.

Giữ thắm nét làng trong "cơn lốc" đô thị hóa

Thứ Tư, 12/10/2016, 08:29 [GMT+7]

(QBĐT) - Khi những ngôi nhà cao tầng san sát thay thế từng mái ngói đỏ tươi, khi lớp hàng rào bê tông sắt thép mạnh mẽ thế chân cho những hàng chè tàu xanh non mơn mởn, khi mỗi đêm trăng hò hẹn chuyện trò bên giếng nước bỗng xuất hiện nhiều màn hình xanh đỏ của điện thoại cầm tay..., cũng là lúc người ta ngầm hiểu rằng, phố đã “về” làng từ thuở nào.

Bất chấp sự “lấn chiếm” mang tính tất yếu đó của lịch sử, không ít làng quê của mảnh đất xứ Quảng vẫn đang miệt mài giữ gìn vẹn nguyên từng nét duyên thầm của mình, để không chỉ cho hiện tại mà còn cho cả những thế hệ tương lai không mất đi gốc gác, tổ tông và linh hồn của làng.

Nằm sát ngay quốc lộ, ồn ã với xe cộ và dòng người tấp nập, nơi hơi thở đô thị luôn vây quanh, vậy mà xã Lộc Ninh (TP.Đồng Hới) vẫn bảo tồn hầu như nguyên vẹn nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc riêng có, như: lễ hội xuống đồng, lễ hội bài chòi và nhiều loại hình trò chơi dân gian khác. Ông Nguyễn Trí Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Ninh cho biết, lễ hội xuống đồng là nét văn hóa độc đáo, duy trì hàng trăm năm nay tại vùng đất này.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Tú trong cuốn “Địa chí Đồng Hới”, vùng đất Lộc Ninh vừa là gò đồi, vừa là đồng bằng, xưa kia gồm có ba làng, Hữu Cung, Phú Xá và Lộc Đại, có thời kỳ còn có thêm Phú Hội (Quang Phú ngày nay). Cụ Nguyễn Tú đã mô tả, cánh đồng Lộc Ninh trải rộng mênh mông, hợp cùng các cánh đồng phường Bắc Lý, phường Đồng Phú, vắt ngang trước mặt toàn xã từ tây sang đông, giáp thị xã Đồng Hới với một chiều dài hơn 5km, rộng hơn 3km, làm cái sân khổng lồ cho toàn xã... Đến mùa gặt thì sóng lúa xào xạc, hương lúa thơm mùi mật, đồng lúa màu vàng óng ánh, mùa lúa con gái thì đồng xanh như ngọc bích, cò trắng chao mình làm duyên với bóng sương mai...

Có lẽ vì vậy, lễ hội xuống đồng hàng năm đã in sâu trong tiềm thức của người dân Lộc Ninh và tồn tại cho mãi đến tận bây giờ. Lễ hội xuống đồng được tổ chức vào một trong các ngày từ 20 đến 30 tháng 12 hàng năm tính theo dương lịch, đây là thời điểm bắt đầu của vụ đông-xuân. Lễ hội chia làm hai phần, phần lễ và phần hội, tất cả các hoạt động đều được chuẩn bị, tổ chức nghiêm cẩn, chu đáo.

Hiện nay, lễ hội xuống đồng vẫn được diễn ra hàng năm ở Lộc Ninh do ba hợp tác xã Phú Xá, Hữu Cung và Quang Lộc đứng ra tổ chức. Phần lễ vẫn giữ nguyên vẹn các nghi thức, lễ vật, đặc biệt là phần chọn người để gieo hạt giống đầu tiên. Tuy nhiên, phần hội thi cày, thi cấy, lễ ăn cơm mới... do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, khó để có thể phục hồi.

Bên cạnh lễ hội xuống đồng đặc trưng, hàng năm, Lộc Ninh vẫn tổ chức lễ hội bài chòi vào dịp Tết Nguyên đán để vừa truyền bá, giáo dục lớp trẻ về nét văn hóa dân gian truyền thống, vừa là sợi dây kết nối cộng đồng, tình cảm xóm giềng. Vì vậy, sau một thời gian dài bị mai một do chiến tranh, khoảng năm 2007, 2008, bài chòi ở Lộc Ninh được khôi phục và tiếp tục duy trì cho đến tận ngày nay, được tổ chức hàng năm vào dịp Tết Nguyên Đán ở thôn 3, kéo dài từ mồng 1 đến mồng 4 Tết.

Ngoài ra, Lộc Ninh còn nức tiếng gần xa với hệ thống giếng làng tuổi đời hơn 400 năm vẫn được giữ gìn vẹn nguyên qua bao thăng trầm của lịch sử. Hai giếng cổ nhất của Lộc Ninh chính là giếng Bôộng và giếng Ngát của làng Phú Xá xưa, đây vừa là mạch nguồn chính của làng, vừa mang ý nghĩa tâm linh to lớn, gắn kết với cộng đồng làng như huyết mạch thiêng liêng chứng kiến bao đổi thay của vạn vật, con người.

 Các giếng làng còn được giữ gìn vẹn nguyên ở Lộc Ninh là điểm nổi bật của một vùng quê sát ngay đô thị.
Các giếng làng còn được giữ gìn vẹn nguyên ở Lộc Ninh là điểm nổi bật của một vùng quê sát ngay đô thị.

Ngoài các lễ hội và bảo tồn giếng làng, Lộc Ninh vẫn đang phát triển câu lạc bộ đàn hát dân ca với sự tham gia của các nghệ nhân lành nghề trong xã. Điểm đáng chú ý là câu lạc bộ rất chú trọng khâu đào tạo, bồi dưỡng, truyền nghề cho lớp trẻ, nhất là các cháu thanh thiếu niên.

Theo ông Nguyễn Trí Thủy, “bí quyết” của Lộc Ninh chính là sự tâm huyết đồng lòng của bà con trong nỗ lực bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, cùng với đó là sự khích lệ, động viên, hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa làng chính nằm ở nguồn kinh phí còn quá hạn hẹp của địa phương. Chính vì lẽ đó, dù có nhiều kế hoạch ấp ủ trong lộ trình duy trì các hoạt động văn hóa đặc sắc, Lộc Ninh vẫn còn “lỗi hẹn”.

Giữa bộn bề của phố thị, không chỉ Lộc Ninh mà nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn giữ được không chỉ những nét văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc, mà còn cả cái hồn cốt của làng không phôi pha sau bao con tạo xoay vần. Đây là một điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới và “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, góp phần nhẹ gánh nỗi lo về sự mất đi những giá trị tinh thần ở chốn làng quê.

Theo báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào xây dựng thôn, bản, tổ dân phố văn hóa là một trong những phong trào phát triển mạnh mẽ về cả chiều rộng lẫn chiều sâu, chất lượng ngày càng đi lên, phát huy được tính tích cực và tác động thiết thực trong đời sống. Bên cạnh đó, phong trào đã trở thành những chuẩn mực về nếp sống, lối sống, quan hệ văn hóa cộng đồng, đối nhân xử thế, giữa con người với con người, giữa con người với môi trường xã hội, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Nếu năm 2000, toàn tỉnh mới có 99/1.205 thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 8% thì năm 2015, con số này đã tăng lên 818/1.269 thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, chiếm tỷ lệ 64,5%. Ở những thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, người dân đã phát huy tốt vai trò tự quản, ý thức tự giác, nhất là tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, chú trọng công tác xóa đói giảm nghèo. Việc xây dựng các quy ước thôn, tổ dân phố đã phát huy được hiệu quả, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp, các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy, làng xóm ngày càng gắn bó, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Đây chính là một trong những lý do khiến nét thắm của làng không bị phôi pha, mờ nhạt.

Rõ ràng, để giữ các giá trị văn hóa của làng trong “cơn lốc” đô thị hóa, không chỉ phụ thuộc vào sự vào cuộc của chính quyền các cấp, mà quan trọng hơn cả phải có sự khởi nguồn, xuất phát từ chính cộng đồng dân cư. Các giá trị văn hóa truyền thống dù được khơi gợi, nhưng nếu không được dung dưỡng trong “chiếc nôi” của nhân dân thì sẽ rất khó để tồn tại lâu bền. Vì lẽ đó, lấy người dân làm gốc trong các phong trào xây dựng nông thôn mới hay “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nói chung, trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nói riêng, luôn là nguyên nhân của mọi thành công.

Mai Nhân