.
Mỗi tuần một chuyện:

Thêm một cánh chim "đầu đàn" nữa ra đi?

Thứ Năm, 31/07/2014, 15:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian gần đây, dư luận xôn xao vì cảnh mua bán tài sản tấp nập diễn ra ở các đơn vị thành viên của một công ty khá tiếng tăm trong lĩnh vực kinh doanh tổng hợp. Không chỉ “bật đèn xanh” cho công nhân mà một số lãnh đạo của đơn vị này còn trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo việc mua bán, rồi theo xe áp tải hàng rất xôm tụ.

Có mặt tại hiện trường, người viết cảm thấy ngỡ ngàng vì nhà xưởng chỉ còn chiếc vỏ bên ngoài còn máy móc phần thị ngân hàng xiết nợ, phần đã được bán theo giá sắt vụn. Đặc biệt có thiết bị ép nhựa, nghe nói được mua hàng tỷ đồng thì nay nằm chỏng chơ chờ đồng nát ve chai đến ngã giá(?!).

Bên cạnh đó, hệ thống sơn sản phẩm cũng đã được tháo dở, chỉ còn lại bộ khung khiến cho những ai dù có trí tưởng tượng phong phú đến mấy cũng không thể ngờ rằng, một công ty với 8 đơn vị thành viên chỉ sau 7 năm hoạt động theo mô hình cổ phần hóa nay lại đứng trước nguy cơ sập tiệm. Tài sản của nhà nước và nhân dân sẽ đi về đâu khi các ngành chức năng không có chế tài kiểm tra, giám sát nhằm chặn đứng hành vi tẩu tán trang thiết bị, đồng thời xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm!

Những năm trước, công ty này từng nổi đình nổi đám bởi ngành nghề kinh doanh tổng hợp, nhưng lĩnh vực để lại nhiều dấu ấn là mặt hàng nhôm, nhựa. Cũng đã là “điểm sáng” trong sản xuất nhưng từ khi chuyển đổi mô hình sang cổ phần hóa-với cái tên rất mĩ miều-công ty này dần đi xuống bờ vực khiến hàng trăm lao động phải ra đường vì không có việc làm, không được tham gia các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định. Và theo báo cáo thuế mới nhất (đến 30-6-2014), thì công ty “mẹ” và một số công ty “con” tiếp tục nợ trên 2 tỷ đồng mà ngày trả nợ chắc sẽ còn xa ngái.

Chúng ta hãy nghe “sứ mệnh” mà công ty này theo đuổi để biết giữa nói và thực hiện có khoảng cách khá xa vời nếu như người đứng đầu không có tâm và có tầm. Đó là, tạo lập và bảo vệ các giá trị đầu tư bền vững; hài hòa những lợi ích cơ bản của chủ sở hữu, người lao động và đối tác; xây dựng đội ngũ có trách nhiệm, giỏi chuyên môn… thế nhưng chỉ mới hơn 2.000 ngày là cảnh đìu hiu chợ chiều.

Hẳn chúng ta đã biết việc đổi mới doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp là một chủ trương đúng đắn của Nhà nước nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trong thời điểm hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên do mở rộng quá mức về quy mô hoạt động và ngành nghề kinh doanh nên một số doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng đổ bể.

Cũng trong hoàn cảnh đó, ở tỉnh ta không chỉ công ty trên mà một số đơn vị khác khi chuyển đổi sang hình thức cổ phần hóa đã “sống dở, chết dở” vì khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, hàng ngàn người lao động phải vứt bỏ cổ phần để bươn chải mưu sinh. Hiện nay, chúng ta đang tiếp tục thực hiện các bước để chuyển đổi mô hình hoạt động của một số doanh nghiệp, do vậy cần tránh “vết xe đổ” trong nhiều vấn đề trong đó có yếu tố sử dụng người lãnh đạo và quản lý con người trong các doanh nghiệp này.

Minh Văn