Vì một thành phố không tệ nạn xã hội

Cập nhật lúc 08:06, Thứ Hai, 30/07/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Với vị trí nằm trên các trục giao thông đường bộ, đường sắt và đường biển, thành phố Đồng Hới có những điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng giao lưu và phát triển về kinh tế, văn hóa với các tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, những lợi thế đó cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến gia tăng tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy, lây nhiễm HIV/AIDS...

Hiện nay, toàn thành phố có 1.528 cơ sở ăn uống giải khát, 141 khách sạn và cơ sở lưu trú, 41 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, 15 cơ sở dịch vụ mát xa... Số lượng người làm việc trong các nhà hàng, khách sạn có khoảng trên 4.600 người, trong đó đội ngũ nhân viên phục vụ đa dạng về thành phần và độ tuổi.

Chính vì vậy, đây là địa bàn dễ phát sinh các tệ nạn xã hội. Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động cho toàn xã hội về phòng chống tệ nạn xã hội, bên cạnh việc đấu tranh, triệt phá, xử lý cơ bản số vụ việc vi phạm liên quan đến tệ nạn xã hội thì các địa phương trên địa bàn thành phố đã xây dựng các mô hình tuyên truyền xã, phường lành mạnh không tệ nạn với nhiều hình thức phong phú và thiết thực.

Đáng ghi nhận là trong những năm qua, thành phố tích cực triển khai thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS. Với mục tiêu trong năm 2012, thành phố có 100% xã, phường tổ chức tuyên truyền về tệ nạn xã hội, các địa phương đã xây dựng và duy trì khu dân cư làm điểm về phòng chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội và HIV/AIDS. Nhờ vậy, đã có nhiều thôn, tiểu khu thuộc các xã, phường đạt tiêu chuẩn xã, phường lành mạnh. Đến nay, trong toàn thành phố có những mô hình về phòng chống tệ nạn xã hội được xây dựng, duy trì triển khai và nhân rộng bởi cách làm hay và mang lại hiệu quả.

Điển hình như: mô hình “Khu dân cư không có tội phạm”, “Câu lạc bộ phòng chống tội phạm”, “Khu dân cư an toàn lành mạnh, không có tệ nạn ma túy”, “Gia đình không có người nghiện ma túy”; “Câu lạc bộ phòng chống tệ nạn xã hội - HIV/AIDS” và mô hình “Tiểu khu an toàn không có tội pham và tệ nạn xã hội”... Đặc biệt, trong những năm qua, công tác xây dựng mô hình phòng chống tệ nạn xã hội còn được gắn kết chặt chẽ với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. 

Bên cạnh đó, nội dung của các mô hình tuyên truyền rất phong phú, đa dạng, cụ thể hóa nội dung phòng chống tội phạm ma túy, mại dâm, HIV/AIDS vào xây dựng hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư và trong các dòng họ... nên thu hút được sự tham gia của các tầng lớp nhân dân. Chính vì vậy, những mô hình này không những phát huy được hiệu quả mà còn thúc đẩy các phong trào khác phát triển mạnh mẽ và sâu rộng trong toàn thể nhân dân thành phố.

Cùng với công tác xây dựng mô hình, nhiều địa phương đã tổ chức triển khai xây dựng và tổ chức các hoạt động thực hiện chương trình phòng chống tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS phong phú và đạt hiệu quả cao do các ban, ngành, đoàn thể và MTTQ các cấp chủ trì thực hiện. Cụ thể, nhiều địa phương, tổ chức, đoàn thể ở các cấp, ngành đã có nhiều sáng kiến trong việc xây dựng và phát triển hình thức sinh hoạt của mô hình theo hướng điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng đơn vị.

Tại phường Bắc Lý có mô hình “3 giảm” (giảm tội phạm, giảm ma túy, giảm mại dâm); ở phường Hải Đình, phường Đồng Phú với mô hình “3 an toàn, 2 tự quản”; Hội LHPN phường Đồng Sơn, Đồng Mỹ có mô hình câu lạc bộ phụ nữ phòng chống ma túy, mại dâm; câu lạc bộ phòng chống tệ nạn xã hội ở xã Lộc Ninh... Tại các buổi sinh hoạt, các mô hình đã tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng chống tệ nạn xã hội.

Các mô hình hay, hiệu quả được phổ biến và nhân rộng, tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần làm giảm một số loại tội phạm, tệ nạn ở nhiều nơi. Theo ông Phan Xuân Luật, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới, việc triển khai và xây dựng mô hình về phòng chống tội phạm ma túy, mại dâm, HIV/AIDS đã đạt được kết quả đáng kể, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn dân cư. Có được kết quả này một phần là nhờ sự quan tâm, nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của MTTQ và các tổ chức thành viên.

Có thể nói, hoạt động phòng, chống tệ nạn xã hội ở thành phố Đồng Hới đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để công tác phòng chống tội phạm ma túy, mại dâm, HIV/AIDS đạt hiệu quả cao hơn, MTTQ các cấp thành phố cần xác định đây là một trong những nội dung để MTTQ thực hiện chuyên sâu tại cơ sở, cộng đồng dân cư và làm căn cứ để nhân rộng phong trào hàng năm.

Đồng thời, trong chương trình phòng chống tệ nạn xã hội, thành phố Đồng Hới cần tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả về nội dung và hình thức tuyên truyền vận động nhân dân ở cơ sở, khu dân cư để thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân.

Ngoài ra, tích cực đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa, phát hiện, tố giác người vi phạm tệ nạn xã hội đi đôi với việc vận động cá nhân tiêu biểu, người có uy tín ở cộng đồng tham gia giúp đỡ, cảm hóa, giáo dục đối tượng vi phạm tệ nạn tái hòa nhập cộng đồng. Cuối cùng là cần đưa nội dung phòng chống tội phạm ma túy, mại dâm... vào hương ước, quy ước của làng xã, khu dân cư... để giám sát thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội từ cấp cơ sở.

                                                                                             P. V






 

,
.
.
.