.

Tự hào khi viết về Bác

Thứ Sáu, 16/06/2017, 08:49 [GMT+7]

(QBĐT) - Sự kiện Ngày Bác Hồ vào thăm Quảng Bình- Vĩnh Linh (16-6-1957) trở thành mốc son lịch sử của Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình. Xung quanh sự kiện này, các  lão thành cách mạng, nhà sử học, văn nghệ sĩ và người dân đã có nhiều bài viết thể hiện tình cảm tri ân Bác Hồ kính yêu. Là một phóng viên báo Đảng địa phương, chúng tôi rất vinh dự và hạnh phúc khi được Ban Biên tập Báo Quảng Bình tạo điều kiện thuận lợi để khai thác mảng đề tài viết về tình cảm Bác Hồ với Quảng Bình.

Một điều dễ nhận ra là, khi được hỏi chuyện về đề tài đặc biệt này, các nhân chứng- những người trực tiếp được gặp Bác, được đón Bác đều rất nhiệt tình. Họ kể mạch lạc với sự kính trọng, niềm thương yêu và ngưỡng mộ dành cho vị lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh. Họ đã truyền cảm hứng rất lớn cho người viết. Điều này cho thấy sức lan tỏa của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là vô cùng sâu rộng.

Từ suy nghĩ là thế hệ con cháu lớp sau, chưa một lần được đón Bác trong ngày hội lớn 16-6-1957, nên chúng tôi muốn qua tư liệu hiện có, lời kể của những chính khách, cán bộ lão thành để tổng hợp, cung cấp thông tin đầy đủ, xác thực hơn cho bạn đọc. Vì thế, trong khoảng thời gian khá dài, chúng tôi đã có những cuộc đi tìm nhân chứng sự kiện lịch sử .

Tôi còn nhớ, bài báo đầu tiên của tôi viết về đề tài Bác Hồ vào thăm Quảng Bình là vào năm 1997 với nhan đề “Công tác tổ chức bảo vệ đón Bác vào thăm”. Người trực tiếp cung cấp tư liệu cho chúng tôi là ông Lại Văn Ly, cố Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Vào thời điểm 16-6-1957, ông là Phó Bí thư Thị ủy, Ủy viên Ủy ban Quân chính thị xã Đồng Hới, một thành viên của Ban Tổ chức đón tiếp Bác Hồ. Để có được tư liệu quý này, trong nghề, những đồng nghiệp vẫn thường hay nói với nhau là cần phải “săn tin”.

Tuy nhiên, tôi tự nhận là người may mắn vì thời gian đó trụ sở cơ quan Báo Quảng Bình ở gần nhà riêng ông Lại Văn Ly. Ông Lại Văn Ly đã tỉ mỉ lý giải tầm quan trọng đặc biệt của công tác bảo vệ lãnh tụ vào thời điểm đất nước chưa hoàn toàn thống nhất, thị xã Đồng Hới vừa mới giải phóng được 3 năm.

Bộ Chính trị đặt vấn đề bảo vệ chuyến đi của Bác phải tuyệt đối an toàn. Ngoài việc cử Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vào giúp Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình chỉ đạo công tác chuẩn bị, Trung ương còn cử đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an vào trước 3 ngày để triển khai công tác bảo vệ. Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình thành lập Ban Tổ chức đón tiếp do đồng chí Phạm Thanh Đàm, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ty Công an làm trưởng ban.

 Tái hiện hình ảnh Bác Hồ tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình- Vĩnh Linh (16-6-1957- 16-6-2007). Ảnh: TƯ LIỆU

Tái hiện hình ảnh Bác Hồ tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình- Vĩnh Linh (16-6-1957- 16-6-2007).

Ảnh: Tư liệu

Tinh thần chỉ đạo của đồng chí Trần Quốc Hoàn là phải bảo đảm tuyệt đối an toàn. Khi truyền đạt cho các cấp, các ngành chỉ được nói đón tiếp phái đoàn Trung ương. Ban Tổ chức khi bố trí nơi nghỉ, nơi làm việc, đường đi về của Bác đều phải dùng mật hiệu là trưởng đoàn. Theo lịch trình, 8h ngày 16-6-1957, tại sân bay Đồng Hới, chiếc máy bay số hiệu LIZ-số 203 chở Bác từ từ hạ cánh.

Ông Phạm Xuân Tuynh lúc ấy là sĩ quan liên lạc tổ cố định quốc tế mới chính thức thông báo máy bay xuất hiện là của Hồ Chủ tịch vào thăm. Giây phút đó, tổ quốc tế đóng tại Đồng Hới rất phấn khởi khi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vừa vào đến cửa thành Đồng Hới, Bác Hồ hỏi ngay: “Sao không thấy nhân dân?”.

Đồng chí Nguyễn Tư Thoan thưa với Bác: “Đã có đường cho nhân dân đi phía ngoài thành”. Bác chỉ thị: “Mở cổng thành cho nhân dân đi lại bình thường”. Sau bài báo này, chúng tôi còn tiếp tục được gặp và viết về người nấu cơm cho Bác Hồ, người chụp ảnh Bác Hồ cùng một số bài viết khác.

Tuy nhiên, chúng tôi tự cảm thấy chưa đủ tư liệu cần thiết để hiểu hơn sự kiện lịch sử Bác Hồ về thăm Quảng Bình. Được Ban biên tập Báo Quảng Bình tạo điều kiện thuận lợi, tháng 5 - 2002, chúng tôi đã có chuyến công tác ra Thủ đô Hà Nội để được nghe ông Vũ Kỳ - người thư ký tận tụy của Bác Hồ kể chuyện Bác Hồ với Quảng Bình.

Biết chúng tôi từ Quảng Bình ra Thủ đô, mặc dù sức khỏe còn yếu, ông Vũ Kỳ vẫn tạo mọi điều kiện thuận lợi để cung cấp thông tin cần thiết. Cùng nghe chuyện còn có nhà báo Huy Chương, cán bộ Đài PTTH Bắc Ninh, cô Nguyễn Thị Hằng Nga, cán bộ thư viện Học viện Tài chính Kế toán Hà Nội...

Đến nay, chúng tôi vẫn còn nhớ như in lời ông Vũ Kỳ kể: “Trong chuyến thăm lịch sử ấy (16-6-1957) Bác Hồ đã dành muôn vàn tình yêu thương cho nhân dân Quảng Bình - Vĩnh Linh, bởi đây là nơi chịu nhiều gian khổ nhất.

Trong các cuộc nói chuyện với cán bộ nhân dân Quảng Bình Vĩnh Linh, Bác chỉ rõ: Quảng Bình cùng với Vĩnh Linh là tuyến đầu miền Bắc. Mọi việc tốt, xấu ở các cô, các chú Quảng Bình, Vĩnh Linh đều có ảnh hưởng tới miền Nam. Nếu kẻ địch có hành động liều lĩnh gì thì Quảng Bình, Vĩnh Linh phải đương đầu với chúng trước hết, bảo đảm đánh thắng chúng trước hết...”.

Bác Hồ quan tâm tới nhiệm vụ phát triển kinh tế ở Quảng Bình, Bác nói, đối với Quảng Bình, nghề biển, nghề rừng quan trọng ngang hàng với nghề ruộng. Quảng Bình có tiềm năng. Xưa Quảng Bình nghèo khổ vì đế quốc, phong kiến kìm kẹp, bị chiến tranh tàn phá. Ngày nay đã có hòa bình để xây dựng xã hội, nếu biết dùng tốt, dùng đúng sức lao động, tài nguyên thì Quảng Bình sẽ giàu mạnh văn minh...

Có một chi tiết liên quan tới văn hóa ẩm thực được Bác Hồ nhắc tới khá dí dỏm: Trong bữa cơm chiều, Bác có nói chuyện với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: “Chú có còn nhớ cơm hến ở Huế, cháo lòng ở chợ Đông Ba hay không? Cơm hến ở Huế làm bằng tấm nấu với hến trộn ớt cay lắm”. Bác Hồ quay sang đồng chí cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Bình nói vui: “Còn ở Quảng Bình của chú có đặc sản mắm tôm, mắm tôm Đồng Hới. Sao miền Trung cứ mang đặc sản lắm ớt ra chiêu đãi khách?”. Tất cả mọi người cùng cười vui sau những câu đùa của Bác. Ông Vũ Kỳ còn kể rất nhiều chuyện có giá trị.

Giờ đây, trong không khí toàn Đảng bộ và nhân dân quê hương Quảng Bình hướng về kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình- Vĩnh Linh, chúng tôi xin ghi lại một vài kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình sưu tầm tư liệu về Bác Hồ, thể hiện niềm tri ân công ơn trời biển của Bác Hồ.

Phan Hòa