.

Ngôi nhà chung của trẻ em khuyết tật

Thứ Hai, 09/10/2017, 08:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm học 2017-2018, Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật (NDTKT) Đồng Hới có 13 lớp với 99 học sinh. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đội ngũ cán bộ, giáo viên nơi đây luôn cố gắng mang lại cho các em kiến thức, kỹ năng sống và đào tạo nghề. Để từ đó, các em được bù đắp những thiệt thòi và có hành trang tốt đẹp, vững chãi cho cuộc sống ngày mai....

Trung tâm NDTKT Đồng Hới hiện đang là ngôi nhà chung của 99 trẻ khuyết tật đến từ 5/8 huyện, thành phố, gồm: Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa và TP. Đồng Hới. Hầu hết học sinh ở đây có độ tuổi từ 6-16 tuổi và bị mắc các dạng khuyết tật, như: khiếm thính (31 em), khuyết tật trí tuệ, vận động (66 em).

Ông Nguyễn Xuân Triển, Giám đốc Trung tâm NDTKT Đồng Hới cho biết, đa phần các cháu được gửi đến đây đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (có 10 em con hộ nghèo và cận nghèo). Vì vậy, cán bộ, giáo viên ở trung tâm luôn dành cho các em tình yêu thương đặc biệt. Trung tâm thường xuyên bồi dưỡng, bổ sung các phương pháp dạy học chuyên biệt nhằm từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy. Cùng với đó, hàng năm, rất nhiều nhà hảo tâm đã cùng chung tay góp sức, ủng hộ và hỗ trợ cho trung tâm cũng như các em cả về vật chất lẫn tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và tổ chức các hoạt động.

Các giáo viên Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Hới luôn tận tâm với học sinh.
Các giáo viên Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Hới luôn tận tâm với học sinh.

Hiện tại, Trung tâm NDTKT thành phố có 33 cán bộ, nhân viên phụ trách giảng dạy văn hóa cho các em theo chương trình 10 năm (2 năm/lớp), trong đó 100% cán bộ, giáo viên đạt trên chuẩn đào tạo và 7 cán bộ, giáo viên được đào tạo về giáo dục đặc biệt. Với ý thức trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, giáo viên nơi đây, các em đã được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng.

Để nuôi dạy trẻ hiệu quả, trung tâm đã chia thành 5 khối với 13 lớp học, tùy theo mức độ nhận thức và loại hình khuyết tật nhằm có phương pháp giáo dục phù hợp. Chính vì vậy, từ khu vực dạy học, thể chất đến khu nhà ăn, vui chơi... đều được phân bố hợp lý để chuẩn bị cho các em những hành trang tốt nhất hòa nhập cộng đồng. Trong những năm qua, trung tâm đã hoàn thành quá trình học văn hóa cho trên 40 em ở độ tuổi 14-16 và đưa các em trở về với cuộc sống bình thường.

Cô giáo Đặng Thị Tâm, giáo viên dạy văn hóa tại lớp khiếm thính chia sẻ: “Mỗi lớp ở đây có khoảng 6-10 em, các em rất ngoan và biết nghe lời, trong quá trình giảng dạy, chúng tôi luôn cố gắng tập trung vào việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu kèm theo những hình ảnh sinh động để các em có thể hiểu bài một cách nhanh nhất và tốt nhất.

Ngoài chương trình NDTKT chính khóa, trung tâm còn mở thêm các lớp dạy nghề để trang bị kiến thức và kỹ năng tạo dựng cuộc sống nhằm giúp các em chủ động, tự lập khi đã trưởng thành. Cụ thể, trung tâm tạo điều kiện dạy nghề may cho đối tượng học sinh khiếm thính. Công việc này không chỉ là niềm vui, niềm hạnh phúc của các em mà còn là niềm tự hào của cán bộ nơi đây. Bởi trên thực tế, qua các năm học, một số học sinh khiếm thính ra trường đã tự lập được cuộc sống bằng chính nghề may. Tiêu biểu như em Trương Anh Châu và Nguyễn Thị Huyền Thanh ở xã Thuận Đức; Ngô Thị Phương Thảo ở phường Bắc Lý; Phạm Thị Minh Trang ở phường Đức Ninh Đông...

Những giờ vui chơi mang lại niềm vui cho trẻ khuyết tật.
Những giờ vui chơi mang lại niềm vui cho trẻ khuyết tật.

Gắn bó với Trung tâm NDTKT trên 15 năm, ông Nguyễn Xuân Triển cũng trăn trở, hiện nay, các gia đình có con em gửi ở trung tâm hoàn toàn không phải đóng góp bất kỳ khoản chi phí nào. Số học sinh nội trú là 28 em và bán trú là 58 em, ở đây các em được nuôi ăn hai bữa một ngày với thực đơn thay đổi liên tục nhằm mang đến chế độ dinh dưỡng tốt nhất. Nhưng, sự hỗ trợ của Nhà nước cho mỗi em là 960 nghìn đồng/tháng còn thấp so với mặt bằng chung. Mặt khác, các em được đưa đến trung tâm với nhiều độ tuổi khác nhau, nên trong quá trình giảng dạy, có những lớp, các em 14-15 tuổi phải học chung với các em 5-6 tuổi. Vì thế giáo viên đôi khi gặp phải nhiều khó khăn trong việc truyền đạt kiến thức. Ngoài ra, điều kiện cơ sở vật chất của trung tâm còn thiếu thốn, nhất là phòng phục vụ phục hồi chức năng, các loại tài liệu, đồ dùng dạy học có tính chất đặc thù...

Theo ông Nguyễn Thanh Sinh, Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh, trên thực tế, trẻ khuyết tật rất cần được giáo dục và hỗ trợ nhiều hơn để phát triển, nhưng hiện nay trung tâm chỉ có chương trình dành cho học sinh cấp tiểu học mà chưa có chương trình dành cho học sinh THCS. Vì vậy, một số phụ huynh mong muốn trung tâm quan tâm nâng cấp học cho các em, bởi, đã có rất nhiều em có đủ trí tuệ và khả năng để có thể tiếp tục học lên cao hơn nhưng đành gác lại ước mơ...

Trung tâm NDTKT Đồng Hới thực sự là ngôi nhà chung ấm áp của trẻ em khuyết tật trong tỉnh, bởi đây không chỉ là nơi để các em vui chơi, luyện tập, để tự tin hòa nhập cộng đồng mà cũng chính là nơi giúp phụ huynh giảm gánh nặng gia đình, vơi đi bớt nỗi khó khăn, nhọc nhằn trong cuộc sống. Chính vì lẽ đó, nếu có thêm sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng, chắc chắn sẽ có thêm nhiều trẻ khuyết tật có cơ hội học tập và phát triển để trở thành những người có ích cho xã hội.

Thùy Lâm