.

Ma túy, nhức nhối những nỗi đau

Thứ Sáu, 27/05/2016, 15:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Giống như cơn bão lớn đi qua, ma túy đã tàn phá cuộc sống vốn yên bình có người nghiện, gieo rắc bao nỗi đau cho các gia đình, trở thành nỗi nhức nhối của toàn xã hội. Ma tuý không chỉ huỷ hoại sức khoẻ con người mà còn khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt, bần cùng. Và đáng lo ngại hơn là từ hành vi tiêm chích ma túy của các đối tượng nghiện đã dẫn đến sự lây truyền đại dịch HIV/AIDS trong khi công tác cai nghiện, nhất là cai nghiện tại gia đình và cộng đồng còn hết sức khó khăn.

Sống trong “bão trắng”

Đó là những nạn nhân của HIV/AIDS khi họ bị lây nhiễm HIV từ chồng (vợ) và họ đang đối diện với nỗi đau do chính người thân của mình từng dính vào tệ nạn ma túy. Những phận người ấy đã sống những ngày tháng không bình yên vì “bão trắng” cơn bão vô hình gieo rắc đến tận cùng những nỗi đau.

20 tuổi, N.T.T ở xã Phù Hóa - huyện Quảng Trạch lấy chồng và cũng từ đó, cuộc sống của T. trở thành địa ngục vì người đàn ông của cuộc đời cô là người nghiện ma túy. Sống chung mái nhà với một người nghiện ma túy, người vợ trẻ ấy đã phải hứng chịu biết bao nỗi đau cho đến khi chồng qua đời vì một cơn bạo bệnh. Chưa hết, người phụ nữ ấy còn bàng hoàng đến thảng thốt khi cầm trên tay kết quả xét nghiệm HIV dương tính do bị lây nhiễm HIV từ người chồng nghiện ma túy. Nỗi đau chồng lên nỗi đau và T. chỉ nghĩ đến cái chết vì chỉ có cách đó mới thoát khỏi bể khổ của cuộc đời. Thế nhưng, T. đã lặng lẽ đứng lên vì trước mắt cô là hình ảnh đứa con thơ bé bỏng mới chỉ có 8 tháng tuổi. Nhìn con, T. không cho phép bản thân mình quỵ ngã và cũng từ đó cô ngậm ngùi chấp nhận cuộc sống với chồng chất những nỗi đau. Gia đình bên chồng, người thân đều xa lánh, kỳ thị với mẹ con T. Họ xem mẹ con cô như những mầm bệnh nên chẳng ai đứng ra cưu mang, giúp đỡ. Cô âm thầm cam chịu sự dèm pha của mọi người và nỗ lực làm việc để có tiền nuôi con. Nhiều lúc cô cảm thấy kiệt sức, tưởng chừng như không thể tiếp tục sống được trên cõi đời này nữa. Mang trong mình nỗi đau của bệnh tật, lại thêm những nỗi đau vô hình khác nên tình trạng sức khỏe của T. giảm sút rất nhanh.

Những cơn sốt đến mỗi lúc một dài hơn, đôi chân không còn đứng vững và đầu óc cứ quay cuồng nghĩ đến cái chết đang đến rất gần mà không có cách nào thoát ra được. Cho đến khi gặp được chị X., người phụ nữ cùng cảnh ngộ giống T. và những câu chuyện từ chị X. đã giúp T. vững tin hơn để chiến đấu với bệnh tật và bản thân để hướng đến tương lai. Được nghe chị X. kể về cuộc đời mình, biết chị ấy đã làm những gì để vượt qua nỗi đau để tiếp tục đón nhận cuộc sống mới, T. chợt nhận ra rằng đâu chỉ có mình là người bất hạnh và cũng chỉ có mình mới cứu được mình trong lúc này.

T. tìm đến cơ sở y tế để được tư vấn sức khỏe và tham gia các dịch vụ trong chương trình phòng chống HIV/AIDS của tỉnh. Và cũng từ đó, T. có thêm những người bạn mới là những cán bộ y tế. Họ đã lắng nghe, chia sẻ và T. được tiếp nhận điều trị bằng thuốc ARV nên chỉ sau một thời gian ngắn sức khỏe đã cải thiện rõ rệt. Niềm hạnh phúc như được nhân lên khi đứa con trai của T. không bị lây nhiễm HIV từ bố mẹ. T. tự nguyện tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS ở địa phương, có mặt trong các buổi nói chuyện tư vấn sức khỏe cho những người cùng cảnh ngộ, những người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao (nghiện chích ma túy, người bán dâm) để động viên họ từ bỏ những hành vi không an toàn, hướng họ đến các dịch vụ y tế thân thiện để bảo vệ sức khỏe trước đại dịch HIV/AIDS.

Cán bộ y tế theo dõi, hướng dẫn người bệnh uống methadone tại cơ sở điều trị methadone Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS.
Cán bộ y tế theo dõi, hướng dẫn người bệnh uống methadone tại cơ sở điều trị methadone Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS.

Câu chuyện của N.T.H. ở thị xã Ba Đồn cũng là một bằng chứng sinh động về nỗi đau của phận người sống trong “bão trắng”. Kết hôn chưa được bao lâu, H cay đắng nhận ra rằng chồng mình là người nghiện ma túy. Cũng từ đó cuộc sống của H. như trong địa ngục vì phải chứng kiến những cơn vật vã của chồng khi đói thuốc, những trận xô xát cãi vã giữa hai vợ chồng chỉ vì thiếu tiền phục vụ cho việc hút chích của chồng cô.

Nghĩ đến tương lai còn dài nên H. đã động viên chồng cai nghiện để làm lại cuộc đời. Hết lần này đến lần khác khăn gói theo chồng đến các trung tâm cai nghiện có uy tín, tiền bạc của cải trong nhà đều dốc vào chuyện giúp chồng thoát khỏi ma túy nhưng kết quả mà H. nhận được chỉ là con số 0. Hành trình cai nghiện, tái nghiện, hết ra trại này lại vào trại khác của chồng cô dường như đã vắt kiệt nguồn lực tài chính của gia đình. Đã thế, chồng cô lại thường xuyên tìm cách trốn trại và mỗi lần về nhà chồng cô lại trở thành nỗi lo của mọi người vì chỉ cần sơ ý một chút là đồ đạc trong nhà bị anh ta mang đi hết. Có khi không trộm cắp được thứ gì trong nhà, chồng cô lại dùng vũ lực hù dọa vợ và mọi người để kiếm tiền đi hút, chích. Không còn thứ gì để trộm cắp, chồng cô đã tiếp tay cho các tội phạm ma túy trong việc mua bán lẻ ma túy để được hút, chích miễn phí và rồi phải vào tù. Ra tù không lâu chồng cô lại tái nghiện.

Trớ trêu hơn là trong một lần đi khám sức khỏe, H. phát hiện ra mình nhiễm HIV và chồng cô đã thừa nhận rằng anh ta bị lây nhiễm HIV từ những người bạn cùng chích ma túy... Từ đó, H. hoàn toàn suy sụp chỉ nghĩ đến cái chết, nhưng vì đứa con H. phải cố gắng để làm mẹ an toàn vì tương lai của đứa trẻ. H. phải chịu đựng rất nhiều nỗi đau từ sự kỳ thị của mọi người để sống và nuôi con nhưng gia đình H. vẫn không có được những ngày tháng bình yên do chồng cô vẫn là con nghiện...

Phá bỏ rào cản trong công tác cai nghiện, chuyện không dễ

Khó có thể thống kê được con số chính xác về số người nghiện và liên quan đến ma túy trên địa bàn toàn tỉnh vì các đối tượng trên thường thay đổi địa điểm, che giấu bản thân với rất nhiều hình thức thủ đoạn, tinh vi. Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có trên 2.074 đối tượng ở 128/159 xã, phường, thị trấn liên quan đến ma túy và khoảng 900 người nghiện. Xu hướng nghiện phổ biến là heroin, ma túy tổng hợp dạng đá, thuốc lắc và gần đây xuất hiện chất gây nghiện dạng thảo mộc có tên gọi “cỏ mỹ”, “mặt quỷ”. Thành phần người nghiện chủ yếu là nam giới tập trung ở độ tuổi lao động 18-40.

Tình trạng nghiện ma túy trong cộng đồng dân cư tăng nhanh trong khi công tác cai nghiện tại cộng đồng lại gặp rất nhiều khó khăn thử thách. Trong giai đoạn 2012-2015, tỉnh ta đã triển khai mô hình thí điểm cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng ở 6 huyện, thị xã, thành phố (Lệ Thủy, Bố Trạch, Tuyên Hóa, Ba Đồn,, Minh Hóa, thành phố Đồng Hới) với 21 xã, phường, thị trấn trọng điểm về ma túy tham gia. Qua 4 năm, đã thực hiện cai nghiện ma túy cho 229 đối tượng, song tỷ lệ tái nghiện sau cai chiếm tới gần 90%.

Nghiện ma túy được xem là một vấn nạn của xã hội và cai được ma túy là hết sức khó khăn trong khi hình thức cai nghiện trên lại khá “lỏng” đối với các đối tượng, nhất là việc theo dõi, quản lý. Không ít xã, phường, thị trấn nặng về giao chỉ tiêu kế hoạch và chủ yếu thực hiện các biện pháp hành chính như lập hồ sơ, ra quyết định cai nghiện và cắt cơn song việc theo dõi, kiểm tra, giám sát đối tượng chưa được chu đáo, chưa đánh giá nhu cầu và xây dựng kế hoạch cai nghiện cụ thể cho từng người nên hiệu quả không cao.

Mặt khác, cơ sở vật chất các trạm y tế chưa đủ điều kiện để thực hiện các biện pháp cai nghiện, chưa có các phòng chức năng riêng nên rất khó để triển khai các hoạt động từ điều trị cắt cơn đến theo dõi, phục hồi sức khỏe. Thêm vào đó là cán bộ y tế ở một số nơi chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng, kiến thức để điều trị cắt cơn trong khi hoạt động của tổ công tác cai nghiện còn hạn chế nhiều mặt, nhất là việc tiếp cận đối tượng.          

Công tác tuyên truyền dù đã được thực hiện nhưng kết quả chưa cao, sự kỳ thị và định kiến của cộng đồng vẫn còn, rất ít người tự nguyện khai báo tình trạng nghiện các chất ma túy tại cộng đồng. Gia đình người nghiện đóng vai trò then chốt trong công tác này song vì thiếu kiến thức, kỹ năng về cai nghiện và các biện pháp dự phòng tái nghiện nên khó có thể thể giúp đỡ, hỗ trợ con em họ cai nghiện thành công.

Khó khăn nữa là các đối tượng nghiện ma túy đa số họ là lao động tự do, không có công ăn việc làm ổn định nên rất khó theo dõi quản lý. Thực tế cai nghiện đã khó, giải quyết việc làm cho người sau cai càng khó khăn hơn. Không ít người sau mỗi đợt cai trở về không tìm được việc làm nên lại rơi vào con đường cũ. Và cứ thế, bản thân người nghiện cùng gia đình của họ luôn rơi vào cái vòng luẩn quẩn của sự kiệt quệ về kinh tế, sa sút sức khỏe, tinh thần. Cũng chính vì điều đó mà nhiều gia đình không mặn mà lắm với hình thức cai nghiện này.

Hiện tại tỉnh ta đang tập trung đẩy mạnh nhiều hoạt động nhằm đổi mới công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn toàn tỉnh, từng bước giảm tác hại của nghiện ma túy, giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép, giảm và kiềm chế lây nhiễm HIV/AIDS, tạo điều kiện cho người nghiện dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ điều trị nghiện thích hợp và hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone được xem là chương trình trọng điểm trong việc hỗ trợ cai nghiện ma túy hiện nay trên địa bàn tỉnh. Với quan điểm xem người nghiện là bệnh nhân và sẵn sàng có sự hỗ trợ về mặt tinh thần đã góp phần xóa bỏ mặc cảm ở người nghiện ma túy và gia đình họ, giúp cho nhiều người có thể công khai tình trạng nghiện của bản thân hoặc con em mình để được giúp đỡ điều trị, cai nghiện sớm. Bên cạnh đó, sự ra đời của cơ sở điều trị nghiện bằng methadone và nhất là mô hình tư vấn điều trị nghiện ma túy đã tiếp thêm động lực để người bệnh cai nghiện. Điều đáng mừng là hầu hết người bệnh tham gia điều trị đều giảm tần suất sử dụng ma túy và có sự cải thiện rõ nét về mặt tinh thần, tâm trí ổn định để kiên trì điều trị.

Giai đoạn 2016 - 2020, ngoài việc đẩy mạnh các hoạt động ở cơ sở điều trị methadone (thuộc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS), tỉnh sẽ thành lập thêm các cơ sở điều trị methadone mới ở địa bàn các địa phương, đồng thời tăng cường nguồn lực để nâng cao năng lực dự phòng và điều trị cai nghiện nhằm thực hiện thành công các nội dung của Kế hoạch số 1051/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến năm 2020.

Nhật Văn