.

Chủ động phòng ngừa thiên tai trên biển

Thứ Hai, 26/09/2016, 08:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Qua số liệu từ Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT & TKCN), năm nào tỉnh ta cũng bị từ 2 đến 3 cơn bão trực tiếp đổ bộ vào và 5 đến 6 đợt gió mùa đông bắc làm thiệt hại lớn đến tàu thuyền cũng như ngư dân đánh bắt trên biển. Hầu hết các thiệt hại xảy ra có nguyên nhân từ sự chủ quan, thiếu biện pháp phòng ngừa của ngư dân.

Ông Nguyễn Ngọc Phụng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh cho biết, thời điểm này mới vào đầu mùa mưa bão và chưa có cơn bão nào trực tiếp đổ bộ vào tỉnh ta. Tuy nhiên thiệt hại về người và tàu thuyền khá lớn. Chỉ tính từ đầu năm 2016 đến nay, đã có 16 tàu thuyền bị đắm và 4 người bị chết, mất tích trên biển.

Mới đây, qua báo cáo của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, vào lúc 9h30 ngày 11-9-2016, có một thuyền viên trên tàu QB33250TS bị rơi xuống biển mất tích. Được biết vào thời điểm đó tàu cá này đang trên đường đánh bắt cá xa bờ trở về đất liền tránh bão số 4, thuyền viên xấu số đứng phía sau đuôi tàu không may bị gió đẩy xuống biển mất tích.

Đặc biệt, cơn lốc xoáy sáng ngày 13-6  đã đánh chìm 13 tàu cá của ngư dân huyện Bố Trạch khi đang hoạt động trên biển (trong đó, xã Hải Trạch có 8 tàu, xã Đức Trạch có 3 tàu, xã Nhân Trạch có 2 tàu). Các tàu gặp nạn chủ yếu là tàu công suất nhỏ dưới 20CV. Ngay sau khi sự việc xảy ra, các lực lượng chức năng đã tổ chức lực lượng cứu hộ cứu nạn, tiếp cận những tàu cá gặp nạn, đưa ngư dân vào đất liền an toàn.

Thiệt hại lớn nhất về người là, tàu cá QB 92671 TS do anh Nguyễn Ngọc Hải (trú thôn Thanh Xuân, xã Thanh Trạch, Bố Trạch) làm chủ đã bị sóng lớn đánh chìm vào ngày 15-2, khi đang hoạt động trên biển cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 45 hải lý về phía Đông Nam.

Trên tàu có tất cả 7 ngư dân đều bị hất xuống biển, 4 người may mắn được cứu thoát còn 3 người mất tích trên biển. Ngoài ra có một vài vụ chìm tàu ngay tại cửa sông, khu neo đậu, gây thiệt hại khá lớn tài sản, như vụ chìm tàu cá mang số hiệu QB - 92336 do thuyền trưởng Nguyễn Văn Chức, trú tại xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch điều khiển bị sóng đánh chìm tại cửa biển Nhật Lệ, ngày 17-1.

Tàu cá tránh trú bão ở Cảng cá Thanh Khê (Bố Trạch).
Tàu cá tránh trú bão ở Cảng cá Thanh Khê (Bố Trạch).

Vào thời điểm trên, tàu cá này đang chạy vào cửa biển Nhật Lệ (TP. Đồng Hới) để neo đậu, thì bị sóng lớn đánh chìm, rất may 7 thuyền viên trên tàu đã nhanh chóng bơi vào bờ thoát nạn. Hoặc như vụ tàu đánh cá 93745TS của ông Cao Minh Thái, trú tại xã Quảng Đông (Quảng Trạch) neo tại cảng Hòn La bị đứt néo vào lúc 11h35 ngày 13-9, trôi về hướng cửa Roòn, rất may đã được tàu Cảnh sát biển cứu hộ, đã về bến an toàn...

Từ thực tế các vụ tai nạn trên biển vừa qua có thể rút ra 2 vấn đề chính: Một là, ý thức phòng tránh thiên tai của một bộ phận ngư dân chưa cao, còn chủ quan mỗi khi ra khơi. Thứ hai là, công tác quản lý tàu thuyền của cơ quan chức năng chưa tốt, còn để cho nhiều tàu thuyền chưa đủ điều kiện kỹ thuật, thiếu các thiết bị an toàn ra khơi.

Một thực tế hiện nay là còn một bộ phận ngư dân nhận thức chưa đầy đủ, lại có quan niệm sai lầm rằng, đi biển mang theo áo phao, thiết bị cứu sinh là điềm chẳng lành nên nhiều khi chủ quan. Vừa qua, chính quyền cơ sở và lực lượng Bộ đội Biên phòng đã tăng cường công tác vận động về tầm quan trọng của thiết bị cứu sinh. Nhờ vậy mà phần lớn các tàu có công suất lớn đã trang bị nhiều thiết bị phục vụ cho việc đánh bắt như radio, máy định vị, máy thông tin tần số cao, máy dò cá nên hoạt động có hiệu quả hơn.

Tuy vậy, qua kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, hệ thống thông tin liên lạc nghề cá còn yếu. Chỉ các tàu xa bờ công suất 250 CV trở lên mới trang bị hệ thống máy liên lạc tầm xa (ICOM) với bán kính hoạt động khoảng 1.000 hải lý, tương đương với 1.800 km. Phần lớn các tàu có công suất trên dưới 60 CV sử dụng máy bộ đàm để liên lạc, tầm hoạt động từ 30- 60 hải lý.

Vừa qua, Công đoàn Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đã hỗ trợ ngư dân tỉnh ta 30 máy thông tin liên lạc VX 1700 cho các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 đã được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó, huyện Quảng Ninh 1 máy, Bố Trạch 9 máy, Quảng Trạch 2 máy, thị xã Ba Đồn 11 máy và TP. Đồng Hới 7 máy, đã góp phần nâng cao hiệu quả thông tin liên lạc, bảo đảm an toàn cho tàu  thuyền đánh bắt trên biển.

Ông Lê Văn Lợi, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết, hầu hết lực lượng tàu, thuyền đánh bắt trên biển của tỉnh được trang bị những thiết bị hàng hải, nhằm đánh bắt thủy sản và phòng chống thiên tai như: máy định vị vệ tinh, máy thăm dò cá, hệ thống máy thông tin liên lạc tầm xa, nhưng do ngư dân vẫn còn chủ quan, thiếu tuân thủ sự chỉ huy từ đất liền nên tai nạn vẫn xảy ra.

Nhiều tàu thuyền đánh bắt xa bờ khi có thông tin về cơn bão song vẫn chủ quan cho rằng  bão còn ở xa vị trí tàu đang đánh bắt, nên không chịu vào bờ mà tiếp tục đánh bắt cá gây hậu quả đáng tiếc. Đây là những nguyên nhân khiến các vụ tai nạn và thiệt hại trên biển do mưa bão hàng năm còn cao.

Trước mùa mưa bão năm nay, để bảo đảm an toàn cho tàu thuyền đánh bắt trên biển, các chủ tàu thuyền cần chủ động kiểm tra thiết bị an toàn kỹ thuật cho người và phương tiện trước khi xuất bến, đó là thực phẩm, xăng dầu và thiết bị trên tàu như hệ thống thông tin liên lạc, máy móc.

Đặc biệt, các chủ tàu cần phải trang bị đầy đủ phao cứu sinh cho mỗi ngư dân để góp phần giảm thiểu thiệt hại về người khi gặp thiên tai hay sự cố trên biển. Cái chết đau lòng của 3 ngư dân xã Đức Trạch (Bố Trạch) ba năm trước tại Cửa Tùng (Quảng Trị), do không có phao cứu sinh, thực sự là bài học xương máu cho các chủ tàu thuyền mỗi khi nhổ neo ra khơi.

Chi cục bảo về nguồn lợi thủy sản cũng cần tăng cường hơn nữa trong việc tổ chức các lớp tập huấn về tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trên biển, tìm kiếm ngư trường và mở các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá...để các thuyền viên có thể nâng cao tay nghề và có phương pháp phòng ngừa thiên tai. Các Đồn biên phòng ven biển cần tăng cường kiểm tra an toàn kỹ thuật đối với các tàu, tuyệt đối không cấp phép cho các tàu không đủ tiêu chuẩn và độ an toàn ra khơi.

Vừa qua, nhiều địa phương có đội tàu cá lớn như Thanh Trạch, Bảo Ninh, Đức Trạch, Nhân Trạch, Cảnh Dương... đã thành lập các tổ, đội sản xuất trên biển, nên đã hỗ trợ được cho nhau trong sản xuất cũng như trong cứu hộ cứu nạn khá hiệu quả.

Điển hình có xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) là địa phương có số lượng tàu cá lớn nhất tỉnh ta với 440 tàu, trong đó tàu đánh bắt xa bờ khoảng 300 chiếc. Xã này đã thành lập được 35 tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển, mỗi tổ được biên chế từ 8 đến 10 tàu. Xã Bảo Ninh đã thành lập nghiệp đoàn nghề cá và tổ chức 12 tổ đoàn kết trên biển để hỗ trợ nhau khi đánh bắt cũng như khi xảy ra sự cố, thiên tai. Các tổ đội đã phát huy được hiệu quả kinh tế và tinh thần tương thân tương ái giữa những ngư dân với nhau.

Tóm lại, để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra trên biển, nhất là thời kỳ cao điểm của bão lũ, thiên tai, có 2 vấn đề cần quan tâm. Trước hết là, tăng cường công tác tuyên truyền cho ngư dân thấy được vai trò và trách nhiệm bảo đảm an toàn cho chính mình và tài sản của gia đình mình khi tham gia hoạt động sản xuất trên biển. Thứ hai là, các ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với tàu thuyền, ngư dân ra khơi vi phạm các quy định về an toàn lao động và thiếu biện pháp phòng chống lụt bão và thiên tai...                                         

Trọng Thái