.

"Cô đơn" trên con đường quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật

Thứ Bảy, 24/09/2016, 20:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Các văn nghệ sĩ tỉnh ta đang rất “cô đơn” trên con đường quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, đó là một thực tế hiện hữu bấy lâu nay trong nỗ lực nhằm đưa những “đứa con tinh thần” của mình đến gần hơn với công chúng.

Dù đó là lớp văn nghệ sĩ đã thành danh hay là các văn nghệ sĩ còn mới mẻ về tên tuổi, là tác phẩm văn học, mỹ thuật hay nghiên cứu văn hóa dân gian, phê bình văn học..., tất cả đều gặp những khó khăn nan giải ở phía cuối con đường khi nguồn kinh phí hỗ trợ quảng bá còn quá hạn hẹp và sự quan tâm đến lĩnh vực này còn chưa thấu đáo, sâu sát. Không ai khác, mỗi một văn nghệ sĩ phải tự tìm lối đi cho chính những tác phẩm của mình, nếu không muốn chúng mãi mãi chỉ có thể xếp gọn ghẽ nằm yên trong góc tủ.

Cây bút trẻ Trần Thị Trác Diễm vẫn đang miệt mài “thai nghén” hai cuốn sách mới của mình, một là tuyển tập truyện ngắn Trác Diễm do Nhà xuất bản Hà Nội in ấn vào cuối năm nay, cuốn còn lại là tập tiểu thuyết “Vũ điệu thần chết” sẽ ra mắt bạn đọc vào đầu năm 2017. Khác với hai cuốn tiểu thuyết trước là “Tiếng vọng Ma Coong” và “Hồn lau trắng”, Trác Diễm phải tự mình bươn bả khâu quảng bá, giới thiệu, nay, may mắn hơn nhà xuất bản tự đứng ra in ấn và chịu trách nhiệm mọi khâu đưa sách đến với công chúng. Thở phào nhẹ nhõm, Trác Diễm tâm sự, nhờ đó, cô có đôi phần thong dong, nhẹ nhàng hơn trong lộ trình sáng tạo tác phẩm nghệ thuật của mình.

Còn nhớ với hai cuốn “Tiếng vọng Ma Coong” và “Hồn lau trắng”, bên cạnh nỗ lực vì chất lượng tác phẩm, Trác Diễm hầu như phải vận dụng hết mọi cơ hội, mọi mối quan hệ để công chúng biết đến các tác phẩm của mình.

Với lợi thế từng công tác trong lĩnh vực du lịch và tác phẩm cũng đôi phần “dính dáng” đến nhiều tên đất, tên làng Quảng Bình, Trác Diễm đã linh hoạt thông qua kênh du lịch ở Phong Nha-Kẻ Bàng để giới thiệu sách đến với công chúng, nhất là khách du lịch và nhận được những phản hồi rất tích cực. Bên cạnh đó, là người trẻ, có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin, cô cũng thường xuyên cập nhật những tác phẩm của mình trên mạng xã hội, các trang web của một số nhà xuất bản, các trang báo chuyên về văn học nghệ thuật... Nhờ đó, cái tên Trác Diễm trở nên quen thuộc, gần gũi hơn với độc giả trẻ và quan trọng hơn, qua kênh trực tuyến này, cô tìm được một lượng bạn đọc ổn định, luôn đòi hỏi tác giả tự làm mới mình và sẵn sàng đón nhận những sáng tạo hiệu quả. Ngoài ra, qua tiếp cận hệ thống thư viện, trường học, Trác Diễm cố gắng quảng bá tác phẩm của mình đến với lớp công chúng trẻ, còn ngồi trên ghế nhà trường.

Sắp tới, khi hai cuốn sách mới được lên kệ, cô gái trẻ đầy nhiệt huyết với nghệ thuật này sẽ tổ chức một cuộc hội thảo về quê hương, đất nước, con người Quảng Bình qua tiểu thuyết của Trác Diễm, với kỳ vọng đây sẽ là sự quảng bá chuyên nghiệp các tác phẩm đến với công chúng yêu văn học, đồng thời qua đó sẽ góp phần xúc tiến hình ảnh du lịch tỉnh nhà trong lòng du khách gần xa.

Sáng tạo tác phẩm đã cần rất nhiều công sức thì khâu cuối đưa tác phẩm đến tay bạn đọc cũng nhọc nhằn không kém, chính vì vậy, Trác Diễm luôn tâm niệm vì tình yêu văn học nghệ thuật là chính, còn bao công sức, tiền bạc bỏ ra vì “đứa con tinh thần” của mình thì thật khó để có thể đong đếm được.

Những tác phẩm nhiếp ảnh lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang của NSNA Thành Vương sẽ là một trong những cách thức quảng bá chân thực nhất về du lịch Quảng Bình, nếu có cơ hội.
Những tác phẩm nhiếp ảnh lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang của NSNA Thành Vương sẽ là một trong những cách thức quảng bá chân thực nhất về du lịch Quảng Bình, nếu có cơ hội.

Với lớp văn nghệ sĩ trẻ còn vất vả đến vậy, thì với những bậc cao hay trung niên, việc quảng bá tác phẩm còn nhiều gian nan, khó khăn hơn.

Không ít tác phẩm nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian xuất sắc, nêu bật từng nét tinh túy về mảnh đất, con người xứ Quảng nhưng chỉ có thể được biết đến trong giới chuyên môn học thuật hoặc những ai thực sự tâm huyết với kho tàng vốn quý này. Phần còn lại, tức là lớp công chúng đông đảo, hầu như rất ít biết đến và nhất là khách du lịch, những người mong muốn tìm hiểu nhất, lại càng mù mịt về thông tin hơn.

Hay đối với các tác phẩm nhiếp ảnh, như chính nghệ sĩ nhiếp ảnh Thành Vương, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tại Quảng Bình từng trăn trở, rằng nếu tác phẩm đoạt giải thưởng ở một cuộc thi hay được tham dự một triển lãm nào đó thì mới được biết đến rộng rãi trong công chúng, còn nếu không, chỉ có cách âm thầm lặng lẽ đợi thời cơ để đến được với người xem mà thôi.

Còn nhớ cách đây vài năm, năm 2012, cũng vào giữa tháng 9, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh phối hợp với Trường đại học Quảng Bình đã tổ chức hội thảo về tiểu thuyết “Chân trời mùa hạ” của nhà văn Hữu Phương. Là tác phẩm xuất bản từ năm 2007, tiểu thuyết khai thác đề tài người lính và chiến tranh cách mạng, với bối cảnh là một làng quê đất lửa Quảng Bình trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tác phẩm đã đạt giải B cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 3 (2006-2010) và Cúp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho tác phẩm xuất sắc về đề tài nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam giai đoạn 1981-2011. Đây là cách thức quảng bá rất hiệu quả tác phẩm đến với giới trẻ, nhất là sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường, đưa tác phẩm xâm nhập sâu vào cuộc sống, mang đến những đổi thay tích cực trong tư duy, nhận thức của người trẻ. Nhưng, không phải tác phẩm nào, tác giả nào cũng có cơ hội để quảng bá tác phẩm như thế.

Nhà điêu khắc Phan Đình Tiến, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cho biết, từ năm 2006, nguồn kinh phí hỗ trợ quảng bá cho các tác phẩm văn học nghệ thuật cũng bị hạn chế từ cấp trung ương cho đến cấp tỉnh, do những khó khăn về tài chính. Với một số tác phẩm xuất bản, Hội đề xuất sự hỗ trợ kinh phí cho tác giả trực tiếp từ UBND tỉnh, còn việc quảng bá phụ thuộc chủ yếu vào chính bản thân tác giả. Mặc dù Hội đã nhiều lần đề xuất, nhưng hiện tại tỉnh ta vẫn chưa có sự hỗ trợ dù bằng hình thức nào cho các tác phẩm văn học nghệ thuật trong khâu quảng bá, mà chỉ có thể động viên, khích lệ tinh thần anh em văn nghệ sĩ.

Đây luôn là “chuyện muôn năm cũ” của giới văn học - nghệ thuật trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Thế mới biết để đưa các tác phẩm đến với công chúng, với những văn nghệ sĩ suốt đời chỉ biết sáng tạo thì khó khăn, vất vả như thế nào.

Tuy nhiên, trong bối cảnh việc nỗ lực quảng bá hình ảnh du lịch Quảng Bình đến với công chúng đang là yêu cầu tất yếu như hiện nay, việc lồng ghép giữa du lịch với quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, như cách mà nhà văn Trác Diễm đang làm, là rất hợp lý và bước đầu cho thấy những dấu hiệu khả quan.

Để giảm bớt sự nhọc nhằn, gánh nặng cho đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà, nên chăng, cần có sự thay đổi trong cơ chế, chính sách để sự đồng hành giữa du lịch và văn học - nghệ thuật được suôn sẻ, chặt chẽ hơn, tạo thêm cơ hội cho người nghệ sĩ đưa “đứa con tinh thần” của mình đến với công chúng dễ dàng hơn, đồng thời tăng thêm trách nhiệm, niềm tin cho đội ngũ văn nghệ sĩ trong hành trình sáng tạo tác phẩm.

Bên cạnh đó, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, báo chí-một kênh quảng bá hiệu quả các tác phẩm văn học nghệ thuật tỉnh nhà.

Mai Nhân