.

Vẫn còn nhiều vi phạm trong khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng

Thứ Hai, 28/03/2016, 08:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhằm phát hiện và chấn chỉnh kịp thời việc vi phạm các quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD), chất lượng vật liệu xây dựng, vừa qua Sở Xây dựng đã tổ chức đoàn kiểm tra tại 30 đơn vị (trong đó có 10 đơn vị khai thác, chế biến, kinh doanh đá xây dựng; 8 đơn vị khai thác, kinh doanh cát xây dựng; 8 đơn vị sản xuất, kinh doanh gạch tuynel; 1 đơn vị sản xuất, kinh doanh gạch không nung và 4 đơn vị sản xuất, kinh doanh bê tông tươi). Qua công tác kiểm tra, Sở Xây dựng đã phát hiện nhiều vi phạm và đã có những kiến nghị, đề xuất để chấn chỉnh các vi phạm ở các đơn vị được kiểm tra.

Qua kiểm tra các đơn vị khai thác, sản xuất, kinh doanh VLXD trên địa bàn phát hiện một số đơn vị chưa có thiết kế khai thác mỏ được phê duyệt, chưa lập thủ tục thuê đất (chưa bảo đảm quyền sử dụng đất); sử dụng bố trí người phụ trách kỹ thuật sản xuất (hay giám đốc điều hành mỏ) chưa đủ năng lực theo quy định; chưa tuân thủ các quy định có liên quan đến công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD.

Đáng nói là công tác thông báo tiêu chuẩn áp dụng, công tác chứng nhận hợp quy sản phẩm hàng hóa VLXD theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Thông tư số 15/2014/TT-BXD, ngày 15-9-2014 của Bộ Xây dựng thì tất cả các đơn vị được kiểm tra đều chưa thực hiện.

Việc bổ nhiệm người làm giám đốc điều hành khai thác tại các mỏ đá chưa bảo đảm về điều kiện năng lực theo quy định.
Việc bổ nhiệm người làm giám đốc điều hành khai thác tại các mỏ đá chưa bảo đảm về điều kiện năng lực theo quy định.

Cụ thể, qua kiểm tra tại 10 đơn vị khai thác, chế biến, kinh doanh đá xây dựng hoạt động trên địa bàn các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy; 8 đơn vị khai thác, chế biến, kinh doanh cát xây dựng hoạt động trên địa bàn các huyện Bố Trạch, Tuyên Hóa, Quảng Ninh và Lệ Thủy cho thấy: Tại thời điểm kiểm tra công tác bổ nhiệm người làm giám đốc điều hành khai thác mỏ chưa bảo đảm về điều kiện năng lực theo quy định tại Thông tư số 11/2007/TT-BXD, ngày 11-12-2007 về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 124/2007/NĐ-CP, ngày 31-7-2007 của Chính phủ về quản lý VLXD.

Quá trình khai thác đá nguyên liệu tại khu vực mỏ của các đơn vị có góc nghiêng (a) của sườn tầng khai thác ở lớp đá là chưa đúng với thiết kế khai thác mỏ được duyệt. Về quản lý chất lượng sản phẩm cát, đá dăm cốt liệu trong quá trình sản xuất, lưu thông trên thị trường, tất cả các cơ sở khai thác, chế biến cát, đá chưa thực hiện việc đăng ký tiêu chuẩn áp dụng và chứng nhận hợp quy sản phẩm hàng hóa theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Thông tư số 15/2014/TT-BXD, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về sản phẩm, hàng hóa VLXD.

Ngoài ra, một số đơn vị như: Chi nhánh xí nghiệp sản xuất VLXD Cosevco 12, Chi nhánh nhà máy xi măng Áng Sơn khai thác, chế biến khoáng sản chưa phù hợp với giấy phép được cấp. Cụ thể, giấy phép khai thác của 2 đơn vị này do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép để khai thác khoáng sản làm nguyên liệu xi măng. Cả 2 đơn vị này chưa được UBND tỉnh cấp phép khai thác tận thu, nhưng vẫn sử dụng khoáng sản khai thác tận thu để chế biến ra sản phẩm đá làm VLXD và cung cấp ra thị trường.

Công ty TNHH Thế Thịnh 7, Công ty TNHH XD-TM Hoàng Mai có vị trí khu vực chế biến (trạm nghiền sàng), khu vực phụ trợ đặt ngay trong khu vực khai thác mỏ như hiện nay là không đúng vị trí theo dự án đầu tư được duyệt và không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật trong khai thác. Công ty TNHH phát triển lâm nghiệp Ba Tâm chưa thực hiện các thủ tục liên quan đến thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho khu vực mỏ phụ trợ.

Đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh gạch đất sét nung, đoàn đã tổ chức kiểm tra tại 8 đơn vị trên địa bàn Đồng Hới, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa. Qua kiểm tra thực tế tại các đơn vị, phát hiện quá trình khai thác nguyên liệu sản xuất gạch, trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm khi sản xuất, cung cấp ra thị trường có nhiều sai sót đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng vật liệu, chất lượng công trình xây dựng.

Tại thời điểm kiểm tra, 8 nhà máy sản xuất gạch đã sản xuất, cung cấp ra thị trường các sản phẩm, hàng hóa, nhưng chưa thực hiện việc đăng ký tiêu chuẩn áp dụng và chứng nhận hợp quy sản phẩm hàng hóa theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Thông tư số 15/2014/TT-BXD.

Qua kiểm tra 4 đơn vị sản xuất, kinh doanh bê tông thương phẩm đang hoạt động trên địa bàn tỉnh với tổng công suất thiết kế trên 300m3/giờ, cho thấy tại thời điểm kiểm tra Công ty CP sản xuất VLXD Nguyên Anh II và Công ty TNHH tư vấn xây dựng Khang Việt chưa cung cấp được cho đoàn kiểm tra của Sở Xây dựng các văn bản, giấy tờ liên quan đến quá trình đầu tư dự án. Các cơ sở sản xuất bê tông thương phẩm đều sử dụng các nguyên liệu đầu vào (cát, đá dăm cốt liệu) chưa được chứng nhận hợp quy, có thành phần hạt của cốt liệu thô không bảo đảm theo tiêu chuẩn kỹ thuật để sản xuất bê tông.

Cùng với đó, tại thời điểm kiểm tra các cơ sở này sản xuất, cung cấp ra thị trường sản phẩm bê tông thương phẩm, nhưng chưa thực hiện việc đăng ký tiêu chuẩn áp dụng và chứng nhận hợp quy sản phẩm hàng hóa theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Thông tư số 15/2014/TT-BXD, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng. Hiện tại mới có Công ty CP sản xuất VLXD Nguyên Anh gửi bản ban hành tiêu chuẩn cơ sở cho Sở Xây dựng.

Về thực hiện quy định về công tác chứng nhận sản phẩm, hàng hóa VLXD theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản có liên quan cho thấy, 100% các cá nhân, tổ chức được kiểm tra (30 đơn vị) tại thời điểm kiểm tra chưa thực hiện việc đăng ký tiêu chuẩn áp dụng và chứng nhận hợp quy sản phẩm hàng hóa theo quy định.

Quá trình kiểm tra thực tế tại các khu vực khai thác, sản xuất VLXD, đoàn kiểm tra đã tổ chức lấy mẫu để thí nghiệm các chỉ tiêu cơ lý của 15 tổ mẫu đá dăm xây dựng, 11 tổ mẫu cát xây dựng, 16 tổ mẫu gạch đất sét nung và 3 tổ mẫu gạch xây không nung. Kết quả: Trong 15 tổ mẫu đá dăm xây dựng, chỉ có 1 mẫu đá của Công ty CP Đá Việt đạt chỉ tiêu thành phần hạt so với tiêu chuẩn TCVN 7570: 2006; có 3/16 tổ mẫu gạch đất sét nung đạt mác M100 (cường độ chịu nén); 1/3 tổ mẫu gạch xây dựng không nung đạt yêu cầu về cường độ...

Sau khi có kết quả kiểm tra trên, Sở Xây dựng đã có thông báo kết quả đến các đơn vị được kiểm tra, đồng thời yêu cầu các đơn vị tiến hành điều chỉnh các chỉ tiêu chưa đạt, hoàn thành các hồ sơ, thủ tục liên quan và báo cáo Sở Xây dựng bằng văn bản.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, căn cứ tình hình thực tế, những quy định của pháp luật, Sở Xây dựng cũng đã kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiến hành rà soát, kiểm tra các đơn vị sản xuất kinh doanh VLXD còn lại trên địa bàn; tăng cường sự phối hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn để doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật, có hiệu quả và cung cấp cho thị trường sản phẩm bảo đảm chất lượng.

Sở Xây dựng cũng đề xuất UBND tỉnh giao cơ quan chức năng tham mưu ban hành các văn bản: Yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng công trình tăng cường công tác quản lý chất lượng VLXD; nghiêm túc thực hiện việc thí nghiệm chất lượng vật liệu đầu vào khi thi công xây dựng công trình; tăng cường kiểm tra chất lượng VLXD sử dụng trong công trình xây dựng.

Yêu cầu các đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh VLXD rà soát điều chỉnh các chỉ tiêu cơ lý, kích thước hình học để phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật; tổ chức công bố tiêu chuẩn áp dụng, chứng nhận hợp quy sản phẩm hàng hóa VLXD; bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ, người phụ trách kỹ thuật sản xuất có điều kiện năng lực phù hợp theo quy định tại Thông tư số 11/2007/TT-BXD tuyển dụng hoặc đào tạo cán bộ cho đủ trình độ theo quy định; chỉ đạo các chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách, khuyến khích các chủ đầu tư khác sử dụng gạch không nung và các công trình xây dựng.

Bùi Thành