.

Lập thân để cống hiến

Thứ Sáu, 16/06/2017, 08:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Sinh ra giữa "côộc toóc", luống khoai, tuổi thơ thiếu tình cha, sống trong yêu thương của mẹ, lớn lên lập nghiệp xứ người, trăn trở đền đáp công sinh thành, nghĩa yêu thương với quê hương, Lê Văn Lập trở về khởi nghiệp chính ngay trên mảnh đất nghèo nuôi mình lớn khôn tại thôn Hiển Vinh, xã Duy Ninh. Anh là một trong những tấm gương tiêu biểu của lớp lớp thanh niên làm theo lời Bác ở huyện Quảng Ninh.

Sống trong tình mẹ

Lê Văn Lập sinh năm 1984. Lập có hoàn cảnh khá đặc biệt, kém may mắn so với đồng trang lứa. Gia đình chỉ có mẹ và anh trai, thiếu vắng tình cha. Trong nếp nghĩ, Lập dành hết cho mẹ tất cả tình cảm: "Từ nhỏ tôi đã cảm nhận được sự thiếu thốn nên rất hiểu và thương mẹ. Lớn lên, chứng kiến cảnh cơ cực, một mình mẹ tảo tần nuôi tôi và anh trai khôn lớn. Mẹ lam lũ quanh năm với 3 sào ruộng khoán vun vén cho gia đình. Tôi tự dặn lòng phải học thật giỏi, sau này kiếm việc làm giúp mẹ".

 Lê Văn Lập đang hướng dẫn các thợ may.
Lê Văn Lập đang hướng dẫn các thợ may.

Cuộc sống quá khó khăn, con đường học vấn của Lập không thành, dù 3 năm học THPT, Lập là một học sinh giỏi, một cán bộ Đoàn gương mẫu, năng nổ. Anh đành gác lại mọi ước mơ theo học để tìm kiếm việc làm mưu sinh.

Sau khi tốt nghiệp THPT, năm 2003, Lập khăn gói vào Nam tìm việc làm. Ban đầu, Lập vừa học vừa làm tại Công ty may Gamex ở quận Gò Vấp sau đó đầu quân ở Công ty may liên doanh Vĩnh Hưng, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh. Thông minh, siêng năng, chịu khó nên chỉ sau 2 tháng, Lập làm quen và đáp ứng tốt mọi công việc mới.

Đến tháng thứ 3, Lập tiết kiệm gửi về cho mẹ 500 nghìn đồng, rồi tăng dần lên 1 triệu đồng/tháng. Nhiều tháng, trừ chi phí ăn ở, sinh hoạt, Lập còn cất được 2 triệu gửi về cho mẹ. Những tháng ngày làm thuê tại thành phố Hồ Chí Minh, Lê Văn Lập chỉ nghĩ về người mẹ nghèo khổ ở quê. Chắt chiu từng đồng gửi cho mẹ, động viên mẹ chăm lo sức khỏe và để mẹ cất được ngôi nhà nhỏ che mưa, chống nắng...

Hạnh phúc đến với Lập vào năm 2006, Lập cưới vợ, sinh cháu trai đầu lòng. Hai vợ chồng vẫn tiếp tục sống bằng nghề may thuê. Tay nghề vững dần lên, thu nhập cũng nhờ đó khá hơn trước. Làm thuê ở xa, lòng anh vẫn canh cánh nhớ về quê, về mẹ. Năm 2009, Lập quyết định cùng vợ con về quê lập nghiệp, vừa có điều kiện chăm sóc mẹ. Hai năm đầu, Lê Văn Lập làm quản lý tại Xí nghiệp may Hà Quảng.

Quê Lập cũng như các vùng quê khác trên địa bàn Quảng Bình, cứ sau dịp nghỉ Tết, nam nữ thanh niên đứng chật đường đón xe, đón tàu lũ lượt vào Nam làm thuê. Thương thanh niên trong làng, trong xã như mình một thời, Lập quyết định đầu tư mở xưởng may nhỏ vào năm 2012. Từ đây, anh lao vào tìm kiếm bạn hàng và càng làm, Lập càng muốn mở rộng xưởng may của mình lớn hơn, giải quyết cho nhiều lao động nông thôn nhàn rỗi.

Lập nghiệp bằng tình người

Tháng 3-2015, nhu cầu hàng hóa và lực lượng công nhân đông dần, Lập làm thủ tục thành lập Công ty TNHH may Nghĩa Tâm.

Nếu như năm 2012, xưởng may chỉ có 5 máy, sau đó dần tăng lên 15 máy, giải quyết việc làm cho 15 đến 20 lao động với mức thu nhập tạm ổn, khi trở thành công ty, xưởng may Nghĩa Tâm quy mô lên đến 50 máy, giải quyết việc làm cho hơn 50 công nhân lao động địa phương với mức lương từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng tùy theo tay nghề, tính bình quân khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Sản phẩm trọn gói của Công ty may Nghĩa Tâm xuất ra nước ngoài.
Sản phẩm trọn gói của Công ty may Nghĩa Tâm xuất ra nước ngoài.

Từ hè năm 2016, Lập nhận đào tạo cho các em học sinh THPT, mỗi hè 5 em. Cứ 5 em thạo nghề vào may trong xưởng của Lập thì có 5 em khác tiếp tục được đào tạo mới. Lê Văn Lập cho biết: "Tôi nhận đào tạo các em học sinh THPT giúp các em có thêm thu nhập trong dịp hè đồng thời có tay nghề chắc chắn, sau này ra trường nếu không theo nghiệp đèn sách thì cũng không sợ thất nghiệp".

Lập nghiệp bằng tình người, giúp lao động trong xã Duy Ninh và các vùng lân cận có việc làm ổn định ngay trên quê hương mình, các sản phẩm may của công ty luôn bảo đảm chất lượng, được bạn hàng tin cậy.

Từ năm 2015 đến nay Công ty may Nghĩa Tâm đã đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại với 50 máy may công nghiệp điện tử, sản xuất dây chuyền với 25 nghìn sản phẩm/tháng.Với phương châm đạt tối đa doanh thu, giao hàng kịp tiến độ và chất lượng sản phẩm bảo đảm đúng mẫu mã quy cách và hợp thời trang nên Công ty TNHH may Nghĩa Tâm ngày càng thu hút nhiều bạn hàng thân thiết như Công ty CP may Quảng Trị, Công ty TNHH MTV may xuất khẩu Tuấn Lê, Công ty may Kim Hằng...

Hiện tại, do nhu cầu hàng xuất đi nước ngoài lớn và nguồn lao động trên địa bàn hiện chưa có việc làm đông nên dự kiến đến cuối năm 2017, công ty sẽ mở rộng quy mô và giải quyết cho 100 đến 150 lao động tại địa phương.

Trong câu chuyện dài kể về quá trình lập thân, lập nghiệp, Lê Văn Lập mong ước giản dị: "Học tập và làm theo Bác Hồ, tôi nguyện nỗ lực vươn lên nhiều hơn nữa, giúp được nhiều lao động nông thôn quê tôi có việc làm ổn định là góp phần nhỏ bé của mình trong công cuộc xây dựng quê hương Quảng Ninh ngày càng giàu mạnh hơn".

Hương Trà