.

Người "vác tù và" ở Trường Sơn

Thứ Tư, 20/07/2016, 10:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Lên xã biên giới Trường Sơn, huyện Quảng Ninh hỏi Tráng “Đoàn”, Tráng “Mặt trận”,... người dân ai ai cũng biết. Bà con dân tộc Vân Kiều ở khắp 15 bản làng giữa đại ngàn Trường Sơn chân tình: “Cán bộ Tráng giúp đồng bào yên cái bụng!”.

Chân dung Tráng “vác tù và”...

Họ tên đầy đủ của người cán bộ được dân tin yêu đó là Nguyễn Văn Tráng, sinh năm 1980, nguyên Bí thư Đoàn xã Trường Sơn, hiện tại đang đảm trách cương vị Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã. Xưa nay, công việc Mặt trận khó có thể “cân, đo, đong, đếm”, càng xuống cơ sở, khó khăn càng bộn bề, người làm công tác Mặt trận thường hay động viên nhau bằng câu tục ngữ từ ngàn đời “Ăn cơm nhà. Vác tù và hàng tổng”.

Nhưng riêng với Nguyễn Văn Tráng, Chủ tịch Mặt trận xã Trường Sơn lại rất “đặc biệt” so với những người “vác tù và” khác trong tỉnh mà chúng tôi từng gặp gỡ, trò chuyện. “Đặc biệt” vì dáng người anh, gương mặt anh khắc khổ quá, trông già so với độ tuổi. “Đặc biệt” vì địa phương nơi anh công tác, người Kinh, người Vân Kiều sống đan xen; trong 1.026 hộ, 4.303 khẩu toàn xã, đồng bào dân tộc Vân Kiều chiếm hơn một nửa với 606 hộ, 2.579 khẩu, định canh tại 15 bản: Dốc Mây, Ploang, Rìn Rìn, Trung Sơn, Nước Đắng, Hôi, Rấy, Cổ Tràng, Cây Sú, Khe Cát, Cây Cà, Sắt, Bến Đường, Đá Chát, Chân Trôộng. Điều cuối cùng, như một sự thử thách đối với những người làm cán bộ giống Tráng là các bản đồng bào dân tộc Vân Kiều xã Trường Sơn phân bổ trên một khu vực rộng lớn, chủ yếu rừng núi, có bản đi bộ mất ngày đường như Dốc Mây, sát biên giới Việt - Lào. Vậy mà dấu chân Nguyễn Văn Tráng đã in lên tất cả 15 bản, không phải chỉ đến rồi đi, anh hòa đồng,  “ba cùng” với bà con. Dân bản thương cán bộ Tráng, xem anh như người nhà, họ bảo: “Cán bộ Tráng  giúp đồng bào yên cái bụng!”.

Cùng với bà con dân tộc Vân Kiều lăn lộn trong thực hiện chính sách “giao đất, giao rừng”
Cùng với bà con dân tộc Vân Kiều lăn lộn trong thực hiện chính sách “giao đất, giao rừng”

“Thử phác họa qua công việc thường ngày của Tráng xem”, chúng tôi đề nghị.

“Luôn xê dịch, bám cơ sở, sống gần dân, thân thiện,... hết mình vì dân” - Nguyễn Văn Tráng trải lòng - “Nhờ thế mà luôn kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào trong dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Vân Kiều”.

“Từ thực tiễn cuộc sống và cách thức tuyên truyền vận động đồng bào, Tráng rút ra bài học gì cho mình?”. “Không nói suông và không hứa suông. Lời nói luôn đi đôi với việc làm. Đồng bào dân tộc Vân Kiều luôn một lòng trung trinh với Đảng, với Bác Hồ kể cả trong những lúc khó khăn, đói khổ nhất. Cán bộ đến với đồng bào bằng trách nhiệm, bằng tấm chân tình, “bắt tay chỉ việc”. Điều cấm kỵ nhất khi vận động bà con Vân Kiều là không được hứa suông, đã hứa thì phải thực hiện. Chữ tín đồng bào luôn đặt lên hàng đầu” - Tráng tâm sự - “Tất cả công việc mình và các tổ chức thành viên trong khối Mặt trận xã Trường Sơn làm đều chung mục đích, mong muốn cuộc sống đồng bào ngày một khá dần lên. Vì thế bản thân không bao giờ ngại khó, ngại khổ, không sợ “lấn sân”.

Đôi dép, điện sáng... và cái tâm thiện nguyện

Ngày chúng tôi lên xã Trường Sơn, vừa gặp nhau, Nguyễn Văn Tráng bảo: “Ta vào bản Trung Sơn đi”. Hỏi: “Có gì hay?”. Tráng bí mật: “Nhà báo đến rồi biết!”. Ngang qua bản Cây Cà, Tráng chỉ cho chúng tôi hệ thống công trình điện thắp sáng đường quê đang còn mới nguyên, anh bảo: “Mặt trận xã xin tài trợ từ các nhà hảo tâm rồi huy động đồng bào cùng làm”.

Trưởng bản Trung Sơn Hồ Văn Phần nhác trông thấy Chủ tịch Mặt trận xã níu áo lại ngay: “Răng cán bộ Tráng, chuyện 13 hộ dân nơi chân đập Trung Sơn xin điện thắp sáng, có hy vọng chi không?”. Tráng đánh mắt qua chúng tôi ngầm bảo. “Đó, lý do của chuyến đi”. Nghe cán bộ Tráng vào bản, thoáng cái thấy rất đông bà con tập trung đến nhà trưởng bản Hồ Văn Phần. Bà mế già Hồ Thị Nghe, 80 tuổi, lưng còng rạp xuống đất cầm tay Tráng lắc lắc: “Mi vô, không chở cái gạo Nhà nước trợ cấp vô cho mệ với. Mệ già quá, con cháu lên rừng săn mật ong hết rồi, chẳng ai ra lấy dùm”. Nguyễn Văn Tráng nhẹ nhàng: “Để con ra, mai ai vô bản, con gửi!”. Mệ Nghe cười móm mém: “Ừ! Ai chứ mi hứa thì tao tin!”.

Hồ Văn Phần vui chuyện: “Bản Trung Sơn có 72 hộ dân Vân Kiều. Nhà báo lần ni vô bản thấy có gì khác không? Cây keo, cây tràm, cây sắn mọc xanh khắp bản, nhờ chính sách giao đất, giao rừng của nhà nước cả đó. Toàn bản trồng gần 50 ha sắn nguyên liệu, kết quả tuyên truyền, vận động của các cán bộ tận tâm như cán bộ Tráng. Cuộc sống bà con đang nghèo nhưng dám khẳng định không còn hộ đói. Bản Trung Sơn có đường, có cầu, có điện... dân bản ai cũng ấm lòng. Lần ni kêu cán bộ Tráng vô nhờ giải pháp chi giúp cho trẻ con của bản sách vở, áo quần, dép chuẩn bị bước vào năm học mới, rồi giúp 13 hộ đồng bào ở chân đập Trung Sơn, cách trung tâm bản chưa đầy ba cây số, mà đây thì điện sáng trưng, trong đó đèn dầu tù mù, tội lắm!”.

 Nguyễn Văn Tráng luôn chân tình, gần gũi với đồng bào.
Nguyễn Văn Tráng luôn chân tình, gần gũi với đồng bào.

Chia tay bà con Vân Kiều bản Trung Sơn, chúng tôi quay ngược ra xã Trường Sơn gặp Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Sỹ. Nhân kể chuyện về Nguyễn Văn Tráng, anh tâm đắc: “Trên cương vị Chủ tịch Mặt trận xã, Tráng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao và luôn có nhiều sáng kiến, đột phá trong các phong trào do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”... Từ các cuộc vận động, phong trào lớn này, căn cứ vào đặc điểm tình hình ở làng bản trong xã, Tráng và các tổ chức thành viên Mặt trận cụ thể hóa thành nhiều mô hình: “Nâng cấp, tu sửa nhà văn hóa” ở thôn Liên Sơn, “Kéo điện lưới phục vụ dân sinh” tại xóm 2, bản Chân Trôộng, “Thắp sáng đường quê”, “Thu gom rác thải bảo vệ môi trường” bản Cây Cà, thôn Long Sơn, “Khu dân cư đoàn kết, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình” thôn Hồng Sơn, “Khu dân cư làm tốt công tác bảo vệ rừng cộng đồng” tại thôn Long Sơn và các bản: Trung Sơn, Cổ Tràng, Sắt, Khe Cát, Rìn Rìn, PLoang, Dốc Mây và mô hình trồng sắn nguyên liệu ở các bản PLoang, Rìn Rìn, Chân Trôộng...”

“Nhưng điều thú vị về Nguyễn Văn Tráng chính là cái tâm, tinh thần thiện nguyện vì cộng đồng, vì đồng bào Vân Kiều các bản xa xôi. Lo cho đồng bào từ đôi dép trẻ đến trường, từng cân gạo lúc giáp hạt đến xin tài trợ kéo điện thắp sáng ở các cụm dân cư heo hút” - Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Sỹ chia sẻ.

Giữ cương vị Chủ tịch Mặt trận xã Trường Sơn từ năm 2013 đến nay, “máu thiện nguyện” luôn cháy bỏng trong tim Nguyễn Văn Tráng. “Mình tranh thủ tất cả mọi mối quan hệ, mọi lúc, mọi nơi để “xin”. Thì xin cho bà con, đồng bào mình có chi mà ngại ngùng, sĩ diện. Nhờ thế, rất nhiều nhà hảo tâm, tổ chức tình nguyện đến với Trường Sơn. Mỗi công trình phúc lợi thành công là thêm một niềm hạnh phúc cho bản thân” - Tráng tâm sự. Bản thân Nguyễn Văn Tráng kêu gọi xây dựng 2 công trình điện sinh hoạt cho bà con Vân Kiều bản Chân Trôộng và Khe Cát trị giá 50 triệu đồng; 3 công trình bê tông sân nhà văn hóa bản Chân Trôộng, Khe Cát và thôn Liên Sơn; thắp sáng đường quê bản Cây Cà, thôn Hồng Sơn; xin 2 chiếc đò ngang cho bản Cây Sú, thôn Thượng Sơn... Ngoài ra vận động hàng quà, áo quần, sách vở, dày dép cho học sinh và hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều trị giá trên 300 triệu đồng... “Tâm đắc nhất là đem ánh điện văn minh đến cho đồng bào. 13 hộ tại bản Trung Sơn đang “khát” điện sáng, em quyết tâm kêu gọi bằng được mới thôi!” - Nguyễn Văn Tráng khẳng định.

Khoảng lặng đời thường

Chúng tôi hỏi thăm chuyện gia đình Nguyễn Văn Tráng rất nhiều lần, lần nào anh cũng đều đánh trống lảng. Sau này khi đã thân tình, Tráng mới chia sẻ: Hai vợ chồng kết hôn năm 2004, hiện tại có 2 con gái, Nguyễn Thị Linh Chi học lớp 6 và cháu thứ hai tên Nguyễn Hạnh Trang. Vợ Tráng là Trần Thị Việt, giáo viên Trường tiểu học Trường Sơn. Đầu năm 2016, tai họa ập đến với gia đình người cán bộ mẫn cán này khi chị Việt bị xe taxi gây tai nạn, chị bị chấn thương sọ não nằm điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Ngoài công tác xã hội, từ thiện, kể từ khi vợ bị tai nạn mất hết sức lao động, Tráng “một thân hai vai” vừa làm bố, vừa làm mẹ chăm sóc vợ con tròn vẹn. “Chuyện gia đình, em lo được, anh chị đừng bận tâm chi nhiều”. Tráng cứ nhắc đi nhắc lại với chúng tôi thế - “Còn sức khỏe là em còn cống hiến, còn lăn lộn với bà con, với đồng bào dân tộc Vân Kiều. Mọi người cứ tin tưởng vào em!” - Nguyễn Văn Tráng bảo khi chúng tôi chia tay về xuôi.

Tin chứ! Như người Vân Kiều Trường Sơn mộc mạc, chân tình tin vào Tráng - người “vác tù và” giữa đại ngàn Trường Sơn.

Ngô Thanh Long