.

Tà xù - nét bình dị trên nương Ma Coong

Thứ Tư, 02/08/2017, 10:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Có những bản làng của người Ma Coong (dân tộc Bru-Vân Kiều) ở xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) cách nhau vài chục cây số. Để đến được đó người đi đường phải vất vả đi trên các trục đường với một bên là núi đất chất ngất, một bên là vực sâu nguy hiểm lại thêm những khúc cua khúc khuỷu, gian nan. Nhưng tất cả sẽ tan biến hết và càng náo nức hơn nếu bạn đi vào những ngày tháng 8, khi lúa rẫy đang thì con gái, nhìn về phía đồi nương của người Ma Coong, chỉ thấy những thảm xanh ngọc bích mấp mô, uốn lượn. Điểm nhấn của màu xanh mát mắt đó là những chòi canh giữ lúa (tà xù) nằm chênh vênh giữa đại ngàn, tạo nên nét đẹp yên bình không thể bỏ qua.

Người Ma Coong khởi đầu vụ mùa mới với việc bắt tay vào làm chòi giữ lúa. Ngày trước, đời sống định cư chưa ổn định, đồng bào canh tác theo hình thức luân canh, mỗi mùa cuốc cày mỗi thửa ruộng khác nhau, có khi cả chục mùa mới quay trở lại đám ruộng ban đầu. Ruộng nương lại cách xa nơi đồng bào ở, và “tà xù” sinh ra từ đó, mục đích là để đồng bào tránh trú nắng mưa bất chợt trong những ngày trỉa hạt, làm cỏ; cần thiết thì phải ở lại ngoài tà xù để xua đuổi chim chóc, thú phá hoại lúc lúa, ngô, khoai, sắn... mới mọc mầm hay vào mùa lúa chín. Đến khi thóc đã vào lẫm, quả hạt thu hoạch xong họ mới yên tâm nghỉ ngơi. Hiện nay, đồng bào Ma Coong đã quen hẳn với việc định canh, nhưng chòi giữ lúa thì vẫn hiện hữu và vẫn phát huy tác dụng.

Tà xù là phiên bản lược bỏ của ngôi nhà sàn Ma Coong, với duy nhất một gian nhà sàn cao ráo, cách mặt đất chừng hai mét, rộng khoảng hơn mười mét vuông. Trong tà xù đựng đầy đủ dụng cụ sản xuất và đồ dùng thiết yếu như cày bừa, dao rựa, cuốc chim, cuốc bàn, vẹt (liềm), ống lồ ô hoặc ống pháo sáng đựng lúa giống, cây chọc lỗ trỉa hạt...; ngoài ra, còn có xoong nồi, dụng cụ chứa nước, cung tên, nỏ bắn cá, thực phẩm... để vừa săn bắt vừa nấu nướng những ngày đồng bào phải ở lại ngoài tà xù canh rẫy. Thi thoảng bếp lửa trong tà xù Ma Coong được nhóm lên, khói xám từ mái tranh tro với mây trắng đỉnh trời tạo nên khung cảnh thật yên bình, đầm ấm.

 Tà xù trên nương Ma Coong.
Tà xù trên nương Ma Coong.

Cũng như các tộc người anh em khác, trên triền rẫy của người Ma Coong phải có ít nhất bốn, năm hộ cùng canh tác, nếu không thỏa mãn diện tích, họ chuyển đến nương đất khác rộng lớn hơn. Đó chính là một tập quán tốt đẹp của người Ma Coong, dẫu canh tác ở vùng đồi nào, nhưng ít khi họ để tà xù của mình đơn lẻ, dù cho mỗi tà xù có thể cách nhau một nửa hay cả cây số. Đặc tính quần tụ trong lối sống của người Ma Coong, họ không chỉ bằng lòng đỡ đần nhau trong phát, đốt, cốt, trỉa mà còn giúp nhau vượt qua hoạn nạn, rủi ro trong cuộc sống.

Người Ma Coong có lúa Ma keeng, một giống lúa rẫy, lúa nương, có thời gian sinh trưởng khoảng sáu tháng, trong môi trường khắc nghiệt không nước tưới, không phân bón. Hạt lúa Ma keeng to, mẩy như hạt lúa nếp người Kinh vẫn trồng. Gạo lúa Ma keeng có màu nâu đỏ. Cơm gạo Ma keeng vừa dẻo lại vừa thơm. Sau Tết Nguyên đán, đồng bào bắt đầu phát cỏ, đốt nương, làm đất. Đầu tháng tư dương lịch trỉa hạt đại trà. Giữa tháng năm, khi cây con cứng cáp thì bắt tay vào làm cỏ và tháng mười là thời điểm thu hoạch lúa Ma keeng. Canh tác mỗi năm một vụ nên người Ma Coong dành hẳn cả tháng để thu hoạch lúa mùa. Đến bây giờ họ vẫn có thói quen tuốt lúa bằng tay, bỏ vào Ka nhăng (gùi tre) và tập kết ở tà xù rồi gùi về dần. Năm nào trời cho mưa nhiều, những căn tà xù sẽ chất tới nóc những thóc rẫy. Cứ làm ba mươi cân lúa giống, đồng bào sẽ thu được trên sáu mươi bì lúa tươi.

Cột của tà xù thường được dựng bằng gỗ bằng lăng rừng, vừa phổ biến ở vùng Thượng Trạch vừa có độ dẻo tương đối, ít cong vênh, nứt nẻ. Nhờ đó, cột kèo tà xù luôn đứng vững hàng chục năm. Khi mái lá bị dột nát, đồng bào chỉ việc lợp lại. Tà xù càng vững chãi thì càng dễ ăn nên làm ra. tà xù là tài sản không chỉ của riêng từng gia đình mà còn của dân bản, nếu phát hiện ai đang tay phá hoại thì người đó sẽ bị phạt mời chủ nhà và dân bản một con lợn cộng thêm hũ rượu cần.

Tà xù với người Ma Coong là chòi rẫy giữa núi rừng che mưa che nắng, nghỉ ngơi lúc mệt nhọc, là nơi để họ nghỉ ngơi lấy sức để tiếp tục cày hái tạo ra lương thực phục vụ bản thân và gia đình. Với khách vãng lai, tà xù bình dị có vẻ đẹp gần gũi, bình dị nơi miền biên ải.

Nguyễn Tiến Dũng