.

Làm gì trước sự "bùng nổ"của mạng xã hội?

Thứ Bảy, 06/06/2015, 15:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Cùng với sự phát triển của internet và các thế hệ điện thoại thông minh, những năm gần đây, các trang mạng xã hội cũng ngày càng phát triển. Bên cạnh những trang mạng xã hội từng “làm mưa làm gió” thời gian qua như Yahoo! blog, Twitter...,  phổ biến nhất hiện nay là FaceBook (FB) với trên 1,4 tỷ người trên thế giới đang sử dụng. Tại nước ta, theo thống kê của Trung tâm internet Việt Nam, con số này là trên 30 triệu người. Sự bùng nổ của FB đã đặt ra nhiều vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Một điều rất dễ nhận thấy là với những tính năng hữu hiệu trong việc kết nối người dùng, FB đã tạo nên cơn sốt không chỉ trong giới trẻ mà cả những thế hệ trung lưu với nhiều nghề nghiệp khác nhau từ giới công chức đến tiểu thương, nông dân... Sự bùng nổ chóng mặt của trang mạng xã hội này đã khiến nhiều người phải lo lắng, nhất là các bậc phụ huynh.

Sự lo lắng đó hoàn toàn có lý khi mỗi ngày FB đã và đang truyền tải nhiều thông tin, hình ảnh tiêu cực đến hàng triệu người dùng, trong đó phần lớn là học sinh, sinh viên. Đó có thể là clip nam sinh, nữ sinh đánh nhau, những cuộc tranh cãi của cư dân mạng với tư tưởng và lời lẽ thiếu văn hóa, hình ảnh, thước phim đồi trụy, sự tung hô hay miệt thị của cộng đồng mạng đối với nhân vật A, B, C... lừa đảo bán hàng trên mạng, những trò chơi bạo lực... Nghiêm trọng hơn là những thông tin xuyên tạc, phản động, chống đối Nhà nước. Với tuổi đời còn non trẻ của mình, các em dễ bị thu hút, lôi kéo dẫn đến việc có các hành vi và nhận thức lệch lạc, ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại và tương lai. Nhẹ hơn thì là chứng “nghiện” FB với việc suốt ngày sử dụng điện thoại, máy tính để viết status, bấm like, đọc và phản hồi cho bạn bè trên mạng, đắm mình trong thế giới ảo và lơ là, chểnh mảng việc học tập. Và không chỉ riêng với giới trẻ, ngay cả giới cán bộ, công chức, có không ít người “nghiện” FB làm ảnh hưởng đến công việc và cả cuộc sống của bản thân, gia đình.

 Chương trình “Cơm có thịt” với những hiệu ứng xã hội tích cực thông qua kết nối FB.
Chương trình “Cơm có thịt” với những hiệu ứng xã hội tích cực thông qua kết nối FB.

Đứng trước những hậu quả như thế, nhiều bậc phụ huynh đã có cách nhìn cực đoan đối với tất cả mạng xã hội và lựa chọn cách cấm triệt để việc sử dụng FB đối với con em mình. “Tịch thu” điện thoại, máy tính, cắt internert là cách mà nhiều bậc phụ huynh đang sử dụng. Thế nhưng dường như càng bị cấm đoán, các em càng ham mê và tìm mọi cách để lén lút sử dụng. Một điều rất dễ nhận thấy là ở các quán internet, khách hàng chủ yếu là các bạn trẻ, các em có thể ngồi hàng giờ, thậm chí cả ngày để truy cập mạng nói chung và sử dụng FB nói riêng. Trong khi đó, các bậc phụ huynh vẫn đinh ninh là con em mình đang chăm chỉ tại lớp học thêm nào đó. Đối với giới cán bộ, công chức, trước sự “bùng nổ” của FB, một số cơ quan chỉ kết nối mạng nội bộ, không kết nối internet để ngăn chặn việc sử dụng FB của nhân viên. Tuy nhiên với sự có mặt của nhiều thế hệ điện thoại thông minh sử dụng wifi, kết nối 3G, thì sự cấm đoán này dường như bất lực. Từ thực tế này có thể thấy rõ việc ngăn chặn, cấm đoán không những không mang lại hiệu quả, thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ và những hậu quả khó lường hơn.

Bên cạnh những hậu quả mà FB tác động đến cuộc sống, nhất là với giới trẻ, thì FB, với tính năng kết nối rộng rãi của mình đã và đang có những đóng góp quan trọng đối với cuộc sống mà bằng cái nhìn cực đoan của mình, những nhà quản lý và bậc phụ huynh chưa có sự nhìn nhận thấu suốt. Những chương trình như “Cơm có thịt”, “Vì ta cần nhau”... đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng mạng thông qua kết nối FB và nhận được phản hồi tích cực từ nhiều cá nhân, tổ chức, mang lại những bữa cơm, những tấm áo ấm cho trẻ em vùng cao còn nhiều khó khăn. Gần đây nhất là việc tuyên truyền, kết nối để tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Hàng trăm tấn nông sản như dưa hấu, hành tím... đã được tiêu thụ trong thời gian ngắn nhờ sự nhiệt tình và trách nhiệm của những thành viên mạng xã hội nói chung, FB nói riêng. FB còn là nơi kết nối, quyên góp kinh phí, kêu gọi hiến máu nhân đạo đối với các bệnh nhân, hỗ trợ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, là nơi chia sẻ nhiều thông tin hữu ích trong cuộc sống.

Ở Quảng Bình, phong trào “Sách cho miền cát trắng”, “Mùa đông ấm nồng” của diễn đàn QBO được lan tỏa mạnh mẽ nhờ số lượng lớn người chơi FB đã mang hàng chục nghìn bản sách và áo ấm đến với học sinh nghèo; những trang FB của các hội đồng hương, làng, xã, các câu lạc bộ, cá nhân hảo tâm... cũng góp phần không nhỏ chuyển tải thông tin quê hương và chung tay xây dựng cộng đồng, tạo được những hiệu ứng mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội. Hoặc một số đồng chí cán bộ lãnh đạo đang sử dụng FB như một công cụ kết nối cũng tạo được sự liên kết và gắn bó với người dân, nhanh chóng nắm bắt được những thông tin quan trọng và cần thiết để xem xét, xử lý.

Từ những mặt tích cực và tiêu cực mà mạng xã hội nói chung, FB nói riêng đã và đang mang lại, có thể thấy rất rõ rằng, FB không phải là nguyên nhân dẫn đến những tác động đối với đời sống xã hội và bản thân mỗi người, mà đó chỉ là một trong những công cụ chúng ta sử dụng trong xã hội hiện đại. Việc cấm đoán, ngăn chặn một cách cực đoan chỉ khiến FB phát triển âm thầm và khó kiểm soát. Nên chăng, ở quy mô gia đình, các bậc phụ huynh, thay vì cấm đoán, thì hãy trao đổi, phân tích cái đúng, sai, nên hay không nên trong cuộc sống, trong đó có việc sử dụng mạng xã hội nói chung và FB nói riêng, đồng thời có sự quan tâm, giám sát việc sử dụng FB của con em mình để kịp thời điều chỉnh. Một khi trẻ được trang bị kỹ năng ứng phó với những thông tin, hình ảnh đa chiều, các em sẽ biết cách phòng ngừa, lựa chọn và ứng xử phù hợp, không bị lôi cuốn bởi những suy nghĩ và hành vi tiêu cực. Từ sự nâng cao nhận thức này, người dùng FB nói chung, những bạn trẻ nói riêng, sẽ tiếp nối và phát triển những hành động đẹp thông qua FB, góp phần mang lại những điều tốt đẹp hơn cho cuộc sống.

Để nâng cao nhận thức, giáo dục hành vi ứng xử cho giới trẻ đối với mạng xã hội, trong đó có FB, thì gia đình – nhà trường và xã hội vẫn luôn là mô hình lý tưởng. Tương tự, đối với cán bộ, công chức, nếu sử dụng FB một cách thông minh và có kiểm soát, FB sẽ trở thành một trong những công cụ hữu hiệu để chia sẻ thông tin, chuyên môn nghiệp vụ thay vì cấm đoán, dẫn đến việc lén lút sử dụng, ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Tầm quốc gia, việc giáo dục, nâng cao nhận thức của người sử dụng internet nói chung và FB nói riêng là giải pháp bền vững, góp phần phát huy thế mạnh của những trang mạng xã hội, trong đó có FB, bởi thực tế cuộc sống đã chứng minh, lợi hay hại từ việc sử dụng FB đều bắt nguồn từ nhận thức và hành vi của mỗi cá nhân.

Ngọc Mai