.

Lệ Thủy mùa nước nổi

Thứ Hai, 05/12/2016, 10:08 [GMT+7]

(QBĐT) - Sông Kiến Giang bắt nguồn từ Lệ Thuỷ, chảy qua huyện Quảng Ninh, nhập vào sông Nhật Lệ rồi đổ ra biển. Nước sông Kiến Giang tưới mát đồng lúa trong những ngày nắng hạn, giúp người dân quê lúa có được những vụ mùa vàng bội thu. Thế nhưng, vào mùa mưa bão nước sông tràn bờ, lấy đi của người dân nơi đây không biết bao nhiêu thành quả lao động mà họ phải “một nắng hai sương” mới có được. Bởi vậy, với người dân Lệ Thủy, từ lâu sông Kiến Giang đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của họ.

Bài 1: Ký ức một dòng sông

Giống như bao người khác, tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê chiêm trũng Lệ Thủy, từng tận mắt thấy những thăng trầm của dòng sông vốn đã trở thành một phần máu thịt của người dân quê lúa – sông Kiến Giang. Bởi vậy, dù rất bận rộn với công việc ở miền quê xa nhưng trong sâu thẳm ký ức tôi vẫn vẹn nguyên những kỷ niệm từ thuở ấu thơ bên dòng sông mang tên gọi diễm lệ này.

Đặc điểm địa hình huyện Lệ Thủy thuộc vùng chiêm trũng nên hàng năm thường phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng do thiên tai lũ lụt gây ra. Dòng sông Kiến Giang vốn trong xanh hiền hoà tắm mát ruộng đồng trong những ngày hè oi ả nhưng khi vào mùa mưa lũ lại cuồn cuộn sóng nước, cuốn trôi đi những thành quả lao động mệt nhọc của người nông dân vốn quanh năm chân lấm tay bùn.

Vào mùa mưa lũ, người lớn buồn bã nhìn con nước cứ lớn dần và đồng nghĩa với nó là những mất mát cũng nhiều hơn lên. Chỉ có những đứa trẻ con là thoả sức nô đùa với nước trong vườn nhà, trên các bè nhỏ được kết bằng nhiều cây chuối hay trong những con thuyền nhỏ mà đa số các gia đình đều có. Mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về, hung hãn như những con mãnh thú sẵn sàng phá tung những gì cản trở đường đi của nó. Lòng sông Kiến Giang không đủ sức gánh đỡ một khối lượng nước lớn. Bất lực, “chìm” hẳn trong màu vàng đục của nước với cơ man nào là rác rều, cây gỗ. Cánh đồng lúa vốn mướt xanh trong lúc trổ đòng, vàng óng trong mùa chín rộ giờ đây trở thành một biển nước mênh mông màu trắng bạc. Mùa mưa lũ, phương tiện đi lại của hầu hết người dân vùng giữa Lệ Thuỷ chủ yếu là đò. Con đò giúp họ vượt sóng nước đến được nơi an toàn hơn trong màn mưa trắng đục xối xả. Đò giúp họ níu giữ lại những gì mà nước lũ chưa kịp cuốn trôi. Đò giúp họ mưu sinh bằng nguồn tôm cá dồi dào. Và đò cũng là cách duy nhất giúp họ đưa thi thể người thân không may bị nước lũ cướp mất tính mạng đến một nơi bình yên khác...

Mùa mưa lũ là thế. Mùa nắng nóng, sông Kiến Giang cũng thảm hại không kém. Trong ký ức tuổi thơ tôi vẫn còn vẹn nguyên hình ảnh dòng sông cạn trơ đáy dưới tiết trời khô nóng kéo dài. Có những khúc sông người dân quê tôi có thể dùng xe đạp qua lại ngay giữa lòng sông thay vì phải đi đường vòng để qua cầu xa đến vài ki-lô-mét. Vào thời điểm ấy, ruộng đồng Lệ Thuỷ cháy khô, xơ xác. Người dân Lệ Thuỷ phải đào những cái giếng sâu đến vài chục mét mới có thể lấy được nước dùng cho sinh hoạt hàng ngày... Lũ trẻ con chúng tôi lúc ấy chỉ biết nhìn những con đò được lật úp dưới gốc cây cổ thụ dọc hai bên bờ sông mà buồn bã, tiếc nuối.

Giờ đây, khi đã trưởng thành, cứ mỗi lần công tác đến huyện nhà, gặp lại bạn bè cũ, chúng tôi vẫn thường nhắc lại một kỷ niệm cách đây gần 20 năm. Đó là thời điểm nắng hạn lâu ngày, nước sông Kiến Giang cạn trơ đáy. Chỉ còn 3 ngày nữa là diễn ra lễ hội đua thuyền nhưng suốt chiều dài dòng sông qua địa bàn huyện hầu như không có nước. Các xã, thôn có đò bơi dự định sẽ tham gia lễ hội khấp khởi lo lắng vì không có dịp tranh tài. Chính quyền địa phương đã tính đến các phương án khác ngoài kế hoạch đã định. Người dân tiếc nuối vì sẽ không có được niềm vui trọn vẹn trong ngày Tết Độc Lập. Chỉ những thợ đóng thuyền, các trai bơi là vẫn âm thầm, miệt mài đục đẽo, bàn tính phương án “tác chiến” sao cho đò bơi của mình về đích trước với một niềm tin vững chắc: Trời sẽ mưa. Sông Kiến Giang sẽ đầy nước. Và rồi, khi chỉ còn đúng 2 ngày nữa là diễn ra lễ hội, trời đã mưa. Nước sông Kiến Giang đã đầy trở lại. Niềm vui vỡ oà trong từng đường làng, ngõ xóm, trên từng gương mặt. Người dân Lệ Thuỷ già trẻ, lớn bé dắt díu nhau đến từng trại đóng đò bơi cổ vũ, động viên những trai bơi đông không kể xiết. Năm đó, dường như lễ hội vui hơn hẳn...

Bức tranh nông thôn mới của huyện Lệ Thủy đã có nhiều gam màu sáng.
Bức tranh nông thôn mới của huyện Lệ Thủy đã có nhiều gam màu sáng.

Với tôi, những ký ức dẫu còn hết sức vẹn nguyên với hình ảnh dòng sông Kiến Giang hung dữ trong mùa mưa lũ, khô cằn, xác xơ mùa nắng hạn; và cả những nụ cười, ánh mắt nhìn ngây ngô của con trẻ trước nỗi đau mất mát người thân đã lùi vào quá khứ hàng chục năm. Thay vào đó là những trăn trở, nghĩ suy để cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân chung sức xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.

Những năm trở lại đây, bằng nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lệ Thủy, bức tranh nông thôn mới của vùng đất được mệnh danh “Nhất Đồng Nai, nhì hai huyện” đã có nhiều “gam màu” sáng. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Và bằng kinh nghiệm sống chung với lũ, người dân quê lúa này đã đúc rút được “quy luật tàn phá” của dòng sông để hình thành những phương án đối phó nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra qua hàng năm. Bây giờ đến Lệ Thủy, trên mọi nẻo đường quê, nhất là dọc hai bên bờ sông Kiến Giang, chúng ta có thể dễ dàng tận mắt thấy những ngôi nhà cao tầng khang trang, các tuyến đường giao thông được bê tông hóa vững chắc. Ngoài đồng, hệ thống kênh mương thủy lợi, đê kè cũng được gia cố cao hơn, bê tông hóa đồng bộ hơn nhằm điều hướng con nước và tạo dòng chảy thoát lũ theo tính toán của người dân.

Sống chung với lũ – đó là câu nói cửa miệng và cũng là phương án được mỗi một người dân Lệ Thủy khi chuẩn bị nhằm đối phó với diễn biến thời tiết ngày một thất thường hơn, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.

Nguyễn Hoàng

Bài 2: Sống chung với lũ