.
Chuyện quản lý:

Dừng lại trước khi quá muộn!

Thứ Năm, 14/09/2017, 07:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhất là sau sự cố môi trường biển. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc hiệu quả của các ngành, địa phương, công tác này đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Chỉ riêng năm 2016, các đơn vị, địa phương đã tổ chức hơn 70 hội nghị, tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản với hơn 9.000 người tham gia, nâng cao ý thức cho cán bộ, nhân dân trong khai thác, sử dụng nguồn lợi thủy sản đúng quy định; tổ chức ký cam kết không sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc cho hơn 16.000 người dân.

Ngoài ra, công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản được thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Các ngành chức năng và nhiều địa phương, như: Tuyên Hóa, Quảng Trạch, TP. Đồng Hới..., đã tổ chức 148 đợt kiểm tra, kiểm soát, phát hiện 474 vụ vi phạm, thu giữ 41 bộ kích điện, một số lượng thuốc nổ, dây cháy chậm, xử phạt 30 tàu giã cào...

 Một góc hồ Rào Đá ở huyện Quảng Ninh, địa điểm thường có các hoạt động thả cá giống về với môi trường tự nhiên.
Một góc hồ Rào Đá ở huyện Quảng Ninh, địa điểm thường có các hoạt động thả cá giống về với môi trường tự nhiên.

Công tác phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản cũng đã được thực hiện một cách hiệu quả. Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, UBND tỉnh và các địa phương, ngành đã bố trí 855 triệu đồng để thả 210 vạn tôm giống, 26,5 vạn cá giống tại các sông và hồ đập trên địa bàn với sự tham gia của đông đảo người dân. Nhìn chung, các hoạt động này đã có tác động tích cực đến ý thức của người dân trong việc tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Tuy vậy, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản vẫn còn rất gian nan. Một số địa phương chưa coi trọng công tác này, số lượng giống thả về với môi trường tự nhiên còn ít, mới chỉ mang tính chất tuyên truyền, chưa có tác dụng nhiều trong việc tái tạo nguồn lợi thủy sản...

Đặc biệt, vẫn còn tình trạng sử dụng xung điện, chất nổ để khai thác thủy sản, nhất là các xã vùng giữa của huyện Lệ Thủy, các xã khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng (Bố Trạch). Tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học thiếu kiểm soát trong nông nghiệp vẫn còn nhiều. Tàu giã cào ngoại tỉnh công suất lớn khai thác sai tuyến, khai thác gần bờ vẫn còn xảy ra...

Thiết nghĩ với chiều dài bờ biển gần 120km, tỉnh ta có một ngư trường rộng lớn, cùng với hàng chục con sông, hồ đập lớn nhỏ, nên việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đóng vai trò quan trọng. Ngoài việc giữ gìn sinh kế cho hàng ngàn hộ dân, việc bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản còn nhằm phục hồi các loài thủy sản có giá trị kinh tế và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Công tác này còn gắn với quản lý có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản nhằm phát triển ngành thủy sản bền vững, đồng thời giữ gìn tính đa dạng sinh học của tài nguyên thủy sản mà thiên nhiên đã ban tặng.

M.Văn