.
Nhân ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam 1-7:

Phấn đấu đến năm 2020, hơn 90% dân số tham gia bảo hiểm y tế

Thứ Bảy, 01/07/2017, 14:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong hai trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội của nước ta, mang ý nghĩa nhân đạo, có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc. Những năm qua, chính sách BHYT luôn được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng và quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Nhân Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam 1-7, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Phạm Thanh Tùng, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh (BHXH) về việc thực hiện chính sách BHYT tại tỉnh ta.

- PV: Là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHYT, đồng chí đánh giá như thế nào về việc thực hiện chính sách này tại tỉnh ta?

- Đồng chí Phạm Thanh Tùng: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020, nhận thức của cả hệ thống chính trị, các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) và mỗi người dân về chính sách pháp luật BHYT được nâng lên đáng kể. Những năm qua, tỉ lệ người dân tham gia BHYT năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2016, đã có 723.187 người tham gia BHYT, đạt 88,6% dân số có BHYT, cao hơn bình quân chung cả nước 7,3%, vượt kế hoạch của UBND tỉnh giao 4,35%.

Song song với việc phát triển đối tượng tham gia BHYT, đến nay, 100% trạm y tế xã thực hiện KCB BHYT và trực tiếp ký hợp đồng KCB BHYT với Bệnh viện đa khoa trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố. Đến nay, có 68,04% số thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế xã, phường, tạo điều kiện cho những đối tượng bệnh nhân người già, trẻ em được KCB bằng thẻ BHYT mà không cần sử dụng giấy chuyển viện.

Các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và năng lực chuyên môn, chất lượng KCB ngày càng được cải thiện. Đặc biệt, từ năm 2009-2015, Quỹ BHYT hằng năm đều có kết dư. Chỉ tính riêng trong năm 2015, đã sử dụng hơn 15 tỷ đồng trong số thu kết dư của Quỹ BHYT để hỗ trợ các đối tượng cận nghèo mua thẻ BHYT, trang cấp thiết bị y tế cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

 Thừa ủy quyền của Giám đốc BHXH Việt Nam, đồng chí Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Thanh Tùng trao Cờ thi đua của BHXH Việt Nam cho Văn phòng BHXH tỉnh.
Thừa ủy quyền của Giám đốc BHXH Việt Nam, đồng chí Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Thanh Tùng trao Cờ thi đua của BHXH Việt Nam cho Văn phòng BHXH tỉnh.

- PV: Việc thực hiện chính sách BHYT tại tỉnh ta có gặp phải những khó khăn gì không, thưa đồng chí?

- Đồng chí Phạm Thanh Tùng: Một trong những khó khăn của việc phát triển đối tượng tham gia BHYT là đối tượng người dân thuộc hộ gia đình cận nghèo vẫn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Vậy nên, mặc dù cơ quan BHXH, chính quyền, ban, ngành các cấp đã tích cực tuyên truyền, đối thoại nhưng tỷ lệ tham gia BHYT của đối tượng cận nghèo vẫn chưa cao.

Bên cạnh đó, chất lượng KCB của một số cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được sự hài lòng, tin tưởng từ phía người bệnh có thẻ BHYT nên tỷ lệ người bệnh đi KCB ở các cơ sở KCB bên ngoài còn cao, chi phí KCB đa tuyến đi năm 2016 chiếm gần 70% quỹ KCB được sử dụng, trong đó, đa tuyến đi ngoài tỉnh chiếm gần 50% tổng chi đa tuyến đi.

Điều đó dẫn đến việc Quỹ BHYT toàn tỉnh năm 2016 đã bội chi hơn 79 tỉ đồng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi cho người tham gia BHYT, các cơ sở KCB BHYT, tác động tiêu cực đến vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh và trong toàn quốc.

Ngoài ra, việc thực hiện chính sách BHYT còn gặp phải một số khó khăn nữa như việc cân đối quỹ BHYT thu không đủ chi, chất lượng công tác tuyên truyền ở một địa phương vẫn chưa đạt được yêu cầu về chất lượng cũng như hình thức tuyên truyền để người dân có thể hiểu và tự giác tham gia BHYT.

- PV: Theo lộ trình đến năm 2020, sẽ có hơn 90% dân số cả nước tham gia BHYT, vậy để đạt được chỉ tiêu đó, ngành BHYT tỉnh ta đã và đang thực hiện những giải pháp nào, thưa đồng chí?

- Đồng chí Phạm Thanh Tùng: Chúng tôi xác định, muốn phát triển đối tượng người tham gia BHYT, giải pháp đầu tiên là tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách BHYT, để mọi người, mọi cơ quan, đơn vị nhận thức đúng về BHYT là chính sách an sinh xã hội mang tính nhân đạo, tính sẻ chia cộng đồng sâu sắc, cũng là cơ chế tài chính có hiệu quả, nghĩa là “đóng góp khi lành, để dành khi ốm” để chăm sóc sức khỏe cho người dân, tránh được đói nghèo khi bệnh tật.

Đến nay, BHXH tỉnh đã thực hiện các quy chế phối hợp trong công tác tuyên truyền về BHYT, BHXH với các đơn vị như: Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội LHPN tỉnh...

Một trong những giải pháp tiến hành song song với công tác tuyên truyền là nâng cao chất lượng cải cách hành chính, chất lượng phục vụ KCB BHYT. BHXH tỉnh cũng phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở KCB để làm giảm các thủ tục hành chính trong KCB BHYT, nâng cao chất lượng KCB của trạm y tế để người dân được thụ hưởng những chính sách này ngay tại địa phương.

Ngành BHXH đã và đang nỗ lực để nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục khi tham gia BHYT, nhất là trong khâu cấp thẻ cho người dân. Hiện nay, chúng tôi đang tiến tới giao dịch điện tử, để các thủ tục được tiến hành nhanh gọn, kịp thời và đơn giản.

Chúng tôi cũng chú trọng đến phát triển hệ thống đại lý. Hiện nay, chúng tôi đang có các đại lý tại các UBND xã, phường, tiến tới sẽ xây dựng các đại lý tại các thôn, tổ dân phố để tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nhất là đối với các đối tượng có tỉ lệ tham gia BHYT thấp như đối tượng hộ gia đình. Đối với các tổ chức, cá nhân làm tốt công tác BHYT, BHXH tỉnh tổ chức khen thưởng, động viên kịp thời, đồng thời, cũng nhắc nhở, phê bình những đơn vị, cá nhân làm chưa tốt.

Ngoài trách nhiệm của ngành BHXH, cần gắn trách nhiệm cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở đối với việc thực hiện chính sách BHYT cho người dân theo quan điểm của Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020.

BHXH tỉnh cũng tiến hành phối hợp với Sở Y tế, các ban, ngành liên quan để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là công tác KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT, để bảo đảm việc sử dụng an toàn, hiệu quả và cân đối quỹ KCB BHYT. Muốn vậy, chúng tôi xác định cần phải nỗ lực phát triển đối tượng, lấy số đông bù số ít, bởi khi 100% dân số đều có BHYT thì sẽ tránh lạm dụng quỹ KCB BHYT. 

- PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Diệu Hương (thực hiện)