.

Khơi dậy văn hóa đọc của giới trẻ

Thứ Tư, 23/08/2017, 09:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy, sáng tạo. Tuy nhiên ngày nay, cuộc sống hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã tác động không nhỏ tới văn hóa đọc sách của cộng đồng, nhất là giới trẻ.

Giới trẻ vẫn chưa mặn mà với sách

Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường hiểu biết và khả năng tư duy. Thế nhưng hiện nay, nhiều người có vẻ thờ ơ với đọc sách, nhất là giới trẻ. Đa số các bạn trẻ cho rằng: thời đại công nghệ thông tin với điện thoại thông minh và các công cụ truy cập tiện lợi thì chỉ cần nhấp chuột là có thể khai thác được thông tin vừa nhanh, vừa dễ, đỡ mất công đến thư viện. Các kênh truyền hình thì phát sóng 24/24, đầy ắp phim, ảnh đủ các thể loại, không cần phải đọc sách thường xuyên. Với thực trạng như thế, có lẽ ai cũng băn khoăn cho văn hóa đọc hiện nay.

Còn nhớ, có một thời gian, những cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Mãi mãi tuổi 20”... đã trở thành cuốn sách “gối đầu giường” của học trò. Đã lâu lắm, chúng ta không thấy những cuốn sách có sức hút và được giới trẻ chuyền tay nhau nhiều đến như thế. Bởi thị trường sách hiện nay vô cùng đa dạng, phong phú, có nhiều sách hay nhưng vì bạn trẻ lười đọc sách nên chẳng còn quan tâm, hứng thú với sách. Điều đó cho ta thấy sách không còn giữ được vị trí độc tôn, giới trẻ không còn mặn mà với sách, văn hóa đọc đang dần bị mai một.

Các nhà sách trên địa bàn TP. Đồng Hới “trầm lắng” người mua và người đọc.
Các nhà sách trên địa bàn TP. Đồng Hới “trầm lắng” người mua và người đọc.

Đến các nhà sách trên địa bàn TP. Đồng Hới, có thể thấy tình trạng chung là người mua sách và bạn đọc rất ít, trong khi tại các quầy hàng lưu niệm, vẽ tranh, tô tượng thì lại khá đông khách. Tại Trung tâm Sách - Thiết bị giáo dục Thời Đại (TP. Đồng Hới) vào khu vực bán sách, vắng bóng khí rất ảm đạm, hầu như vắng bóng người. Nguyễn Thị Hồng, nhân viên bán sách tại đây cho biết: Trung tâm có nhiều loại sách nhưng ít người mua và đến đọc, thường thì đầu năm học, chủ yếu phụ huynh đến mua sách giáo khoa và các thiết bị giáo dục cho con em mà thôi.

Thư viện tỉnh là nơi có đầy đủ các chủng loại sách, các phòng đọc được trang bị bàn ghế đầy đủ, thoáng mát và sạch sẽ. Nhưng người đến đọc sách cũng rất ít, các hoạt động tại Thư viện tỉnh vẫn còn trầm lắng, văn hóa đọc sách tại thư viện chưa thực sự trở thành nhu cầu thường xuyên của mọi người. Vào những ngày thường, số lượng học sinh lên thư viện chỉ đếm trên đầu ngón tay, một phần vì các em bận học, mặt khác các em vẫn chưa thực sự có thói quen đọc sách hàng ngày. Theo các nhân viên của thư viện thì các em tới đọc và mượn sách tập trung vào những dịp ôn thi.

Có thể thấy, trong cuộc sống hiện đại với quá nhiều hình thức truyền tải thông tin, những cuốn sách từng là nguồn tri thức quý báu của các thế hệ đi trước gần như bị giới trẻ ngày nay lãng quên. Khi được hỏi về khả năng ghi nhớ tin tức, thông tin trên mạng, một số bạn trẻ lại lúng túng bởi vì các em thường chỉ đọc những tin tức gói gọn trong vài trăm ký tự, thiếu độ sâu về cảm xúc, không những không giúp cho việc sáng tạo, mà còn làm mất dần khả năng chủ động trong tư duy.

Nhiều giải pháp nhằm thu hút việc đọc sách

Thời gian qua, tỉnh ta đã chú trọng nhiều giải pháp nâng cao văn hóa đọc cho các đối tượng, đặc biệt là giới trẻ. Không chỉ tổ chức các triển lãm sách, ngày hội sách, các thư viện, phòng đọc, nhà văn hóa đã đưa ra nhiều biện pháp thiết thực nhằm thu hút đông đảo bạn đọc. Đây là dấu hiệu đáng mừng nhằm phát triển thói quen đọc sách, trở thành nhu cầu thường ngày của mỗi người để trau dồi kiến thức, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh...

Ông Nguyễn Bá Tước, Phó giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Để thu hút việc đọc sách của học sinh, sinh viên, hàng năm, Thư viện tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: tổ chức Tuần lễ đọc sách, Ngày hội sách; trưng bày sách báo tại đơn vị, ngành nhân các ngày lễ lớn của địa phương và đất nước...; phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông, các nhà sách trên địa bàn tổ chức trưng bày, giới thiệu và bán sách giảm giá cho bạn đọc, kết hợp tổ chức các hoạt động vui chơi, hỏi nhanh, đáp nhanh về vai trò của sách báo... Ngoài ra, Thư viện tỉnh còn tổ chức nói chuyện tại các trường THCS và THPT trên địa bàn TP. Đồng Hới để giới thiệu về sách, báo tại thư viện và thủ tục, cách thức làm thẻ cho các em khi muốn mượn, đọc sách tại thư viện.

Trường đại học Quảng Bình tổ chức “Ngày hội đọc sách” nhằm hưởng ứng Ngày sách Việt Nam (21-4).
Trường đại học Quảng Bình tổ chức “Ngày hội đọc sách” nhằm hưởng ứng Ngày sách Việt Nam (21-4).

Để tạo thói quen đọc sách cho các em, thời gian qua, nhiều trường tiểu học trên địa bàn tỉnh ta được Tổ chức Zhishan Foundation Taiwan (Đài Loan), Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh và phụ huynh học sinh hỗ trợ, đầu tư xây dựng mô hình “Thư viện thân thiện” là một bước đột phá góp phần làm thay đổi nhận thức của giáo viên và học sinh trong việc phát huy vai trò của thư viện nhằm nâng cao chất lượng dạy và học theo hướng đổi mới. Mô hình thư viện thân thiện không chỉ đem lại hứng thú đọc sách cho các em nhỏ mà còn xây dựng ở các em thói quen đọc sách, tự tìm tòi và sáng tạo.

Với phương châm lấy phòng đọc thân thiện làm nền tảng, không gian đọc được thiết kế hài hòa, bắt mắt, thái độ của nhân viên thư viện nhẹ nhàng, gần gũi cùng trang thiết bị tiện lợi, hấp dẫn... mô hình thư viện thân thiện thực sự đem đến cho học sinh nhiều cơ hội tiếp cận sách báo, thông tin một cách tự giác và tích cực. Từ năm 2013 đến nay, Tổ chức Zhishan Foundation Taiwan đã xây dựng được 28 thư viện thân thiện tại các trường tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh. Mô hình thư viện thân thiện trong trường học đã góp phần định hướng và chấn hưng văn hóa đọc, nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay.

Để góp phần phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách, ngày 24-2-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg  lấy ngày 21-4 hằng năm là “Ngày sách Việt Nam”. Đây cũng là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách đối với đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành lưu giữ, quảng bá sách.

Thanh Hoa