.

Cụ Bát Vời người dạy ca Huế cho làng Quảng Xá

Chủ Nhật, 19/02/2017, 10:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Cụ Bát Vời tên thật là Nguyễn Tuân. Cụ sinh ra trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 gần nửa thế kỷ, năm 1896. Người làng Quảng Xá gọi cụ là cụ Bát Vời.

Vì sao cụ lại có tên gọi như vậy. Điều ấy chỉ có những người sống ở làng mới rõ. Bát tức là một chức trong phẩm hàm thời phong kiến, kể từ các quan triều đình trở xuống, như Nhất phẩm tương đương với hàm Bộ trưởng ngày nay, rồi Nhị phẩm, Tam phẩm... đến Bát phẩm, Cửu phẩm là những phẩm hàm cuối cùng trong bộ máy cai trị ở làng. Các phẩm hàm xưa phần lớn do học hành thi cử đỗ đạt hay lập công trạng mà được vua ban phong sắc. Nhưng cũng có phẩm hàm con nhà giàu dùng tiền mua mà có. Ở trong làng có phẩm hàm dù nhỏ thì cũng tránh được nạn phu phen lao dịch. Cụ Nguyễn Tuân có phẩm hàm bát phẩm là do có công lao truyền dạy ca Huế cho làng. “Vời” là tên đứa con gái đầu lòng của cụ, một cách gọi cho thêm thân tình gần gũi, đúng với tục làng, thường lấy tên con đầu để gọi. Cụ có 9 người con 4 gái, 5 trai. Nói về cách đặt tên con của cụ Vời thì hết sức độc đáo và hiếm thấy ở các làng quê Việt nam. Không rõ có phải cụ đã đọc và mê truyền thuyết Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ, hai người đẻ ra được một bọc trăm trứng, nở ra được trăm người con, năm mươi người con theo mẹ xuống biển, năm mươi người con theo cha lên núi sinh cơ lập nghiệp cho tận ngày nay. 4 người con gái của cụ được đặt tên Vời, Biển, Khơi, Sông, (bà Sông nay còn sống ở tuổi 92) và 5 người con trai của cụ lần lượt được gọi tên từ trên xuống: Rú, Ri, Rừng, Rậm, Rít (Rít sau này đi học cải lại tên Tuyên, dạy ở Trường đại học Mỹ thuật công nghiêp tại Hà Nội, 80 tuổi).

Cụ Bát Vời lên 20 tuổi đã là một chàng trai có năng khiếu vẽ, ca hát nhất trong làng, nên được ông Nguyễn Văn Dzụ, người làng lúc đó, là quan đầu tỉnh Thừa Thiên-Huế về chọn đưa vào kinh đô học đàn hát, phục vụ trong cung vua. Cụ sáng dạ, học và tiếp thu rất nhanh. Ca Huế có bao nhiêu làn điệu cụ nắm đủ: Nam ai, Nam bằng, Cổ bản, Tương tư khúc, Phẩm tuyết...cùng nhiều điệu lý khác nữa. Khi có phiên nghỉ phép, về làng, cụ mở lớp truyền dạy luôn, lớp học được nhiều người chuộng theo học. Không những trong làng mà trai thanh gái lịch con nhà giàu một số làng lân cận cũng đến xin theo lớp.

Người làng Quảng Xá làm nghề nông là chính, nhưng bên cạnh nghề nông còn có nghề kéo sợi, dệt vải. Trừ thời vụ làm đồng, còn khi ngồi bên xa quay kéo sợi, ngồi lên khung cửi đưa thoi họ vừa làm vừa tập hát các làn điệu. Quay xa thường tập trung từng nhà nhiều người quay, nhờ thế mà qua ngày này tháng khác cùng nhau hát rồi nhắc nhau cho mau thuộc. Người này tiếp thu được phần này, người kia tiếp thu được phần kia bổ sung cho nhau mà thành bài, thành bản. Hát chủ yếu là phần con gái, phụ nữ.

Còn với con trai, đàn ông thì được cụ Bát Vời tổ chức từng nhóm học đàn. Có nhóm học đàn nguyệt, có nhóm học đàn bầu, có nhóm học thổi sáo trúc, lại có nhóm tập kéo đàn nhị, đánh trống gõ sanh tiền. Mỗi nhóm hát, tập luyện luôn luôn có người hát và người cầm đàn. Có rất nhiều bài hát cụ mang từ kinh đô Huế về, khi đã hát thành thạo, cụ cùng với lớp thanh niên làng lại mày mò, sáng tác ra thêm những lời mới, cho phù hợp với phong trào trong làng từng thời, từng lúc. Chẳng hạn như hưởng ứng hịch Cần Vương vua Hàm Nghi ban xuống thì sáng tác bài “Anh đi mộ tập binh” lời lẽ thật hào khí. Xin được trích một đoạn Nam bằng như sau: “Anh đi mộ tập binh. Em đứng trong vòi vọi trông tình. Nằm không ngủ một mình dạ buồn tênh càng nhớ anh. Nhớ tới hình, nhớ tới dạng, nhớ vui cười. Nhớ ăn nói thâm trầm chuyện nhỏ to cùng đắn đo. Lại lo vô co canh cửi cùng với thêu thùa chẳng dám chơi đùa. Để anh ra giúp nước phò vua, lo sao cho trọn bổn phận. Bổn phận làm trai lo sao cho trọn bổn phận”.

Hưởng ứng phong trào yêu nước của Phan Bội Châu với phong trào Đông kinh nghĩa thục, cụ lại sáng tác lời theo điệu Tứ đại cảnh như: “Đời gặp đời cạnh tranh. Khuyên ai mà tuổi tác xuân xanh. Đua nhau vào sân khổng cửa trình. Chăm mà học cho đặng tấn tới. Tới con đường tới đường văn minh. Sĩ, nông, thương, cổ, bạch, công. Học cho thông, học cho biết khôn, biết cơ xảo tinh thông mọi nghề. Học mà văn đặng võ hay cho nước mạnh, cho dân giàu. Về sau vẻ vang hoàn cầu, người trong nước vóc gấm thêu màu, sinh nam tử mọi điều mọi ngoan. Biết nghĩa vụ biết đạo làm trai. Mong sau này nước non mạnh giàu”.

Thực ra ca Huế là những làn điệu dành cho tầng lớp trên của triều vua trong những lễ hội hát trong cung đình. Cho nên việc đưa ca Huế về làng truyền dạy rộng rãi cho dân làng thời ấy cũng là việc làm táo bạo vì phạm thượng, mà tội phạm thượng là dễ bị hình phạt nặng. Nhưng rồi trải qua thời gian, ca Huế ở làng Quảng Xá vẫn lan toả và được dân gian hoá đi  nhiều. Các điệu hát sau đó được cụ hướng dẫn lồng vào trong các lễ hội làng như: Tế đình làng hàng năm, lễ hội đuổi chim ở Nền Vải, lễ hội các dòng họ xuân thu nhị kỳ, điệu hò đưa linh khi tiễn người quá cố... Trải qua hơn trăm năm từ khi được cụ Bát Vời truyền dạy cho đến nay, ca Huế đã ăn sâu vào máu thịt người làng. Nói đến người hát, người đàn, làng vẫn nhắc đến cô Hường, cô Chăng, bà Vời, bà Biển, bà Sông, bà Lởi, bà Gái;... lớp trung tuổi có chị Yếng, chị Thoan, chị Phước, chị Phẩu, chị Mược, chị Ngừ, Chị Noãn...Còn lớp trẻ bây giờ người hát may ra chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nói đến người cầm đàn, không ai quên được ông Nguyễn Lái, ông Cửu Hai, ông Mại, ông Cửu Lâm, ông Cửu Sung, ông Viên Ghẻ, ông Viên Trống... Người sáng tác bài hát có thầy Thiệp, thầy Dương Viết Bạch, và nay còn có cụ Nguyễn Xám, thầy giáo Nguyễn Văn Tô...

Từ một con người yêu thích ca hát, cụ Nguyễn Tuân được học ca Huế và về truyền dạy cho làng, từ đó đến nay đã hơn trăm năm. Vốn quý ấy vẫn luôn được làng Quảng Xá gìn giữ. Một làng quê vùng chiêm trũng vì thế mà đã thành làng có biệt danh là “Làng ca Huế”. Tất cả bắt nguồn từ công việc của cụ Bát Vời.

Công lao người truyền bá các làn điệu ca Huế đã dần dần được dân gian hoá, đã thành vốn quý phi vật thể mà Hội Di sản văn hoá Việt Nam tỉnh đã ghi nhận, tôn vinh, truy tặng cụ Bát Vời là Nghệ nhân dân gian của tỉnh vào ngày 19-5-2014.

Văn Tăng