.

Giải Báo chí quốc gia 2013: Hành trình từ ngòi bút đến trái tim

Thứ Bảy, 21/06/2014, 05:50 [GMT+7]

Có những giọt nước mắt đã phải nén lại, niềm xúc động phải kìm giữ, nỗi xót xa chỉ có thể san sẻ bằng câu chữ... và có cả niềm tự hào linh liêng.

>> Vẫn còn nhiều đơn vị chưa tự tin dự Giải báo chí quốc gia

Đó là những gì mà nhóm các phóng viên Báo Thanh Niên điện tử, Báo Nhân Dân hằng tháng khi thực hiện hai chuyên đề “25 năm Hải chiến Trường Sa” được Giải A hạng mục Giải tin bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận cho Báo điện tử và “Nơi bắt đầu Tổ quốc” nhận Giải A hạng mục Giải tin, bài phản ánh, phỏng vấn cho Báo in mùa Giải Báo chí Quốc gia 2013 đã trải qua.

Lời từ ngòi bút nhưng cũng là lời từ trái tim, từ những tri ân mà thế hệ trẻ hôm nay muốn dành cho thế hệ những chiến sỹ đã bỏ lại một phần máu xương của mình để bảo vệ từng tấc đất biên thùy; dành cho những quân, dân đang ngày đêm bền bỉ bám biên cương để sống, để làm tròn bổn phận cao cả là gìn giữ cương thổ, biển đảo...

Hành trình đi tìm các cựu binh Gạc Ma

Chia sẻ về hành trình thực hiện “25 năm Hải chiến Trường Sa,” một trong những phóng viên thực hiện chuyên đề, Trương Quang Nam (phóng viên Báo Thanh Niên thường trú tại Quảng Bình) cho biết các cựu chiến binh sống ở nhiều địa phương khác nhau và lâu nay chưa được nhắc đến nhiều nên việc tìm kiếm thông tin, địa chỉ khá khó khăn. Trong đó, liên lạc và tìm gặp được anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lanh có lẽ khó khăn nhất.

Các chiến sỹ Trường Sa vẫn ngày đêm chắc tay súng. (Ảnh: Việt Đức/Vietnam+)
Các chiến sỹ Trường Sa vẫn ngày đêm chắc tay súng. (Ảnh: Việt Đức/Vietnam+)

“Anh ấy ở Thành phố Hồ Chí Minh, dịp đó lại đi nhiều nơi để tham gia các hoạt động nên đầu Thành phố Hồ Chí Minh cũng không gặp được. Liên lạc với anh qua di động lúc được lúc không vì anh lúc thì đi máy bay, lúc máy hết pin, lúc anh tắt máy bởi quá nhiều người gọi. Trong khi đó anh cũng không đủ thời gian và sức khỏe để nghe máy, trả lời các câu hỏi,” Quang Nam kể.

Hay tin người anh hùng ở Đà Nẵng, nhưng khi liên lạc được thì anh đã về Quảng Bình. Nhận thông tin, Quang Nam liên lạc và lên ngay nhà mẹ anh Lanh ở xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình chờ, bởi trước đó nghe nói anh Lanh đi thăm bà con ở xa, đến tối mới về.

Trong cuộc trò chuyện, anh Lanh cho biết có nhiều đồng đội đang ở Quảng Bình, muốn gặp họ lắm nhưng từ trận chiến đến nay vẫn chưa một lần gặp lại nhau, mặc dù các anh vẫn liên lạc qua điện thoại. Lý do bởi hoàn cảnh, sức khỏe, khoảng cách địa lý. Anh Lanh nói, đợt này rất muốn đi thăm bạn nhưng chắc không đi được.

Nghe thế, Quang Nam nghĩ, nếu giờ không đi được thì biết đến bao giờ và nói ngày mai sẽ chở anh đi. Anh Lanh mừng lắm nhưng có vẻ không tin chắc vì đường xá xa xôi, khó khăn. Tuy vậy, đồng đội của anh Lanh cũng là những cựu chiến binh trong trận chiến mà Quang Nam muốn gặp nên đã quyết tâm cùng anh lên đường. Dù không biết nhà nhưng nhờ điện thoại họ đã tìm được các cựu binh của trận chiến Gạc Ma năm xưa, ở hai huyện Bố Trạch và Quảng Trạch.

“Gặp anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lanh tại quê nhà cũng như các cựu chiến binh trận Gạc Ma thực sự là một may mắn với tôi và đó là những con người, những câu chuyện vô cùng cảm động,” Quang Nam nói.

Vì “lịch sử không bị quên lãng”

Trong bữa cơm chiều đạm bạc bên mẹ già, nhìn đôi mắt anh Lanh và những lời nói bị đứt quãng vì sức khỏe khi anh kể về trận chiến, về cuộc đời Quang Nam thấy nghèn nghẹn, phải kìm nén cho nước mắt khỏi trào ra.

Ngày hôm sau, khi gặp các cựu binh khác lại thêm những câu chuyện, hình ảnh lay động lòng người. 25 năm trôi qua, các anh vẫn nhớ như in những kỷ niệm thời trai trẻ khi khoác áo lính tập luyện cùng nhau và đặc biệt là bối cảnh trên biển Đông khi bị quân Trung Quốc tấn công: tàu chìm, đồng đội tử nạn, người bị thương lênh đênh trên biển mấy ngày, rồi bị địch bắt đưa về Trung Quốc giam cầm.

Quang Nam bảo, thật khó cầm lòng khi đối diện và nghe kể về những người con quả cảm, bất chấp tính mạng quyết tử bảo vệ biển đảo Tổ quốc. Giờ trên người ai cũng mang đầy thương tích, cứ mỗi khi trái gió trở trời lại khiến các anh lên cơn đau, lại bị hành hạ.

Khốn khổ hơn, trong tình cảnh đó, nhiều người hoàn cảnh khó khăn, không có tiền thuốc men, đành bấm bụng chịu đựng. Ví như anh Trương Đức Nhuân (ở xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch), gia đình anh sống trong ngôi nhà tạm bợ, nhưng khi bạn đến nhà không ngần ngại bắt ngay chú gà đang chạy ngoài vườn vào làm thị thết đãi. Chứng kiến cảnh những người đồng đội đối đãi nhau Quang Nam cầm lòng không đặng, thầm ước giá như mình cũng nhiều tiền để giúp đỡ các anh.

“Sau đó, loạt bài đăng đã nhận được sự đồng tình, đồng cảm, chia sẻ của rất nhiều bạn đọc. Có người còn làm thơ gửi đến các chiến sỹ Gạc Ma năm nào. Qua đó, lịch sử không bị quên lãng, các anh được biết đến, nhớ đến và khơi dậy tình yêu Tổ quốc. Đó là niềm vui lớn nhất của những người làm báo như tôi và nhóm phóng viên Báo Thanh Niên thực hiện chuyên đề “25 năm Hải chiến Trường Sa.”

Nụ cười Trường Sa. (Ảnh: Việt Đức/Vietnam+)
Nụ cười Trường Sa. (Ảnh: Việt Đức/Vietnam+)

Ở “Nơi bắt đầu Tổ quốc”

Nếu chủ đề của báo Thanh Niên khơi gợi lại một góc khuất lịch sử từng vì lý do nào đó mà người ta buộc phải không được tôn vinh những chiến công thầm lặng của các anh hùng, thì với đề tài “Nơi bắt đầu Tổ quốc,” chùm bài của nhóm phóng viên Báo Nhân Dân hằng tháng lại khai thác một diện mạo khác.

Họ mang đến cho độc giả chân dung sinh động những “anh hùng” thời bình, những câu chuyện cảm động được viết từ chính trải nghiệm sâu sắc, thấm thía và đầy tri ân của đội ngũ phóng viên sau những chuyến đi dài.

Nhà báo Phan Thanh Phong, Trưởng ban Nhân Dân hằng tháng cho biết, khi bắt tay tìm kiếm ý tưởng xuyên suốt cho số báo Xuân Quý Tỵ 2013, chị nhiều đêm mất ngủ vì trăn trở.

Bởi, nội dung báo Tết thường hướng về gia đình, về những gì ấm áp, thân thương, những chuyện gia đình... Nhưng vào thời điểm đó, “biên giới, hải đảo” là cụm từ luôn chiếm lĩnh tâm trí những người làm báo. Chính vì thế chị muốn trong không khí Tết đến, Xuân về độc giả sẽ được hòa mình vào hành trình đến với những cột mốc chủ quyền của đất nước, đến với đồng bào mình ở nơi địa đầu Tổ quốc, hải đảo xa xôi…

Vậy là, sau khi xây dựng đề cương chi tiết cho cả chuyên đề, các nhóm phóng viên ngay lập tức xách balô lên đường, từ đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) sóng gió ngược lên Ngã ba biên giới hoang sơ của huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, sang Hà Giang, Lào Cai…

“Thời điểm chuyến đi là gần Tết, mưa phùn gió bấc rét mướt, nhóm đang lặn lội vào những bản làng xa xôi, hiểm trở ở Hà Giang thì nghe tin nhóm đi hướng Điện Biên, Lai Châu bị lật xe. Chúng tôi vừa đi vừa nín thở. Quả thật là một chuyến đi muôn vàn khó khăn nhưng cũng là những trải nghiệm vô cùng đáng quý,” nhà báo Thanh Phong nhớ lại.

Đặc biệt, trong số 05 tác phẩm chọn để dự Giải báo chí quốc gia 2013 của chuyên đề, bài phỏng vấn giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Quang Ngọc (Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển) có nhan đề “Mỗi thước đo tấc đất là một thước đo phẩm giá” do nhà báo Nguyễn Hồng Minh, Phó Trưởng ban Nhân Dân điện tử thực hiện được chọn làm bài đinh.

Cuộc trò chuyện gần ba tiếng đồng hồ với vị giáo sư đáng kính khiến chị Hồng Minh bất ngờ và ấn tượng. Dựa vào những nghiên cứu lịch sử nhiều năm của mình, giáo sư Ngọc đã đưa ra những luận cứ, luận điểm khoa học vững chắc về lịch sử thiết lập và bảo vệ chủ quyền của nước Việt hàng nghìn năm trước và từ đó đưa ra những bài học cho công cuộc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ ngày nay.

“Những bài học lịch sử mà GS Nguyễn Quang Ngọc đưa ra trong khi ông phân tích những dẫn chứng, cứ liệu từ một quá trình nghiên cứu, thâm nhập và thấm thía lâu dài, cho đến hôm nay càng trở nên giá trị. Tôi ấn tượng mãi những điều ông nói, khi khẳng định rằng lịch sử dân tộc Việt vì sao mà chủ yếu gắn liền với lịch sử chống giặc ngoại xâm, vì sao mà mỗi triều đại trong lịch sử đều phải coi bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất và biển của dân tộc là trọng trách tối cao. Dù trong hoàn cảnh nào đều phải bảo vệ trọn vẹn từng tấc đất Tổ quốc, đó là nguyên tắc bất di bất dịch nhưng đồng thời ông cũng chỉ cho thấy, từ trong lịch sử, dân tộc Việt Nam là một dân tộc khát vọng hòa bình,” nhà báo Hồng Minh chia sẻ.

Cuộc trò chuyện đã khiến nhà báo Hồng Minh xúc động và khi về gỡ băng ghi âm vẫn trào lên một cảm xúc thiêng liêng khó tả. Là bởi chị đã thật ngấm "mỗi tấc đất Tổ quốc là một thước đo phẩm giá con người."

Loạt bài “Nơi bắt đầu Tổ quốc” đã được Hội đồng chấm Giải Báo chí Quốc gia đánh giá “hết sức sâu sắc.” Với sự tổ chức công phu, sự thôi thúc của trái tim người cầm bút, các phóng viên đã khơi gợi đúng mạch đập tình cảm của dân tộc, đặc biệt trong thời điểm hiện nay, khi mà hai chữ “chủ quyền” luôn thường trực trong trái tim của người dân đất Việt.

Theo ChiLê (Vietnam+)