.

Đường lên biên giới

Thứ Ba, 23/06/2015, 08:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Ba lần lên với Thượng Trạch (Bố Trạch), vùng đất phên dậu phía tây của tỉnh, nơi tiếp giáp với nước bạn Lào, tôi đều có những trải nghiệm khó quên. Nếu chuyến đi đầu tiên vào năm 2001, ký ức về con đường được mệnh danh là “gian khổ nhất Việt Nam” vẫn còn in đậm, thì năm 2013, đường lên Thượng Trạch đã bắt đầu dễ dàng hơn, dù vẫn còn nhiều đoạn sạt lở, lầy lội. Cho đến tháng 5-2015, hướng tới kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, cùng với những đồng nghiệp, tôi trở lại Thượng Trạch và ngỡ ngàng trước cung đường bê tông mềm mại chạy xuyên qua những tán cây, hai bên đường hoa rừng nở vàng rực rỡ...

6 giờ sáng, đoàn chúng tôi xuất phát. Nếu những đồng nghiệp nam gọn nhẹ sổ tay, máy ảnh, thì các nữ đồng nghiệp lỉnh kỉnh mũ nón, trái cây, nước uống... Và một thứ không thể thiếu trong hành trình là thuốc chống nôn, bởi tất cả đều đã từng nghe về hành trình gian nan khi lên Thượng Trạch. Háo hức mong chờ nhưng cũng phập phồng lo lắng là tâm trạng của hầu hết những nữ nhà báo trong chuyến đi này.

Sau hơn 30 phút xuất phát, chúng tôi tạm biệt đường Hồ Chí Minh nhánh đông, rẽ về phía bến phà Xuân Sơn, đi chừng 2km nữa là đến km 0, nơi bắt đầu đường 20 Quyết Thắng. Từ đây, con đường mềm như dải lụa len lỏi dưới tán rừng nguyên sinh mát rượi, hai bên đường hoa rừng nở vàng rực rỡ. Đoàn dừng chân thắp hương tại Đền tưởng niệm 8 thanh niên xong phong. Khu rừng yên ắng, chỉ nghe tiếng bước chân và rì rầm cây lá, tiếng thì thầm nguyện cầu của mọi người đối với anh linh của những người đã khuất.

Dù đã nhiều lần đến đây nhưng dường như nỗi xúc động vẫn dâng trào trong lòng chúng tôi, nhất là khi bước vào hang đá. Nơi này và trải dọc chiều dài của đường 20 gần nửa thế kỷ trước, hàng vạn tấn bom đạn đã xé toạc những cánh rừng hòng chặt đứt con đường huyền thoại. Nơi này, bao người đã mãi mãi ở lại tuổi hai mươi để con đường thông suốt cho những chuyến xe tiếp tục hành trình. Nơi này, có biết bao câu chuyện, hình ảnh đẹp đẽ để sau gần nửa thế kỷ, những câu chuyện và hình ảnh ấy vẫn còn sống mãi và khắc sâu trong tâm khảm những người đang sống.

Rời Đền tưởng niệm 8 thanh niên xung phong, tiếp tục con đường huyền thoại 2km nữa, đoàn dâng hương tại miếu Hang Y tá, nơi thờ liệt sĩ Nguyễn Thị Sặng. Miếu thờ nằm trên vách núi luôn ấm áp khói hương bởi từ bao giờ chẳng biết, đã thành lệ, bất cứ ai đi trên con đường này đều dừng chân thắp một nén nhang cho nữ liệt sĩ và những đồng đội của chị đã anh dũng hy sinh.

Bắt đầu từ đây, đường 20 xuyên qua những cánh rừng với một bên là vách núi cheo leo, một bên là vực thẳm. Khi con đường chưa hoàn thành, mùa nắng bụi mù mịt, ngày mưa, nó là những cái bẫy nguy hiểm kể cả đối với xe máy hay ô tô. Có những chuyến đi mất gần nửa ngày đường chỉ vượt qua mấy chục km. Nhưng bây giờ, khi đường đã thông, cả đoàn xe nối tiếp nhau chạy thong dong qua từng góc cua, ngả rẽ. Rừng nguyên sinh xanh màu cổ thụ, có những đoạn dù đang ở buổi trưa nhưng chỉ hiếm hoi vài tia nắng lọt qua. Khi nắng vừa lên đến đỉnh đầu thì đoàn chúng tôi đặt chân lên Đồn Biên phòng Cồn Roàng.

Phụ trách 26,5km đường biên tiếp giáp với nước bạn Lào với 8 bản, chủ yếu người dân tộc Ma Coong, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ ở đồn đã  thực hiện “4 cùng” với đồng bào dân tộc, đó là cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc. Quá trình gắn bó máu thịt với đồng bào nơi đây, bộ đội biên phòng đã sát cánh cùng bà con trong phát triển kinh tế, xóa bỏ các tập tục lạc hậu và xây dựng đời sống văn hóa.

Đồn hiện có 4 đảng viên sinh hoạt tại Đảng bộ xã Thượng Trạch, trong đó có 1 đồng chí giữ chức phó bí thư Đảng ủy xã. Từ những con đường xuyên núi rừng đến trung tâm xã và nhiều bản cùng sự tình yêu và trách nhiệm của những người lính mang quân hàm xanh, đời sống của người dân nơi đây đã có nhiều thay đổi. Bà con biết làm lúa nước, trồng cao su, trồng tràm hoa vàng, xây dựng nông thôn mới... Thượng Trạch xa xôi trước những năm 2000 giờ từng bước đổi thay, người Ma Coong đã tốt nghiệp đại học và dạy chữ cho con em bản mình, điều đó như một giấc mơ. Trung tâm xã giờ rộn ràng tiếng trẻ theo học trường mầm non, tiểu học và Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Bố Trạch...

Rời Đồn Biên phòng Cồn Roàng, đi tiếp con đường 20 huyền thoại, chúng tôi lên biên giới. Càng gần biên giới, con đường càng quanh co, khúc khuỷu. Có những đoạn nhìn lại con đường mình vừa đi qua, chợt ngỡ ngàng khi gặp vệt trắng thoắt ẩn thoắt hiện giữa màu xanh cây lá, một bên vực sâu thăm thẳm và một bên là vách núi cao dựng đứng, hoa rừng vẫn vàng cả con đường. Và Đồn Biên phòng Cà Roòng bất ngờ hiện ra, rực rỡ và tươi mới giữa ngày tháng 5 đầy nắng.

Điều khiến cho các thành viên trong đoàn vô cùng ngỡ ngàng là ở nơi biên giới xa ngái này, hoa hồng nở rực rỡ từ cổng đồn cho đến những lối đi và những cây vải thiều lúc lỉu quả đang bắt đầu chín. Trung tá đồn trưởng Phạm Minh Dũng cho biết: Đồn hiện quản lý 27,9km đường biên giới với  9 cột mốc từ 541 đến 549 và 1 cọc dấu.

Tại địa bàn đồn đóng quân có 10 bản, trong đó xa nhất là bản Aki cách đồn chừng 7km. Cũng như những đồng đội ở đồn Cồn Roàng, bên cạnh nhiệm vụ giữ vững chủ quyền an ninh quốc gia, cán bộ, chiến sĩ nơi đây đang ngày đêm đồng hành cùng bà con dân bản. Với sự giúp đỡ của bộ đội, bây giờ bà con bản Chăm Pu đã quen với việc trồng lúa nước, chỉ những khi cao điểm vào mùa gặt, bộ đội mới về gặt lúa cùng dân. Đồn cũng cử 6 đồng chí đảng viên về tham gia sinh hoạt Đảng tại các bản và hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ giúp bà con trong lao động, học tập, chăm sóc sức khỏe.

“Gắn bó với biên giới, sống cùng bà con, chúng tôi càng thấm thía câu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào dân tộc là anh em ruột thịt”, nó thực sự đi vào đời sống, tâm tư của từng chiến sĩ và luôn thôi thúc mỗi người!”, trung tá Phạm Minh Dũng tâm sự.

Trước khi tạm biệt cán bộ, chiến sĩ Đồn Cà Roòng và Chi cục Hải quan cửa khẩu Cà Roòng, chúng tôi lên thăm cột mốc biên giới 543. Đây là cột mốc trung được xây dựng và hoàn thành năm 2010 theo Kế hoạch tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào. Tại đây, một lần nữa, trung tá Phạm Minh Dũng báo cáo với các thành viên của đoàn về nhiệm vụ tuần tra bảo vệ cột mốc, tuần tra kiểm soát địa bàn; tình hình phối hợp với các lực lượng cùng tuần tra bảo vệ đường biên và bảo vệ rừng. Dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng cán bộ, chiến sĩ của Đồn luôn vững vàng tay súng, kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm, giữ gìn an ninh quốc gia và duy trì mối quan hệ tốt đẹp của ta và nước bạn Lào.

Tạm biệt biên giới với những chiến sĩ mang quân hàm xanh và nụ cười thân thiện của người dân nơi đây, chúng tôi lên đường trở về thành phố. Nắng vẫn len lỏi trong tán rừng xanh mát trên những cung đường chúng tôi qua. Chợt nghĩ, cũng trên con đường huyết mạch này, năm xưa những thế hệ cha anh đã sống, đã chiến đấu, đã hy sinh để mang lại chiến thắng cho quê hương và dân tộc, thì bây giờ, cũng con đường này, đã và đang mang lại ấm no cho miền quê xa ngái nơi biên giới. Để miền núi bắt kịp miền xuôi thì cần lắm những con đường, những tấm lòng nhiệt thành và trách nhiệm của những con người đã và đang gắn bó với nơi đây.

Hiền Mai