.

Môi trường làng nghề, "bài toán" nan giải - Kỳ 1: Sống chung với "lũ"

Thứ Tư, 31/08/2016, 07:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm gần đây, thực trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề tỉnh  ta đã thực sự chạm ngưỡng báo động, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân cũng như diện mạo nhiều vùng quê. Mặc dù các cơ quan chức năng, chính quyền nhiều địa phương đã và đang nỗ lực để cải thiện tình hình nhưng xem ra đây vẫn đang là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” và người dân tại các làng nghề hàng ngày vẫn đang phải “sống chung với lũ”.

Theo thống kê, hiện tại tỉnh ta có 19 làng nghề và 10 làng nghề truyền thống, trong đó có không ít làng nghề đang từng ngày phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường. Có thể xếp 29 làng nghề này vào hai nhóm chính: nhóm chế biến lương thực, thực phẩm (chế biến hải sản; nước mắm; sản xuất bún, bánh; làm muối...) và nhóm sản xuất các mặt hàng phục vụ tiêu dùng, đời sống (sản xuất mây tre đan; làm nón; chổi đót; chiếu cói; đúc rèn, mộc mỹ nghệ...).

Những cơ sở đúc chì với phương thức thủ công, đơn giản, không có hệ thống xử lý khí thải ở làng nghề Mai Hồng, Đồng Trạch, Bố Trạch đang hằng ngày gây ô nhiễm cho môi trường xung quanh.
Những cơ sở đúc chì với phương thức thủ công, đơn giản, không có hệ thống xử lý khí thải ở làng nghề Mai Hồng, Đồng Trạch, Bố Trạch đang hằng ngày gây ô nhiễm cho môi trường xung quanh.

Thực tế cho thấy, phần lớn các loại hình sản xuất tại các làng nghề đều có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, gây ra các loại ô nhiễm từ nước, không khí cho đến đất đai, tiếng ồn... Và hậu quả không ai khác ngoài người dân làng nghề phải gánh chịu.

Có mặt tại làng nghề sản xuất bún bánh Tân An, xã Quảng Thanh (Quảng Trạch), chúng tôi được chứng kiến quy trình sản xuất bún, bánh của một số hộ dân ở đây. Từ quy trình này, mỗi ngày Tân An cho ra “lò” hàng tấn bún, bánh các loại, cung cấp cho cả huyện, thậm chí cả tỉnh.

Tuy nhiên, tỷ lệ thuận với lượng bún, bánh làm ra là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một nghiêm trọng bởi chất thải mà chủ yếu là nước thải từ làm bún. Lịch sử làng nghề đã ngót mấy chục năm tuổi và cũng chừng ấy thời gian, đất đai, nguồn nước của địa phương bị “xâm hại” bởi nước thải.

Từ trước đến nay, đa phần các hộ làm nghề ở đây chỉ chú trọng đến việc sản xuất mà quên mất vấn đề môi trường. Vì thế mà đi từ đầu làng đến cuối làng hễ chỗ nào có mương nước, ao hồ cạnh hộ làm bún là y như rằng đều chung một tình trạng hôi hám, bẩn thỉu.

“Toàn thôn có 410 hộ thì có đến 189 hộ làm bún bánh nên lượng nước thải xả ra môi trường không hề nhỏ. Bình quân mỗi hộ làm bún thải 8-10m3 nước thải/ngày. Không đầu tư hệ thống xử lý nước thải, họ mặc nhiên xả thẳng nguồn nước chưa qua xử lý ra môi trường và hậu quả là mương nước, ao hồ gần đó phải “lãnh đủ”.

Có thời điểm ô nhiễm nặng, xã phải chỉ đạo nâng miệng các cống thoát nước lên để giữ nước nhằm giảm quá trình lắng động chất thải gây mùi nhưng cũng không ăn thua”, anh Ngô Xuân Tứ, Ủy viên UBND xã, phụ trách làng nghề Quảng Thanh cho biết.

Vấn nạn môi trường tại làng đúc rèn Mai Hồng, xã Đồng Trạch (Bố Trạch) lại “nhói” ở khía cạnh khác: không khí, tiếng ồn. Có mặt tại làng nghề từ khá sớm, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là thính giác được “thử thách” bởi những âm thanh chát chúa phát ra từ các xưởng đúc rèn. Từ nhiều năm nay, người dân ở đây phải sống chung với thứ âm thanh đinh tai này và xem đây như việc mặc nhiên phải chịu đựng bởi như họ chia sẻ “có kiện rồi cũng lại đâu hoàn đó”.

“Tuy nhiên, đó chưa là gì so với việc chúng tôi phải hít ngửi khí độc từ việc nung chì gây nên. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên trên nhưng cho đến nay vẫn chẳng có tiến triển gì. Bà con ở đây vẫn hằng ngày sống trong nơm nớp, lo lắng cho sức khỏe. Nếu chẳng may bị nhiễm độc khí chì thì gay go. Mà với tình trạng này thì không ai dám chắc điều đó sẽ không xảy ra”, một người dân địa phương bức xúc.

Hiện tại, Mai Hồng có khoảng 30 hộ dân làm nghề đúc, rèn trong đó có nhiều xưởng sản xuất chì nằm xen lẫn với các hộ dân. Những xưởng này hầu hết đều hoạt động với phương thức còn khá thủ công, lò nung được xây đơn giản, không có công trình xử lý khí thải hay hệ thống ngăn cách với các hộ dân xung quanh nên hàng xóm của họ không ngừng lo lắng, phàn nàn vì suốt ngày phải ngửi khí thải từ chì.

Làng Quy Đức, xã Đức Trạch (Bố Trạch) là địa phương nổi tiếng với nghề sản xuất nước mắm truyền thống. Những năm qua, đời sống của nhiều hộ dân nơi đây đã được cải thiện đáng kể nhờ nghề ông cha để lại. Tuy nhiên, đó chỉ là “bề nổi” của “tảng băng chìm”-vấn nạn ô nhiễm môi trường. Vào làng nghề, bên cạnh mùi nước mắm, mùi ruốc dậy lên vị mặn mòi của biển thì còn bốc lên mùi hôi thối do nước thải của làng nghề xả vào các mương, rãnh thoát nước. Đã có không ít hộ dân nơi đây kêu ca, phàn nàn vì thứ mùi đặc trưng này.

Các hộ sản xuất bún bánh tại làng nghề Tân An, Quảng Thanh, Quảng Trạch xả nước thải chưa qua xử lý ra các mương nước gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Các hộ sản xuất bún bánh tại làng nghề Tân An, Quảng Thanh, Quảng Trạch xả nước thải chưa qua xử lý ra các mương nước gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Để làm ra những chai nước mắm thơm lừng mang đậm đặc trưng xứ biển, nước mắm Quy Đức phải trải qua không ít công đoạn và chính nước thải từ công đoạn rửa cá là tác nhân gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường. Nguồn nước này sau khi được các hộ dân “vô tư” xả thẳng ra môi trường lâu ngày kết tụ lại bốc mùi hôi hám “mời gọi” vô số ruồi nhặng tụ tập, tạo thành những “điểm đen” ô nhiễm ẩn chứa nhiều mầm bệnh đe dọa sức khỏe con người.

Tân An, Mai Hồng hay Quy Đức không phải là trường hợp cá biệt. Phải khẳng định rằng đây là tình trạng chung của hầu hết các làng nghề tỉnh ta, chỉ khác nhau là về mức độ mà thôi. Tại làng nghề chổi đót Lệ Bình, xã Mai Thủy (Lệ Thủy), với vài trăm chiếc chổi đót làm ra mỗi ngày, thì lượng bụi từ đót và khói do đốt các chất thải của việc làm chổi đót gây nên không phải là ít. Nổi cộm tại các làng nghề sản xuất chiếu cói là tình trạng sử dụng hóa chất nhuộm màu cho chiếu; tại các làng nghề mây tre đan thì lại là ô nhiễm phát sinh từ quá trình xử lý chống mốc cho các sản phẩm mây tre đan...

Rõ ràng, vấn đề môi trường tại các làng nghề tỉnh ta hiện nay không dừng lại ở mức độ manh nha mà đang dần trở thành vấn nạn. Giải pháp lúng túng, nhận thức chưa đẩy đủ, sản xuất chủ yếu theo hình thức hộ gia đình nhỏ lẻ, công nghệ yếu kém, chế tài còn lỏng lẻo là những nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho thực trạng này. Và một khi những nguyên nhân này không được khắc phục, xử lý kịp thời thì bức tranh môi trường làng nghề sẽ khó mà “sáng” lên.

T.AN

Kỳ 2: Muôn vàn sự khó!