.

Người tốt như thế mà trời chẳng thương...

Thứ Ba, 18/10/2016, 16:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Chiều ngày 17-10, chúng tôi có mặt tại lễ đưa anh Đinh Văn Thưởng, ở thôn Tân Sum, xã Hóa Hợp, huyện Minh Hóa về nơi an nghỉ cuối cùng.

>> Báo Quảng Bình kêu gọi ủng hộ đồng bào bị lũ lụt

Nhiều người không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh người em gái khóc thét rồi ngất lên, ngất xuống, anh trai bơ phờ sau ba ngày đêm dầm mưa rét tìm thi thể em mình. Còn cậu em trai vẻ mặt hao gầy đi trong thấy, đôi chân không thể nhấc lên khi ôm di ảnh đưa anh trai về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhiều người dân ở xã Hóa Hợp rơi lệ tiếc thương cho người thanh niên dũng cảm.

Lễ đưa tang anh Thưởng trên con đường vẫn còn lầy lội sau mưa lũ.
Lễ đưa tang anh Thưởng trên con đường vẫn còn lầy lội sau mưa lũ.

Câu chuyện thương xót bắt đầu từ bản Ka Ai, xã Dân Hóa. Lúc đó, khoảng 9 giờ sáng ngày 14-10, trong bản có chị Đinh Thị Thành trở dạ đau quằn quại. Tình thế cấp bách cần phải đưa chị đến bệnh viện để mổ sinh con. Bởi trước đó, chị Thành cũng đã từng mổ một lần nên lần này chị không thể sinh thường vì sẽ rất nguy hiểm. Trong lúc đó, chồng chị đang đi làm ăn xa, cha mẹ cũng đã già yếu, không thể đưa chị vượt lũ để sinh con được.

Thấy vậy, người nhà chị Thành gồm anh trai và người cháu họ đã gọi thêm anh Thưởng qua giúp. Anh Đinh Hữu Bựu, anh trai chị Thành kể: “Thời điểm em gái tôi trở dạ thì có anh Thưởng đang ở nhờ một nhà dân trong bản để làm thuê. Khi tôi chạy tới gọi, anh Thưởng đã nhận lời ngay và giục tôi phải đưa chị đi ngay dù tôi và anh chẳng hề bà con thân thiết”.

Qua một ngày đêm mưa to, con nước ở khe Ka Ai hiền hòa lại cuộn lũ. Những dòng nước từ đầu nguồn đổ về chảy xiết đục ngầu và nhấn chìm ngầm tràn với con đường độc đạo qua lại bản hơn 1 mét, rộng chừng 30m. Cả ba người đã dùng một chiếc phao bằng săm xe ô tô và những cuộn dây thừng dài. Sau khi buộc một đầu dây ở bản Ka Ai, anh Thưởng đã ôm phao, cầm một đầu dây bơi qua bờ bên kia.

Anh Đinh Mạnh Quỳnh, cháu họ chị Thành gạt nước mắt, kể lại: “Lúc đó, tôi với chú Bựu giúp anh Thưởng đẩy phao ra một đoạn rồi quay lại vào bờ. Còn anh Thưởng tiếp tục bơi qua. Nhưng ra đến giữa dòng, gặp con nước xoáy chảy qua mạnh khiến anh đuối sức rồi ra đi mãi mãi. Hai chú cháu tôi đứng phía trong như chết lặng rồi hô hào mọi người chạy đến ứng cứu nhưng không thể làm được gì”.

Khi anh Thưởng bị lũ cuốn trôi, chị Thành vẫn đang đau quằn quại nhưng phải đợi trời tạm ngớt mưa, người nhà chị mới huy động thêm người và phương tiện đưa chị đi sinh được.

Tới 3 ngày sau, với sự nỗ lực tìm kiếm của hàng trăm người dân và các lực lượng tìm kiếm mới phát hiện được thi thể anh ở bản Ốôc, xã Dân Hóa, cách ngầm Ka Ai khoảng 5km.

Người thân xót xa đến ngất lịm trước sự ra đi đột ngột của anh Thưởng.
Người thân xót xa đến ngất lịm trước sự ra đi đột ngột của anh Thưởng.

Tại đám tang anh Đinh Văn Thưởng, hai bên đường Hồ Chí Minh đã có hàng trăm người dân đứng tiễn anh về đất mẹ. Không khí trầm lặng, chỉ có những tiếng nấc nghẹn không kìm được từ những người thân và bà con lối xóm...

Anh Đinh Thanh Sang, một người hàng xóm anh Thưởng rưng rưng nước mắt kể: “Tội nghiệp Thưởng. Vì gia đình cực quá nên nó phải bỏ học đi làm thuê kiếm tiền để lo cho mẹ và các em nhỏ. Mỗi lần về trong thôn, thấy ai nhờ việc gì nó cũng đến giúp tận tình, người tốt như thế mà trời chẳng thương”.

Gia đình anh Thưởng thuộc diện hộ nghèo lâu năm của xã. Cha anh đã qua đời cách đây gần chục năm trong một cơn bạo bệnh. Mẹ anh thì mắc bệnh thần kinh, nay lại bị tai biến, nằm một chỗ, không biết gì cả. Vì thế, anh phải nghỉ học, lăn lộn với cuộc sống mưu sinh từ năm 14 tuổi và lo xong chuyện vợ chồng cho hai đứa em ruột của mình. Bản thân anh chuẩn bị lập gia đình thì tai họa đã ập xuống.

Trong đám tang, tôi gặp ông Đinh Minh Thư (74 tuổi) vừa từ xã Dân Hóa về đưa tang trong vẻ mặt đau khổ... Tìm hiểu mới biết, năm 14 tuổi, anh Thưởng đã lên Dân Hóa sống trong nhà ông để làm thuê, làm mướn, lấy các sản vật từ rừng về bán kiếm tiền nuôi gia đình. Ở đây, anh đã được gia đình ông Thư che chở, yêu thương và nuôi dạy, coi như con cái trong nhà…

Trở về căn nhà nhỏ gắn bó với cuộc đời gian khổ của anh Thưởng, con đường vào nhà lầy lội vì mấy hôm nay có thêm nhiều người qua lại. Bàn thờ anh được đặt tạm trên cái bàn nhỏ, trong nhà chẳng có thứ tài sản nào giá trị ngoài hai chiếc giường đơn sơ và một số đồ dùng cá nhân khác. Mẹ của anh, bà Đinh Thị Thêm, năm nay đã hơn 60 tuổi, dường như chẳng biết được con trai mình đã mất. Anh Tân, anh trai của Thưởng chua xót nói: “Ngày còn khỏe mạnh và tỉnh táo, mẹ rất thương em Thưởng. Vì đời em quá khổ cực và chịu thiệt thòi khi phải lo cho đàn em. Vậy mà giờ đây, mẹ chẳng biết gì cả, em tôi lại ra đi”.

Rời huyện Minh Hóa trong một chiều mưa, những cơn gió lạnh đầu tiên đã tràn về, chắc căn nhà nhỏ và người mẹ già đó cũng đang lạnh lắm…

Trở lại Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa thăm chị Thành, tôi đã cảm nhận được niềm hạnh phúc của người phụ nữ ấy khi đón đứa con thứ 2 khỏe mạnh, an toàn. Nhưng nước mắt lại lăn dài rồi chị bật khóc khi nhắc đến anh Đinh Văn Thưởng- người đã bị lũ cuốn khi giúp chị qua khe lúc “vượt cạn”.  “Gia đình em không biết lấy gì để báo đáp công ơn anh Thưởng đây. Nếu không vì mẹ con em thì anh đã không ra đi”, chị Thành nghẹn ngào.

Sản phụ Đinh Thị Thành xót xa trước sự ra đi của anh Thưởng vì đã cứu mình.
       Sản phụ Đinh Thị Thành xót xa trước sự ra đi của anh Thưởng                khi giúp mình.

Xuân Vương