.

Những ngư dân dũng cảm

Thứ Năm, 20/10/2016, 18:13 [GMT+7]

(QBĐT) -  Ngày 19-10, chúng tôi về xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) để gặp hai ngư dân dũng cảm đã cứu người và tài sản trong đêm mưa lũ. Hai anh Lê Xuân Phúc và Ngô Thanh Tâm đã không quản ngại sóng gió và hiểm nguy, dong tàu chạy nhiều vòng để hỗ trợ người và tàu gặp nạn.

Ngư dân dũng cảm Lê Xuân Tâm.
Ngư dân dũng cảm Ngô Thanh Tâm.

Hơn 1 giờ sáng ngày 15-10-2016, anh Ngô Thanh Tâm (sinh năm 1981, tại thôn Trung Vũ, xã Cảnh Dương) cảm thấy lo lắng cho chiếc tàu cá của mình đang neo tại cửa sông Roòn nên ra kiểm tra. Lúc này, cùng với tàu anh Tâm là hàng trăm tàu cá san sát vẫn được neo đậu đúng vị trí. Anh Tâm lên tàu kiểm tra máy móc và hệ thống neo. Lúc này, trời bắt đầu mưa lớn và nước chảy xiết, hàng loạt tàu cá bị xô đẩy, có nguy cơ bị vỡ hoặc đánh chìm. Sau một lúc vật lộn trong mưa gió để nổ máy, anh quyết định đưa tàu ra phía biển để thoát khỏi luồng nước đang từ thượng nguồn đổ về cùng sóng lớn nơi cửa biển.

Giữa màn mưa dày đặc và dòng nước chảy xiết, anh Tâm phát hiện ra anh Lê Xuân Phúc (sinh năm 1970 tại thôn Cảnh Thượng) đang một mình chèo thuyền thúng. Anh điều khiển tàu đến gần và gọi anh Phúc lên tàu nhưng anh Phúc cho biết anh có thể tự bảo đảm an toàn và sẽ tiếp tục đi tìm tàu của mình. Cùng lúc đó, anh Tâm phát hiện thấy tín hiệu cấp cứu phát ra từ chiếc đèn pin cách tàu mình khoảng 800m. Ngay lập tức, anh cho tàu tăng tốc và thẳng hướng đến nơi đang phát tín hiệu cấp cứu.

Anh Lê Xuân Phúc và ngư dân địa phương đang tham gia trục vớt tàu cá bị chìm
Anh Lê Xuân Phúc và ngư dân địa phương đang tham gia trục vớt tàu cá bị chìm.

Người phát tín hiệu cấp cứu là anh Phạm Đình Tú (sinh năm 1980 tại thôn Tân Cảnh, xã Cảnh Dương). Lúc này, tàu của Tú bắt đầu bị nghiêng và nước tràn vào. Nhanh chóng quăng dây để Tú bám và leo lên tàu, anh Tâm đề nghị Tú cùng phối hợp để cứu tàu nhưng chỉ trong chớp mắt, nước đã nhấn chìm con tàu của Tú nên họ quyết định quay tàu về hướng Hòn Nồm để neo đậu.

Trên đường về, họ nhìn thấy anh Phúc đang trôi xa cùng chiếc thuyền thúng. Một lần nữa, Ngô Thanh Tâm điều khiển tàu chạy về hướng anh Phúc. Cả ba cùng trục vớt chiếc thuyền thúng lên tàu và tiếp tục hành trình tìm kiếm tàu anh Phúc. Rất may mắn, khoảng 30 phút sau họ đã tìm thấy tàu cá trị giá 700 triệu đồng của anh Phúc bị đứt neo đang trôi. Tâm ghé mạn tàu áp sát để anh Phúc lên tàu của mình và cả ba cùng điều khiển tàu tránh xa vùng nước lũ.

Sau khi lên được tàu của mình và nổ máy, anh Phúc và anh Tâm điều khiển tàu chia nhau chạy nhiều vòng trong khu vực cửa biển bởi lo lắng sẽ có nhiều tàu bị đứt neo và trôi dạt, nếu không kịp thời lai dắt đến nơi an toàn, chắc chắn sẽ bị sóng đánh vỡ hoặc chìm. Đúng như họ dự đoán, chỉ một lúc sau, anh Phúc gặp tàu của anh Nguyễn Minh Hoàng đang trôi dạt. Lúc này trên tàu không có người, anh Phúc tìm cách cột tàu anh Hoàng vào tàu mình và khi gặp tàu anh Tâm, họ đã phân công Tú điều khiển tàu anh Hoàng và cả ba tàu cá thẳng hướng Hòn Nồm.

Vật lộn trong mưa lũ, gần 8 giờ sáng ngày 16-10-2016, họ cũng đến được Hòn Nồm an toàn cùng ba chiếc tàu cá.

Đồng chí Phạm Đình Tiến, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết: Đêm 15, rạng sáng ngày 16-10, trước những diễn biến phức tạp của mưa lũ, xã đã phát thông tin yêu cầu ngư dân và các chủ tàu có mặt tại khu neo đậu để kiểm tra an toàn tàu cá. Khi trời mưa lớn và nước chảy xiết, hàng loạt tàu bị xô đẩy làm đứt neo và trôi ra xa, trong số này có nhiều tàu cá bị đánh chìm, xã đã báo cáo tình hình lên huyện và đề xuất phương án cứu hộ, cứu nạn đối với ngư dân và tàu cá. Đến sáng 16-10, tàu cứu hộ của Cảng vụ Quảng Bình đã có mặt kịp thời tại Hòn Nồm để lai dắt các tàu cá bị nạn cùng ngư dân về neo đậu tại cảng Hòn La an toàn.

Có mặt tại xã Cảnh Dương khi người dân địa phương đang tích cực khắc phục hậu quả mưa lũ, chúng tôi chỉ được gặp và chuyện trò với ngư dân Ngô Thanh Tâm khi anh đang cùng vợ con dọn dẹp lại ngôi nhà sau mưa lũ. Còn anh Lê Xuân Phúc hiện đang ở cửa biển và thuê sà lan cùng các ngư dân khác trục vớt tàu. Tiếp và trò chuyện với chúng tôi là chị Trần Thị Lan, vợ anh Phúc. Chị Lan cho biết: "Anh ấy chỉ về nhà ăn cơm mươi mười lăm phút rồi lại ra đó tham gia trục vớt, liên tục mấy ngày ni ở ngoài cửa lạch. Bữa huyện khen thưởng, anh cũng không có ở nhà nên tui được cử đi nhận thay!".

Gia đình anh Phúc, chị Lan, sau nhiều năm khai thác ven bờ với chiếc thuyền thúng, tháng 4-2016, vợ chồng anh vay mượn ngân hàng và bạn bè đầu tư 700 triệu đồng để đóng tàu. Chỉ mới đi được vài chuyến thì xảy ra sự cố môi trường biển, tàu anh đành "buồn bã" neo lại nơi cửa sông chờ ngày biển hồi sinh với chồng chất những khó khăn.

"Khi nghe chồng gọi điện thông báo là cùng với hai chú Tâm và Tú đã tìm được tàu của mình và giúp tàu anh Hoàng, tui mừng rơi nước mắt. Nghĩ lại cảnh ba anh em trong mưa lũ đi tìm và lai dắt tàu, tui lo thót tim nhưng nhờ vậy mà cứu được người, được tàu, bớt đi thiệt hại và nợ nần, tui vui lắm!", chị Lan tâm sự.

Còn anh Đỗ Mộng Lân, Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự xã Cảnh Dương kể: "Lúc anh Phúc chèo thuyền thúng ra cửa biển giữa mưa to sóng lớn, đứng trên bờ, ai cũng thót tim. Thật may mắn là anh Phúc, anh Tâm đã gặp được nhau và cùng chung tay cứu người, cứu tài sản!".

Mưa lũ đã gây ra những hậu quả nặng nề. Nhưng trong mưa lũ, đã có nhiều tấm gương sáng, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm để vì mọi người như anh Tâm, anh Phúc. Họ xứng đáng được biểu dương và học tập.

Hiền Mai