.

Rừng lộc vừng bên dòng Đâu Giang

Thứ Năm, 14/12/2017, 08:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Nằm bên tả ngạn dòng Đâu Giang, làng Bình Minh thuộc xã Dương Thủy (huyện Lệ Thủy) có một báu vật mà hàng trăm năm qua các thế hệ người dân nơi đây đều ra sức gìn giữ. Đó là rừng cây lộc vừng (hay còn gọi là cây mưng) chạy dài trên những triền đê, bảo vệ làng trước sự tàn phá ác liệt của thiên tai.

Báu vật của làng

Làng Bình Minh, xã Dương Thủy có 343 hộ với 1.581 nhân khẩu, cách T.P. Đồng Hới 45km về phía Nam, nổi bật bởi dải rừng lộc vừng xanh mướt, có tuổi đời vài trăm năm tuổi bao bọc quanh làng. Trước bao cuộc biến thiên của lịch sử và sự tàn phá ác liệt của thiên tai, rừng cây lộc vừng vẫn đứng vững, thách thức thời gian để che chắn, bảo vệ cho làng.

Tự hào về quê hương, xứ sở của mình, ông Nguyễn Văn Khắc, một cao niên trong làng kể cho chúng tôi nghe về rừng cây lộc vừng mà cả làng đều xem đó là di sản vô giá. Không biết từ khi nào, làng ông đã có rừng lộc vừng vững chãi. Người dân làng Bình Minh ví rừng lộc vừng như một bức bình phong vĩ đại che chắn làng mỗi khi gặp giông, bão. Người dân Bình Minh quý rừng và dày công gìn giữ... Lộc vừng có sức sống bền bỉ, thân cây dẻo dai, phù hợp với điều kiện đất đai của làng. Cây có thể phát triển tốt trên triền đê hay bên cạnh các hói nước quanh làng nên có tác dụng lớn trong việc chống xói lở đất.

Từ đầu làng đến cuối làng Bình Minh, xã Dương Thủy được bao phủ bởi cây lộc vừng.
Từ đầu làng đến cuối làng Bình Minh, xã Dương Thủy được bao phủ bởi cây lộc vừng.

Ông Khắc nhớ lại, trận lụt năm 2010 và 2011, mực nước dâng cao như muốn cuốn phăng tất cả. Làng Bình Minh nhờ có rừng lộc vừng bảo vệ mà dân làng bình yên vô sự. Rừng lộc vừng không chỉ bảo vệ dân làng mà còn là cứu cánh cho bà con vượt qua cơn đói. Những năm trước đổi mới, lúa gạo khan hiếm, nhiều người dân trong làng đã dùng lá mưng non và đam đồng trong bữa ăn.

Chung sức giữ rừng

Làng Bình Minh đã thành lập ban bảo vệ rừng với lực lượng nòng cốt là đội ngũ công an viên phụ trách thôn và tổ bảo vệ đồng. Hằng ngày, ban luôn cử người tuần tra luân phiên. Trong các buổi họp làng, ban cán sự thôn không lúc nào quên nhắc nhở người dân phải gìn giữ báu vật của làng trước sự nhòm ngó ngày một nhiều của những người săn cây cảnh.

Trao đổi với ông Phạm Văn Ngọc, Trưởng thôn Bình Minh, chúng tôi được biết: “Trước đây, cây lộc vừng bị trộm cắp rất nhiều nên người dân đã lập hương ước để bảo vệ. Theo hương ước của làng, hễ người nào vi phạm hại rừng sẽ bị phạt 5 tạ thóc, công khai xin lỗi trước toàn dân và phải trồng lại cây, đồng thời phạt thêm tiền để sung vào quỹ làng. Nhờ vậy mà rừng lộc vừng ở Bình Minh vẫn phát triển tốt, trở thành lá phổi xanh che chắn cho làng. Đây là kết quả của sự đồng lòng, đồng sức và ý thức bảo vệ cao của bà con dân làng.”.

Chính nhờ quan điểm coi rừng là vàng, là lá phổi của làng cùng với việc thực hiện hương ước giữ rừng nghiêm ngặt của người dân Bình Minh nên rừng lộc vừng cổ thụ nơi đây ngày một xanh tươi. Và với nhiều người dân trong làng, những cây lộc vừng ấy không chỉ che chắn cho làng trước thiên tai, bão lũ mà còn góp phần làm cho làng đẹp hơn, duyên dáng hơn bên dòng Đâu Giang.

Phạm Hà