.

Thông điệp từ trái tim - Bài 2: Máu hiếm nghĩa tình

Thứ Sáu, 07/04/2017, 09:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Mang trong mình dòng máu thuộc nhóm Rh-, xếp vào nhóm máu hiếm. Những chàng trai, cô gái sinh sống ở Quảng Bình vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại tìm đến với nhau dưới một mái nhà chung, CLB nhóm máu hiếm, thành lập vừa tròn năm.

>> Thông điệp từ trái tim - Bài 1: Cho đi để nhận lại

Theo giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, đến nay, các nhà khoa học trên thế giới phát hiện con người có tới 30 hệ nhóm máu với khoảng 300 loại kháng nguyên khác nhau, đó là hệ ABO, hệ Rh, hệ Kell, hệ Kidd, hệ Lewis... nhưng quan trọng nhất là 2 hệ nhóm máu ABO và hệ Rh. Mỗi hệ nhóm máu lại chia thành các nhóm máu khác nhau do sự có mặt hay không có mặt của kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu và kháng thể trong huyết thanh từng người. Đơn cử, hệ ABO gồm 4 nhóm máu: A, B, AB và O; hệ Rh có 2 nhóm máu là Rh+ và Rh-.

Chỉ tính riêng 2 hệ nhóm máu ABO và hệ Rh, cộng đồng người thêm 8 nhóm máu khác nhau là: A+; A-; B+; B-; AB+; AB-; O+; O- (A+ nghĩa là người đó vừa có nhóm máu A thuộc hệ ABO vừa có nhóm máu Rh+ thuộc hệ Rh. Dấu (+) hoặc dấu (-) dùng để chỉ bề mặt hồng cầu người đó có kháng nguyên Rh). Mỗi người khi sinh ra thừa hưởng di truyền từ bố mẹ đã sở hữu một trong 8 nhóm máu trên và không thể thay đổi suốt cuộc đời.
Ở Việt Nam, 99,96% người thuộc nhóm máu Rh+ (O+, B+, A+, AB+) nhưng chỉ có 0,04%-0,07% số người có nhóm máu Rh- (O-, B-, A, AB-). Theo quy định của Hiệp hội Truyền máu quốc tế, nhóm máu tỷ lệ chiếm dưới 0,1% trong cộng đồng được xếp vào nhóm máu hiếm và dưới 0,01% gọi là nhóm máu rất hiếm. Như vậy, những người có nhóm máu Rh- ở nước ta thuộc cộng đồng người nhóm máu hiếm (trong 10.000 người chỉ khoảng 4 đến 7 người mang nhóm máu Rh-).

CLB nhóm máu hiếm Rh- được thành lập.
CLB nhóm máu hiếm Rh- được thành lập.

Nhóm máu hiếm Rh- là một đặc tính di truyền, giống như màu da, màu tóc... không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, những người nhóm máu hiếm chỉ có thể truyền máu cho nhau; nếu truyền nhầm nhóm máu Rh+ sang Rh- sẽ xảy ra hiện tượng tan máu, gây sốc, suy thận, trụy tim mạch và tử vong; bất đồng nhóm máu mẹ con là tai biến sản khoa thường gặp nếu người mẹ có Rh- và bố có Rh+.

Tại tỉnh Quảng Bình, thông qua những lần HMTN mới phát hiện khoảng trên 30 người thuộc nhóm máu Rh-, “chỉ đếm trên đầu ngón tay”. Rất may những chàng trai, cô gái mang trong mình nhóm máu hiếm đã kịp về dưới ngôi nhà chung, CLB nhóm máu hiếm Quảng Bình tròn một năm nay.

Trong dịp huyện Lệ Thủy ra quân HMTN đợt I-2017, tổ chức vào khoảng trung tuần tháng ba, theo nhu cầu cấp thiết từ những bệnh nhân đang cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế, những hạt nhân CLB nhóm máu hiếm Quảng Bình đã tình nguyện hiến 7 đơn vị máu Rh-. Ở ngày hội hiến máu, tôi gặp Nguyễn Văn Quân, chàng trai sinh năm 1985, đang công tác tại Văn phòng UBND huyện Lệ Thủy, Chủ nhiệm CLB máu hiếm Quảng Bình.

Nguyễn Văn Quân tâm sự: “Năm 2007, khi tham gia phong trào HMTN, tôi mới biết mình thuộc nhóm máu hiếm. Thực sự, lúc đó, có chút lo lắng vì dòng máu mình đang mang, nhưng được sự tư vấn của bác sỹ Trần Văn Lượng, Trung tâm Huyết học-Truyền máu khu vực Huế, Chủ nhiệm CLB máu hiếm miền Trung-Tây Nguyên, tôi hiểu dần ra, tự thấy trách nhiệm mình đối với cộng đồng càng nặng nề hơn. Từ đó đến nay, tôi đã 15 lần hiến máu cứu người. Thường thì mỗi lần hiến 350ml máu thôi, nhưng lần này tôi cho đến 450ml máu”.

“Chúng tôi tự tìm nhau... vì các thành viên trong CLB mỗi người mỗi công việc. Tìm đến nhau trước hết để cảm thông, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, kịp thời giúp nhau trong trường hợp đau ốm, cần máu khẩn cấp. Hơn thế nữa, cùng nhau hiến máu cứu người. Đã có trên 100 đơn vị máu hiếm được CLB hiến tặng, trong đó, 19 lần thành viên CLB hiến máu khẩn cấp tại các Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới, Trung ương Huế... Nhiều trường hợp hiến máu khẩn cấp trong hoàn cảnh, thời gian rất khó khăn, như: nạn nhân bị tai nạn, chuyển dạ sinh con, thiếu máu sau mổ đẻ, trẻ sinh non... Các thành viên trong CLB không quản ngại lúc nửa đêm hay mưa gió, điện thoại cho nhau nhanh chóng có mặt cứu người”.

Các tình nguyện viên CLB nhóm máu hiếm tham gia HMTN.
Các tình nguyện viên CLB nhóm máu hiếm tham gia HMTN.

Hoàng Thị Hà, sinh năm 1983 ở tại phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới, nghe tin Trung tâm Huyết học-Truyền máu khu vực Huế cần 7 đơn vị máu hiếm cho bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế liền có mặt tại điểm HMTN. Hà kể, em biết mình thuộc nhóm máu hiếm năm 2014, trong một lần xung phong lên Bệnh viện Trung ương Huế hiến máu. Khi chưa có CLB nhóm máu hiếm Quảng Bình, cảm giác khá đơn độc khi mình mang dòng máu “khác” mọi người. Bây giờ có những người cùng cảnh, quan tâm đến nhau nhiều hơn, cùng chung chí hướng sẵn sàng cho máu khi xã hội cần. Đến bây giờ, Hoàng Thị Hà đã 5 lần HMTN.

Giống như Nguyễn Văn Quân, Hoàng Thị Hà, những tình nguyện viên trong CLB nhóm máu hiếm Quảng Bình mỗi người mỗi gia cảnh, mỗi công việc: Trương Hải Nam, công tác tại Cục Thống kê tỉnh; Dương Đệ Khánh; quê quán xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy; Phạm Thị Thanh Nhung, công tác tại Trung tâm Y tế dự phòng huyện Lệ Thủy; Nguyễn Thị Mai Sương, quê quán Bố Trạch; Phan Văn Hùng, Phan Thị Thanh Tâm, Nguyễn Ngọc Hùng, Trần Thị Anh Đào... trở thành “hạt giống đỏ”, trong ngôi nhà chung, CLB nhóm máu hiếm Quảng Bình.

Đơn cử như Phan Văn Hùng, Nguyễn Ngọc Hùng, Nguyễn Thị Mai Sương, Phan Thị Thanh Tâm cùng nhau hiến đến 1.750ml máu cứu sống nạn nhân Phan Văn Huỳnh, 49 tuổi bị chấn thương sọ não, trong đó Phan Văn Hùng và Nguyễn Ngọc Hùng mỗi người cho 500ml máu. Các bạn tình nguyện viên Nguyễn Ngọc Hùng, Trần Thị Anh Đào, Dương Đệ Khánh, Trương Hải Nam hiến 1.250ml máu cứu sống anh Helderman John Parker, bị tai nạn đa chấn thương. Dương Văn Hưởng, Nguyễn Sỹ Hiệp kịp thời hiến 500ml máu “hồi sinh” cho hai mẹ con thai phụ Đinh Thị Cúc, bị chuyển dạ giả và mất máu nghiêm trọng sau mổ đẻ....

Còn rất nhiều trường hợp cấp thiết cứu sống bệnh nhân trong các trường hợp “thập tử nhất sinh”, những “ngân hàng máu hiếm di động” không còn nhớ hết. Họ tâm niệm xem như chút tâm dâng cho cuộc đời, như lời Đức Phật dạy “cứu một mạng người bằng hơn xây bảy tòa tháp”. Giúp cuộc đời cũng là giúp mình!

Thanh Long

Bài cuối: Hồi sinh từ những giọt máu tình nguyện