.

"Gieo mầm" cho miền đá xám "nở hoa"

Thứ Năm, 26/01/2023, 08:08 [GMT+7]

Trong một lần đặt chân đến mảnh đất cực Bắc, một thanh niên trẻ đã đi bộ suốt 15km đường đèo từ xã Sà Phìn đến thị trấn Đồng Văn (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang). Cung đường của thiên nhiên hùng vĩ, của những ngôi nhà trình tường đẹp mê hoặc, của đói nghèo và khắc nghiệt đã thực sự thu hút anh, để rồi, như duyên nợ, đó là khởi đầu cho những năm tháng gắn bó về sau. Khởi nghiệp nơi miền đất khó tựa như một hành trình "gieo mầm" miệt mài với hy vọng một ngày, miền đá xám sẽ "nở hoa" hạnh phúc, "kết trái" ấm no.

 

 

TRONG MỘT LẦN ĐẶT CHÂN ĐẾN MẢNH ĐẤT CỰC BẮC, MỘT THANH NIÊN TRẺ ĐÃ ĐI BỘ SUỐT 15KM ĐƯỜNG ĐÈO TỪ XÃ SÀ PHÌN ĐẾN THỊ TRẤN ĐỒNG VĂN (HUYỆN ĐỒNG VĂN, TỈNH HÀ GIANG). CUNG ĐƯỜNG CỦA THIÊN NHIÊN HÙNG VĨ, CỦA NHỮNG NGÔI NHÀ TRÌNH TƯỜNG ĐẸP MÊ HOẶC, CỦA ĐÓI NGHÈO VÀ KHẮC NGHIỆT ĐÃ THỰC SỰ THU HÚT ANH, ĐỂ RỒI, NHƯ DUYÊN NỢ, ĐÓ LÀ KHỞI ĐẦU CHO NHỮNG NĂM THÁNG GẮN BÓ VỀ SAU. KHỞI NGHIỆP NƠI MIỀN ĐẤT KHÓ TỰA NHƯ MỘT HÀNH TRÌNH “GIEO MẦM” MIỆT MÀI VỚI HY VỌNG MỘT NGÀY, MIỀN ĐÁ XÁM SẼ “NỞ HOA” HẠNH PHÚC, “KẾT TRÁI” ẤM NO.

 

Chàng thanh niên đặc biệt ấy là Nguyễn Văn Trãi, sinh năm 1988, tại xã Thái Thủy (Lệ Thủy). Nhưng cộng đồng làm du lịch ở Hà Giang đã quen gọi anh bằng cái tên đậm chất vùng cao: Giàng A Phớn. Anh đã là một phần của mảnh đất vùng cao nguyên đá, là một người Mông thực thụ khi mà Phớn am hiểu văn hóa, gắn bó với nơi này hơn cả nhiều người Hà Giang chính hiệu.

 

Trong những ngày là sinh viên ngành Việt Nam học, anh đã có cơ hội đi thực tế tìm hiểu văn hóa và tham gia các chuyến thiện nguyện tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Kho văn hóa đồ sộ của đồng bào 19 dân tộc ở Hà Giang đã thực sự mời gọi và gieo niềm thương, nỗi nhớ trong anh. Vậy là thay vì đặt chân đến những thành phố lớn hay trở về quê hương Quảng Bình, Phớn quyết định tiến xa hơn, ngược lên phía cực Bắc và neo đời mình lại nơi mảnh đất này.

 

 

Với vốn liếng có được chỉ đơn giản là kiến thức và sự đam mê cùng nghị lực vượt khó, Phớn thành lập Công ty Du lịch Hà Giang Trẻ-một trong những đơn vị tiên phong trong phong trào làm du lịch ở Hà Giang thời điểm năm 2014-2016. Những ngày đầu trên con đường khởi nghiệp, anh thực sự cô đơn, có lúc là cô độc khi không gia đình, bạn bè sát cạnh để hỗ trợ.

 

Đến nay, Hà Giang Trẻ đã có chỗ đứng vững chắc, lớn mạnh từng ngày và thực sự xây dựng được thương hiệu, khẳng định được vị thế của một “con sói đầu đàn” trong phong trào phát triển du lịch tại Hà Giang. Thông qua các hoạt động của Hà Giang Trẻ, anh luôn đề cao việc xây dựng các giá trị bền vững cho cao nguyên đá bằng việc hạn chế sử dụng túi nilon, tránh những tác động xấu đến môi trường, hỗ trợ sinh kế cho bà con…

 

Nhắc về Phớn, ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hà Giang đã dành những lời trân trọng: “Là Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Giang suốt 2 nhiệm kỳ qua, Phớn đã đóng góp rất nhiều cho du lịch tỉnh, không chỉ trong phát triển sản phẩm, quảng bá mà còn phát triển nguồn nhân lực cho địa phương. Chúng tôi thấy được quyết tâm, sự gắn bó của anh với Hà Giang khi anh luôn coi đây là quê hương thứ hai của mình. Anh miệt mài phát triển các sản phẩm du lịch mới, kết nối các doanh nghiệp du lịch Hà Giang trở thành một cộng đồng du lịch đoàn kết, bền vững”.

Trong những ngày nghỉ dịch, Phớn cùng anh em Hà Giang Trẻ xây dựng nên homestay Núi Hoa tại xã Cao Mã Pờ, huyện Quản Bạ mang đậm kiến trúc phổ biến và lâu đời của bà con xứ cao nguyên đá. Homestay là khu nhà trình tường lợp mái ngói âm dương, thay vì fibro ximăng như lựa chọn của nhiều cơ sở lưu trú khác. Có sự năng động, hiện đại của người trẻ làm du lịch nhưng Phớn luôn đề cao vai trò của việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

 

Anh bảo, đồng bào dân tộc sở hữu kho tàng văn hóa đồ sộ nhưng những giá trị văn hoá đó không chỉ cần được nghiên cứu, khám phá mà phải được quảng bá và nâng tầm giá trị. Nên không chỉ ở Núi Hoa mà tất cả các hoạt động của Hà Giang Trẻ đều mang đến cho du khách những trải nghiệm đậm màu sắc văn hóa bản địa.

 

 

Phớn quan niệm, hơn ai hết, chính đồng bào dân tộc là những sứ giả văn hóa quảng bá hiệu quả nhất cho dân tộc mình. Nên hàng năm, Hà Giang Trẻ luôn tổ chức các khóa đào tạo miễn phí và tạo việc làm ổn định cho thanh niên đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Đến nay, phần đông nhân lực của Hà Giang Trẻ là người đồng bào Mông, Dao, Tày… Họ chính là những người dẫn đường tận tụy, nhiệt thành cùng vốn hiểu biết văn hóa bản địa sâu sắc. “Khi các bạn ấy giới thiệu về văn hóa của mình bằng sự tự hào chính là đang gìn giữ văn hóa của dân tộc mình và truyền những thông điệp văn hóa đến cho du khách, đặc biệt là lan tỏa những điều tích cực đến cộng đồng sống của các bạn”, Phớn chia sẻ thêm.

 

 

Trời về chiều. Trên con đường lưng chừng đồi, mờ sương phủ, những người phụ nữ gánh trên lưng bồn nước lớn bằng inox sáng loáng. Những tấm lưng gầy gò còng rạp xuống. Vậy mà trên gương mặt khắc khổ, nụ cười rạng rỡ như hoa. Từ nay, nhiều gia đình vùng cao nguyên đá đã có của để dành là những bồn nước mưa tích trữ, cùng họ đi qua những ngày mùa khô dài lê thê. Những đôi chân trần sẽ không phải ngược lên từng sườn dốc, mò mẫm trong từng mó nước, chắt chiu từng giọt nước hiếm hoi. Đổi thay ấy được nhen lên bởi dự án “Tặng bồn nước cho đồng bào trên cao nguyên đá” do Giàng A Phớn khởi xướng suốt hơn 3 năm nay.

 

 

Bao đời nay, đồng bào vùng cao nguyên đá Đồng Văn sống tựa vào đá. Những mô đá lởm chởm bủa vây cuộc sống của họ, đẩy họ vào hoàn cảnh sống khắc nghiệt mà hiếm nơi nào có được. Nguồn sống chủ yếu tựa nhờ vào nguồn nước mưa trong khi mùa khô thường kéo dài cả nửa năm trời. Trong những chuyến ngược lên với đồng bào, Giàng A Phớn hiểu nước là nguồn sống quý giá của vùng cao nguyên đá. Còn nước là còn hy vọng về một sự đổi thay cuộc sống của bà con miền đá xám này.

 

Sau nhiều trăn trở, Phớn tự bỏ tiền túi rồi đứng ra vận động anh em, bạn bè, các nhà hảo tâm thực hiện dự án tặng bồn nước cho đồng bào. Gần 3 năm nay, hơn 8.000 bồn nước có trị giá hơn 14 tỷ đồng đã ngược ngàn lên với cao nguyên đá với ước mong hồi sinh vùng đất khát. Cả trong những ngày dịch Covid-19 hoành hành, mọi hoạt động kinh doanh du lịch đều bị ngưng trệ nhưng Phớn vẫn miệt mài với những hoạt động “gùi nước về bản”.

 

Từ những nỗ lực chưa một ngày mệt mỏi trong suốt 3 năm qua của anh, hành trình nhân văn ấy đã được nhân lên bằng sự hỗ trợ nhiệt thành của các cá nhân, tổ chức. Nhiều du khách sau khi đến thăm vùng cao nguyên đá đã tự nguyện đóng góp cho quỹ. Họ cũng là cầu nối cho những tấm lòng hảo tâm hướng về đồng bào vùng đất khát.

 

 

Như mục tiêu đặt ra từ những ngày đầu khởi nghiệp, Phớn luôn chú tâm xây dựng Hà Giang Trẻ trở thành đơn vị tiên phong trong các hoạt động cộng đồng, mang lại nhiều phúc lợi xã hội cho bà con vùng cao. Ngoài chương trình trao tặng bồn nước cho bà con, Hà Giang Trẻ còn kết nối với nhiều du khách thông qua các hành trình tour để trao học bổng cho các em học sinh, hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn. Hàng chục trẻ em vùng cao đã được đến trường từ quỹ học bổng quý giá ấy. Những ước mơ trên vùng đất khó đã không còn lo bị đứt đoạn bởi đói nghèo.

 

Mùa xuân này, biết bao gia đình vùng cao đã có nước để sửa soạn đón Tết, bao mái nhà đã ấm hơn bởi những hành trình nhân ái của người thanh niên vùng gió Lào nơi cực Bắc xa xôi. Và sau một mùa đông băng giá khắc nghiệt, miền đá xám sẽ lại thức giấc, rực rỡ sắc đào tươi, đón đợi bước chân lữ khách.

Nội dung: DIỆU HƯƠNG

Thiết kế & Đồ họa: XUÂN HOÀNG

 

 

 

08:08, Thứ Năm, 26/01/2023 (GMT+7)