.

Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Bình: Chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển

Thứ Năm, 28/05/2015, 08:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, cùng với sự ra đời của Chính phủ Cách mạng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 28-8-1945, ngành Tài chính của nước Việt Nam chính thức thành lập. Để có một cơ quan chuyên môn đặc trách giải quyết các vấn đề tài chính, tiền tệ, ngày 29-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 75/SL thành lập Nha Ngân khố trực thuộc Bộ Tài chính.

Hội thi nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước Quảng Bình năm 2015.
Hội thi nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Bình năm 2015.

Trong thời gian 5 năm (1946-1951), Nha Ngân khố đã hoàn thành các trọng trách Chính phủ giao phó, giúp Chính phủ xây dựng một chế độ tiền tệ độc lập, tự chủ, thông qua việc phát hành đồng tiền tài chính, lưu hành trong cả nước từ cuối năm 1946 và các loại tín phiếu, công trái nhằm huy động sự đóng góp trong nhân dân để phục vụ nhu cầu sản xuất và chiến đấu.

Năm 1951, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 107/TTg thành lập Kho bạc Nhà nước (KBNN) do Bộ Tài chính quản trị đặt trong Ngân hàng Quốc gia Việt Nam với nhiệm vụ chủ yếu là quản lý thu chi quỹ NSNN.

Công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước đặt ra yêu cầu cải cách công tác quản lý tài chính ngân sách và tiền tệ. Việc tách chức năng quản lý, hình thành một cơ quan quản lý, điều hành quỹ NSNN trực thuộc Bộ Tài chính với hoạt động kinh doanh tiền tệ của hệ thống Ngân hàng là hết sức cần thiết và cấp bách. Ngày 4-1-1990, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định thành lập hệ thống KBNN trực thuộc Bộ Tài chính, chính thức hoạt động từ ngày 1-4-1990 trong phạm vi cả nước.

Kết quả, thành tích và sự đóng góp của KBNN Quảng Bình trong suốt 25 năm qua đã được Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp ghi nhận, đánh giá cao. Năm 2014, KBNN Quảng Bình vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Để đạt được những kết quả thành tích nêu trên, trong quá trình hoạt động, bên cạnh việc tập trung thực hiện, nâng chất lượng hoạt động nghiệp vụ, quản lý nội bộ và nhiệm vụ công tác thường xuyên; KBNN Quảng Bình chú trọng triển khai hiệu quả các đề án, chương trình thực hiện mục tiêu hiện đại hóa của ngành KBNN đến năm 2020 theo Quyết định số 138/2007/QĐ-TTg ngày 21-8-2007 của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả nổi bất nhất là, KBNN Quảng Bình đã triển khai thành công, vận hành ổn định, hiệu quả dự án TABMIS.

Từ năm 2010, dự án TABMIS được áp dụng, đây là hệ thống thông tin quản lý ngân sách-kho bạc tích hợp, hệ thống kế toán máy tính; thực hiện ghi chép, xử lý và quản lý dữ liệu tập trung, có khả năng cung cấp thông tin, dữ liệu về tình hình thực hiện ngân sách ở các cấp, các bộ, ngành, các đơn vị sử dụng ngân sách, phục vụ công tác quản lý, điều hành ngân sách của các cơ quan quản lý, cơ quan Tài chính các cấp. Việc triển khai TABMIS không chỉ đơn giản là việc thay thế hệ thống kế toán kho bạc (KTKB), đây còn là quá trình thực hiện một cuộc cách mạng trong quản lý tài chính-ngân sách, là xương sống của quá trình thực hiện mục tiêu hiện đại hóa ngành KBNN.

Triển khai thực hiện đề án Hiện đại hóa thu NSNN trên địa bàn bước đầu đạt hiệu quả. Theo đó, từ tháng 11-2010, KBNN Quảng Bình đã thực hiện ủy nhiệm thu NSNN qua các Ngân hàng thương mại, nhằm mở rộng điểm thu, tạo thuận lợi cho các đối tượng nộp các khoản thuế, phí, nộp phạt vi phạm hành chính vào NSNN; các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ nộp NSNN có thể nộp trực tiếp tại bất cứ Ngân hàng thương mại nào được KBNN Quảng Bình ủy nhiệm thu. 

Đến nay trên địa bàn tỉnh, KBNN Quảng Bình đã thực hiện ủy nhiệm thu NSNN với các Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển từ tỉnh đến huyện và các Phòng giao dịch trực thuộc, tạo thành mạng lưới thu rộng khắp, kết nối dữ liệu trực tiếp giữa KBNN-cơ quan Thuế-các Ngân hàng thương mại được ủy nhiệm thu, truyền nhận dữ liệu điện tử về đối tượng nộp và các khoản thu nộp được kịp thời hạch toán vào NSNN.

Kho bạc đã triển khai thực hiên Quy trình kiểm soát chi NSNN “một cửa”, theo nguyên tắc mỗi giao dịch viên là “một cửa”. Người tiếp nhận hồ sơ cũng chính là người xử lý công việc cho đơn vị giao dịch. Qua đó, đã từng bước thống nhất đầu mối và quy trình kiểm soát chi NSNN; đồng thời, tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong công tác kiểm soát chi NSNN, bảo đảm đơn giản, rõ ràng, minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát.

Thực hiện đề án Quản lý và kiểm soát cam kết chi (CKC) NSNN qua KBNN từ 1-6-2013, Kho bạc thực hiện kiểm tra, kiểm soát các quyết định chi tiêu của đơn vị sử dụng NSNN một cách chặt chẽ.

Triển khai hiện đại hóa công nghệ thanh toán, trong 2 năm (2013-2014), KBNN Quảng Bình đã hoàn thành triển khai thanh toán song phương điện tử với các Ngân hàng thương mại nơi Kho bạc tỉnh, huyện mở tài khoản cùng với hệ thống các đơn vị Kho bạc trong cả nước, hình thành hệ thống tài khoản thanh toán tập trung (TSA), tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cải cách quản lý ngân quỹ trong thời gian tới; đồng thời, bảo đảm các giao dịch thu, chi được an toàn, nhanh chóng và chính xác.

Từ năm 2014, các đơn vị KBNN trong tỉnh đã triển khai thực hiện xử phạt vi phạt hành chính trong lĩnh vực KBNN theo Nghị định số 192/2013/NĐ-CP ngày 21-11-2013 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; KBNN nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng NSNN, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy quản lý và ý thức chấp hành của các cá nhân, tổ chức có quan hệ với NSNN.

Nhiệm vụ của Thanh tra chuyên ngành KBNN là nhằm thanh tra, kiểm tra, giám sát, tăng cường kỷ cương, siết chặt kỷ luật tài chính đối với các đơn vị sử dụng ngân sách. Thông qua công tác thanh kiểm tra phát hiện, ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, đơn vị sử dụng NSNN; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục các lỗ hổng của pháp luật, tránh bị lợi dụng, tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý, các đơn vị sử dụng ngân sách trong các hoạt động giao dịch, giám sát, quản lý, điều hành ngân sách. Thực hiện quyết định số 2456/QĐ-BTC ngày 24-9-2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành quy chế hoạt động thanh tra chuyên ngành KBNN, KBNN Quảng Bình đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện và tổ chức thực hiện thí điểm nội bộ để triển khai thực hiện từ 1-1-2016.

Kho bạc đã triển khai đề án thanh toán điện tử liên Ngân hàng, nhằm tập trung ngân quỹ KBNN tỉnh về một tài khoản chung của KBNN tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước; góp phần tăng khả năng vốn tạm thời nhàn rỗi KBNN cũng như khả năng ứng vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển.

Sau khi hoàn thành hệ thống thanh toán điện tử với Ngân hàng Nhà nước, các Ngân hàng thương mại sẽ triển khai áp dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt hiện đại như: chi NSNN qua thẻ tín dụng mua hàng; thanh toán bằng séc chi trả tiền mặt cho người thụ hưởng tại Ngân hàng; chi trả cá nhân qua thẻ ATM; thu NSNN qua thẻ ATM, Internet, điểm chấp nhận thẻ (POS), tiến tới giảm dần tỷ trọng thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN.

KBNN Quảng Bình đang triển khai thực hiện đề án Tổng kế toán nhà nước. Đề án này sẽ đáp ứng các thông tin được quản lý, kế toán qua KBNN với các cơ quan tài chính liên quan. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện đề án kiểm soát chi “một cửa”. Theo đó thống nhất đầu mối kiểm soát chi NSNN; thực hiện quy trình kiểm soát chi NSNN "một cửa" đối với cả chi thường xuyên, chi đầu tư, chi chương trình mục tiêu tại các đơn vị KBNN.

Tiếp nối lịch sử truyền thống vẻ vang của các thế hệ cán bộ Ngân khố Quốc gia-KBNN từ thời kỳ đầu kháng chiến cứu quốc; cán bộ công chức KBNN Quảng Bình hôm nay phấn đấu triển khai thành công, vận hành ổn định, hiệu quả các đề án, chương trình thực hiện mục tiêu hiện đại hóa của ngành KBNN, tạo động lực trong giai đoạn phát triển mới.

Phạm Hồng Tam, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Bình