.

Thần Đinh... hư và thực

Thứ Hai, 17/02/2014, 14:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Soi mình bên dòng Đại Giang hiền hòa, núi Thần Đinh (xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh) bây giờ được rất nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến như một địa chỉ du lịch tâm linh của tỉnh Quảng Bình. Cứ mỗi độ ra giêng, dòng người từ khắp nơi hội tụ đến núi Thần rồi theo từng bậc đá mà lên đến đỉnh, nơi đó vẫn còn lại dấu tích của ngôi cổ tự xưa- chùa Kim Phong. Hay gọi một cách dân dã là chùa Non.

 

Núi Thần Đinh.
Núi Thần Đinh.

Lạc vào cõi hư

Nhiều năm về trước, khi những bậc đá lên núi chưa được tôn tạo, làm mới, khi vãn cảnh Thần Đinh du khách ngỡ như lạc vào cõi mơ. Không gian thoáng đạt, đại ngàn rợp bóng cổ thụ, chim chóc, muông thú buông mình dọc từng vách đá... Bây giờ, khi bàn tay con người chạm vào núi Thần, mọi sự cơ hồ thay đổi nhiều, 1.260 bậc đá làm mới; dưới chân núi một ngôi chùa tạm mọc lên; hàng quán tạm theo sự hiện diện ngày càng đông của du khách...

Nhưng không vì thế mà Thần Đinh mất đi nét hoang sơ, huyền hoặc, linh thiêng. Trong ánh sương mờ của một buổi sáng tháng giêng váng vất trên những tán cây cổ thụ, tôi lạc trong dòng người tấp nập lên xuống núi Thần, đi lạc vào vùng đất thiêng “Đầu Mâu đa tiên, Thần Đinh đa phật”.

Vượt hết 1.260 bậc thang đá... sức không thể gượng được nữa, thấy non cao ngất ngưỡng, với tay ngỡ chạm vào mây núi, trước mặt chợt hiện ra một bãi đất bằng phẳng. Đó là dấu tích chùa Non xưa!

Chùa Non xây dựng năm 1701 dưới triều vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa. Truyền rằng, trụ trì ngôi chùa là thầy An Khả, thông minh, tài trí hơn người. Chùa Non vì thế tiếng lành đồn xa, phật tử, tăng ni theo về cùng chăm lo Phật pháp. Khi thầy An Khả sắp viên tịch, ngài gọi đệ tử đến bên dặn dò hậu sự, lại sai cắt lấy ngón tay út làm vật thiêng trấn chùa, lưu hai câu thơ “Tiền kiếp tử Thần Đinh. Hậu kiếp sinh Càn Long vương”. Xong, thầy An Khả về cõi niết bàn. Lạ kỳ thay! Ngón tay út của thầy An Khả không hề bị thối rữa.

Cũng theo truyền thuyết, vua Càn Long, nhà Thanh Trung Quốc sinh ra bàn tay bị thiếu mất ngón út. Biết mình có duyên nợ tiền kiếp với chùa Non xứ Việt bèn cho đúc một quả chuông “Thần Đinh Tự chung” dâng tiến. Quan quân nhà Thanh theo đường thủy đưa “Thần Đinh Tự chung” đến cửa biển Nhật Lệ thì gặp phải cuồng phong, thuyền chở chuông bị chìm. Về sau có một người đánh cá khi giăng lưới vớt được quả chuông thấy khắc “Thần Đinh Tự chung”, “Càn Long phụng cúng”, hiểu rõ ngọn ngành bèn dâng chuông cho chùa Non. “Thần Đinh Tự chung” theo sự suy tàn của chùa Kim Phong mà lưu lạc trong nhân gian. Cho đến tận bây giờ chẳng ai biết số phận quả chuông đang ở đâu, mặc thời gian phủ thêm chiều dày của giai thoại, của huyền tích.

Trên đỉnh Thần Đinh còn có giếng Tiên, truyền thuyết kể rằng nơi đây từng được các nàng tiên trên trời xuống tắm. Một hồ nước to chừng khoảng chiếc nong được kết tụ lại từ linh khí trời đất, từ long mạch núi Thần mà quanh năm nước trong văn vắt, không bao giờ cạn. Du khách vãn cảnh Thần Đinh thường xin nước giếng Tiên về để uống, họ tin rằng sẽ chữa được bệnh tật, cho tâm hồn con người thanh sạch.

Trở về cõi thực

Lang thang theo lối lên đỉnh núi Thần gặp toàn người thân quen, bắt tay chào nhau qua cái thở dốc, gấp gáp. Mệt! Trong dòng người đó, tôi thoáng thấy ông  Trần Văn Anh, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân. Ông chủ tịch xã thông báo một tin vui đầu xuân mới: “Khách tham quan núi Thần Đinh tăng đột biến, bình quân mỗi ngày nghỉ cuối tuần gần ba nghìn người. Trong mười ngày sau tết khoảng mười lăm nghìn người lên Thần Đinh. Mừng khi xã nhà có một di tích lịch sử, tâm linh được nhiều người biết đến, nhưng rất lo, lo về vấn đề an ninh, về bảo vệ cảnh quan môi trường”.

Một ngày ở với Thần Đinh, tôi cảm nhận được nỗi lo của ông chủ tịch xã là có cơ sở. Dù UBND xã Trường Xuân thường xuyên cắt cử lực lượng đoàn viên thanh niên, dân quân tự vệ túc trực vệ sinh cảnh quan, đặt các biển báo chỉ dẫn, bố trí các thùng rác dọc đường lên núi... nhưng rác vẫn cứ “được” khách tham quan vô tư vứt tùy hứng.

Du khách lên với núi Thần.
Du khách lên với núi Thần.

Rồi cảnh thắp hương, hóa vàng mã... khách hành hương chen chúc, xô lấn nhau để được thắp lấy vài nén hương nơi miếu cổ, trên nền chùa Kim Phong xưa hay cố gắng tìm cho mình một nơi để đặt lễ cúng. Hương được cắm vô tội vạ... cắm ở những nơi có thể cắm, từ chân núi Thần Đinh, dọc đường đi, các hốc đá, gốc cây cổ thụ, chẳng tuân thủ theo một quy luật tâm linh nào. Rồi việc hóa vàng mã, cứ chen nhau mà đốt lấy đốt để.

Trên nền đất chất hẹp ở đỉnh núi Thần Đinh, người người đứng, ngồi, khấn, bái, thắp hương, hóa vàng trong không khí nồng mùi hương khói và mùi vàng mã cháy khét. Chưa hết... ở giếng Tiên quang cảnh càng mất trật tự hơn, giếng Tiên vốn hiền hậu, thanh sạch, nước trong veo vậy mà trở thành đục ngầu vì khách tranh nhau lấy nước.

Tôi không thể hiểu vì sao người dân mình đến một nơi linh thiêng như núi Thần Đinh mà có những suy nghĩ, hành động ấu trĩ, thậm chí quá ngớ ngẩn. Ngay chân núi, để có thể khởi động trùng tu, xây mới lại chùa Non, UBND xã Trường Xuân cho tập kết gạch để khách lên núi với lòng thiện tâm mang theo một viên gạch tùy theo tấm lòng hướng Phật. Đây là một ý tưởng hay và thực tế nhiều du khách, trong đó có tôi đã mang theo gạch lên đến đỉnh.

Tuy nhiên, cũng rất nhiều người dùng gạch trải ra hai bên đường lên núi để thắp hương. “Thần Đinh đa Phật”, trên đỉnh núi Thần xưa kia có chùa Kim Phong là nơi tu hành của tăng ni, phật tử. Tuy rằng ngôi chùa nay chỉ còn hoang tích thì núi Thần cũng là nơi thờ phượng Phật, thế mà không ít khách đi lễ với những mâm lễ vật quá phồn thực có đầu heo, gà luộc... Phật nào dám nhận lễ vật này?!

Tôi phàn nàn những vấn đề còn rất tục, rất thực này với Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, ông Trần Văn Anh gật đầu đồng thuận “Rất... rất nhiều vấn đề đặt ra cho núi Thần Đinh mỗi khi bước vào mùa hành hương tức là khoảng thời gian từ tết âm lịch cho đến rằm tháng giêng. Riêng chuyện đặt thêm lư hương, nơi hóa vàng mã... xã sẵn sàng làm ngay, ngân sách tốn chẳng mấy đâu. Nhưng khi làm xong, lỡ sai quy cách, quy định... ai chịu trách nhiệm đây. Chúng tôi đề nghị tỉnh, huyện, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch vào cuộc để núi Thần Đinh thực sự trở thành điểm du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh thanh sạch, lý tưởng thu hút ngày càng nhiều du khách hành hương, vãn cảnh”.

Vãn cảnh núi Thần, mỗi người giữ cho mình những điều tốt đẹp, để hy vọng về một cuộc sống tươi đẹp hơn, quê hương, đất nước vững vàng hơn trên con đường đổi mới. Cho dù giữa đời thực vẫn còn nhiều bất cập không thể chiều theo tâm ý của bất cứ một người nào.

Ngô Thanh Long