.
Kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2017):

Trong "tâm bão" Formosa

Thứ Tư, 21/06/2017, 09:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Quảng Bình, những ngày tháng 4 năm 2016, không khí ngột ngạt khắp mọi miền quê, đặc biệt là vùng biển. Thông tin cá chết dạt bờ biển ngày càng lan rộng, gây hoang mang trong dư luận. Nhiều nguyên nhân được đồn đoán, bùng thổi khiến tình hình ngày càng phức tạp thêm. Cả nguồn sống của ngư dân, tiểu thương, các doanh nghiệp du lịch đứng bên bờ vực, trong khi nguyên nhân cá chết vẫn chưa tìm ra...

Nghe tiếng lòng dân

Đi dọc miền biển, chứng kiến hình ảnh ngư dân hoang mang cực độ trước hiện tượng chưa từng có trong lịch sử ở vùng đất này, chúng tôi đã không thể kìm lòng.

Tại làng biển Nhân Trạch (Bố Trạch), những ngư dân, tiểu thương, già trẻ, gái trai đều ngồi không, mắt dõi đăm đăm về phía biển như đang cố tìm câu trả lời. Thế nhưng, biển đáp trả lời họ bằng những loài hải sản bị chết vẫn đang dạt vào bờ. Lũ trẻ con thì vẫn hồn nhiên, đùa nghịch với những con cá đã chết khô nằm rải rác trên bờ cát.

Người đầu tiên chúng tôi gặp là chị Phạm Thị Phương, một tiểu thương chuyên đi gom mua cá đặc sản, nhập cho các nhà hàng lớn trên địa bàn Bố Trạch và TP Đồng Hới. Mới chia sẻ được vài lời với chúng tôi, chị đã khóc thổn thức, khiến chúng tôi cũng không cầm được nước mắt. Nhiều ngư dân, tiểu thương khác bắt đầu tiến sát gần chúng tôi và cứ thế bộc bạch. Như thể, những tâm tư bấy lâu dồn nén, nay mới được trải lòng...

Chợ Đồng Hới ở thời điểm chưa công bố nguyên nhân cá chết, hoang vắng, đìu hiu. Những gương mặt bơ phờ, mệt mỏi. Chị Phạm Thị Giới xót xa chia sẻ: “Hồi trước cá bán cả tạ mà bữa ni không ai đụng đến nữa, nghe cá biển là họ quay lưng. Chợ Đồng Hới vắng người qua lại bởi vì nó như một dây chuyền, một mắt xích bị đứt là toàn bộ bệ rạc hết.”

Phóng viên Báo Quảng Bình điện tử tác nghiệp ở thời điểm cá chết bất thường chưa rõ nguyên nhân. Ảnh: Bùi Hoàng
Phóng viên Báo Quảng Bình điện tử tác nghiệp ở thời điểm cá chết bất thường chưa rõ nguyên nhân. Ảnh: Bùi Hoàng

Tại lễ hội ẩm thực “Hương quê Nhật Lệ” diễn ra ngay tại bờ biển, tuyệt nhiên không có một món ăn nào chế biến từ hải sản. Các khách sạn, nhà hàng ven biển vắng tanh, không một bóng người.

Cuộc sống thường nhật của người dân với đủ mọi ngành nghề đều bị đảo lộn, điêu đứng. Điều mong đợi lớn nhất của hầu hết người dân lúc này là sớm tìm ra nguyên nhân để có những giải pháp có tính căn cơ lâu dài, sớm ổn định cuộc sống. Những tâm tư, nguyện vọng ấy, chúng tôi đã ghi lại trong phóng sự truyền hình “Cá chết bất thường, đời sống dân sinh bị đảo lộn”, đăng trên Báo Quảng Bình điện tử ngày 29-4-2016. Và đó cũng chính là phóng sự truyền hình có lượng truy cập lớn nhất trên Báo Quảng Bình điện tử từ trước tới nay.

Ở thời điểm nguyên nhân chưa được công bố, một tờ báo địa phương ghi lại và nói lên tiếng nói thực sự của người dân là một sự mạnh dạn. Điều đó chỉ có thể thực hiện được khi có sự đồng tình, ủng hộ, định hướng của Ban Biên tập.

Thông tin và cách ứng xử của người làm báo

Giữa những ngồn ngộn thông tin, cách xử lý của nhà báo vô cùng quan trọng. Viết gì, nói gì là điều cần phải cân nhắc hết sức kĩ lưỡng.

Lúc này, nhà báo cần phải tỉnh táo để xác định những thông tin xác thực hay chỉ là tin đồn? Một thông tin đưa ra vào từng thời điểm cần cân nhắc xem tác động của nó sẽ ra sao? Chẳng hạn như: có nên khuyến khích người dân ăn cá, tắm biển... ở thời điểm chưa công bố nguyên nhân cá chết? thông tin sao để ngư dân, tiểu thương, ngành du lịch không bị ảnh hưởng nặng nề?...

Ngư dân điêu đứng do sự cố môi trường biển do Formosa gây ra.
Ngư dân điêu đứng do sự cố môi trường biển do Formosa gây ra.

Tác nghiệp giữa thời điểm khá “nhạy cảm” nên chúng tôi phải cẩn trọng, nhất là ở những điểm đang “nóng” như chợ Đồng Hới (lúc này, có một nhóm tiểu thương đang tập hợp, chuẩn bị kéo lên UBND TP. Đồng Hới- PV). Khác với không ít lần tác nghiệp trước đây, thấy ống kính máy quay, nhiều người e ngại, từ chối trả lời, thì nay, rất nhiều người giành quyền được nói. Nhiều ý kiến quá bức xúc, nóng nảy, như trút hết bực dọc sau những ngày điêu đứng, hoang mang vào ống kính máy quay. Nhưng cũng không ít ý kiến điềm đạm mà vẫn vô cùng xác đáng. Dĩ nhiên, chúng tôi phải cân nhắc lựa chọn cho phù hợp để tránh việc “đổ thêm dầu vào lửa” giữa lúc mọi việc vẫn còn đang rối bời. Bởi, sự thật chỉ có một nhưng cách nói lên sự thật nếu không khôn khéo, mềm dẻo thì nguy hại sẽ khôn lường.

Sau khi nguyên nhân cá chết được công bố, Ban Biên tập, lãnh đạo phòng chỉ đạo chúng tôi tiếp tục về vùng biển, ghi nhận tiếng nói của người dân. Nhiều người bày tỏ niềm tin đối với Chính phủ, các nhà khoa học, cơ quan chức năng trong việc tìm ra thủ phạm gây ra hiện tượng cá chết bất thường. Song, họ cũng biết mình phải đối mặt với sự thật tàn nhẫn: biển đã bị nhiễm những hóa chất cực độc và tầng san hô, hệ sinh thái biển gần bờ đã bị tổn hại nặng nề. Điều đó cũng có nghĩa, cuộc sống của họ đang đối mặt với những ngày dài đầy khó khăn phía trước. Những băn khoăn, trăn trở của họ, chúng tôi cũng đã ghi lại trong phóng sự truyền hình “Những trăn trở của người dân sau công bố nguyên nhân cá chết”, đăng trên Báo Quảng Bình điện tử, ngày 3-7-2016.

Nhiều người dân miền biển mà chúng tôi gặp sau thời điểm công bố nguyên nhân cá chết, bày tỏ sự lo lắng vì đã lỡ ăn cá biển ở thời điểm cá chết hàng loạt cũng như những ngày sau đó. Nhiều ông bố, bà mẹ đã khóc, giận mình chỉ vì nhất thời không nhận thức được sự nguy hiểm, đã cho con ăn cá và lo lắng cho sức khỏe của con cái về sau.

Từ câu chuyện của họ, chúng tôi càng thấm thía bài học dành cho người làm báo. Việc người dân không được thông tin kịp thời hay nhận thông tin một cách không đầy đủ, chính xác có một phần trách nhiệm không nhỏ của đội ngũ những người làm báo.

Vĩ thanh

Trong lần tác nghiệp tại chợ Đồng Hới ở thời điểm cuối tháng 4-2016, sau khi ghi hình, phỏng vấn xong, chúng tôi vẫn chưa thể rời địa bàn để ra về bởi có nhiều người còn vây quanh với những câu hỏi ngược. Đã biết nguyên nhân cá chết chưa? Khi nào thì ăn được cá biển? Bao giờ Nhà nước công bố nguyên nhân cho chúng tôi biết?... là những câu hỏi dồn dập dành cho chúng tôi với ánh mắt chờ đợi. Và chúng tôi hiểu, người dân vẫn rất tin tưởng vào những nguồn thông tin do nhà báo cung cấp. Bởi vậy, càng tự thấy mỗi nhà báo như tôi cần phải luôn tự trau dồi mình, cả về năng lực lẫn đạo đức làm báo, làm sao để cho xứng với nghề mình đã chọn.

Hương Lê