.
Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII:

Sự cần thiết phải xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Thứ Tư, 10/06/2015, 07:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Ngọc Phương, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, trong phiên thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sáng 4-6-2015.

>> Tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2015

Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai là một dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia được Quốc hội và người dân cả nước quan tâm. Đây là một quyết định phù hợp với chủ trương và mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại được đề ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong xây dựng các chương trình kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành có công suất thiết kế đạt trên 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa/năm; số lượt cất, hạ cánh là 565 lượt/năm. Tại báo cáo đầu tư của Chính phủ và báo cáo giải trình, tiếp thu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có những lý giải, điều chỉnh làm rõ yêu cầu cơ bản, cụ thể, chi tiết về sự cần thiết đầu tư xây dựng cảng hàng không này, cũng như đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế-xã hội mà nó mang lại. Đặc biệt là về tổng mức đầu tư; phương án huy động vốn; tác động nợ công, khả năng hoàn trả mà các đại biểu Quốc hội yêu cầu làm rõ tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.

Theo báo cáo thì giai đoạn 1 dự chi 109.970 tỷ, vốn ngân sách nhà nước 11,1% (12.149 tỷ); vốn ODA 26,5% (29.177 tỷ); vốn huy động ngoài ngân sách 62,4% (68.644 tỷ). Tổng mức đầu tư giảm 54.619 tỷ so với khái toán ban đầu, nhờ điều chỉnh qui mô, phạm vi giải phóng mặt bằng và tái định cư; giảm hạng mục đầu tư chưa cần thiết; giá thành được tính đúng theo thực tế đầu tư một số nước trong khu vực và giá thành tại Việt Nam.

Báo cáo cũng nêu rõ đánh giá tác động về môi trường và ảnh hưởng đến nợ công là không đáng kể, nếu dự án triển khai, ngân sách Nhà nước cân đối được thì nợ công chỉ tăng 0,22%. Nếu ngân sách Nhà nước không cân đối được, phải vay để đóng góp cho dự án, thì nợ công tăng 0,28% là trong phạm vi cho phép và có khả năng thu hồi vốn và trả nợ đúng thời hạn.

Đây là dự án đầu tư sinh lời và mang lại hiệu quả xã hội lớn, tác động đến hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển bền vững. Hiện nay, tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất số lượng máy bay cất, hạ cánh hàng năm tăng cao; nếu năm 2010 có 109.421 lượt, thì đến năm 2014 có 153.939 lượt, tăng 52%, tương đương 11.129 lượt hành khách (trung bình mỗi năm tăng 13%).

Trong khi đó, phí phải nộp cho một lần hạ, cất cánh của máy bay Boeing 747 tại Tân Sơn Nhất là 47 triệu đồng đối với tuyến bay quốc tế, hơn 17 triệu đồng đối với tuyến bay nội địa. Từ đó cho thấy, nếu Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng, với vị trí phù hợp, thuận lợi và quy mô hiện đại sẽ là đầu mối giao thông thu hút, điều phối các đường bay quốc tế mang tầm khu vực và châu lục và sẽ đem lại nguồn lợi nhuận lớn.

Trong xu thế phát triển, nhu cầu du lịch, đi lại bằng đường hàng không ngày càng tăng nhanh kể cả trong nước và ngoài nước, đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành mới đủ điều kiện tốt để phát triển nguồn thu thông qua mở rộng dịch vụ, thu hút hành khách, tăng lượng trung chuyển hàng hóa, tạo cơ hội cho ngành hàng không Việt Nam có điều kiện và khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Không những thế, còn khắc phục điểm yếu hiện nay của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là không mở rộng được đường bay, chồng lấn cả diện tích, độ cao cũng như hướng bay và sự quá tải.

Hiện tại, so với các nước trong khu vực, các cảng hàng không của Việt Nam còn kém cả về qui mô, diện tích cũng như số lượng hành khách và hàng hóa. Cụ thể như: Kuala lumpur (Malaysia); Bhumi (Thái Lan), hàng năm đạt gần 50 triệu lượt hành khách và đang hướng tới 100 triệu lượt hành khách/năm; Singapore, nước có diện tích bằng đảo Phú Quốc Việt Nam, nhưng hàng năm đạt trên 50 triệu lượt hành khách và đang hướng tới 100 triệu lượt hành khách/năm...

Trước những hạn chế của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thì Cảng hàng không quốc tế Long Thành lại hội tụ đầy đủ các yếu tố để xây dựng một sân bay theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhằm khai thác có hiệu quả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - khu vực kinh tế năng động.

Với thị trường Việt Nam với hơn 90 triệu dân và lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng, việc chọn địa điểm và xây dựng dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là việc làm cần thiết, mang tính đột phá, đáp ứng điều kiện áp dụng công nghệ mới, phương thức bay mới, linh hoạt, từng bước nâng cao công suất và khả năng khai thác.

Ngoài ra, còn đáp ứng nhiều phương thức bay cho các tình huống bất thường như phục vụ nhiệm vụ quân sự, thời tiết biến động; đáp ứng điều kiện về môi trường, dịch vụ, thương mại, nghỉ ngơi, vui chơi, sinh hoạt văn hóa, hạ giá cước đường bay..., đáp ứng ngày càng cao chất lượng phục vụ, thu hút hành khách, phát triển mạnh mẽ ngành dịch vụ, du lịch trong phát triển kinh tế- xã hội...

Chúng ta biết rằng, từ năm 2013, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã đạt công suất thiết kế 20 triệu hành khách/năm, vì vậy, đã và đang được cải tạo, mở rộng để đạt công suất 25 triệu hành khách/năm và năm 2014 đã đạt công suất trên 22 triệu hành khách. Theo tính toán, cứ mỗi năm tăng trên 1,2 triệu hành khách thì tới năm 2017, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ đạt số lượng tối đa là 188.000 lượt cất, hạ cánh; đạt công suất 25 triệu hành khách và bắt đầu quá tải. Dự báo, đến năm 2025, số lượng cất, hạ cánh sẽ là 297.083 lượt, với công suất 40,411 triệu hành khách.

Như vậy, với khả năng của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thì, đến năm 2025 chúng ta sẽ buộc phải từ chối tiếp nhận 109.083 lượt cất, hạ cánh, tương đương với việc phải từ chối 15,411 triệu hành khách (chưa tính tới sản lượng hàng hóa); điều đó cũng có nghĩa là chúng ta phải chịu mất đi một khoản thu rất lớn nếu không có Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.

Theo kế hoạch, Cảng hàng không quốc tế Long Thành năm 2018 mới khởi công và đến năm 2025 mới đưa vào sử dụng. Như vậy, trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến 2025, do quá tải nên hàng năm Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất buộc phải từ chối hàng triệu lượt khách và hàng chục nghìn lượt cất, hạ cánh, chấp nhận mất đi một nguồn thu khá lớn. Để giảm bớt thiệt hại này, đề nghị Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu, tập trung mọi điều kiện, nguồn lực, sớm đầu tư khởi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, có thể trong năm 2016 hoặc 2017; đồng thời tăng cường chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa vào khai thác trong năm 2022 -2023, hoặc sớm hơn.

Trong quá trình triển khai, đề nghị cần tập trung quan tâm quản lý chất lượng công trình, tiến độ thi công, không để thất thoát, lãng phí nguồn ngân sách, tránh tình trạng công trình vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng, sửa chữa. Đồng thời tập trung quản lý tốt việc đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư, không để phát sinh ngoài dự kiến khối lượng đền bù, lợi ích nhóm; phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo.