Thành Lồi Cao Lao Hạ, đặc trưng di tích lịch sử văn hóa Chămpa

Cập nhật lúc 07:18, Thứ Sáu, 26/04/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Di tích lịch sử thành Lồi Cao Lao Hạ nằm ở bờ nam sông Gianh, thuộc địa phận làng Cao Lao Hạ, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch. Ra đời vào khoảng giữa thế kỉ thứ IV, thành Lồi Cao Lao Hạ gắn liền với một thời kỳ tồn tại và phát triển mạnh mẽ trong đời sống văn hóa - xã hội của cư dân Chămpa trên đất Quảng Bình; đóng vai trò quan trọng trong việc phòng thủ vùng biên địa của quốc gia Lâm Ấp trong mối quan hệ luôn mang tính đối đầu với các triều đại phong kiến phương Bắc, góp phần ổn định đời sống chính trị - xã hội trên vùng đất này.

Đặc trưng kiến trúc Chămpa

Thành Lồi Cao Lao Hạ còn có những tên gọi khác như thiềng Kẻ Hạ, thành Lồi Kẻ Hạ, thành Cao Lao Hạ, Cao Lao thành... Không như những tòa thành hiện có trên dải đất miền Trung, thành Lồi Cao Lao Hạ hầu như không hề được nhắc đến trong các bộ chính sử và chưa có nguồn tài liệu nào xác định chính xác năm tháng ra đời của nó. Nhưng dựa vào vị trí, đặc điểm cấu trúc và các kết quả điều tra khảo cổ học được công bố cho phép, chúng ta xác định được chủ thể và thời gian xây dựng.

Người Chăm sau khi giành được độc lập đã cho xây dựng nhiều thành quách, các công trình phòng thủ quân sự nhằm bảo vệ quốc gia. Vết tích của một số thành cổ Chămpa như Cổ Lũy (Quảng Ngãi), thành Hóa Châu, thành Lồi (Thừa Thiên - Huế), thành Châu Sa (Quảng Ngãi), thành Đồ Bàn (Bình Định), thành Hồ (Phú Yên), thành Diên Khánh (Khánh Hòa)... cho thấy những tòa thành này thường được xây dựng ở những vị trí xung yếu, gần cửa sông, cận biển hoặc ngã ba sông, lấy sông làm trục chính và thường nằm ở bờ nam sông. Người Chăm khi xây dựng thành thường lợi dụng tối đa địa hình tự nhiên đắc địa nhằm tăng cường tính phòng thủ của tường thành và hào lũy; thành thường có cấu trúc kép, vòng thành phía ngoài có khuynh hướng dựa vào địa hình tự nhiên, vòng thành bên trong được đắp khá quy chỉnh.

Thành Lồi Cao Lao Hạ cũng được xây dựng theo nguyên tắc đó. Thành nằm ở vị trí khá hiểm yếu bên bờ nam sông Gianh, lấy sông làm trục chính, có núi bọc phía tây - nam sang đông - nam. Nếu bỏ qua những ngọn núi phía Tây thì vị trí của tòa thành nằm ở điểm cao nhất, xung quanh thành là đồng ruộng phì nhiêu với hệ thống sông ngòi khá thuận lợi về mặt giao thông, giao thương - một đặc điểm dễ nhận thấy ở các tòa thành, đền tháp Chămpa.

Một góc hào và bờ thành Lồi Cao Lao Hạ còn lại.
Một góc hào và bờ thành Lồi Cao Lao Hạ còn lại.

Về hình dáng, thành Lồi Cao Lao Hạ có dạng hình chữ nhật, chiều rộng bắc nam khoảng 200m, chiều dài đông tây khoảng 270m, cao khoảng 2m, chân thành rộng khoảng 10m, mặt thành rộng 5m. Thành có 3 cửa (cửa Nam, cửa Bắc và cửa Đông). Xung quanh tòa thành là thửa ruộng hẹp chạy vòng theo bức tường thành và thấp hơn so với các thửa ruộng xung quanh đó.

Từ vị trí địa lý với những dấu tích bờ thành còn sót lại ở thành Cao Lao Hạ, chúng ta thấy rằng, tuy không được xây dựng theo cấu trúc kép như thường thấy ở các thành Chăm khác nhưng có sự bao bọc của dãy núi Trường Sơn và dòng sông Son ở phía Tây, sông Gianh ở phía Bắc đã tạo nên hào lũy tự nhiên cho tòa thành, khiến vị trí của nó trở nên hiểm yếu, đắc địa hơn.

Bên cạnh đó, những hiện vật, vật liệu xây đắp còn lại ở hầu khắp khu vực tòa thành là cơ sở cho chúng ta khẳng định được chủ nhân của tòa thành này là người Chăm. Trong lần điều tra khảo sát các di tích văn hóa Chămpa ở Quảng Bình do Viện khảo cổ học và Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình phối hợp thực hiện năm 2005, đã tiến hành khảo sát thành Lồi Cao Lao Hạ và phát hiện được một số hiện vật có niên đại thuộc văn hóa Chămpa như gạch Chăm làm bằng đất nung, các mảnh gốm, hũ... và đặc biệt là những mảnh đầu ngói ống trang trí hình thủy quái (kala), đặc trưng của vật liệu kiến trúc Chămpa.

Ngoài ra, sự có mặt của những phiến đá to dài, khá bằng phẳng dưới chân thành và những viên gạch nung có kích thước 18cm x 10cm x 40cm giống như những viên gạch người Chăm thường dùng để xây dựng các công trình kiến trúc của mình. Đặc biệt những lớp gạch được xếp chồng lên nhau mà không có lớp vữa kết dính, một kỹ thuật xây khá phổ biến của người Chăm.

Gìn giữ di tích

Được xem như diện mạo vật chất của hoạt động quân sự, thành lũy chính là minh chứng cho những thành tựu khoa học kỹ thuật của mỗi thời đại, mỗi dân tộc. Thành Lồi Cao Lao Hạ với quy mô tương đối lớn, được xây đắp kiên cố, là một trong những công trình kiến trúc thành lũy độc đáo, ẩn chứa tài năng, trí tuệ của người Chăm.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, chịu sự tàn phá nặng nề của thiên tai, chiến tranh và những biến động tự nhiên-xã hội khiến cho tòa thành ít nhiều đã bị biến dạng, hiện chỉ còn lại dấu tích bốn bờ tường thành là khá rõ. Thành có hình dạng chữ nhật, đắp bằng đất, có 3 cửa (cửa Nam, cửa Bắc và cửa Đông), hiện cửa Nam và cửa Bắc không còn rõ lắm vì nhân dân địa phương đã san thành trong quá trình sản xuất lúa, cửa Đông rộng 07m.

Để có cơ sở cho việc bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị khảo cổ học phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu về lịch sử văn hóa Chămpa, ngày 13 tháng 12 năm 2012, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành quyết định số 3074/QĐ-CT xếp hạng di tích lịch sử đối với thành Lồi Cao Lao Hạ, thể hiện thái độ ứng xử văn hóa đúng đắn, góp phần làm phong phú nền văn hóa dân tộc.

Để có kế hoạch bảo vệ tốt di tích, trước mắt, các cơ quan, ban ngành trực tiếp liên quan cần phối hợp thành lập Ban bảo vệ di tích, dựng biển hướng dẫn đường đến di tích tại đường Quốc lộ 1A. Khi điều kiện cho phép cần có kế hoạch từng bước tôn tạo lại di tích, dựng bia di tích để thuận lợi cho du khách đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu di tích.

Trong nhà trường, nên tổ chức những buổi ngoại khóa cho học sinh đến tham quan di tích nhằm giúp cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu rõ hơn về cội nguồn dân tộc. Tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về giá trị của di tích nhằm tăng cường hơn nữa công tác xã hội hóa về tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích gắn liền với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...

                                                         Lê Mai - Minh Đức

 

,
.
.
.