.

Số 3: "Môi trường là của cải"

Chủ Nhật, 25/07/2021, 14:37 [GMT+7]

"Nên tôn trọng môi trường sinh thái, coi đó là của cải để giáo dục con em mình thế hệ hôm nay và mai sau..."

 

“Nên tôn trọng môi trường sinh thái, coi đó là của cải, để giáo dục con em mình thế hệ hôm nay và mai sau...”

 

Chị Võ Hòa Bình, con gái thứ hai của Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể rằng: “ Khi tôi khoảng hơn 10 tuổi, một hôm ba tôi mang về nhà một quyển sách tiếng Pháp khổ lớn, in rất đẹp, và chỉ cho chúng tôi tên sách: “ Đây là quyển sách nói về sinh thái học”. Đó là lần đầu tiên tôi nghe tới từ đó và cũng là bài học sâu sắc nhất của tôi về môi trường thiên nhiên. Trong khi lật từng bức tranh, từng trang sách để giảng giải cho các con, ba tôi nói:“Hệ sinh thái là môi trường sống của nhân loại từ hàng triệu năm, phải giữ gìn cho đời sau. Những công trình to lớn khi bị phá đi thì còn có thể xây dựng lại, nhưng các con hãy nhớ rằng những sự suy thoái của hệ sinh thái là không thể đảo ngược được. Hệ sinh thái một khi đã bị phá hoại  thì dù có bao nhiêu tiền của cũng không thể khôi phục lại được”.   

 

 

 

 

Với Quảng Bình, Đại tướng luôn mong muốn truyền đạt tới mọi người nguyện vọng giữ gìn môi trường thiên nhiên để có thể phát triển bền vững. Ông căn dặn: “Nên tôn trọng môi trường sinh thái, coi đó là của cải để giáo dục con em mình thế hệ hôm nay và mai sau biết giữ gìn môi trường thiên nhiên”.

 

Chính vì vậy mà mỗi lần trở về quê hương, dù là vì việc công hay việc tư, Đại tướng cũng dành nhiều thời gian để nói chuyện, căn dặn cán bộ, Nhân dân toàn tỉnh phải hết sức coi trọng bảo vệ môi trường, bảo vệ “của cải xanh”, “lá phổi xanh” cho quê hương.

 

Đại tướng luôn nhắc đến HTX Đại Phong năm xưa, tiến quân lên vùng đồi, khai hoang trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tạo nên những vành đai xanh, bảo vệ làng mạc.

 

 

 

 

Đại tướng đã đi thăm ông Ngô Văn Lý, một thương binh ở làng Cự Nẫm, người đã đưa cây gỗ huỵnh có nguy cơ tuyệt chủng trong rừng tự nhiên về trồng trong vườn nhà. Ông Lý cũng là người nhân giống thành công cây gỗ quý này trước cả các nhà nghiên cứu khoa học. Đại tướng vui mừng và xúc động khi biết từ giống cây trong  vườn nhà người cựu chiến binh, nhiều diện tích đất đồi rộng lớn đã được phủ xanh.

 

Đại tướng cũng đã về thăm, khen ngợi và động viên mẹ Phạm Thị Nghèng, người hơn 40 năm làm đội trưởng đội trồng rừng phi lao chắn cát của các mẹ, các chị làng biển Quang Phú (TP. Đồng Hới).

 

 

Trong rừng phi lao của mẹ Nghèng, Đại tướng ân cần căn dặn các cháu thiếu niên học tập tấm gương của mẹ , tích cực tham gia trồng cây, bảo vệ môi trường.

 

 

Đại tướng đặc biệt quan tâm đến môi trường vùng cát. Ông nói: Quảng Bình là một tỉnh được thiên nhiên ưu đãi có biển có rừng, có nhiều sông suối, hiếm nơi nào có được. Bờ biển của tỉnh ta dài đến 116 km. Nguồn nước ngọt dưới cát là một tài sản vô giá. Thế giới đang phải đối diện với biến đổi khí hậu, cạn kiệt nguồn nước, chúng ta có một kho báu trong lòng cát thì phải biết giữ gìn nó, không được để nguồn nước này bị ô nhiễm, cạn kiệt. Và ông đã kịch liệt phản đối việc nuôi tôm trên cát ở ven biển Quảng Bình, ngăn sự phá hủy “kho báu” của quê hương.

 

Quan tâm đến môi trường là quan tâm đến cuộc sống của mỗi người dân và các thế hệ tương lai nên Đại tướng đã rất lo lắng mỗi khi nghe tin ở quê hương có bão lụt lớn làm thiệt hại về người và tài sản. Mỗi ngày, Đại tướng đều đọc báo, nghe đài để biết mọi thông tin về quê nhà, nên “khi mà nghe Quảng Bình có tiếng hay thì tôi thơm lây, mà nghe có chuyện gì thì nó cũng hơi chạnh lòng”.

 

Trong một lần chuyện trò cùng phóng viên Đài PT-TH Quảng Bình tại Hà Nội, Đại tướng xúc động hỏi: “Rừng mẹ Nghèng thế nào rồi ? Bác lo ở cái chỗ phá rừng mẹ Nghèng. Phá các rừng đó thì nước mặn nó sẽ tràn vào...”, “Chỗ Võ Xá còn nhiều rừng không ? Ở Dinh Mười thì sao ? Ở Hạc Hải lác có còn nhiều không. Làng An Xá có còn giữ nghề dệt chiếu cói ? Theo tôi thì không nên ngăn mặn ở đập Mỹ Trung nữa...”

 

(Mời quý độc giả xem băng ghi hình )

 

 

Chị Võ Hồng Anh, con gái đầu của Đại tướng sinh thời cũng từng chia sẻ: “Nói bảo vệ môi trường thì cả thế giới nói, nhưng mỗi lần ông cụ (Đại tướng Võ Nguyên Giáp-PV) nói thì tôi thấy chất chứa trong đó một nỗi lo lắng cho quê hương. Mỗi lần thấy báo chí hay truyền hình đưa tin lũ lụt ở miền trung làm bao nhiêu người chết, bao nhiêu tài sản bị cuốn trôi, cụ lấy làm ngạc nhiên là tại sao lúc đó phóng viên không nói luôn nguyên nhân là tại phá rừng, là cần phải bảo vệ môi trường để tránh những thảm họa như thế này. Lần nào về thăm quê Lệ Thủy, cụ cũng nhắc nhở mọi người là phải giữ cho rừng đầu nguồn, cho sông Kiến Giang, phá Hạc Hải được nguyên vẹn. Tôi là một người con Quảng Bình, nỗi lo lắng ấy truyền qua tôi và nó cũng trở nên thúc bách. Tôi rất muốn những người dân trên quê hương mình thấu hiểu được nỗi lo lắng ấy trong lòng một người con quê hương như ba tôi. Mỗi lúc tôi cảm nhận rõ ràng nỗi lo hiện hữu một cách xót xa trong lòng ông cụ thì tôi rất thương ba. Và nếu như mỗi người dân Quảng Bình thấu hiểu được điều đó thì...sẽ thấy được sự gần gũi với cụ”.

 

(Mời quý độc giả xem băng ghi hình)

 

 

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Ngô Văn Lý, mẹ Phạm Thì Nghèng đã về cõi vĩnh hằng, nhưng những gì mà những người con Quảng Bình ưu tú ấy đã cống hiến và mong ước cho quê hương, cho các thế hệ tương lai cần được ghi nhớ và tiếp nối. 

Rừng mẹ Nghèng qua bao lần bị chặt phá giờ vẫn hiện hữu trên đồi cát Quang Phú, Nhật Lệ. 

Rừng ông Lý “huỵnh” được 5 người con của ông và những người dân Cự Nẫm nhân lên bạt ngàn trên những vùng đồi dọc đường Hồ Chí Minh. 

Quảng Bình vẫn chưa ngặn chặn triệt để nạn phá rừng, nhưng đã giữ được nhiều năm độ che phủ rừng đạt 68 %, đứng thứ 2 cả nước. 

Phá Hạc Hải vẫn là “biển cạn” với môi trường trong lành, mênh mông ruộng đồng bao quanh...

 

 

Và, nơi yên nghỉ của Đại tướng ở Vùng Chùa- Đảo Yến sau 9 năm Người trở về trong lòng đất mẹ đã là một quần thể xanh bởi rừng trồng xen giữa rừng tự nhiên. 

Ngoài những loài cây thân thuộc mà người dân cả nước mỗi lần đến viếng mộ Đại tướng mang theo để trồng, những người con và các cháu của Đại tướng đã dành nhiều thời gian, công sức để trồng, chăm sóc cây, khơi dòng chảy cho những con suối, làm nơi yên nghỉ của Đại tướng trở thành một khu sinh thái xanh mát, góp phần bảo vệ  môi trường như tâm nguyện của Đại tướng. 

 

 

Nhưng, nỗi  lo lắng của Đại tướng hôm nay vẫn còn hiện hữu. Quảng Bình vẫn bị đe dọa bởi thiên tai, bão lũ, dịch bệnh. Hạn hán kéo dài và trận “đại hồng thủy” tháng 10 năm 2020 lịch sử ở Quảng Bình là lời cảnh báo cấp thiết Quảng Bình cần bảo vệ cho được những diện tích rừng nguyên sinh, những cồn cát ven biển, những mạch nước ngầm trong lòng cát; trồng lại rừng phi lao của mẹ Nghèng; trồng nhiều cây xanh hơn trên những đồi cát, trong vùng ngập mặn, trên những đồi hoang và trên những khu rừng bị tàn phá.

 

Có như thế Quảng Bình mới giữ được và làm giàu thêm “ kho của cải  xanh”, để lại gia tài thiên nhiên quý báu cho thế hệ con cháu mai sau như Đại tướng hằng mong mỏi.

 

(Mời quý độc giả cùng xem clip về Quảng Bình với màu xanh của rừng và biển ngày hôm nay)

 

 

“Chỉ có bằng sức mạnh của nhận thức khoa học, nhận thức được quy luật của tự nhiên, quy luật sinh thái, quy luật xã hội, ứng dụng các quy luật đó một cách đúng đắn và bằng sự chuyển biến thực sự trong hành động thực tế chúng ta mới có thể điều khiển được một cách tối ưu sự tác động qua lại giữa con người với tự nhiên, giữa xã hội với môi trường”.

 

30 năm trước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói điều này và đó vẫn là bài học của ngày hôm nay.

 

 

Số 1: "Tôi luôn luôn nghĩ đến quê hương"

Số 2: "Dĩ công vi thượng"

Số 3: "Môi trường là của cải"

Số 4: "Toàn dân học tập"

Số 5: Luôn nhìn về hướng biển

Số 6: "Đừng xa dân"

 

(Số 7: Biến huyền thoại thành lịch sử)

 

Nội dung: TRẦN HỒNG HIẾU

Thiết kế & Đồ họa: ĐOÀN XUÂN HOÀNG

Ảnh: Tư liệu

14:37, Chủ Nhật, 25/07/2021 (GMT+7)