đông đựng nước và cuối cùng đã tìm thấy hài cốt của liệt sĩ Dương Bá Văn. Anh em đồng đội mừng vui khôn xiết khi tìm ra anh và thật khó để diễn tả sự xúc động của gia đình khi gặp lại người con, người anh em của mình.

Là những người may mắn trở về sau cuộc chiến, được chứng kiến biết bao đổi thay của đất nước và tiếp tục góp sức mình vào công cuộc kiến thiết Tổ quốc, hơn ai hết những người lính chiến trường năm xưa hiểu rõ trách nhiệm của mình với hành trình đưa đồng đội trở về đất mẹ. Đối với họ, đồng đội là máu của máu, là thịt của thịt, đồng đội có thể chết để cho đồng đội có thể sống. Đó là tình cảm thiêng liêng, vượt lên mọi gian nan, thử thách và cám dỗ.

Những người lính Ba Gia và nhiều người lính Cụ Hồ khác dù vẫn còn nhiều khó khăn trong cuộc sống mưu sinh, nhưng họ vẫn sẽ tiếp tục hành trình trên mọi nẻo đường đi tìm đồng đội, và trên chặng đường này, họ vẫn rất cần sự chung vai góp sức tích cực hơn nữa của chính quyền các cấp, ban, ngành, đơn vị để hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình.

Mai Nhân