.

Trận thảm sát Chợ Gộ: Đừng để tủi lòng người đã khuất

Thứ Hai, 24/02/2014, 10:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Cách đây 67 năm, ngày 14-7-1947, tại thôn Chợ Gộ, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, thực dân Pháp dã man gây ra một trận thảm sát kinh hoàng đối với những người dân vô tội. Những người may mắn sống sót sau trận thảm sát ấy bây giờ hầu đã như khuất núi. Cứ vào ngày 25-5 âm lịch, dân làng Chợ Gộ lại làm một cái giỗ chung cho người chết trong trận thảm sát năm ấy. Thế nhưng, nơi xảy ra trận thảm sát năm nào vẫn chưa có một công trình ghi danh xứng tầm, và vẫn chưa được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Quá khứ bi hùng

Thời gian xảy ra trận thảm sát được xác định vào lúc 14 giờ chiều ngày 14-7-1947, đúng ngày Quốc khánh nước cộng hòa Pháp. Thực dân Pháp từ Quán Hàu chia làm hai mũi tiến vào làng Chợ Gộ (xã Vĩnh Ninh). Một mũi bám theo đường bộ, mũi còn lại dùng ca- nô chở quân ngược lên theo sông Nhật Lệ. Sau khi vào làng, chúng bắt dân tập trung lại ở bãi đất trống gần phía bờ sông rồi xả súng mặc sức bắn giết. Xác dân thường nằm chồng lên nhau, một số người hoảng loạn vùng bỏ chạy cũng bị dính đạn, đổ gục bên vệ đường, dưới mương thủy lợi, chỉ có một ít người bị thương  giả vờ chết mới cơ may sống sót.

Trong vụ thảm sát này, theo thống kê làng Chợ Gộ có 120 nạn nhân bị chết, phần lớn là người già, phụ nữ, trẻ em. Nạn nhân không chỉ riêng dân làng Chợ Gộ mà có thêm người ở những nơi khác: người làng Phúc Duệ đang chài lưới trên sông Nhật Lệ, dân Vĩnh Tuy đang trỉa lúa ngoài đồng, khách vãng lai... cũng bị giặc Pháp lùa lại xếp thành hàng và thẳng tay bắn giết.

Ông Hoàng Văn Giới, trưởng thôn Chợ Gộ cách đây 5 năm đã đưa chúng tôi lên thắp hương tại bia tưởng niệm những nạn nhân trong vụ thảm sát năm 1947. Bia di tích đặt trên một quả đồi nhỏ, thoáng đãng, nhìn ra phía đông nam là cánh đồng lúa xanh ngan ngát chạy dọc theo bờ bắc sông Nhật Lệ, ngày xưa vốn đất của làng. Phía tây bắc là hệ thống đường sắt và đường Hồ Chí Minh nhánh đông chạy song song, trong chiến tranh chống Mỹ, nơi đây cũng là một trong túi bom khốc liệt, bằng chứng là trên quả đồi nhỏ này hiện tại vẫn còn lại những hố bom sâu hoắm.   

Cụ Hoàng Khoát, bố ông Hoàng Văn Giới, năm nay 86 tuổi, đảng viên 50 năm tuổi Đảng, một trong những người hiếm hoi tận mắt chứng kiến trận thảm sát tàn khốc năm xưa nay đang còn sống. Cụ Khoát tuy tuổi cao nhưng rất minh mẫn, mỗi lần nghe nhắc lại sự kiện đau thương xưa, cụ lại nhói lòng.

Bia di tích trận thảm sát Chợ Gộ năm 1947 hoang hoải trong cỏ dại.
Bia di tích trận thảm sát Chợ Gộ năm 1947 hoang hoải trong cỏ dại.

Cụ kể, bọn Pháp chạy ca- nô ngược lên theo sông Nhật Lệ, khi đó cụ đang thả lưới nơi khe Cồn Xưởng, ca- nô chúng lướt qua sau lái. Có hai thằng tây nhảy xuống Cồn Xưởng, một thằng giương súng ngắm bắn cụ, hoảng quá cụ chèo thuyền bỏ chạy, chúng nả đạn theo, đạn rơi chúm chúm xung quanh con thuyền. Khi thấy an toàn, cụ neo thuyền lại, nhìn về trong làng, bọn Pháp bắt đầu lùa dân tập trung vào một chỗ. Sau đó là tiếng súng nổ. Xác người lớp lớp gục xuống. Giết người xong, bọn địch đi đến từng nhà châm lửa đốt trụi. Cả làng Chợ Gộ ngập trong màn lửa, chết chóc, tang thương!.

Đừng để tủi lòng người đã khuất

Đúng rằm tháng Giêng, tôi trở lại thôn Chợ Gộ, ngược ra phía cánh đông lúa mênh mông bên sông Nhật Lệ, nơi 67 năm trước diễn ra trận thảm sát. Mọi thứ đã thay đổi, hầu như không còn sót lại dấu tích gì. Theo lối đi ngập trong cỏ hoang, tìm lên ngọn đồi nơi có bia di tích, chiều hoang hoải trong u tịch. Khu di tích vốn bé nhỏ, cũ kỹ, nay càng cũ, bé nhỏ hơn, nằm cô đơn trong cỏ dại bời bời. Không có lấy một nơi để cắm hoa, cắm hương cho ai còn nhớ đến sự kiện đau thương xưa lên thắp cho vong hồn người chết oan dưới họng súng thù. Dưới chân bia di tích bị tróc bóc, sụt lún, cỏ dại... lác đác vài chân nhang cũ chắc được thắp từ dạo tết nguyên đán.

Tôi đứng trước tấm bia di tích, một cơn gió đông lạnh chờm qua, thoáng rùng mình, cảm giác lạnh lẽo, đau thương... tủi lòng cho người đã khuất quá! Xuôi xuống ven chân đồi, bắt gặp ông Đậu Xuân Bơ, 78 tuổi, gốc gác huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, nhà gần khu di tích. Ông Bơ vốn bộ đội thuộc Trung đoàn 18, Sư 325, ông lấy vợ rồi ở lại quê ngoại nơi thôn Chợ Gộ này.

Ông Bơ bảo: “Thực ra bản thân cũng chẳng rành về sự kiện thực dân Pháp xả súng thảm sát dân làng Chợ Gộ đâu. Về lập nghiệp đây mới nghe kể lại. Nhưng dân làng chúng tôi hàng năm đều đóng góp để làm một cái giỗ chung cho người đã khuất”. Chị Lê Thị Yến, con dâu ông Bơ góp chuyện: “Mỗi hộ trong làng đóng góp 20 nghìn đồng. Đúng ngày 25- 5 âm lịch thì tổ chức cúng giỗ trên khu di tích”. Tôi hỏi thêm: “Ngày thường chị thấy ai lên hương khói ở di tích không?”. “Ít lắm, vì di tích nằm ở vị trí trái đường... mà thời gian lâu lắm rồi, mấy ai còn nhớ đến!”- Chị Yến trả lời.

Tôi cũng từng trao đổi với ông Hà Văn Chút, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Ninh về những băn khoăn xung quanh sự kiện trận thảm sát Chợ Gộ. Vì sao một tội ác dã man của thực dân Pháp gây ra cho đồng bào vô tội như vậy mà đến nay không có một bia ghi danh xứng tầm? Bao giờ khu di tích được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh?

Ông Hà Văn Chút cho biết quan điểm của mình: “Sự kiện trận thảm sát Chợ Gộ khiến hơn 100 người dân vô tội bị chết oan xảy ra đã lâu. Những người chứng kiến, sống sót nay cũng không còn nên việc hệ thống lại sự kiện, số liệu cho hoàn chỉnh rất khó khăn. Sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc hội thảo, mời nhân chứng (nếu còn sống) và những ai quan tâm đến sự kiện này nhằm hoàn tất hồ sơ để sớm gửi các cấp, ngành hữu quan công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh”.

Ông Phạm Trung Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết: “Không chỉ riêng người dân thôn Chợ Gộ mà toàn thể nhân dân trong huyện đều mong muốn di tích lịch sử trận thảm sát Chợ Gộ sớm được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Trước mắt, UBND huyện đang chỉ đạo Phòng Văn hóa- Thông tin phối hợp cùng xã Vĩnh Ninh hoàn thiện bước đầu hồ sơ để gửi Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch”. Như vậy, vấn đề thủ tục đã được huyện Quảng Ninh triển khai, nhưng thời gian đến bao giờ hoàn thành để có một công trình ghi danh bi tráng thì chưa ai dám hứa.

“Làng Chợ Gộ bây giờ đổi thay nhiều, 950 nhân khẩu, 226 hộ dân trong làng vẫn kiên trung, tiếp nhận sự kiện đau thương xưa để làm hành trang cho mình trên con đường theo Đảng, theo Bác Hồ xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Dân làng chỉ duy nhất một mong ước... mong ước ni cháy bỏng, rát lòng từ lâu lắm rồi: có một cụm tượng đài di tích lịch sử khang trang ghi lại tội ác của thực dân Pháp đối với 120 người dân vô tội năm 1947. Cho người ngã xuống được ngậm cười nơi chín suối, phù hộ độ trì cho cháu con trong làng bình an, cho quê hương ngày càng khởi sắc trên con đường đổi mới”- Ông trưởng thôn Chợ Gộ Hoàng Văn Giới chia sẻ cùng tôi khi ráng chiều tím sẫm buông dần xuống khu di tích trên ngọn đồi hoang hoải.

Thanh Long