.

Vĩnh biệt tác giả truyện ngắn "Chiếc lược ngà"

Thứ Sáu, 14/02/2014, 14:13 [GMT+7]

Theo thông tin từ đạo diễn Nguyễn Quang Dũng-con trai nhà văn Nguyễn Quang Sáng, cha anh đã trút hơi thở vào khoảng 17 giờ chiều 13-2, tại nhà riêng (quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh).
 

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

(Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng có bút danh là Nguyễn Sáng. Ông sinh ngày 12-1-1932 tại xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông tham gia bộ đội và hoạt động ở chiến trường miền Nam. Sau năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc, bắt đầu sự nghiệp viết văn kể từ đó.

Bước vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông trở lại miền Nam, cùng tham gia cuộc kháng chiến và tiếp tục viết văn.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+ tối 13-2, ông Đỗ Hàn, Chánh văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ: Nguyễn Quang Sáng là một cây bút lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Sự ra đi của nhà văn là một mất mát lớn đối với nền văn học nước nhà.

“Ông là một tấm gương sáng về sức lao động nghệ thuật bền bỉ, dù tuổi cao nhưng ông vẫn miệt mài sáng tác và tham gia các hoạt động văn nghệ ở Thành phố Hồ Chí Minh,” ông Hàn chia sẻ.

Nguyễn Quang Sáng sáng tác ở nhiều thể loại như: Truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim.

Một số tác phẩm tiêu biểu trong cuộc đời cầm bút của ông như: “Nhật ký người ở lại” (tiểu thuyết, 1961), “Đất lửa” (tiểu thuyết, 1963), “Câu chuyện bên trận địa pháo” (truyện vừa, 1966), “Chiếc lược ngà” (truyện ngắn, 1966), “Bông cẩm thạch” (truyện ngắn, 1969), “Mùa gió chướng” (tiểu thuyết, 1975), “Con mèo của Foujita” (truyện ngắn, 1991), “Nhà văn về làng” (truyện ngắn, 2008)...

Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của nhà văn đã được đưa vào chương trình ngữ văn phổ thông. “Một trong những kế hoạch trong thời gian tới của tôi là chuyển thể truyện ngắn ‘Chiếc lược ngà’ của ba tôi thành phim. Thế nhưng, khi thực hiện dự án này, tôi sẽ không còn được ba chỉ dạy nữa,” đạo diễn Quang Dũng nghẹn ngào.

Bên cạnh đó, ông còn ghi dấu ấn của mình ở lĩnh vực biên kịch với các kịch bản phim: “Cánh đồng hoang” (1978), “Pho tượng” (1981), “Mùa nước nổi” (1986), “Thời thơ ấu” (1995), "Như một huyền thoại" (1995)…

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 2, khóa 3 và là Phó Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa 4.

Ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.

Theo An Ngọc (Vietnam+)