.

Lạm thu đầu năm học mới: Trên bảo, dưới không nghe

Thứ Ba, 10/10/2017, 08:29 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm học 2017-2018, khai giảng được 10 ngày, thì cơn bão số 10 đổ bộ vào Quảng Bình làm thiệt hại nặng nề cho nhân dân toàn tỉnh nói chung và ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) nói riêng. Trong bộn bề khó khăn sau mưa bão, câu chuyện lạm thu đầu năm học ở các trường đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết...

>> Loạn thu tại Trường tiểu học Nam Dinh

Danh sách các khoản thu ở Trường tiểu học số 2 Nam Lý.
Danh sách các khoản thu ở Trường tiểu học số 2 Nam Lý.

“Nóng” các khoản thu

Vào năm học mới, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học, ngày 21-9-2017, UBND tỉnh đã có Công văn số 3320 chỉ đạo Sở GD-ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện kiểm tra, chấn chỉnh việc thu nộp các khoản thu đầu năm học.

Ngày 25-9-2017, Sở GD-ĐT tiếp tục có Công văn số 1832 gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố, hiệu trưởng (giám đốc) các đơn vị trực thuộc đề nghị triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành về việc thu nộp các khoản đầu năm học, không để xảy ra tình trạng thu một số khoản không đúng quy định gây khó khăn cho học sinh (HS), phụ huynh học sinh (PHHS), nhất là trong điều kiện tỉnh ta vừa bị ảnh hưởng nặng nề do cơn bão số 10 gây ra.

Tuy nhiên, tại nhiều trường học các hiệu trưởng đã tự đề ra một số khoản thu không hợp lý, hoặc thu dưới danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh (ĐDCMHS)... với tổng số tiền phải nộp của một HS khi bước vào năm học mới tại tỉnh ta bình quân từ trên 1 triệu đồng đến trên 5 triệu đồng, tùy theo từng trường cụ thể, vì vậy, đã gây bức xúc trong PHHS.

Hiện tại, vấn đề lạm thu đang “nóng” ở địa bàn TP. Đồng Hới và huyện Bố Trạch. Đa phần phụ huynh đều cho rằng, đã cho con đến trường thì sẵn sàng nộp các khoản thu theo đúng quy định, nhưng phải công khai, minh bạch, rõ ràng và phải được sự bàn bạc, đồng thuận của toàn thể PHHS trước khi tiến hành các khoản thu nộp. Nhưng hầu hết ở các trường trong buổi họp phụ huynh của lớp, cô giáo chủ nhiệm hoặc Ban ĐDCMHS đọc nhanh các khoản thu dài dằng dặc và kết lại tổng số tiền phải nộp cho 1 HS là bao nhiêu (đối với HS bán trú và HS không bán trú).

Các bậc phụ huynh không được bàn bạc gì thêm, dù nhiều khoản thu rất vô lý. Khi các phụ huynh yêu cầu được xem bản danh sách các khoản thu nộp thì được các cô giáo trả lời, đây là các khoản nộp theo đúng quy định của nhà trường và Ban ĐDCMHS đề ra, nhưng vì “nhạy cảm” nên không thể in ra được, mong phụ huynh lắng nghe.

Anh Phan Anh (Nam Lý) PHHS lớp 2 cho rằng, Ban ĐDCMHS như cánh tay nối dài, đại diện ý chí của các hiệu trưởng, nên hoạt động rất hình thức. Tôi thấy có nhiều khoản thu vô lý nhưng họ không hề có ý kiến, ví như sổ liên lạc bằng giấy phụ huynh đã nộp, nhưng nhà trường vẫn yêu cầu nộp tiền sổ liên lạc điện tử (tin nhắn) mỗi em 60.000-70.000 đồng/năm học (tùy theo trường).

Nhưng cả năm học trường chỉ nhắn không quá 10 tin với nội dung chủ yếu là đón HS sớm hoặc muộn, học sinh nghỉ học buổi này, buổi kia do bão lụt... Khoản thu quỹ Đội, theo tôi HS nào được kết nạp Đội mới thu quỹ, nhưng tất cả các trường đều thu quỹ Đội đổ đồng cho toàn bộ HS (kể cả những em mới vào lớp 1) với mức thu từ 25.000-60.000/em.

Hay quỹ Ban ĐDCMHS, theo Quyết định số 2851 của UBND tỉnh quy định, mức vận động tối đa kinh phí hoạt động của Ban ĐDCMHS theo từng năm học trên địa bàn tỉnh: mầm non 11%; tiểu học 13%; THCS 14% và THPT 15% mức lương cơ sở. Nhưng hầu hết các trường đều “xin thêm” từ 200.000-350.000 đồng, với lý do nếu thu theo quy định của tỉnh thì không đủ chi...

Chị Hoàng Lan có con vào lớp 1, Trường tiểu học số 2 Nam Lý chia sẻ: Qua tìm hiểu tôi thấy trường con tôi học có mức thu nộp vào hàng cao nhất nhì của thành phố, trừ tiền ăn, số tiền mà tôi phải nộp cùng tiền sách, vở, đồng phục để con vào lớp 1 khoảng trên 5 triệu đồng. Vì là lần đầu tiên có con đi học tiểu học nên tôi không hiểu lắm các khoản thu của nhà trường, nhưng tôi thấy quá nhiều, với mức lương công nhân lao động như chúng tôi, nếu gia đình nào có hai con đi học thì quả là không biết xoay chạy vào đâu...

Còn chị Minh Ngọc (phường Hải Đình) phụ huynh lớp 3 băn khoăn: Vẫn biết là cần phải xã hội hóa giáo dục, phụ huynh phải chung tay góp sức cùng nhà trường, nhưng năm nào cũng thu xây dựng cơ sở vật chất (CSVC) với mức quy định tối thiểu cho mỗi HS phải nộp, cùng với nhiều khoản thu khác đã gây khó khăn không ít cho phụ huynh khi vào năm học mới.

Mỗi năm học Trường tiểu học Nam Dinh lại thay đổi màu sắc và kiểu dáng của đồng phục học sinh.
Mỗi năm học Trường tiểu học Nam Dinh lại thay đổi màu sắc và kiểu dáng của đồng phục học sinh.

Theo tôi được biết, năm học 2017-2018, phường Hải Đình và TP. Đồng Hới đã hỗ trợ Trường tiểu học Hải Đình hơn 220 triệu đồng để tu sửa CSVC chuẩn bị cho năm học mới. Nhưng trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, nhà trường vẫn đưa ra mức đóng góp xây dựng CSVC tối thiểu cho một HS là 300.000 đồng, khi được chất vấn về khoản thu này các cô cho rằng, đây là công trình hội (Ban ĐDCMHS) thu để phục vụ trang trí trường, lớp...

Tại Công văn số 1832, do Giám đốc Sở GD-ĐT ký ngày 25-9-2017 đã chỉ đạo các trường: “Thực hiện giãn thời gian thu, thời điểm thu các khoản thu để giảm gánh nặng cho học sinh, phụ huynh học sinh; trước mắt trong thời gian khắc phục hậu quả của cơn bão số 10, chưa thu các khoản thu  chưa thực sự cấp thiết”, nhưng hầu hết các trường đều yêu cầu phụ huynh nộp 1 lần tất cả các khoản thu đã đề ra.

“Trong đó, có các khoản thu như: tiền bảo vệ, tiền học thêm tại trường, hay tiền học 2 môn tiếng Anh, tin học (đối với bậc tiểu học)... được chi trả theo từng tháng, tại sao nhà trường không chia ra thu theo tháng để giảm gánh nặng cho PHHS? Hơn nữa các khoản thu này quá cao, không đúng với thực tế chi trả lương cho những người này? - chị Ngọc bất bình.

Chuyện đồng phục học sinh

Thời gian qua, đồng phục HS cũng đã được ngành GD-ĐT quan tâm hướng dẫn cụ thể tùy theo điều kiện từng trường, từng địa phương để thực hiện, nhưng vẫn không tránh khỏi những bất cấp. Để chuẩn bị cho năm học 2017-2018, ngay đầu hè Sở GD-ĐT đã có Công văn số 912 nêu rõ: Động viên, khuyến khích các em HS mặc đồng phục các năm học trước (nếu còn sử dụng được).

Nhà trường  không được yêu cầu HS may (hoặc mua) đồng phục mới theo từng năm học mới; không được thay đổi kiểu dáng, màu sắc, logo đồng phục theo từng năm học; quy định HS mặc đồng phục vào ngày đầu tuần và ngày cuối tuần học; các ngày khác trong tuần, HS phải mặc gọn gàng, sạch sẽ, bảo đảm tính nghiêm túc...

Vậy nhưng, hiện có rất nhiều trường vẫn bắt HS mặc đồng phục cả tuần, ngay cả học thêm buổi chiều cũng phải mặc đồng phục. Thậm chí có nhiều trường đồng phục cả mũ (bỏ không đội mũ ca lô mà đồng phục mũ lưỡi trai). Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi về việc nhà trường “bắt tay” với cơ sở may đồng phục.

Phụ huynh Trường THCS Đồng Phú (Đồng Hới) phản ánh, vì nhà trường bắt mặc đồng phục cả tuần và cả buổi chiều đi học thêm tại trường, nên phải mua ít nhất 4 bộ đồng phục (2 bộ mùa hè, 1 bộ thể dục, 1 áo khoác mùa đông). Cùng với quy định cứng nhắc đó, nên dẫn đến vào những ngày mùa đông nhiệt độ xuống thấp HS mặc nhiều áo chống lạnh, nhưng cũng phải để lộ cổ áo đồng phục ra ngoài, nếu không lớp sẽ bị trừ điểm thi đua.

Vào năm học 2017-2018, nhà trường lại thay đổi kiểu dáng đồng phục mùa hè, buộc HS phải mua mới, cùng với nhiều khoản thu nộp khác... Tất nhiên là các bậc phụ huynh không mấy bằng lòng với các quy định này, nhưng vì sợ con bị ảnh hưởng nên không ai dám lên tiếng.

Còn anh Nguyễn Văn Phú, phụ huynh Trường tiểu học Nam Dinh (Bố Trạch) bức xúc: Năm nào trường cũng thay màu, kiểu dáng đồng phục và bắt phụ huynh mua mới, nên em không thể mặc lại đồng phục của chị, của anh gây lãng phí, tốn kém không ít.

Hiện tại con tôi có 5 bộ đồng phục 5 màu và 5 kiểu dáng khác nhau. Nhất là bộ đồng phục năm nay với giá 125.000 đồng/1 bộ, nhưng chất liệu vải quá tệ, vừa nóng vừa bí bức, mỗi lần giặt chúng tôi không dám giặt mạnh tay, các cháu mới mặc được hơn 1 tháng nhưng cả áo lẫn quần đã bị rạn nhiều chỗ...

Vẫn là chuyện sách, vở… “biết rồi khổ lắm nói mãi”

Một số loại sách giáo khoa, sách tham khảo không học nhưng học sinh vẫn phải mua.
Một số loại sách giáo khoa, sách tham khảo không học nhưng học sinh vẫn phải mua.

Cũng tại Công văn số 912, ngày 15-5-2017, Sở GD-ĐT yêu cầu: Các nhà trường, cơ sở giáo dục căn cứ hướng dẫn của Sở để hướng dẫn, giới thiệu cho HS, cha mẹ HS biết để chủ động chuẩn bị, mua sắm các loại sách, tài liệu tham khảo, học cụ,... cần thiết cho HS. Không được bắt buộc HS mua, hoặc tổ chức mua thay sách giáo khoa (SGK), tài liệu tham khảo, các loại vở, đồ dùng học tập,... mà tùy theo điều kiện, nhu cầu, năng lực học tập, năng khiếu của mỗi HS để HS hoặc gia đình HS chuẩn bị. Nghiêm cấm việc ép buộc hoặc gợi ý mang tính ép buộc để bán sách, tài liệu, học cụ,... hoặc bán sách in lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Thế nhưng vẫn như nhiều năm học trước các trường lại tiếp tục yêu cầu phụ huynh đăng ký mua SGK, sách tham khảo, vở tại trường, với lý do sợ phụ huynh mua không đúng sách, vở theo quy định. Nhưng theo nhiều phụ huynh phản ánh giá SGK, sách tham khảo, vở nhà trường thu cao hơn giá thực tế ngoài thị trường, trong đó có một số loại sách không phải của NXB Giáo dục và cũng không sử dụng trong các buổi học nhưng vẫn phải mua.

Hiện tại địa bàn Bố Trạch đang rất “nóng” chuyện sách, vở... nhiều trường vẫn chưa tổ chức được cuộc họp phụ huynh đầu năm để công khai các khoản thu nộp. Nhiều phụ huynh cho rằng, nhà trường không thông báo trước, đến ngày tựu trường cô giáo phát cho HS bộ sách VNEN và yêu cầu phụ huynh nộp 950.000 đồng/bộ (trước đó có nhiều phụ huynh đã mua SGK cho con, trả lại không được, cho cũng không ai lấy).

Anh Nguyễn Văn Hòa (Nông trường Việt Trung) khá gay gắt khi trao đổi: Năm nay con tôi vào lớp 1, khi đến đăng ký tuyển sinh cho con nhà trường tạm thu 1 triệu đồng; ngày tựu trường cô giáo chủ nhiệm thông báo số tiền đó trường đã trừ 200.000 đồng tiền đầu cấp, còn lại trừ vào tiền sách, vở. Trong bộ sách con tôi mang về có 6 cuốn tôi thấy không hề học đến nhưng cũng phải mua.

Thậm chí mỗi môn học có 2 loại sách khác nhau, như Hát nhạc (2 cuốn), Mỹ thuật (2 cuốn)..., chúng tôi không biết con mình phải học loại sách nào nên cứ phải mang đi mang về cả hai cuốn sách cho 1 môn học. Còn vở thì mỏng, giá ngoài thị trường chỉ 6.000 đồng, nhưng nhà trường tính giá 10.000 đồng và mỗi em phải mua ít nhất 10 cuốn, cùng nhiều vấn đề không minh bạch khác nữa đã làm cho phụ huynh bức xúc, không đồng thuận...

“Tôi cũng như nhiều phụ huynh trên địa bàn Bố Trạch nói riêng và cả tỉnh nói chung rất mong lãnh đạo ngành Giáo dục, các cơ quan chức năng cùng vào cuộc, trả lại sự bình yên, trong sạch cho môi trường sư phạm ở các nhà trường, tạo niềm tin cho nhân dân…”- anh Nguyễn Văn Hòa, thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch) bày tỏ.

Nội Hà