.
Tùy bút:

Nếu ai hỏi vì sao...

Thứ Bảy, 26/04/2014, 08:27 [GMT+7]

(QBĐT) - Đó là vào mùa thu năm 1964, lần đầu tiên vang lên giai điệu ấy, ca từ ấy. Vang lên trước hết trên không gian Quảng Bình quê ta rồi ngay sau đó theo làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam truyền đi khắp đất nước.

Mùa thu ấy, tôi bước sang tuổi mười hai, sinh hoạt trong Đội thiếu niên tiền phong của thôn Lộc An, nằm ven tả ngạn sông Kiến Giang. Chị Phan Thị Xuyến, cán bộ Đoàn, phụ trách Đội, cầm nhịp tập cho chúng tôi thuộc từng câu trong ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi!”. Cho đến thời điểm đó, tôi gần như chưa chính thức đi ra khỏi địa bàn làng xã. Bay trước đôi chân người, đôi cánh âm nhạc đã cho tôi biết, ngoài cánh đồng làng còn có những chân trời khác. Từ bến sông quê nhìn lên có Bến Tiến, nơi thượng nguồn Kiến Giang, quê hương thứ hai của Đại Phong lá cờ đầu nông nghiệp “Tay cuốc khai hoang đã đẩy lùi quá khứ nghèo nàn”. Có Quảng Phú đâu đó ở ven biển mà ngư dân đang chung tay lao động chung hưởng thành quả “cá tươi đầy khoang”. 

Từ con sông Kiến Giang quê tôi chảy xuôi nhập về sông cả Nhật Lệ. Xa ngoài kia còn có sông Gianh với hàng dương xanh, cửa Roòn quanh năm sóng vỗ mà vang vọng tiếng hò kéo lưới. Ca khúc bắt đầu bằng một giả thuyết, một nghi vấn: “Nếu ai hỏi vì sao?!” Thì chúng tôi đây sẽ tự tin trả lời, rằng, phải trải qua nhiều đắng cay gian khổ lắm mới có được thành quả ít nhiều hôm nay, là sản phẩm của bàn tay lao động, của đầu óc sáng tạo, của trái tim khao khát hạnh phúc và yêu thương.

Và rằng, có ấm no hôm nay xin đừng quên “những ngày cơ cực tối tăm ngày xưa”. Đừng quên những năm khói lửa đánh Pháp với Cự Nẫm, Cảnh Dương với chiến tích làng chiến đấu và bao người anh hùng ngã xuống. Để hôm nay đây, chỉ mới mười năm thôi, quê ta cũng đã đổi thay nhiều, Có “đồng lúa xanh, hàng dương xanh, biển xanh rừng núi xanh, xanh tươi bốn mùa rộn vang tiếng hò khoan Lệ Thủy trên dòng sông Kiến Giang dạt dào tình quê”. Tất cả thành quả vật chất bền vững hòa quyện trong một giá trị tinh thần cao cả của văn hóa thôn làng, vùng miền, của điệu hò khoan nhặt. Hào sảng, tự tin biết bao. Và, không chỉ như vậy, ca khúc còn ghi dấu lịch sử cụ thể bằng một cảnh báo, một lời nhắc nhở: Hãy “giữ lấy đất trời của quê hương ta, giữ lấy những gì mà ta yêu quý”. Một nguy cơ mất mát đổ vỡ đang đến gần? Đúng vậy đấy! Giữa năm 1964, công cuộc tái thiết quê hương sau chín năm “Bình Trị Thiên khói lửa” mới chưa tròn một chặng ngắn.

Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất gần tới hồi có kết quả, không khí chiến tranh bỗng nóng dần lên. Cách mạng miền Nam giành những thắng lợi vang dội, đối phương cay cú hằm hè mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Quảng Bình trở thành tuyến đầu chống Mỹ. Điểm cực nam của tỉnh chỉ cách bờ sông Bến Hải 10 ki-lô-mét hơn nửa tầm đạn pháo, thị xã Đồng Hới cách giới tuyến năm phút bay của phản lực siêu âm, là nơi quy tụ các đầu mối giao thông thủy bộ trở thành mục tiêu và địa bàn của cuộc chiến tranh ngăn chặn bằng không quân của Mỹ. Ngày 30-6-1964 địch tung biệt kích vào bờ biển Nhật Lệ, bắn DKZ57 vào nhà máy nước Bàu Tró, pháo kích cửa lạch Đồng Hới, nhà thờ Tam Tòa... cả nước hướng tầm nhìn về Quảng Bình như một tiền tuyến lớn.

Quảng Bình lại làm hậu thuẫn trực tiếp cho Trị Thiên như một hậu phương lớn. Ca khúc ngân vang bằng một vĩ thanh đầy lạc quan của dự báo một ngày chiến thắng sẽ đoàn tụ Bình Trị Thiên Nam Bắc “ta sẽ về trong một nhà...”

Mười hai tuổi, không hề có chút vốn liếng nhạc lý nào, vậy mà tôi đã cảm nhận được vẻ đẹp của giai điệu sao thân quen gần gũi như điệu hò năm mái đêm trăng, như tiếng võng đưa, giọng ru em, như tiếng gà gáy trưa hay tiếng gió thổi triền sông. Rất lâu sau này, tôi mới hiểu ra giá trị của giai điệu, rằng, nhạc sĩ đã thẩm thấu được cái thần của dân ca miền Trung, dân ca Bình Trị Thiên để nhanh chóng bắt nhịp với tiết tấu cuộc sống lao động của người Quảng Bình, trở thành giá trị nhân văn, nâng đỡ tinh thần người Quảng Bình trong suốt những năm tột cùng khốc liệt ngay sau đó.

 Nhạc sĩ Hoàng Vân (đứng giữa) cùng hòa giọng Quảng Bình quê ta ơi.
Nhạc sĩ Hoàng Vân (đứng giữa) cùng hòa giọng Quảng Bình quê ta ơi.

Ngày 5-8-1964, lấy cớ sự kiện Vịnh Bắc Bộ, Mỹ phát động cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra toàn miền Bắc. Quảng Bình là một trong những địa bàn bị đánh phá đầu tiên. Đầu xuân Ất Tỵ, với hàng trăm lượt máy bay ném bom, sau hai chiến dịch “Mũi lao lửa”, không quân Mỹ đã biến thị xã Đồng Hới thành bình địa. Suốt bốn năm, không quân và hải quân Mỹ biến Quảng Bình thành tuyến lửa theo đúng nghĩa đen. Nhưng, từ trong đổ nát hoang tàn, người Quảng Bình vẫn đứng vững, hiên ngang vươn ngực đỡ đạn cho cả nước xung phong. Không gian vẫn bình thản vang lên giai điệu trữ tình lạc quan: “Nếu ai hỏi vì sao..., rằng...”. Vì sao đất Quảng Bình, người Quảng Bình lại chịu đựng gan góc đến thế, điềm tĩnh đến thế? Rằng, đất này, 900 năm trước là phên dậu.

Vua Lý nam chinh  thu hồi ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh về với Đại Việt. Qua các đợt di dân tiến xuống phương Nam vào các năm 1075 (dưới triều Lý), 1402 (dưới triều Hồ), 1471 (triều Lê)... những người con ưu tú của hai châu Hoan Ái và các vùng phía Bắc can đảm lên đường đến vùng đất mới, “ác địa” hoang hóa nhưng đầy hứa hẹn thử thách chí trai. Một chữ "Bình" xuất hiện buổi bình minh khai canh lập ấp khi Lý Thường Kiệt, vào năm 1075, vẽ bản đồ ba châu, đổi tên châu Địa Lý (vùng đất Lệ Thủy, Quảng Ninh, Đồng Hới ngày nay) thành Lâm Bình. Gần 350 năm sau, khi đất đã thuộc, người đã thuận, chúa Tiên Nguyễn Hoàng khai sinh địa danh Quảng Bình- Rộng lớn, bằng phẳng và hùng vĩ: Phía tây có Trường Sơn mạnh mẽ che chắn, phía đông có biển cả đầy tiềm năng, vùng giữa là lưu vực năm con sông quanh năm tải nặng phù sa bồi đắp những làng mạc trù phú, những cánh đồng màu mỡ, vũng, đầm, ao hồ tụ thủy. Và phía bắc, dãy Hoành Sơn làm hậu chẩm, điểm tựa mà ai dám kiên cường bám trụ sẽ có tương lai “vạn đại dung thân”.

 Vùng đất ấy, khai sinh chưa tròn ¼ thế kỷ đã bước vào một cuộc tang thương huynh đệ tương tàn: Năm 1627 bắt đầu cuộc chiến phân tranh Trịnh-Nguyễn kéo dài suốt 150 năm. Đất ấy lại trải qua những trận đánh hậu Tây Sơn với quân Nam kỳ (Nguyễn Ánh), cuộc Cần Vương cuối thế kỷ 19, lại chín năm đánh Pháp khói lửa điêu tàn giữa thế kỷ 20. Người ta là hoa đất! Người sinh ra từ đất ấy như quặng đã thành gang, gang thành thép đã được tôi trong lửa đỏ và nước lạnh: “Nếu ai hỏi vì sao...?, Rằng có đắng cay nên chừ mới có ngọt bùi...”.

Hai mươi lăm năm! Kể từ ngày tuổi thơ được tưới tắm bởi giai điệu mát lành, bởi ca từ sáng trong nhân văn mà không kém phần tự tin kiêu hãnh trên đây, tôi đã đi nhiều nơi trên đất nước, học được đạo lý từ sách vở, từ cuộc sống thường nhật, từ cuộc chiến giải phóng miền Nam bảo vệ miền Bắc. Lạ chưa! Quay ra trở vào suốt 32 năm mà chưa một lần dừng lại đủ thời gian chiêm nghiệm mảnh đất mình sinh ra, nuôi mình qua tuổi thiếu thời. Tới hồi cùng bao người chính thức trở về trong một ngày hè tháng bảy chói chang nắng và gió, thì đã qua tuổi tráng niên. Như những năm chiến tranh đã khích lệ người Quảng Bình vượt qua bom đạn chết chóc, “Quảng Bình quê ta ơi!” một lần nữa lại giang đôi cánh nâng đỡ chúng ta bước tiếp chặng đường tái thiết quê hương đầy cam go. Trước một đô thị Đồng Hới hoang tàn qua chiến tranh và sự lãng quên, những làng quê hiu hắt nghèo đói vì cơ chế cũ xơ cứng trói buộc, người Quảng Bình lại vừa định tâm suy vấn vừa hối hả bắt nhịp để nhanh chóng thăng hoa.

Dịp ấy, tháng 7-1989 - kỷ niệm 40 năm Quảng Bình quật khởi (7-1949), có một cuộc tập hợp và biểu dương lực lượng rầm rộ như chưa từng có. Đúng 40 năm sau ngày lực lượng kháng chiến từ rừng núi hạ sơn đánh Pháp, người Quảng Bình hạ quyết tâm xây dựng lại quê hương. Ngày 15-7, thay mặt cả tỉnh, Đồng Hới đón nhạc sĩ Hoàng Vân và phu nhân về thăm, cùng dự cuộc họp mặt với cán bộ và nhân dân. Cảnh cũ người xưa sau hai mươi lăm năm, trên ngói vụn gạch vỡ và cỏ dại, trước một rừng người đủ mọi thành phần đang vô cùng háo hức, nhạc sĩ ôm cây đàn ghita, và giai điệu quen thuộc mượt mà trong trẻo mà cũng không kém phần khỏe khoắn cất lên: “Nếu ai hỏi vì sao...!?

Vâng, là giả dụ như vậy, người Quảng Bình lại sẽ trả lời ngay, rằng, ngay ngày mai, chúng tôi sẽ bắt đầu một hành trình mới, biết là khó khăn, nhưng, chẳng lẽ từ 900 năm qua chúng tôi còn ít thử thách?! Ngày “Quảng Bình tái quật khởi” ấy, tôi đã thấy có người đàn ông qua tuổi lục thập mà còn khóc, vì không khí buổi lễ? vì giai điệu ca từ của ca khúc hay vì nhiều điều khác nữa? nhưng chắc chắn đó là những giọt nước mắt hạnh phúc...                                                       

Thêm hai mươi lăm năm nữa trôi qua! Quảng Bình đã chính thức đứng chung trong hàng ngũ những địa phương “ấn tượng” cả về vật chất lẫn tinh thần, kinh tế và văn hóa, xã hội. “Từ biển xanh... đến rừng núi xanh... xanh tươi bốn mùa” và rất bền vững. Một đô thị Đồng Hới “tái sinh” cường tráng xinh đẹp soi mình bên bờ Nhật Lệ như một phép màu, và một nếp sống văn hóa đô thị đang dần vào ổn định.

Tháng tư, thành phố Đồng Hới vẫn nhiều hoa hồng, hoa phượng đã nở, kỷ niệm 410 năm ra đời danh xưng, Quảng Bình góp mặt góp tiếng trong dàn hợp xướng Việt Nam với tư cách một đơn vị tự chủ, đầy đủ cung bậc tự tin. Năm mươi năm hiện hữu giai điệu ca từ của một ca khúc ra đời như một sự tình cờ mà tất yếu từ cuộc sống, mềm mại như một tiếng ru sau lũy tre lại mạnh mẽ như tiếng hò dô kéo lưới trên biển cả. Tháng 10-2013, một người con ưu tú của Quảng Bình qua đời tại Hà Nội. Tiễn đưa ông, cả không gian thủ đô vang lên giai điệu “Nếu ai hỏi vì sao...”.

Đón Người về đất mẹ, đất trời quê hương cũng dìu dặt âm thanh mềm mại như lời ru “Quảng Bình, khoan khoan hò khoan, bao mến thương, khoan khoan hò khoan...”, mới biết rằng, ca khúc, từ một giá trị tinh thần, qua năm tháng đã thành một lực lượng vật chất, và, đã thành tài sản chung của nhiều thế hệ. Để, mỗi ngày, ở đâu đó, khi vang lên giọng ca của một người: “Ơi chị thanh niên phơi muối ven biển...!" thì có ngay tiếng trả lời của giọng ca thứ hai: “Ơi anh chiến sĩ canh giữ bầu trời...!”. Và, lập tức hàng chục hàng trăm người khác, tâm trạng náo nức cảm giác gai gai như người đi xa trở về từ xa nhìn thấy mái đình cổ và cây đa làng, cùng cất giọng hòa theo: “khoan khoan hò khoan!”. Để ý thức được đầy đủ rằng, khi cả quê hương, cả dân tộc đứng lại gần nhau, cùng hòa chung giọng thì đất trời này, biển cả này sẽ luôn bền vững.

Cảm ơn nhạc sĩ tài hoa Hoàng Vân đã mang đến cho quê hương tôi, cho đất nước chúng ta một giai điệu sáng trong và mạnh mẽ, đồng hành và nâng đỡ trái tim người Quảng Bình, người cả nước qua bao thử thách nguy nan. Cảm ơn người cán bộ phụ trách thiếu niên năm mươi năm trước đã mang về làng một món ăn tinh thần quý giá, cho tôi hành trang trên đường đời mạnh bước đến hôm nay. Để rồi, như một hằng số bền vững, qua mỗi thời đoạn, giả dụ như có ai đó hỏi rằng: “Vì sao...?, thì mỗi người trong chúng ta đều có thể vừa khiêm tốn vừa tự tin lý giải, rằng...!

  Đồng Hới 4-2014

Nguyễn Thế Tường