.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Quảng Bình với đề tài du lịch

Thứ Bảy, 27/08/2016, 10:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Ra đời từ năm 2007, bắt đầu hình thành chi hội với 3 hội viên gồm các nghệ sĩ nhiếp ảnh: Ngô Độc Lập, Võ Xuân Bé, Hữu Ngụ, đến nay sau gần 10 năm xây dựng và phát triển, đội ngũ đã có thêm lực lượng hội viên mới gồm: Thành Vương, Hoàng An, Đức Thành...

Có thể nói trong suốt chặng đường đó, mảng đề tài du lịch luôn được các nghệ sĩ nhiếp ảnh quê hương Quảng Bình quan tâm thể hiện. Họ đã dành tâm huyết, tình yêu quê hương Quảng Bình qua những tác phẩm ảnh nghệ thuật. Họ trăn trở trau dồi kiến thức, không ngừng nâng cao nghiệp vụ, vượt qua biết bao gian khổ đến với vùng sâu vùng xa để có những bức ảnh sống mãi cùng năm tháng.

Qua những bức ảnh của người nghệ sĩ nhiếp ảnh, du khách, người xem càng hiểu và yêu thêm văn hóa danh thắng của quê hương. Nhiều bức ảnh nghệ thuật chụp cảnh làng quê, dòng sông, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, từ Đèo Ngang đến Hạ Cờ, từ Cha Lo đến miền tây rừng đại ngàn Trường Sơn, đặc biệt là “vương quốc hang động” thuộc Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng được các ống kính của những nghệ sĩ nhiếp ảnh quê hương thể hiện.

Trong hành trình của mình, Chi hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tại Quảng Bình đã có những bước đi vững chắc. Giai đoạn đầu, những người nghệ sĩ của chi hội dù có thừa niềm say mê nhưng còn đối diện với khó khăn do phương tiện tác nghiệp còn lạc hậu. Phần lớn họ phải sử dụng máy ảnh chụp bằng phim, trước đó là phim đen trắng, sau nữa là phim màu. Nhưng với tình yêu nghề nghiệp, họ đã sáng tạo nên nhiều tác phẩm ghi được dấu ấn trong các kỳ triển lãm, đưa đến cho người xem và khách du lịch những hiểu biết mới về quê hương- đất nước- con người Quảng Bình. Ngay từ những năm tháng ban đầu đó, du lịch đã trở thành nguồn cảm hứng cho những người nghệ sĩ giàu ý tưởng sáng tạo. Nhờ những tác phẩm ảnh nghệ thuật được giới thiệu qua các kỳ triển lãm và trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng trong nước, thế giới, du khách trong nước và quốc tế hiểu thêm về Quảng Bình để đến tham quan du lịch.

Rừng trong hang động.                                         (ảnh Ngô Độc Lập)
Rừng trong hang động. (ảnh Ngô Độc Lập)

Với sự tiến bộ không ngừng của kỹ thuật máy ảnh, hoạt động nhiếp ảnh đã được xã hội hóa với tốc độ chóng mặt. Đến nay, một người dân bình thường cũng có thể ghi lại được những hình ảnh trong quá trình du lịch của cá nhân, gia đình và tập thể. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là vai trò của những tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật bị hạ xuống. Trái lại càng phát triển du lịch, vai trò của nghệ thuật nhiếp ảnh càng tăng lên. Trong tiến trình đó, hòa chung với đội ngũ hùng hậu những người hoạt động nhiếp ảnh, cùng với phân hội và câu lạc bộ nhiếp ảnh, chi hội luôn đóng vai trò nòng cốt trong mảng đề tài về du lịch.

Nổi bật và ấn tượng nhất là sự đóng góp của chi hội trong các hoạt động triển lãm về Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha- Kẻ Bàng. Ấn tượng là bộ ảnh 120 tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật về đề tài du lịch nhân kỷ niệm 10 năm Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thành Vương với  50 bức ảnh về “Thiên đường thạch nhũ”. Một số tác phẩm ảnh của Thành Vương về đề tài du lịch đã có tiếng vang lớn tại các kỳ triển lãm và cuộc thi ảnh di sản như “Quê ngoại”, “Chang chang cồn cát”, “Gái Thượng Phong”. Hữu Ngụ với tác phẩm: “Một thoáng sông Son”; Đức Thành với bộ ảnh: “Sông Gianh huyền thoại” Hoàng An với tác phẩm “Động Thiên Đường”.

Việc hang Sơn Đoòng được phát hiện là một sự kiện mang tính đột phá tạo thương hiệu tầm cỡ quốc tế của du lịch Quảng Bình. Đây cũng là đề tài được nghệ sĩ nhiếp ảnh tỉnh ta quan tâm thể hiện từ khá sớm. Họ đã không quản đường sá xa xôi, ở lại với hang động nhiều đêm liền để chộp được những khoảng khắc kỳ diệu của thiên nhiên trong hang động kỳ vĩ nhất, đẹp nhất thế giới-hang Sơn Đoòng. Ngay từ năm 2011, nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngô Độc Lập đã đến với Sơn Đoòng thực hiện tác phẩm nhiếp ảnh “Rừng trong hang động”. Bức ảnh đã đạt giải nhì cuộc thi ảnh “Rừng Việt Nam”với sự bảo trợ của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Tác phẩm hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. Không những giới thiệu nét độc đáo của hang Sơn Đoòng, các nghệ sĩ nhiếp ảnh tỉnh ta còn ghi lại khoảnh khắc các đoàn làm phim quốc tế đến với Sơn Đoòng.

Những nghệ sĩ nhiếp ảnh thuộc Chi hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã mạnh dạn tham gia nhiều cuộc thi về đề tài du lịch và đã giành được một số giải thưởng có giá trị. Họ cũng đã có những thành công nhất định trong các cuộc thi khu vực, quốc gia. Với đề tài du lịch, họ luôn nhiệt tình vượt qua nhiều hiểm nguy, dũng cảm lặn lội đến những vùng xa xôi hẻo lánh, đến với miền sơn cước hoặc nơi bản làng đồng bào dân tộc thiểu số để sáng tác nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật về đề tài du lịch văn hóa. Điều đáng mừng là đội ngũ chi hội đã ngày càng được trẻ hóa. Những nghệ sĩ trẻ đã biết tiếp nối truyền thống những người đi trước, xông xáo vào nơi gian khó, nâng cao nghiệp vụ tay nghề, sáng tạo nhiều tác phẩm nhiếp ảnh về đề tài du lịch có giá trị, được đông đảo người xem đánh giá cao. Thuận lợi của thế hệ nghệ sĩ trẻ chính là được làm chủ công nghệ nhiếp ảnh hiện đại. Tất nhiên, với nghệ thuật nhiếp ảnh, quan trọng nhất vẫn là cảm xúc, trí tuệ sự sáng tạo hướng về cái đẹp của người nghệ sĩ. Kỹ thuật không thể thay thế được cảm xúc, tâm hồn và sáng tạo của người nghệ sĩ.

Sau những năm tháng xây dựng phong trào, nhìn lại để suy ngẫm và rút kinh nghiệm, Chi hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh tự nhận thấy còn có những khó khăn trở ngại trong quá trình hoạt động nghề. Đó là sự khó khăn về kinh phí cho hội viên khi tác nghiệp. Từ điều kiện kinh tế khó khăn của tỉnh, nhất là khó khăn của ngành du lịch sau sự cố thảm họa môi trường biển, điều kiện hỗ trợ kinh phí cho triển lãm trên lĩnh vực du lịch cũng gặp không ít gian nan. Một số nghệ sĩ tuy nhiệt tình say mê thì dư thừa, nhưng tuổi tác và sức khỏe không còn cho phép họ lặn lội đến những vùng sâu vùng xa. Một trong những điều đặt ra cho người nghệ sĩ khi thực hiện tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật về đề tài du lịch chính là yêu cầu ngày càng cao về thẩm mỹ của người thưởng lãm ảnh nghệ thuật trong xu hướng xã hội hóa nhiếp ảnh và giao lưu nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế. Điều đáng mừng là một số nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ của chi hội đã không ngừng học hỏi nâng cao trình độ nhiều mặt để vươn lên tầm cao mới. Họ mạnh dạn tìm tòi thể nghiệm và thử thách ở những sân chơi mang tầm quốc gia, quốc tế. Họ luôn nhiệt tình say mê với mảng đề tài du lịch, đang ấp ủ nhiều dự định mới để đóng góp nhiều hơn nữa cho công tác giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp tiềm năng du lịch Quảng Bình qua nhiếp ảnh nghệ thuật. Bởi từ đặc trưng của ảnh nghệ thuật, họ có thể phản ánh cho du khách trong nước và quốc tế hiểu và đến với du lịch Quảng Bình. Niềm say mê tâm huyết của những người nghệ sĩ về mảng du lịch thật đáng trân trọng.

Hy vọng rằng tỉnh ta sẽ tạo điều kiện để có triển lãm ảnh về đề tài du lịch, để du khách có điều kiện thưởng lãm về quê hương đất nước con người Quảng Bình từ góc nhìn của các nghệ sĩ quê hương. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh thuộc Chi hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tại Quảng Bình đến với “Vương quốc hang động” thuộc Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha Kẻ Bàng, đến với mọi vùng quê trên đất Quảng Bình để góp phần giới thiệu hình ảnh Quảng Bình với du khách trong nước và quốc tế.  

Phan Hòa