.

Tai nạn giao thông giảm: Không được chủ quan

Thứ Năm, 24/07/2014, 07:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Đánh giá chung tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh ta trong 6 tháng đầu năm 2014 có sự chuyển biến khá tích cực, số vụ, số người chết và người bị thương do tai nạn giao thông có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, tình hình TTATGT vẫn đang tiềm ẩn yếu tố phức tạp, vì vậy các địa phương, đơn vị không được chủ quan mà tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp bảo đảm TTATGT trong các tháng cuối năm 2014.

Mặc dầu số vụ và số người chết do tai nạn giao thông thời gian qua ở tỉnh ta có giảm, nhưng nhìn chung vẫn còn ở mức cao. Điều đó được phán ánh trong 6 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh xảy ra 178 vụ tai nạn giao thông, làm chết 69 người, làm bị thương 159 người, thiệt hại tài sản 1,6 tỷ đồng. Trong đó, tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 176 vụ, làm chết 67 người, làm bị thương 159 người.  Va chạm giao thông xảy ra 97 vụ, bị thương 118 người.

Do vậy vấn đề đặt ra là không được lơ là chủ quan đối với công tác bảo đảm TTATGT, nhất là trong dịp 2-9, ngày khai giảng năm học mới 2014-2015, khi lưu lượng phương tiện và người tham gia giao thông tăng cao.

Một vấn đề đặt ra nữa là, thời gian qua nhận thức của các cấp, các ngành về công tác bảo đảm TTATGT mặc dù được nâng cao một bước nhưng chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi thực tế của nhiệm vụ, dẫn đến việc thực hiện các giải pháp chưa quyết liệt, đồng bộ, thiếu thường xuyên, sự phối, kết hợp giữa các cấp, ngành chưa chặt chẽ, chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia lập lại TTATGT. Điều này thể hiện rõ nét nhất ở địa bàn huyện Minh Hoá.

Qua báo cáo của Công an tỉnh, trên đoạn đường QL12A, đoạn từ Khe Ve đến Cha Lo chỉ dài 40km, trong 6 tháng đầu năm nay xảy ra 13 vụ tai nạn giao thông, trong đó có 8 vụ nghiêm trọng làm chết 5 người, bị thương 12 người, thiệt hại tài sản khoảng 850 triệu đồng. Nguyên nhân chính mà Công an tỉnh chỉ ra là do ý thức của đối tượng tham gia giao thông chưa cao, nhất là vi phạm các quy tắc an toàn giao thông như đi lấn phần đường, không làm chủ tốc độ, uống nhiều rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông...

Xe vi phạm ngang nhiên hoạt động trên địa bàn Đồng Hới.
Xe vi phạm ngang nhiên hoạt động trên địa bàn Đồng Hới.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có biểu hiện giảm sút, hời hợt, thiếu chiều sâu, thiếu chuyên nghiệp, chưa được duy trì thường xuyên, liên tục, chưa phù hợp với từng đặc điểm đối tượng nên hiệu quả còn hạn chế. Công tác giáo dục ATGT, đặc biệt cho thế hệ trẻ, học sinh các cấp học chưa đạt kết quả như mong muốn, chưa thực sự xây dựng được thành nếp văn hóa giao thông trong toàn cộng đồng. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết việc tuyên truyền ATGT mới dừng lại ở các hội nghị, cuộc họp, mà thiếu đi các cuộc tuyên truyền, vận động cho đối tượng thường xuyên vi phạm TTATGT trong thôn, xóm.

Ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao. Điều này thể hiện ở chỗ năm nay là năm siết chặt kỷ cương vận tải, nhưng nhiều đơn vị kinh doanh vận tải chưa quan tâm, chú trọng đúng mức đến các điều kiện bảo đảm ATGT và việc quản lý, giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho lái xe, dẫn đến tình trạng vi phạm các quy định về bảo đảm ATGT vẫn còn xảy ra phổ biến.

Qua số liệu của Phòng CSGT, Công an tỉnh trong 6 tháng đầu năm, lực lượng CSGT đã đã tổ chức được 6.841 ca tuần tra kiểm soát, ra quyết định xử phạt 17.361 trường hợp, thu tiền qua Kho bạc Nhà nước 16,5 tỷ đồng; tạm giữ 2.574 phương tiện (176 ô tô, 2.395 mô tô, 3 xe đạp điện); tước giấy phép lái xe có thời hạn 1.789 trường hợp, tổ chức kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ cho các trường hợp bị tước giấy phép lái xe 60 ngày là 85 trường hợp. Thông báo vi phạm đến cơ quan, đơn vị, nơi cư trú, trên Đài PT-TH tỉnh và Báo Quảng Bình số người vi phạm là 1.602 trường hợp.

Một số địa phương chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo đảm TTATGT trên phạm vi địa phương, có nơi  khoán trắng công tác đảm bảo TTATGT cho ngành Công an và Ban ATGT địa phương. Công tác tuyên truyền còn nặng hình thức, thiếu quan tâm đến đối tượng thường vi phạm TTATGT tồn tại các hành vi vi phạm về tốc độ, chở quá số người quy định, đi không đúng làn đường, luồng tuyến, tránh vượt sai, đón, trả khách không đúng nơi quy định...

Tại vùng nông thôn, miền núi, ý thức của một bộ phận người dân, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên còn kém, khi tham gia giao thông còn vi phạm các lỗi như không đội mũ bảo hiểm, tốc độ; sử dụng rượu, bia trong quá trình tham gia giao thông; chở ba, chở bốn, không đủ tuổi điều khiển xe máy... tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất TTATGT trên địa bàn nông thôn là rất cao.

Qua trao đổi với ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT, Phó trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh được biết, trong thời gian tới, Ban ATGT tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm TTATGT, nhất là dịp khai giảng năm học 2014-2015, mùa mưa lũ. 

Theo đó, Sở GTVT phối hợp với Công an tỉnh, các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện số 1966/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ; ưu tiên bố trí lực lượng phối hợp với Thanh tra giao thông để bảo đảm duy trì hoạt động của Trạm kiểm soát tải trọng xe 24h trong ngày và 7 ngày trong tuần.

Tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, chú trọng tuần lưu, ứng dụng công nghệ cao, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải khách, đặc biệt là các hành vi vi phạm quy định về tốc độ, chở quá số người quy định; đi không đúng làn đường, luồng tuyến; vi phạm quy định về thời gian lái xe, lái tàu; đón, trả khách không đúng nơi quy định; bảo đảm TTATGT trong các ngày lễ lớn.

Khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô để xử lý vi phạm đối với chủ xe, lái xe cũng như xác định trách nhiệm liên quan của cơ quan quản lý nhà nước và người thực thi công vụ. Công bố doanh nghiệp có nhiều xe vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, cung cấp dữ liệu và thông tin cho lực lượng CSGT xử lý ngay các xe vi phạm tốc độ cao tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT.

Cần tăng cường sự phối hợp giữa Công an tỉnh, Sở Công Thương trong việc quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu xe đạp điện, xe máy điện. Tiếp tục xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu mũ bảo hiểm. Chỉ đạo Cảnh sát giao thông tăng cường tuyên truyền hướng dẫn, nhắc nhở và xử lý nghiêm các trường hợp đội MBH không bảo đảm chất lượng, không đội MBH khi điều khiển xe mô tô, xe máy.  

Tr.T