Người Quảng Bình xa xứ:

"Quê hương đã nâng cánh ước mơ cho tôi..."

Cập nhật lúc 07:15, Thứ Hai, 15/04/2013 (GMT+7)

L.T.S: Từ ngày 27-3, Báo Quảng Bình đã tăng kỳ phát hành lên 6 số/tuần. Để nội dung tờ báo ngày càng phong phú, Báo mở thêm chuyên mục "Người Quảng Bình xa xứ" trên trang 3 số báo cuối tuần vào các tuần giữa và cuối tháng. Nội dung chuyên mục phản ánh về những người con của quê hương Quảng Bình đang sinh sống, học tập, công tác trong và ngoài nước với những cống hiến đã và đang được ghi nhận trên mọi lĩnh vực...

Để chuyên mục ngày càng phát triển, góp phần phản ánh sinh động và hiệu quả sự cống hiến của những người con Quảng Bình xa xứ, Ban Biên tập Báo Quảng Bình mong nhận được sự cộng tác của các cộng tác viên trên mọi miền đất nước.

Trong số đầu tiên của chuyên mục, chúng tôi xin giới thiệu về tấm gương Giáo sư-Tiến sĩ, Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện huyết học và Truyền máu Trung ương.

Ông là tác giả của "Lễ hội xuân hồng" cùng hàng trăm công trình khoa học tiêu biểu, trong đó có công trình khoa học ghép tế bào máu, được công nhận là thành tựu y học nổi bật, một trong những niềm tự hào của y học Việt Nam. Giáo sư - Tiến sĩ, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện huyết học và Truyền máu Trung ương được mệnh danh là người "nối dài sự sống" cho hàng ngàn bệnh nhân và mở ra những hướng đi mới cho y học nước nhà. Với ông, để có được thành tựu của ngày hôm nay, quê hương Lệ Thủy với dòng Kiến Giang ngọt lành là nơi đã nuôi dưỡng và nâng cánh ước mơ...
 

Tập thơ
Tập thơ "Mẹ và những miền quê mẹ" của GS-TS Nguyễn Anh Trí (Nhà xuất bản văn học - 2012).

Gặp GS-TS Nguyễn Anh Trí lần đầu vào cuối năm 2011 trong chuỗi hoạt động hiến máu nhân đạo tại tỉnh ta, tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi tác phong giản dị của ông. Tất bật ra vào, vừa gặp gỡ các bạn trẻ tham gia chương trình hiến máu, vừa chỉ đạo đoàn cán bộ của Viện huyết học và truyền máu Trung ương, ông vẫn không quên nói lời cảm ơn những người tình nguyện hiến máu. Những lời cảm ơn chân thành mà tôi tin nó xuất phát từ tận đáy lòng ông, người thầy thuốc nhân dân, nhà khoa học suốt đời theo đuổi mục tiêu cao đẹp để mang lại sự sống cho người bệnh.

Sinh năm 1957 tại xã Phong Thủy (Lệ Thủy), tuổi thơ của GS-TS Nguyễn Anh Trí cũng lam lũ, cực nhọc như bao bạn bè cùng trang lứa. Nhưng ông may mắn có một người cha luôn coi trọng việc học nên dù cuộc sống lúc ấy vô cùng vất vả, ông và các anh chị em của mình đều được mẹ cha tạo mọi điều kiện để đến trường. Không phụ lòng mẹ cha, suốt những năm tháng ấu thơ, Nguyễn Anh Trí luôn là tấm gương cho bạn bè học tập. Với suy nghĩ và quyết tâm ấy, khi trở thành sinh viên Trường đại học Y khoa Hà Nội, được học tập trong một môi trường tốt, ông càng có cơ hội để thể hiện khả năng và niềm say mê của mình.

Tiếp thu những kiến thức quý báu của những người thầy nổi tiếng mà ông may mắn được học như Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Đặng Văn Trung, Giáo sư Phạm Khuê..., cùng với sự sáng tạo và nhiệt huyết của bản thân, sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu, ông đã trở thành một nhà khoa học với nhiều cống hiến quan trọng cho nền y học nước nhà. Và quan trọng hơn, đối với nhiều người bệnh, ông chính là ân nhân bởi hành trình "nối dài sự sống" từ những giọt máu hồng...

Từng nhiều lần tham gia "Lễ hội xuân hồng", tôi luôn cảm thấy niềm xúc động sâu sắc bởi nghĩa cử cao đẹp của mỗi người khi tham gia hiến máu tình nguyện. Và những câu khẩu hiệu như "Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", "Sẻ giọt máu đào, trao niềm hy vọng", "Hiến máu cứu người, một nghĩa cử cao đẹp"... đã thực sự đi vào lòng người bởi sự sẻ chia sâu sắc, là biểu tượng của lòng nhân ái.

Và tôi hoàn toàn không bất ngờ bởi GS-TS Nguyễn Anh Trí chính là người khởi xướng "Lễ hội xuân hồng" với hàng chục ngàn đơn vị máu được hiến hàng năm, góp phần mang lại sự sống cho biết bao người bệnh.     Tháng 6-2012, tại lễ tổng kết 5 năm triển khai "Lễ hội xuân hồng", ông đã vinh dự được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động bởi những cống hiến xuất sắc trong hành trình lao động sáng tạo của ông giai đoạn 2001-2011. GS-TS Nguyễn Anh Trí là cá nhân duy nhất được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động giai đoạn này.

Dành trọn đời mình cho khoa học, ông đã có trên 220 công trình nghiên cứu khoa học các cấp đã được công bố trong và ngoài nước, 16 cuốn sách viết về lĩnh vực huyết học truyền máu. Nhưng với ông, dường như con đường nghiên cứu khoa học là không có điểm kết thúc. Hiện nay, ông đang cùng các đồng nghiệp của mình ở Viện huyết học và truyền máu Trung ương chuyển giao công nghệ ghép tế bào gốc trong điều trị ung thư máu cho nhiều bệnh viện trong nước. Để có thể cứu sống nhiều bệnh nhân hơn nữa, GS-TS Nguyễn Anh Trí đang ngày đêm trăn trở để xây dựng được Chương trình tế bào gốc quốc gia, mở ra hướng đi mới cho nền y học nước nhà...

Gánh vác trên vai nhiều trọng trách, bận rộn với hàng núi công việc, nhưng có lẽ, sông Kiến Giang với mạch nguồn tươi mát đã mang lại cho tâm hồn ông sự thăng hoa và lãng mạn bên cạnh trí tuệ của một nhà khoa học. Mỗi miền quê, mỗi vùng đất mà GS-TS Nguyễn Anh Trí từng đặt chân đến, đều để lại những cảm xúc tuôn trào. Tập thơ "Mẹ và những miền quê mẹ" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2012), gồm những bài thơ như lời tự sự của ông với quê hương, với miền quê mẹ, sự tri ân sâu sắc công lao của bậc sinh thành. Không chỉ làm thơ, ông còn là nhiếp ảnh gia, nhạc sĩ... với nhiều tác phẩm được đánh giá cao.

Còn nhớ, tại một buổi làm việc với UBND tỉnh, ông đã tặng UBND tỉnh bức ảnh do chính tay ông chụp. Đó là cảnh một chú chim hải âu chao nghiêng trên sóng nước. Ông nói say sưa về cảm xúc tại khoảnh khắc ông chụp bức ảnh, cũng giống như trước đó, GS-TS Nguyễn Anh Trí đầy hứng khởi và nhiệt tình khi nói về lĩnh vực huyết học và truyền máu, về những kỳ vọng của bản thân ông và đồng nghiệp trong việc tìm ra những hương đi mới để mang lại sự sống cho người bệnh, cho sự tiến bộ của nền y học nước nhà. Dường như trong ông song hành cùng lúc hai niềm đam mê của người làm công tác khoa học và của người nghệ sĩ...

Tri ân quê hương và các bậc sinh thành đã chắt chiu nuôi mình khôn lớn, trưởng thành, để có một GS-TS Nguyễn Anh Trí của ngày hôm nay, người bạn đời của ông, cũng công tác trong ngành Y, là điểm tựa bình yên để ông có thể toàn tâm toàn ý cống hiến đời mình cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Và với cậu con trai duy nhất của mình, dù hai vợ chồng ông rất muốn con tiếp tục theo đuổi nghề Y, nhưng khi con lựa chọn con đường khác, ông vẫn tôn trọng quyết định của con. Bởi lẽ, hơn ai hết, ông hiểu rằng, dù làm bất cứ nghề gì cũng cần sự đam mê. Với ông, sự đam mê và hết mình với con đường mình lựa chọn đã góp phần tạo nên một GS-TS Nguyễn Anh Trí của ngày hôm nay.

Trong lời tựa của cuốn sách "Những tấm gương thầy thuốc Việt Nam" (tập 2), vinh danh 16 gương mặt xuất sắc của nền y học nước nhà, trong đó có GS-TS Nguyễn Anh Trí, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: "Đây là những thầy thuốc tài năng, có y đức và nhân cách cao cả, họ đã cống hiến và phấn đấu không ngừng trên mọi lĩnh vực, trên nhiều chuyên ngành ở khắp mọi miền đất nước, cống hiến to lớn cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần làm rạng rỡ nền y học Việt Nam...". Đấy chính là sự ghi nhận xứng đáng những đóng góp to lớn đối với các thầy thuốc, trong đó có GS-TS Nguyễn Anh Trí. Và cùng với sự ghi nhận ấy còn là tấm lòng tri ân sâu sắc của hàng ngàn bệnh nhân đã được ông cùng đồng nghiệp của mình tiếp thêm sự sống bằng những giọt máu nghĩa tình...

                                                                            Ngọc Mai





 

,
.
.
.