.

Hoàng Đăng Khoa những trang viết "lành như bát nước mưa"...

Thứ Năm, 21/07/2016, 08:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Tôi đọc và mê thơ Khoa từ thuở còn là sinh viên đại học sư phạm. Ra trường, tôi được phân công về giảng dạy cùng Khoa một trường, một tổ chuyên môn. Có một thời mặc áo lính, lại có cùng đam mê viết lách, nên chúng tôi khá thân thiết với nhau. Ngày đó, sau những giờ lên lớp, ngoài chuyện văn chương, chuyện lớp, chuyện trường, chúng tôi còn sẻ chia cho nhau kỷ niệm của những ngày quân ngũ...

1. Thông thường thì người ta đi lính trước khi vào đại học hoặc đi làm, còn Hoàng Đăng Khoa thì ngược lại, anh đã trở thành một người lính khoác áo biên phòng sau khi đứng lớp giảng dạy được một thời gian. Ngày mà Khoa trong tâm thế sẵn sàng nhập ngũ nếu có lệnh gọi, nhiều người, kể cả người thân, bạn bè đều ra sức can ngăn, vì họ cho như thế là “dại” khi đang yên đang lành là một thầy giáo cấp ba trường danh tiếng, lương triệu, lại có thể chấp nhận sẵn sàng lên đường làm anh lính nghĩa vụ mấy chục ngàn phụ cấp mỗi tháng... Nhưng Khoa lại có lí do riêng của mình: "Tôi muốn chớp lấy cơ hội được “xê dịch”, để “thay đổi thực đơn cho giác quan”, để đưa tầm mắt mình ra ngoài “miệng giếng”. Biên cương, những khu rừng bạt ngàn, thâm u, những con suối, những dòng thác, cuộc sống của đồng bào nơi bản làng, cuộc sống người lính thời bình chốn biên thùy,... cái thế giới đó với tôi có sức vẫy gọi vô cùng. "Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép". Đoạn đời quân ngũ sẽ là chuyến thực tế dài ngày lí tưởng, đủ để tôi hy vọng mình có thêm nguồn cảm hứng mới, nguồn chất liệu mới để có thể viết những tác phẩm đời hơn, nặng hơn, có tiếng vang hơn...; để những bài giảng thăng hoa hơn...”. (Tham luận tại hội nghị những người viết văn trẻ Quảng Bình lần thứ II, năm 2006).   

Hoàng Đăng Khoa (bên phải) và diễn viên Tự Long.
Hoàng Đăng Khoa (bên phải) và diễn viên Tự Long.

Là một người đam mê văn chương, nên việc đi lính của Hoàng Đăng Khoa dường như cũng gắn liền với “cái nghiệp” chữ nghĩa. Ở trong lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình lúc đó, mỗi khi đơn vị có dịp làm báo tường, báo ảnh, tập san, dĩ nhiên "binh nhì Khoa" là "trưởng ban". Năm 2003, trong hội thi Tuổi trẻ với Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VIII, do Tỉnh đoàn tổ chức, Hoàng Đăng Khoa đã đại diện tuổi trẻ lực lượng Biên phòng tỉnh tham dự và giành danh hiệu “Tuyên truyền viên xuất sắc”. Sang năm 2004, Khoa cũng đã đại diện cho Đảng bộ lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh tham gia vòng chung kết hội thi Báo cáo viên giỏi về tư tưởng Hồ Chí Minh do tỉnh ta tổ chức và cũng để lại nhiều ấn tượng đặc biệt...   

2. Ở Quảng Bình, nhắc đến Hoàng Đăng Khoa, độc giả yêu thơ sẽ nghĩ ngay đến một nhà thơ trẻ có nhiều triển vọng... Mải mê, bận bịu việc trường, việc lớp, nhưng Khoa vẫn viết đều, viết khỏe với nhiều thể loại như truyện ngắn, tạp văn, tiểu luận - phê bình và thơ. Năm 2005, tập thơ mang tên Kiếp lá được xuất bản, bước đầu tạo được tiếng vang... Khoa tâm niệm: “Văn chương từ bao giờ đã là thức tôi ăn, là nước tôi uống, là không khí tôi thở mỗi ngày, tôi sẽ gắn trọn đời mình với văn chương, không thể nào khác được...” (trích truyện ngắn Bức thư chưa vội gửi - một tác phẩm gần như tự truyện của Khoa).

Đọc thơ Khoa, ta sẽ gặp những vần thơ nhẹ nhàng, sâu sắc, "giọng thơ thong thả, hồn nhiên" (nhận xét của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật(1)) như bản tính của anh vậy. Bài nào Khoa viết cũng “đẫm trĩu tình” (nhận xét của nhà phê bình Hoàng Thụy Anh(2)) nên dễ thuyết phục người đọc. Khoa viết về chị gái: “Chị lành như thể bát nước mưa em hứng đầu mùa/ dịu dàng như thể điệu rơi của hoa cau trước ngõ/ hồn nhiên như thể sự lớn lên của ngọn rau cọng cỏ/ giàu đức hi sinh như thể đất trong vườn/ nhân từ như thể chái bếp cây rơm/ mộng mơ như thể hoa khế rắc tím sân nhà nhỏ...”. Khoa viết về mẹ: "Nhìn cái cách chị chăm cháu, con mới biết mình nặng nợ/ trái sung quả khế chín tháng mười ngày mẹ tạc hình hài con/ con tép con cua củ sắn quả dưa/ hao gầy mẹ đánh đổi phổng phao con ngày tháng...". Khoa viết về người cha quá cố: "... Xưa nhà mình thiếu thốn nhưng luôn đầy đủ/ nay nhà mình đủ đầy nhưng lại thiếu cha/ cái bóng hạnh phúc ngày con đuổi bắt/ đêm về lòng quặn thắt khi kí ức gọi cha ơi"; "... Con vịn tình thương ngập tràn của mẹ/ để khỏi chết đuối vũng không cha/ mẹ vịn đức tài đầu mùa con tặng/ đi qua khoảng trống tuổi chưa già...". Khoa viết về những cô học trò mới lớn: "Sân trường em rực nắng/ cổ tay em nõn nà/ vịn hồn vào gió biếc/ bùng lên khát vọng xanh/ tinh sạch và mong manh/ như long lanh sương sớm...". Khoa viết cho người con gái yêu anh khi anh yêu người con gái khác: "Em cộng anh bằng thừa em/ anh cộng em bằng thiếu người anh thiếu/ em - biển triều cường/ anh - đồng trưa hạ khát/ anh nối bao nhiêu khói thuốc cho tới nổi người dưng/ em nhắn bao nhiêu lời yêu thương cho lấp nổi hồn anh hoang hoác...". Đây là một cách Khoa miêu tả cái cô đơn tột cùng của con người hậu hiện đại với những so sánh liên tưởng lạ và ngộ: "... Điện thoại ngủ vùi bên gối/ danh bạ bội thực/ đói meo kết nối/ ti vi xếp bằng nói nhảm/ dẫu sao nhà có tiếng người/ ve sôi chảo trời rán mỡ...".

Sự xuất hiện của tác giả trẻ Hoàng Đăng Khoa làm đa sắc, sinh động thêm đời sống văn học nghệ thuật Quảng Bình những năm gần đây. Năm 2006, Khoa là nhà thơ trẻ đại diện Quảng Bình tham dự hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VII tổ chức tại Hội An. Năm 2011, Khoa lại là nhà phê bình trẻ đại diện Quảng Bình tham dự hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII tổ chức tại Tuyên Quang. Thời gian gần đây, các tiểu luận – phê bình của Khoa đều đặn được đăng tải trên các diễn đàn văn học có uy tín như Tạp chí Nhà văn, Tạp chí Thơ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Tạp chí Sông Hương, Bản tin Lý luận phê bình,...Nhiều bài nghiên cứu của Khoa đã được chọn đưa vào kỷ yếu khoa học của một vài trường đại học, đưa vào đầu sách của một vài nhà xuất bản.

3. Hoàng Đăng Khoa nguyên là Ủy viên Ban chấp hành, Trưởng tiểu ban Lý luận – Phê bình Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Bình; giáo viên Ngữ văn, Phó Bí thư Đoàn trường THPT số 1 Quảng Trạch. Khoa đã bảo vệ xuất sắc Luận văn thạc sỹ Ngữ văn chuyên ngành Lý luận văn học năm 2009 tại Đại học Sư phạm Huế. Hiện nay, Khoa làm biên tập viên ở Ban Phê bình, Tạp chí Văn nghệ Quân đội với quân hàm thiếu tá.

Gặp lại Khoa tại Hà Nội, mặc dù anh không nói nhiều về bản thân mà lúc nào cũng say sưa nói về chuyện văn chương, chữ nghĩa, nhưng qua đồng nghiệp và những người yêu thơ, mê đọc những trang phê bình trong trẻo của anh, tôi được biết anh vừa mới xuất bản xong tập phê bình văn học mang tên “Gặp” do Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân phát hành và chuẩn bị cho ra đời hai tập phê bình văn học khác, là “Phiêu lưu chữ”, “Trò chuyện văn chương” và tập thơ “Khát vọng mùa”.

Ở Hoàng Đăng Khoa vẫn luôn tươi nguyên trái tim hình ngọn lửa, lửa của đam mê sáng tạo và lửa của khát vọng dâng hiến. Đó là sống hết mình, dâng hiến hết mình cho “cái nghiệp” văn chương và chữ nghĩa.

Trương Văn Hà

(1) Hoàng Vũ Thuật (2005), Thơ và cái đẹp của thơ, Tạp chí Nhật Lệ số 129.
(2) Hoàng Thụy Anh, Hoàng Đăng Khoa như long lanh sương sớm.