.
Kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2017):

"Hãy gọi cô ấy là một nhà báo"

Thứ Tư, 21/06/2017, 14:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhiều năm gắn bó tại Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Quảng Bình, nhà báo Nguyễn Thế Tường trân trọng gọi chị là một nhà báo truyền hình thực thụ. Ông khẳng định: “Hãy gọi cô ấy là một nhà báo - một nhà báo thực thụ”. Dẫu rằng hơn 15 năm qua, không một lần xuất hiện trên những khuôn hình, chị chỉ miệt mài làm công việc lặng thầm đằng sau thành công của những tác phẩm truyền hình.

 

Chị Nguyễn Thị Kiều hiện là Phó trưởng phòng Kỹ thuật Sản xuất chương trình, Đài PT-TH Quảng Bình.
Chị Nguyễn Thị Kiều hiện là Phó trưởng phòng Kỹ thuật Sản xuất chương trình, Đài PT-TH Quảng Bình.

Chị Nguyễn Thị Kiều (39 tuổi) hiện đang là Phó trưởng phòng Kỹ thuật Sản xuất chương trình, Đài PT-TH Quảng Bình. Tốt nghiệp chuyên ngành điện tử viễn thông, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, chị về công tác tại Đài PT-TH Quảng Bình, phụ trách việc dựng hình. Không được đào tạo đúng chuyên ngành như những đồng nghiệp khác, những ngày đầu làm việc tại bộ phận dựng hình luôn là một thử thách khá lớn với chị.

“Thời điểm ấy, cứ mỗi ngày đến cơ quan thực sự như một ngày đến lớp học nghề. Học hỏi các anh đi trước từng động tác tua băng trên bàn dựng, tìm hiểu từng câu từ của chuyên ngành dựng phim. Cái khó nhất là làm sao hiểu được yêu cầu của các anh chị phóng viên khi đến dựng tin bài. Những yêu cầu như lấy toàn cảnh, cận cảnh, đặc tả... làm sao liền mạch và không sai trục giữa các khuôn hình... Đó thực sự là một thử thách khá lớn với tôi, chưa kể đến những lần trầy trật vì thiết bị gặp sự cố”, chị Kiều nhớ lại.

Năm 2004, chị tham gia vào các khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ thuật dựng phim truyền hình và lớp đạo diễn trên xe ghi hình, rồi bản thân chị tự tìm tòi, học hỏi đồng nghiệp đi trước. Những khó khăn buổi ban đầu ấy cũng dần trôi qua. Đến giờ, chị đã là một trong những kỹ thuật viên dựng phim “cứng tay” của Đài PT-TH Quảng Bình.

Tính chất công việc căng thẳng luôn đòi hỏi người dựng phim phải thường xuyên làm ngoài giờ cho kịp tiến độ. Điều đó thực sự là một khó khăn với một kỹ thuật viên nữ với bao gánh nặng gia đình, những lo lắng rất đời thường như chị. Chồng công tác xa nhà, một mình chị gánh gồng mọi lo toan con cái, vừa phải cố gắng hoàn thành tốt mọi việc cơ quan giao cho. Vất vả là thế, nhưng bạn bè, đồng nghiệp chưa bao giờ thấy chị kêu ca, phàn nàn. Chị vẫn nhẫn nại, lặng lẽ làm những công việc lặng thầm đằng sau những thước phim lên sóng với một thái độ làm việc tận tâm và nhiệt thành. Nhiều đêm trắng thức, rồi những bữa cơm ăn vội để cùng các đồng nghiệp kịp dựng phim tài liệu, những tác phẩm dự thi Liên hoan truyền hình toàn quốc, những kỷ niệm đó càng giúp chị trân trọng nghề nghiệp mà mình lựa chọn.

Phải đến năm 2009, kỹ thuật dựng phim trên phần mềm máy tính được áp dụng tại Đài PT-TH Quảng Bình, nối mạng nội bộ tất cả các khâu, từ sản xuất, hậu kỳ đến truyền dẫn phát sóng. Những tác phẩm truyền hình bắt đầu có sự hỗ trợ phần nào của công nghệ, nhất là trong quá trình xử lý kỹ thuật, lưu trữ tư liệu. Và một khi kỹ thuật càng cao đòi hỏi người làm càng phải nỗ lực nhiều hơn để bắt kịp với sự tiến bộ của công nghệ. Chị Kiều bảo, muốn vậy thì bản thân mỗi kỹ thuật viên phải luôn tự học hỏi, tìm hiểu những tính năng ứng dụng của phần mềm. Nhưng dù công nghệ có tiến bộ đến đâu, điều cần thiết là phải biết nuôi dưỡng cảm xúc, để “thổi” hồn cho những thước phim và làm rung động khán giả truyền hình.  

Trong những năm công tác tại Đài PT-TH Quảng Bình, chị Nguyễn Thị Kiều cùng các đồng nghiệp đã gặt hái được nhiều giải thưởng, như: giải C Giải báo chí toàn quốc năm 2015, 2 HCV, 2 HCB tại các kỳ Liên hoan truyền hình toàn quốc và 1 HCV Liên hoan truyền hình toàn quân cùng một số giải thưởng tại các kỳ Liên hoan truyền hình toàn tỉnh, Giải báo chí tỉnh Quảng Bình.

Người dựng phim phải có kỹ năng làm việc nhóm, biết lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp nhưng vẫn phải có chính kiến và phải biết bảo vệ chính kiến của mình.

“Tôi nhớ mãi kỷ niệm trong một lần dựng phim dự thi Liên hoan truyền hình toàn quốc, khi đó, để chọn một hình ảnh phù hợp, cả tôi và chị biên tập mỗi người một ý kiến. Lúc đó đã rất khuya, nhưng hai chị em cứ mãi tranh luận và ai cũng rất bực mình, đến nỗi phải bỏ ra ngoài. Một lúc sau bình tĩnh lại, chúng tôi nhìn nhau rồi cùng bật cười vì hiểu ra rằng tất cả những tranh luận ấy đều có chung đích đến là mong muốn cho tác phẩm của mình hoàn thiện nhất”, chị Kiều tươi cười.

Dù là tác phẩm dự thi hay chỉ một phóng sự ngắn để phát sóng thường ngày, chị vẫn đầu tư thời gian, công sức để cho ra đời một sản phẩm tốt nhất. Đồng nghiệp trân trọng chị ở ý thức làm việc, ý thức tự đặt sản phẩm của mình vào những chuẩn mực của sự chỉn chu nhất có thể. Vậy nên, bản thân chị luôn được lãnh đạo cơ quan và đồng nghiệp tin tưởng giao cho dựng các tác phẩm dự thi Liên hoan truyền hình toàn quốc, Giải báo chí Quốc gia...

Hơn 15 năm công tác, người trân trọng gọi chị là nhà báo thực thụ, người yêu mến coi chị là một nghệ sỹ sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật, nhưng chị chỉ khiêm nhường tự nhận: mình chỉ làm tốt công việc mà mình đam mê. Cái đam mê ấy dẫu chưa một lần chị nghĩ đến trong những tháng ngày tuổi trẻ đầy hoài bão nhưng rốt cuộc, chị vẫn yêu và gắn bó với nghề dựng phim như duyên nợ. Và chị bảo, nếu chọn lại, mình vẫn chọn đi lối ấy!

Diệu Hương