.

... Còn chồi nảy cây!

Thứ Ba, 05/01/2021, 08:30 [GMT+7]

Như người xưa đã nói: "…Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây", ngay sau cơn lũ dữ, cùng với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, nhà hảo tâm, người dân vùng lũ Quảng Bình đang mạnh mẽ vươn lên, hồi sinh cuộc sống…

Cơn “đại hồng thủy” vào giữa tháng 10-2020 đã khiến nhiều gia đình ở vùng lũ Quảng Bình rơi vào tình trạng mất hết nhà cửa, tài sản. Thiên tai khắc nghiệt bao đời nay đã góp phần tạo nên ý chí kiên cường, niềm lạc quan cùng quyết tâm vượt khó của những con người nơi đây. Như người xưa đã nói: “…Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”, ngay sau cơn lũ dữ, cùng với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, nhà hảo tâm, người dân vùng lũ Quảng Bình đang mạnh mẽ vươn lên, hồi sinh cuộc sống…

Cơn “đại hồng thủy” giữa tháng 10-2020 đã nhấn chìm nhiều xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Nước lũ dâng cao “chưa từng có” đã cuốn đi hết tài sản của người dân bao đời chắt chiu, dành dụm và để lại sự tiêu điều, xác xơ…

 

Vậy nhưng, những ngày cuối năm này, trở lại những nơi từng là “rốn lũ” kinh hoàng, chứng kiến nhiều căn nhà mới vừa mọc lên và màu xanh của những cánh đồng rau, cánh đồng hoa đang dần được bao phủ, thay cho màu của bùn đất, chúng tôi cảm nhận được sự lạc quan, ý chí vươn lên mạnh mẽ của người dân nơi đây.

 

Trong cơn “đại hồng thủy” này, xã Lộc Thủy là một trong những địa phương ngập sâu nhất của huyện Lệ Thủy. Ông Võ Đình Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy cho biết, trận lũ đã làm toàn bộ 1.232 ngôi nhà trên địa bàn xã đều ngập sâu từ 1,5 đến 4m (trong đó có 8 ngôi nhà bị sập hoàn toàn) và cuốn trôi nhiều tài sản có giá trị của bà con.

 

“Sau gần 3 tháng, nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm, đến nay, địa phương cơ bản đã khắc phục gần xong hậu quả của cơn lũ. Xã đã huy động toàn bộ lực lượng để phân bổ hàng cứu trợ, hỗ trợ bà con tập trung làm vệ sinh, sửa lại nhà cửa, khôi phục sản xuất. Đặc biệt, chúng tôi đang chuẩn bị thật tốt các điều kiện để sản xuất vụ đông-xuân 2020-2021 bảo đảm thắng lợi”, ông Tuấn chia sẻ.

Đang sản xuất thuận lợi thì trận lũ tràn về cuốn trôi toàn bộ hơn 2 vạn bịch nấm cùng nhiều trang thiết bị sản xuất của gia đình anh Trần Chính Niệm, Hợp tác xã (HTX) nấm sạch An Xá. Thiệt hại ước tính gần 500 triệu đồng. 

 

“Tiếc của lắm nhưng vợ chồng tôi nghĩ rằng, của cải mất đi thì phải làm lại mới có, còn người ắt còn của!”, anh Tuấn chia sẻ. 

 

Anh cho biết, ngay sau khi nước lũ rút, vợ chồng anh đã vay mượn vốn liếng, mua nguyên vật liệu, huy động nhân công bắt tay trở lại sản xuất. Đến thời điểm này, gia đình anh đã khôi phục được gần 2 vạn bịch nấm. “Hy vọng, chúng tôi sẽ có đủ lượng nấm sạch để cung cấp cho người dân trên địa bàn, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới”, anh Tuấn hồ hởi cho biết.

 

Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, các nhà hảo tâm, sự giúp đỡ của chính quyền xã, sau một thời gian chuẩn bị, vợ chồng ông Trần Văn Thắng và bà Phan Thị Hoài ở thôn Tuy Lộc (Lộc Thủy) đã khởi công xây dựng căn nhà mới. 

 

Trong niềm vui khôn xiết, bà Hoài chia sẻ: “Nước lũ tràn về, cả nhà tôi chỉ kịp thoát thân, tài sản nhà cửa cả đời chắt chiu đều bị cuốn đi hết. Sau lũ, căn nhà chỉ còn lại duy nhất cái nền đất trống…Vậy là năm nay gia đình đã có căn nhà mới kiên cố để đón Tết rồi, từ nay cũng bớt lo lắng mỗi mùa mưa lũ về!”.

 

Trong cái rét như cắt da, da cắt thịt, chị Nguyễn Thị Minh ở thôn 1, xã Mỹ Trạch (Bố Trạch) đang tất bật xắt chuối trộn với cám cho con bò của gia đình ăn. Chị Minh cho biết, trong trận lũ vừa qua, nước lũ dâng cao đã cuốn trôi gần 1 tấn lúa của gia đình và nhiều tài sản khác của gia đình chị. Nhà làm nông nghiệp, lại thuộc diện hộ nghèo của xã nên số tài sản đó được xem là những gì quý giá nhất của gia đình chị. Sau lũ, gia đình chị được các nhà hảo tâm tặng cho “con bò sinh kế” này. 

 

“Con bò này rất có ý nghĩa đối với gia đình tôi lúc này. Nó là “cơ hội” để gia đình vươn lên ổn định cuộc sống và thoát nghèo sau này. Vì vậy, vợ chồng tôi phải thay nhau chăm bẵm nó thật tốt để không phụ tấm lòng thơm thảo của các nhà hảo tâm đã tặng gia đình…”, chị Minh chia sẻ.

 

Năm 2020 là một năm vô cùng khó khăn của ngành du lịch Quảng Bình. Chưa “gượng dậy” do đại dịch Covid-19, nhiều đơn vị hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh lại phải đối mặt những thiệt hại nặng nề do trận lũ lịch sử gây ra. Vậy nhưng, không để thiên tai khuất phục, nhiều đơn vị làm du lịch trên địa bàn tỉnh đang từng ngày khắc phục thiệt hại, đầu tư lại cơ sở vật chất, thực hiện chương trình kích cầu để đón khách trở lại trong mùa du lịch mới.

 

Là đơn vị làm du lịch hàng đầu tại Quảng Bình, sau thời gian tạm dừng do mưa lũ, Công ty Chua me đất (Oxalis) đang nhanh chóng khôi phục các hoạt động du lịch để đón khách trở lại. Mở đầu cho mùa du lịch 2021, Oxalis triển khai tour “Chinh phục Tú Làn và ngắm voọc quý hiếm” dành cho những người thích khám phá thiên nhiên và yêu động vật hoang dã. Trước đó, ngay trong thời điểm cơn lũ lịch sử đang diễn ra, Oxalis đã tổ chức thử nghiệm thành công tour du lịch tham quan Hung Trâu và các bản đồng bào Rục. Đây được xem là tour du lịch điển hình mà Oxalis đã biến “cái bất lợi thành cái có lợi”.


Bản Ón, Yên Hợp và Mò O Ồ Ồ nằm gần biên giới Việt-Lào thuộc xã Thượng Hóa (Minh Hóa). Đây là những bản làng rất độc đáo, nơi định cư của người Rục, 1 trong 10 tộc người bí ẩn nhất thế giới. Do đường vào bản nằm sâu trong các dãy núi đá vôi nên vào mùa mưa lũ, nước không thoát kịp và cả cánh rừng nhiệt đới ở đây tạm thời ngập sâu trong nước, tạo nên sự độc đáo tuyệt vời mà khó nơi nào có được. Nước lũ sẽ ngập trong vòng khoảng 1-2 tháng và trong xanh như màu ngọc bích.

 

Tham gia tour du lịch, du khách dùng kính lặn để lặn quan sát thế giới bên dưới mặt nước và cảm nhận một thế giới hoàn toàn khác, kỳ ảo siêu thực. Ở khu vực này, bình thường du khách có thể tiếp cận bằng xe ô tô, nhưng trong những ngày ngập lũ thì chỉ có thể tiếp cận bằng thuyền, kayak, SUP hoặc xuồng hơi. ..

 

“Chúng tôi thực hiện tour du lịch này không chỉ là muốn tạo ra một sản phẩm độc đáo, mới lạ mà còn muốn làm một cái gì đó để giúp đỡ đồng bào Rục ở 3 bản Ón, Yên Hợp và Mò O Ồ Ồ. Và hiện nay, Oxalis đang kết hợp với Đồn Biên phòng Cà Xèng xây dựng 3 trạm lọc nước sạch cho 3 bản (trị giá mỗi trạm 80 triệu đồng) và hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng hệ thống điện chiếu sáng vùng biên…”, ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Công ty Oxalis chia sẻ.

 

Những ngày sau lũ, dòng sông Son đang lấy lại vẻ đẹp vốn có. Những làng quê khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng, “trái tim” của du lịch Quảng Bình cũng đã được khoác lên màu xanh mới. Cùng với nỗ lực của các đơn vị du lịch, mới đây, tại kỳ họp thường kỳ cuối năm 2020, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về giảm phí các sản phẩm du lịch đến hết năm 2021. Theo đó, tỉnh Quảng Bình giảm từ 20% đến 50% mức thu phí đối với các sản phẩm du lịch trên địa bàn. Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch cũng triển khai các chương trình giảm từ 10% đến 30% giá bán các dịch vụ du lịch với cam kết bảo đảm an toàn cho khách du lịch, bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19…

 

Ngành du lịch cũng như những ngành kinh tế khác và tất cả người dân Quảng Bình đang phải từng ngày nỗ lực vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 và thiên tai gây ra. Nhưng có thể thấy, với sự giúp đỡ của cả nước, phối hợp nhịp nhàng của chính quyền, các doanh nghiệp, ngành du lịch Quảng Bình được kỳ vọng sẽ vượt qua các thách thức và kiên cường hồi sinh trong năm mới 2021.

 

Bài: PHAN PHƯƠNG

Ảnh: Xuân Hoàng - Oxalis

Thiết kế & Đồ họa: Xuân Hoàng

08:30, Thứ Ba, 05/01/2021 (GMT+7)